Một thính giả ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang gửi thư về VOV hỏi: "Tôi và chồng kết hôn được 5 năm, chúng tôi không có con chung, do có nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống nên vợ chồng tôi quyết định ly hôn và đã nộp đơn đến Tòa án huyện. Trong đơn ly hôn, chúng tôi không có thỏa thuận gì về tài sản, tất cả đều là thỏa thuận miệng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi Tòa án giải quyết, không may chồng tôi bị tai nạn giao thông và qua đời. Lúc này, gia đình chồng đang gây sức ép và yêu cầu tôi phải trả lại tất cả tài sản của chồng với lý do chúng tôi đã làm đơn ly hôn. Nhưng tôi nghĩ tôi có quyền được hưởng thừa kế tài sản của chồng vì chúng tôi chưa có quyết định từ Tòa án. Xin hỏi, trong trường hợp của tôi thì quyền thừa kế tài sản được xác định như thế nào?"
Luật sư Phạm Văn Liêm, Công ty Luật TNHH Nước Việt - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Luật sư Phạm Văn Liêm, Công ty Luật TNHH Nước Việt - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Luật Hôn nhân và gia đình thì quan hệ hôn nhân chấm dứt trong các trường hợp sau:
Thứ nhất là chấm dứt do ly hôn: trường hợp này thì thời điểm chấm dứt kể từ ngày bản án hoặc quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
Thứ hai là chấm dứt do một bên vợ hoặc chồng chết;
Như vậy, với trường hợp của thính giả thì Tòa án chưa giải quyết vụ việc ly hôn của thính giả và chưa có bản án hay quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật; do đó trước khi người chồng chết thì hai người vẫn là vợ chồng. Sau khi chồng chết thì thính giả vẫn được hưởng thừa kế phần di sản mà chồng mình để lại theo quy định của pháp luật.
Di sản này có thể là tài sản riêng của chồng hoặc trong khối tài sản chung của vợ chồng. Do đó, việc gia đình nhà chồng yêu cầu thính giả phải trả lại tất cả tài sản của người chồng là chưa có căn cứ pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng thính giả có thể gồm có: người vợ và bố mẹ đẻ của người chồng; những người này có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với di sản và đối với các khoản nợ do người chồng để lại (nếu có); di sản này sẽ là tài sản của ai thì phải dựa trên cơ sở thỏa thuận phân chia của những người thừa kế, nếu họ không tự thỏa thuận phân chia được thì có thể yêu cầu Tòa án phân chia.
Lưu ý rằng đây là quan hệ pháp luật dân sự và một trong những nguyên tắc của pháp luật dân sự là mọi giao dịch phải được xác lập dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Nên mọi giao dịch trái với nguyên tắc trên sẽ bị vô hiệu.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Luật sư Phạm Văn Liêm cho rằng, thính giả có thể trực tiếp hoặc nhờ người có uy tín, có hiểu biết pháp luật để giải thích rõ cho những người trong gia đình nhà chồng để trên cơ sở đó hướng đến việc thỏa thuận phân chia di sản là điều tốt đẹp nhất.
Mặt khác, về phía mình, thính giả cũng phải cho gia đình nhà chồng thấy được là mình không có ý định chiếm dụng tài sản do chồng để lại vì thực tế thính giả đang là người chiếm hữu, sử dụng tài sản trong khi đó người trong gia đình nhà chồng cũng có thể có quyền hưởng phần di sản đó.
Trong trường hợp không tự thỏa thuận để giải quyết được thì chị có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu chia di sản theo quy định của pháp luật./.