[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU?

BBT |

Toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến với 6 bác sĩ uy tín, chỉ ra nguyên nhân thực sự và những giải pháp căn bản giải quyết tình trạng bạo lực y tế nhức nhối thời gian qua.

Chưa đầy 2 tuần sau Tết Nguyên đán, hàng loạt các vụ hành hung nhân viên y tế liên tiếp xảy ra với mật độ dày đặc và tính chất ngày càng manh động. 

Chưa bao giờ các nhân viên y tế lại phải chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, ngày tôn vinh nghề nghiệp của họ bằng một tâm trạng hoang mang và bức xúc như vậy. Nhiều bác sĩ tâm huyết đã đồng loạt lên tiếng về nạn bạo hành y tế trong ngày này. 

Đứng trước nạn bạo hành, những nhân viên y tế - vốn được xã hội tôn xưng "lương y như từ mẫu" - lại không được hưởng cơ chế bảo hộ về mặt pháp luật, không được phép bỏ mặc tính mạng của bệnh nhân nên thực sự cô đơn và cam chịu.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Văn Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), bị đánh rách giác mạc hồi tháng 10/2017.

Bên cạnh đó, về phản ứng của xã hội, bên cạnh những người chia sẻ, cảm thông, không ít người có thái độ đồng tình, chấp nhận sự bạo hành đối với nhân viên y tế.

Tuy nhiên, có một điều không nhiều người hiểu được, khi nạn bạo hành xảy ra, thiệt hại nhiều nhất không thuộc về những nhân viên y tế trực tiếp bị đánh hay ngành y tế. Thiệt hại nặng nề nhất thuộc về người dân, những bệnh nhân đang trực tiếp điều trị tại các cơ sở y tế. Những người đó có thể đang là người thân của chính chúng ta.

Bởi vì khi bác sĩ bị bạo hành sẽ không cấp cứu kịp thời bệnh nhân

Khi bác sĩ bị bạo hành sẽ không đủ điều kiện thực hiện các biện pháp chuyên môn tốt nhất cho bệnh nhân 

Khi bác sĩ bị bạo hành sẽ e ngại khi đề xuất những giải pháp tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân 

Qua buổi giao lưu trực tuyến "BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: LỖI TẠI ĐÂU?", chúng tôi mong muốn góp phần giúp người dân thấu hiểu công việc và tâm tư của những nhân viên y tế, từ đó xoá mờ khoảng cách của ngành y với dư luận xã hội nói chung. 

Các vấn đề sẽ được làm rõ trong buổi giao lưu trực tuyến:

- Các nguyên nhân của bạo lực y tế ở Việt Nam

- Những tổn thất cho nền y tế và người bệnh trong xu hướng bạo lực y tế tăng cao

- Đề xuất, hiến kế về giải pháp giải quyết bạo lực y tế

Buổi giao lưu diễn ra vào hồi 09h Thứ 3 ngày 06/03/2018 với sự tham gia của các khách mời:

Tại miền Bắc: 

PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, PGĐ BV Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội 

Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung Ương

Tại miền Nam: 

 TS. BS Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc tế EXSON 

Ths. BS Nguyễn Thu Hà, khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV FV  

Tại Nhật: 

TS.BS Phạm Nguyên Quý, Khoa Nội khoa ung thư, BV Đại học Kyoto, Nhật Bản 

Tại Mỹ:

BS Wynn Huynh Tran, BS Nội, Phòng khám Wynn, BV ĐH Keck Đại học Southern Califonia, Los Angeles, USA, người sáng lập tổ chức Y khoa VietMD.net.

* Độc giả và các cán bộ y tế quan tâm chương trình có thể gửi câu hỏi vào email [email protected]. Trân trọng! 

NỘI DUNG CUỘC GIAO LƯU

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 2.

Đại diện báo điện tử Trí thức trẻ tặng hoa BS Võ Xuân Sơn mở đầu buổi giao lưu

Hỏi: Thưa BS Nguyễn Lân Hiếu, là người trong cuộc (bác sĩ trực tiếp làm chuyên môn, là người quản lý, phó GĐ BV), là người có trọng trách lo cho sự phát triển nói chung của ngành Y (Đại biểu QH), ông có cảm nghĩ như thế nào khi thấy nhân viên y tế bị bạo hành? (nguyenhonghanh....@gmail.com )

BS Nguyễn Lân Hiếu: Cảm nghĩ đầu tiên lá rất bức xúc, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, những vụ bạo hành y tế xảy ra một cách quá thường xuyên, do đó, từ cảm xúc bức xúc đã chuyển thành cảm giác rất buồn.

Những cố gắng của chúng tôi cũng như toàn xã hội có vẻ chưa đúng hướng, bằng chứng là số vụ bạo hành không những không giảm mà còn tăng một cách đột biến trong thời gian vừa qua.

