Các nghị sĩ Mỹ cho rằng, nếu Mỹ không tung ra các biện pháp trừng phạt thì điều đó sẽ phát đi “một thông điệp kinh khủng”. Dự kiến, một ủy ban quan trọng của Thượng viện sẽ bỏ phiếu một dự luật thêm nữa nhằm trừng phạt Ankara.
"Thời gian dành cho sự kiên nhẫn đã hết. Đã đến lúc ngài cần phải thực thi luật", Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Van Hollen và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã nói như vậy trong một bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. "Không làm điều đó sẽ đồng nghĩa với việc phát đi một thông điệp kinh khủng đối với nước khác rằng họ có thể coi thường luật của Mỹ mà không phải hứng chịu hậu quả gì”, các nghị sĩ Mỹ cho hay.
Ankara và Washington đang đối đầu nhau gay gắt về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga. Washington giải thích rằng S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và gây ra mối đe dọa với các chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều nghị sĩ Mỹ nổi giận khi phớt lờ những lời đe dọa của Mỹ về các biện pháp trừng phạt và đón nhận đợt bàn giao S-400 đầu tiên hồi tháng Bảy vừa rồi. Để đáp trả lại hành động của Ankara, Washington quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn kiềm chế chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara tiếp tục khiến giới nghị sĩ Mỹ tức giận khi đưa quân vào Syria phát động chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd – đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thượng nghị sĩ Jim Risch – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã nói với các phóng viên rằng, ủy ban này sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu vào tuần tới về một dự luật riêng rẽ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Ankara.
Khi được hỏi liệu có phải sự kiên nhẫn của ông với Thổ Nhĩ Kỳ đã hết, ông Risch thẳng thừng trả lời rằng điều đó đã xảy ra trước đây rồi.
Mỹ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải từ bỏ tên lửa S-400. Tuy nhiên, điều mà Washington nhận được từ đồng minh trong những ngày qua là một lập trường cứng rắn và đầy thách thức. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống phòng không đình đám mà họ vừa mua được từ Nga. Đồng thời, có tin, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ký hợp đồng mua thêm S-400 từ Nga trong nửa đầu năm sau.
Các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Mỹ choáng váng và tức giận. Dù vậy, Washington vẫn bày tỏ hy vọng về việc Ankara thay đổi lập trường trong vấn đề S-400.
Tổng thống Trump hồi cuối tháng trước đã đón tiếp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Nhà Trắng và hai nhà lãnh đạo này đã bàn về vấn đề S-400. Ông Trump miêu tả cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là “tuyệt vời”.
Tuy nhiên, không rõ liệu hai nước thành viên NATO có đạt được bất kỳ bước đột phá nào trong việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng mang tên S-400. Sau cuộc gặp này, giới chức Mỹ đã liên tiếp ra tối hậu thư buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải hủy bỏ hệ thống S-400. Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố không từ bỏ tên lửa S-400.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.