Hỏi: Xin hỏi PGS. Nguyễn Lân Hiếu, hiện tại chi phí y tế của Việt Nam rất thấp, các bệnh viện hoạt động không có lãi. Việc này dẫn đến các hoạt động y tế chắp vá, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ nhân viên y tế không được trả công tương xứng với lao động, các dịch vụ trong bệnh viện trở nên tạm bợ và tạo ra quá tải => tiêu cực, quá tải => bức xúc cho người dân => bạo lực. PGS có đồng ý với ý kiến trên? Với tư cách đại biểu quốc hội, PGS có đề xuất hướng giải quyết vấn đề này như thế nào? (độc giả Bui Nghia Thinh)

BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi đồng ý với ý kiến trên, đây chính là cốt lõi của vấn đề. Tuy nhiên, không chỉ mình ngành Y giải quyết được vì đây là vấn đề của toàn xã hội. Ở các xã hội phát triển, chi phí cho y tế và giáo dục luôn nhận được sự quan tâm lớn của tất cả các chính phủ như một tiêu chí để tranh cử. Chính vì vậy, chi phí cho y tế giáo dục luôn ở mức cao nhất.

Vừa qua, nghị quyết TW 6 đã nhấn mạnh đến đầu tư và chi phí cho y tế với rất nhiều hướng đi mở. Tôi hy vọng Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần sớm đưa ra các nghị định và quy định cụ thể nhằm nâng cao chi phí cho y tế, đặc biệt là ở các tuyến cơ sở.

Riêng ý kiến cá nhân tôi, cần có một giải pháp tổng thể trong việc phát triển y tế, không để y tế phát triển chạy theo các kỹ thuật cao, chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế của từng bệnh viện mà không có chiến lược chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 3.

BS Nguyễn Lân Hiếu đang trả lời câu hỏi của độc giả gửi đến chương trình.

Hỏi: Tôi thấy buổi giao lưu hôm nay 6 bác được mời thì có 2 bác ở nước ngoài, 3 bác làm sếp, 1 bác làm ở bệnh viện quốc tế, khoa chẩn đoán hình ảnh cũng ít va chạm. Toàn mấy bác nguy cơ bị bạo hành ít hoặc không có. Liệu các bác có hiểu được về thực tế bạo lực y tế để có thể giải thích về nguyên nhân và đưa ra được giải pháp không? (Một nhân viên y tế)

BS Nguyễn Thu Hà: Xin cảm ơn bạn cho tôi một câu hỏi hay vô cùng, đây là  câu hỏi hay mà tôi rất thích.

Mình làm ở đâu không quan trọng, nếu thực sự quan tâm đến vấn nạn bạo hành y tế thì có rất nhiều cách để quan sát, tìm hiểu và tận tâm. Bây giờ Internet rất rộng, tiện lợi và rất nhanh, chỉ cần một cú nhấp chuột giữa ngút ngàn kênh thông tin và ứng dụng ta có thể biết và kết nối tận Mỹ, Pháp chỉ sau 2 phút.

Nơi tôi làm ít để xảy ra bạo hành bởi các nhân viên được đào tạo khá tốt để nhận diện nguy cơ, nếu nghi ngờ có dấu hiệu là họ biết thay đổi tình thế làm dịu cơn khó chịu của bệnh nhân. Còn thực tế, chuyện bạo hành không chọn nơi phí đắt hay rẻ, nó cũng không chọn bệnh viện công hay tư. Vấn đề là do nơi đó đã cho cơ hội bạo hành được xảy ra. 

Tại sao tôi quan tâm? Bởi thấy đồng nghiệp bị bạo hành tôi cũng chạnh lòng. Nhưng càng quan tâm tôi càng thấy có nhiều góc khuất, những góc khuất giữa người bệnh và thầy thuốc rất sâu, nếu không chịu chia sẻ và cho nhau cơ hội để thấu hiểu, không chịu đặt mình vào vị trí của nhau, không chịu nói ra những bức xúc của mình, mặc đối phương tự đoán như thời gian qua thì mãi mãi mỗi quan hệ của Thầy thuốc và Bệnh nhân là ở 2 chiến tuyến đối đầu.

Tôi muốn mối quan hệ Thầy thuốc và người bệnh đẹp đẽ chứ không phải như bây giờ.

Đưa luật y vào ngành luật để bảo vệ nhân viên y tế là việc cần làm sớm và khẩn trương, chúng ta đưa ra luật để ngăn chặn những kẻ côn đồ. 

Nhưng nói về tính nhân văn giữa cộng đồng một chút thì, luật chỉ là cứu cánh bất đắc dĩ. Luật không phải là cách làm cho Thầy thuốc và Bệnh nhân thương nhau hơn. Luật cũng không hoá giải được mâu thuẫn mà chỉ đàn áp nó để nó bớt xảy tại Bệnh viện, một nơi gọi là "nhà thương" thì lại biến nó thành võ đài để hành hạ nhau. Tôi buồn, rất buồn các bạn ạ....

Nếu bạn làm trong ngành Y mà dung túng, thờ ơ thì nạn bạo hành là mồi lửa đốt cháy tính nhân văn ở môi trường y tế. Điều này sẽ cũng khiến chúng ta tổn thương. Còn gì tệ hại và đáng thương hơn nếu bệnh nhân của mình lại chán ghét mình, căm hận mình, và nguy hiểm nhất là không chịu tin mình. Và cứ thế chúng ta và bệnh nhân cứ đuổi nhau chạy vòng quanh bế tắc.

Hỏi: Theo ông, nạn bạo hành y tế hiện tại ở VN đang nghiêm trọng đến mức nào? Ông có thể so sánh với 1 số nước trong khu vực? (độc giả Trung Trần)

BS Võ Xuân Sơn: So với các nước phát triển hơn chúng ta như Mỹ hay Ấn độ, số lượng vụ bạo hành y tế không đến mức trầm trọng về số lượng nhưng chủ yếu do truyền thông đưa lên, và có thể do chúng ta thống kê chưa đầy đủ, không có nơi nào để nhân viên y tế (NVYT) báo cáo.

Nhưng về tính chất, các vụ bạo hành y tế (BHYT) càng ngày càng nặng nề, manh động, không có lý do liên quan đến tiêu cực trong ngành y. Trước kia BHYT xảy ra là do bức xúc với các tệ nạn của ngành y nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, các vụ bạo hành do bức xúc không nhiều.

Điển hình 4 vụ trong dịp Tết vừa qua đều như vậy. Đơn cử như vụ ở Yên Bái, thân nhân người bệnh không có lý do gì để bức xúc. Vợ con anh đã mẹ tròn con vuông, chỉ vì trèo lên tường chĩa máy để quay hình bác sĩ bị phát hiện mà anh đánh người ta.

Tôi có trao đổi với một số bác sĩ ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippine và Singapore thì họ rất ngạc nhiên. Ở đó cũng có bạo hành nhưng chủ yếu chỉ là bằng lời nói nặng nề và xúc phạm.

Một số trường hợp khác rơi vào các nhân viên điều dưỡng, nhưng việc bạo hành, đánh đập bác sĩ thì rất hiếm. Một số trường hợp bị xử phạt rất nặng nề. Do đó về sau, tình trạng ấy rất rất hiếm.

Hỏi: Đọc bài giới thiệu tôi thấy nói khi nạn bạo hành y tế xảy ra thì người thiệt thòi nhất không phải nhân viên y tế mà là người dân. Xin các chuyên gia phân tích rõ, những thiệt hại này là gì? Nếu được thì xin phân tích cả thiệt hại cho ngành y tế và thiệt hại cho người bệnh (Trương Công Hậu, 56 tuổi, [email protected] )

BS Nguyễn Trung Cấp: Một bác sĩ phải cấp cứu, điều trị rất nhiều bệnh nhân, chỉ cần 1 người bạo hành thì tất cả những người bệnh khác đều sẽ bị gián đoạn quá trình cấp cứu, điều trị và có thể ảnh hưởng đến sinh mạng và sức khỏe.

Ví dụ: Trong trường hợp gần đây, một lái xe đã chặn xe cứu thương và đánh tài xế xe cứu thương, nhưng bệnh nhân trên xe cứu thương sau đó đã đến bệnh viện muộn và tử vong, nguyên nhân có thể do trên đường xe cứu thương bị chặn không cho vượt dẫn đến không được điều trị kịp thời.

- Trong một nghiên cứu tại Anh gần đây cho thấy, khi các bác sĩ bị bạo hành, 25% bị bạo hành stress trong 2 tuần, 21% bị stress trong 3 tuần, 17% bị stress kéo dài hơn.

Nếu các bác sĩ này vẫn phải làm việc thì giai đoạn này chắc chắn chất lượng khám, chữa bệnh,... sẽ không hiệu quả như bình thường. Và bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong thời gian này sẽ phải chịu hậu quả của việc bạo hành trước đó.

- Không khí thù địch và tâm lý e sợ bạo hành lan truyền sẽ khiến các thầy thuốc chú tâm trong việc bảo vệ mình chứ không thể toàn tâm toàn ý cho việc cứu chữa người bệnh. Dẫn đến hiệu quả khám, chữa bệnh chung sẽ bị suy giảm.

Hỏi: Với vai trò là đại biểu Quốc hội, ông sẽ đại diện cho tiếng nói của người dân hay của ngành y tế? Trong những sự vụ như thế này ông đưa ra quan điểm của mình thế nào? ([email protected] )

BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi luôn lên tiếng ở trong các diễn đàn của Quốc hội cũng như các phương tiên thông tin đại chúng một cách rất kiên quyết, cực lực phản đối hành vi rất vô đạo đức này.

Ngay từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mà tôi được tham dự với tư cách đại biểu, tôi đã có tham luận phân tích về vấn đề này. Tôi cũng đã chính thức đề nghị với Quốc hội có lộ trình để xây dựng Luật chống bạo hành y tế như một số nước đã có. Tuy nhiên, cần có nhiều hơn nữa sự ủng hộ của các vị đại biểu quốc hội.

Tháng 6/2017, khi thông qua Bộ luật Hình sự, chúng tôi đã đấu tranh đưa thêm vào Điều 134, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 điều khoản tăng nặng cho các đối tượng hành hung nhân viên y tế. Đây là một bằng chứng cho thấy Quốc hội khóa XVI đã rất quan tâm và lắng nghe vấn đề này.

Hỏi: Xin hỏi BS Nguyễn Trung Cấp, gần đây có ý kiến cho rằng chỉ trừ một vài trường hợp do say rươu, quá liều ma túy còn hầu hết các vụ hành hung nhân viên y tế đều do lỗi của nhân viên y tế! Tôi thấy đây là một nhận xét khá xác đáng! 

Ngay như gần đây, do không được vào phòng phòng mổ để livestream cảnh vợ mình mổ đẻ, nên chồng của một sản phụ đã liều mình trèo lên cửa sổ để quay phim và bị đuổi xuống nên mới gây ra bức xúc dẫn đến việc hành hung bác sỹ. 

Nếu bệnh viện cho phép người nhà mặc áo mổ mang thiết bị ghi hình vào phòng mổ livestream thì đã không có việc hành hung vừa rồi. Ý kiến của BS về vấn đề này như thế nào? ([email protected] )

BS. Nguyễn Trung Cấp: Thứ nhất, về nguyên tắc người bệnh có quyền bí mật về nhân thân và hình ảnh, vì vậy nếu bất kỳ việc quay phim chụp ảnh của người bệnh cần có sự đồng ý của người bệnh. Vì vậy, đa số bệnh viện ko chấp nhận việc tự ý quay phim, chụp ảnh, vì có thể lọt hình ảnh của bệnh nhân khác (chưa đồng ý) vào.

Thứ hai, phòng mổ là nơi vô trùng tuyệt đối nên chỉ những người được đào tạo tốt về vô khuẩn mới được phép vào để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Thứ ba, việc 1 người không có trách nhiệm vào phòng mổ sẽ tạo áp lực cho bác sĩ. Nếu trong tình huống bộc phát, nếu người vào đó có hành vi bạo lực bộc phát với bác sĩ đang mổ, chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong.

Bởi vậy, việc cho phép người nhà mặc áo mổ mang thiết bị ghi hình vào phòng mổ livestream là yêu cầu vô lý, không quan tâm đến sinh mạng và sự an toàn của bệnh nhân.

Về ý kiến cho rằng: "Gần đây có ý kiến cho rằng chỉ trừ một vài trường hợp do say rượu, quá liều ma túy còn hầu hết các vụ hành hung nhân viên y tế đều do lỗi của nhân viên y tế" là một ý kiến hoàn toàn không xác đáng, vì:

1. Việt Nam là 1 trong những nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới nên số người say rượu rất nhiều.

2. Bác sĩ là 1 nghề đặc thù, giả sử cứ 100 người có 1 người say thì những nghề khác ví dụ như kế toán, cả tháng không gặp phải người nào say, 1 giáo viên mỗi năm chủ nhiệm 50 học sinh, mỗi năm gặp mặt phụ huynh 2 lần thì 1 năm mới gặp 1 phụ huynh say rượu, 1 bác sĩ khám cho 100 bệnh nhân thì 1 ngày gặp ít nhất 1 bệnh nhân say rượu, như vậy mỗi năm phải đối mặt với 365 người say nên nguy cơ đối mặt vs bạo hành và xung đột sẽ cao hơn rất nhiều so với ngành nghề khác.

Vậy nên, không thể coi đó là việc hiếm xảy ra được.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 4.

BS Nguyễn Trung Cấp đang trả lời câu hỏi của độc giả gửi đến chương trình

Hỏi: Phân tuyến kỹ thuật hiện tại hạn chế sự phát triển của các bệnh viện nhỏ, tuyến trước và tư nhân bằng cách tạo ra các giới hạn trần kỹ thuật cho mỗi tuyến. Việc này làm trầm trọng thêm tình trạng phân bố không đều bệnh nhân giữa các bệnh viện, bệnh nhân và bác sỹ có xu hướng bỏ bệnh viện nhỏ tuyến trước để về các bệnh viện lớn tuyến sau. Các bệnh viện lớn tuyến sau quá tải làm giảm chất lượng khám chữa bệnh, các bệnh viện nhỏ tuyến trước thiếu vắng bệnh nhân gây lãng phí, và tiếp tục không có kinh nghiệm và động lực để phát triển. Chính quá tải và giảm chất lượng khám chữa bệnh là nguyên nhân của bao lực! Ông có đồng ý với ý kiến này không? Nếu ông đồng ý thì hướng khắc phục? (độc giả Bui Nghia Thinh)

BS Võ Xuân Sơn: Phân tuyến là một vấn đề của lịch sử. Trong chiến tranh và thời gian ngay sau đó, phân tuyến mang lại lợi ích và thích hợp cho ngành y tế vì nguồn lực của nhà nước không đủ nên không thể đầu tư dàn trải được.

Hiện tại với sự phát triển về kinh tế và khả năng của ngành y tế thì việc phân tuyến trở thành một rào cản cho ngành y. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nỗ lực để phát triển các tuyến cho phù hợp, bất kể tuyến nào mà có đủ điều kiện để làm được các kỹ thuật ở tuyến cao hơn thì đều được phép.

Ví dụ: Nếu được phân tuyến, Bệnh viện Quận Thủ Đức chỉ là bệnh viện cấp huyện, tương đương bệnh viện hạng 3. Nhưng thực tế hiện nay, bệnh viện này đã được nâng cấp thành bệnh viện hạng 1 do họ đã làm được các kỹ thuật rất cao.

Song song đó, để tiếp cận nền y tế hiện đại thì Bộ y tế đã triển khai chương trình bác sĩ gia đình, là chương trình để tiếp cận với nền y tế hiện đại trên thế giới.

Còn vấn đề tương đối chưa bình đẳng lắm là về đầu tư. Tuyến Trung ương do Nhà nước đầu tư,  tỉnh do tỉnh đầu tư, huyện do huyện đầu tư. Hiện tại bệnh viện tuyến Trung ương đã được đầu tư rất tốt, còn ở các bệnh viện tỉnh và huyện thì tùy thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.

Ví dụ: Do lãnh đạo quan tâm nên quận Thủ Đức có đến hai bệnh viện lớn và rất phát triển.

Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh nói quá tải ở bệnh viện tuyến trên là nguyên nhân khiến bạo hành y tế xảy ra, nhưng anh cũng đưa con số thống kê rằng 80% số vụ bạo hành là xảy ra ở tuyến dưới chứ không phải ở tuyến trung ương. Cho nên nói việc phân tuyến khiến cho bạo hành y tế xảy ra thì theo tôi chưa chính xác.

Không thể kết luận được rằng việc giảm chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới là một nguyên nhân gây bạo hành y tế vì chưa có gì chứng minh được điều này. Theo ý kiến của tôi, khả năng bạo hành ở tuyến dưới cao hơn là vì đội ngũ bảo vệ và trang thiết bị bảo vệ không được đầy đủ.

Ví dụ: Ở Bệnh viện Bạch Mai, khi có một vụ bạo hành xảy ra thì có hệ thống camera ghi nhận lại đầy đủ và sau đó thủ phạm bị xử lý theo pháp luật, đi tù hoặc lực lượng bảo vệ và công an tham gia xử lý nhanh chóng. Trong khi đó, ở các bệnh viện tuyến dưới, điều này không được tốt như vậy.

Hỏi: Tôi muốn lắng nghe một lời chia sẻ từ các đồng nghiệp đang làm việc tại các nước có nền y tế phát triển như bác sĩ Wynn, bác sĩ Quý. Khi thấy đồng nghiệp của mình ở trong nước bị bạo hành, các anh có suy nghĩ gì? ( [email protected] )

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Tôi nghĩ rằng bạo hành nói chung là một trải nghiệm rất kinh khủng, nhất là khi nó xảy ra trong môi trường y tế. Quả thật, không có gì tệ hại hơn điều này.

Các bác sĩ và nhân viên y tế chọn con đường này để dấn thân, về cơ bản họ đã là những người có tấm lòng vì con người, vì bệnh nhân nên không ai muốn gặp tình huống như vậy. Trước hết, tôi chia sẻ sự khó khăn và cảm giác bị bạc đãi với các đồng nghiệp đang ngày đêm cố gắng tại quê nhà.

Vấn đề này cần phải được phòng ngừa và chấm dứt để các bác sĩ, nhân viên y tế an tâm làm việc cứu người.

Tuy nhiên, ngay cả tại nước phát triển, hiện tượng bạo hành cũng xảy ra, tuy không nhiều và dữ dội như Việt Nam và Trung Quốc. Người ta có nhiều cách để ngăn chặn, răn đe và trừng phạt nghiêm khắc để bảo vệ các bác sĩ và môi trường chăm sóc y tế.

Hỏi: 6 bác được mời có 2 bác ở nước ngoài, 3 bác làm sếp, 1 bác làm ở bệnh viện quốc tế, khoa chẩn đoán hình ảnh cũng ít va chạm. Toàn mấy bác nguy cơ bị bạo hành ít hoặc không có. Liệu các bác có hiểu được về thực tế bạo lực y tế để có thể giải thích về nguyên nhân và đưa ra được giải pháp không? (Một nhân viên y tế)

BS Wynn Huynh Tran: Cảm ơn bạn đã hỏi 1 câu rất hay và có góc quan sát rất tốt.

Tuy rằng, tôi làm tại BV ít bạo hành và không có bạo hành, nhưng tôi thường xuyên diễn tập các tình huống có bạo hành. Điểm này rất quan trọng bởi tất cả các BV ở Mỹ phải có 1 quy trình nhằm ứng phó với tình huống bạo hành xảy ra.

Mỗi năm, các BV của Mỹ đều phải tập rượt để ứng phó với các tình huống bạo hành và bạo lực, cho dù bạo lực có xảy ra hay không.

Hỏi: Xin hỏi bác sĩ Cấp, đơn vị của bác sĩ đang công tác đã có kế hoạch gì để đối phó với tình hình bạo lực trong bệnh viện đang gia tăng hiện nay chưa? ( [email protected] )

BS Nguyễn Trung Cấp: Tất cả mọi đơn vị đều cố gắng trong việc ngăn chặn bạo hành bệnh viện. Trong đó có:

-  Việc thiết kế nơi tiếp xúc để có yếu tố làm dịu nguy cơ xung đột.

- Tập huấn về kỹ năng giao tiếp

- Kết hợp với cơ an công an và công ty bảo vệ, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiệu quả còn bấp bênh, vì xung đột xảy đến hết sức bất ngờ.

Hầu hết những trường hợp bạo hành bác sĩ là những người vừa mới xuất hiện tại bệnh viện chứ ko phải bệnh nhân nằm điều trị trong thời gian dài hơn.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 5.

Đầu cầu miền Nam

Hỏi: Thưa bà Thu Hà, là admin trang Chống bạo hành y tế, bà có đề xuất giải pháp đồng bộ nào để hạn chế tình trạng bạo hành đang gia tăng tại các bệnh viện không? (trantrungnghia.7749@yahoo.com.vn )

BS Nguyễn Thu Hà: Tôi mong muốn Quốc hội ban hành Luật phòng chống bạo hành nhân viên y tế nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho các cơ sở y tế. Ngoài ra, những sai phạm của cán bộ y tế, nếu có sẽ bị xử lý kỹ thuật ở các mức độ khác nhau, thậm chí buộc thôi việc.

Trên hết là cán bộ y tế cần được đảm bảo an toàn trong khi hành nghề, mọi sự xâm phạm, bạo hành về mọi lời nói hay vũ lực cần phải được lên án, tẩy chay và xử lý bằng những việc làm cụ thể hơn.

Đặc biệt, hình phạt cho tội bạo hành trong môi trường y tế cần được tăng lên, có tòa án phân xử rõ ràng. Phía nhân viên y tế được nghề nghiệp bảo vệ, phía bệnh nhân thì luật sư có đào tạo y khoa phân xử. Tăng bảo hiểm nghề y cho nhân viên y tế, thêm ngành luật y tế trong trường luật.

Tăng chi phí y tế lên tới mức thực tế, tránh quá tải và bảo đảm nguồn thu cho các bệnh viện vận hành, tự chủ tài chính. Tạo điều kiện cho bệnh viện tư nhân phát triển. Đảm bảo đời sống cho nhân viên y tế. Đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, giảm chờ đợi. Tăng chất lượng khám chữa bệnh.

Minh bạch thông tin cho bệnh nhân, người nhà. Gỡ bỏ rào cản gây chênh lệch năng lực chuyên môn giữa tuyến bệnh viện trung ương và cơ sở để bệnh nhân, bác sĩ không đổ về bệnh viện lớn, giảm quá tải.

Hỏi: Hiện tại các chế tài cho việc hành hung nhân viên y tế quá yếu không đủ sức răn đe, trong khi các lực lượng bảo vệ nhân viên y tế lại không có hành lang pháp lý hỗ trợ, khi có xung đột, bảo vệ bệnh viện thường xuyên bị kiểm điểm và xử lý hình sự dẫn đến sự hung hăng của người nhà bệnh nhân (do được cổ vũ bởi đánh cũng chả sao, đánh là đúng) và sự rụt rè của lực lượng bảo vệ (do can thiệp kiểu gì cũng bị phạt, kiểu gì cũng bị xử lý hình sự). Xin ông cho ý kiến về vấn đề này và các giải pháp. ( nguyenphanbao...@gmail.com )

BS Nguyễn Lân Hiếu: Lực lượng bảo vệ bệnh viện hiện nay rất không đồng đều về trình độ nghiệp vụ. Có những bệnh viện được huấn luyện rất tốt và xử lý rất chuyên nghiệp, có bệnh viện lại hết sức nghiệp dư, bảo vệ chỉ có nhiệm vụ trông xe hoàn toàn không tham gia vào ổn định an ninh trật tự của bệnh viện.

Đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc giảm bạo hành y tế. Theo tôi cần có các công ty bảo vệ các cơ sở y tế chuyên nghiệp với việc huấn luyện các nhân viên bảo vệ có thể xử lý các trường hợp manh động ngay từ khi sự việc mới xảy ra.

Chúng ta có thể tham khảo những mô hình bảo vệ bệnh viện rất tốt như ở bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Vinmec. Riêng bệnh viện Đại học Y Hà Nội chúng tôi sẽ chỉ ký hợp đồng với các điều khoản ràng buộc các nhân viên bảo vệ phải được huấn luyện, tuổi đời dưới 40 và có chiều cao trên 1m65… Hy vọng với sự chuyên nghiệp của lực lượng này sẽ chùn tay những đối tượng manh động, vô ý thức.

Hỏi: Tôi có theo dõi chuyện đôi co giữa bảo hiểm và y tế về chuyện chụp X-quang cái chân. Chụp phim nhiều lần thì hình như phía bảo hiểm không quyết định chuyên môn nhưng lại được quyết định chi phí, dẫn đến "trói chân trói tay" bác sĩ khi chỉ định chuyên môn?

Chuyện này có phổ biến không? Quyền lợi của người bệnh có bị ảnh hưởng không khi 2 bên bảo hiểm và y tế không có tiếng nói chung? (Phụng Hà Phi)

BS Nguyễn Thu Hà: Thẳng thắn một điều là các bác sĩ đang bị "trói chân trói tay". Bảo hiểm y tế gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân như bạn nói. 

Một cán bộ của bảo hiểm y tế đã nói: "Cái cổ chân và bàn chân có cách nhau bao xa mà các bác sĩ chụp tận 2 phim".

Câu trả lời đó đã làm cho các bác sĩ bị "trói chân trói tay". Vì cổ chân, bàn chân chụp ở 2 tư thế khác nhau. Cổ chân thì chụp thẳng nghiêng, còn bàn chân chụp thẳng chếch. Ngoài ra, xương gót dù ở bàn chân nhưng cũng chụp bằng tư thế khác. Bảo hiểm y tế nói vậy khác nào nói bác sĩ vẽ ra để ăn tiền. Điều này vô tình làm ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, thậm chí cản trở, không chẩn đoán được đúng tổn thương.

Hỏi: Xin hỏi BS Wynn, Tôi muốn lắng nghe một lời chia sẻ từ các đồng nghiệp đang làm việc tại các nước có nền y tế phát triển như bác sĩ Wynn, bác sĩ Quý. Khi thấy đồng nghiệp của mình ở trong nước bị bạo hành, các anh có suy nghĩ gì? ( [email protected] )

BS Wynn Huynh Tran: Xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến buổi trực tuyến ngày hôm nay.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi thấy đồng nghiệp trong nước bị bạo hành là xót xa. Câu chuyện bạo hành y tế tại Việt Nam không phải là vấn đề mới, mỗi khi đọc tin đồng nghiệp bị bạo hành y tế tôi có cảm giác như xát muối vào vết thương vậy.

Tôi cũng đã cố viết bài gửi cho các cơ quan y tế để chia sẻ ý kiến cá nhân của mình. Tôi rất mong qua buổi hội thảo ngày hôm nay Bộ Y tế và các cơ quan chức năng tại Việt Nam nhìn nhận đây là vấn đề đang xảy ra và sẽ còn xảy ra nếu như chúng ta không hành động.

Hỏi: Tôi là một nhân viên y tế rất quan tâm đến tình hình bạo hành ở các nước có nền y tế phát triển như Mỹ để so sánh với y tế trong nước. Nhân có BS Wynn Huỳnh Trần tham gia chương trình, tôi xin gửi các câu hỏi sau mong anh giải đáp giúp để tôi được mở mang thêm. Xin cảm ơn anh rất nhiều! 

1. Tình hình bạo hành với các nhân viên Y tế ở Mỹ như thế nào? Tình hình này có chiều hướng gia tăng hay đã được ngăn chặn? 

2. Đối tượng nào trong số các nhân viên y tế của Mỹ hay bị tấn công nhất? 

3. Các biện pháp nào theo bác sỹ giúp giải quyết có hiệu quả bạo hành Y tế ở Mỹ? 

4. Bạo hành trong y tế của Mỹ và Việt Nam có điểm gì chung và khác nhau? 

5. Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp nào trong số các biện pháp mà y tế Mỹ đang tiến hành để ngăn chặn nạn bạo hành? 

6. Tổng thống Mỹ D. Trump đang có ý định trang bị vũ khí cho các giáo viên, vậy có xu hướng sẽ trang bị vũ khí cho nhân viên bệnh viện không? ([email protected])

BS Wynn Huynh Tran: Cảm ơn bạn buiphucy đã gửi câu hỏi, tôi xin trả lời theo từng ý của bạn như sau:

1. Tình hình bạo hành với các nhân viên y tế ở Mỹ trong năm gần đây đã giảm khá nhiều, tuy nhiên nó vẫn xảy ra. Có nhiều lý do các nhà nghiên cứu đã đưa ra, một trong những lý do đó là có kế hoạch rõ ràng trong những trường hợp xảy ra.

Tôi lấy ví dụ, các bệnh viện lớn của Mỹ đều có một "mã quậy" – Code grey, Code blue là bệnh nhân bị ngưng tim phổi thì Code Grey có bệnh nhân quậy – có bạo hành.

2. Khi có bạo hành xảy ra, nhân viên chỉ cần nhấn nút này lập tức sẽ có nhân viên an tinh, lực lượng cảnh sát và nhân viên chuyên ứng phó với các bệnh nhân và người thân có dấu hiệu bạo hành xuất hiện.

Bất kỳ đối tượng nào trong các nhân viên y tế của Mỹ cũng có thể bị tấn công, tuy nhiên đối tượng thường bị tấn công nhất vẫn là BS, tại vì BS là người chịu trách nhiệm chính công việc trị bệnh.

3. Có nhiều biện pháp để giải quyết hiệu quả bạo hành y tế ở Mỹ như tôi nói ở ý 1, tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong giải quyết bạo hành y tế là chúng ta phải chấp nhận đây là một sự thật. Để mọi người có thể cùng ngồi xuống tìm ra hướng giải pháp.

Nếu chúng ta không nhìn nhận đây là một chuyện đáng xảy ra thì những chuyện tương tự vẫn còn xảy ra.

4. Bạo hành trong y tế ở Mỹ và VN có điểm chung là ai cũng có thể bị đánh và tác hại cũng có thể nặng nề như nhau. Một điểm chung rất quan trọng mà chúng ta ít quan tâm là hậu quả lâu dài về tinh thần cho nhân viên y tế.

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, bác sĩ và y tá cảm thấy rất trầm cảm và sợ hãi khi gặp lại người thân hoặc người có hình dáng giống người thân đã từng hành hung mình.

Điểm khác nhau trong bạo hành y tế, theo tôi, các bệnh viện tại Mỹ nhìn nhận đây là 1 thực tế và họ luôn có kế hoạch ứng phó khi bạo hành xảy ra. Và Mỹ cũng có chế độ chăm sóc nhân viên y tế về lâu dài để giảm thiểu những hậu quả của việc bạo hành.

5. VN có thể áp dụng những biện pháp đơn giản như, lập ra 1 nhóm hỗ trợ, ứng phó với bạo hành tại bệnh viện. Lắp sẵn một nút hoặc một mã "quậy" trên bàn của nhân viên y tế, giống nút báo động của nhân viên ngân hàng khi có cướp nhà băng.

Khi bệnh nhân có thái độ hung hăng với bác sĩ và nhân viên, nhân viên y tế lập tức nhấn nút này và vào phòng đợi khi lực lượng ứng phó bạo hành đến. Dĩ nhiên, nút này sẽ được kết nối với công an phường, bảo vệ bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện và cơ quan chức năng.

Bệnh viện ở VN cũng nên thử ứng phó với bạo hành giả định bằng cách tập nhấn nút này cho dù không có bệnh nhân đang nổi giận hoặc bạo hành với bác sĩ.

6. Hiện nay, các bệnh viện tại Mỹ, bảo vệ có đủ nguồn lực và có súng điện để khống chế bệnh nhân quá khích, nên tôi không có ý định trang bị vũ khí tự vệ.

Cảm ơn anh đã hỏi câu hỏi rất hay.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 6.

Hai khách mời đầu cầu miền Bắc

Hỏi: Gửi bác sĩ Võ Xuân Sơn, tôi là một y tá công tác lâu năm trong ngành Y tế. Nhìn thấy nạn bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng, thực sự tôi rất đau lòng. Tôi tha thiết mong những người có vị trí, có tiếng nói như các bác sĩ hãy hiến kế giúp Bộ y tế có giải pháp bảo vệ các nhân viên y tế. Cụ thể, bác sĩ đã có giải pháp gì chưa? (độc giả Lưu Hoàng Quỳnh, Tĩnh Gia, Thanh Hoá)

BS Võ Xuân Sơn: Việc chống bạo hành y tế là công việc lâu dài và đòi hỏi cả một tập thể lớn tham gia, không riêng nhân viên y tế hay cả các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng.

Ở Mỹ, việc chống bạo hành y tế đã được nói đến từ 1990 và đến tháng 1.2015, sau một vụ viêc 1 bác sĩ bị bắn chết tại nhà thì xã hội mới nhận ra rằng các hệ thống luật lệ hiện hành vẫn còn chưa đủ và cần các giải pháp mới.

Một quốc gia phát triển như Mỹ mà còn cần cả một thời gian dài như vậy để thực hiện công cuộc chống bạo hành y tế. Nên nước ta cũng vậy.

Vấn đề chính của bạo hành y tế ở VN hiện nay là các cơ quan chức năng, cụ thể là Công an, Tòa án, VKSND…  ít quan tâm và thờ ơ với nó. Khi trang Chống bạo hành y tế gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng trên thì không có một ai trả lời ngoài Bộ Y tế.

Một ví dụ cụ thể là vụ bạo hành y tế xảy ra ngày 22/5/2015 ở Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương. Một bác sĩ khoa ngoại bị bệnh nhân chém bị thương nặng ba ngón tay, phải khâu và mất một thời gian mới mổ lại được. Bệnh viện này đã gởi đơn tố cáo lên Công an huyện ngay sau khi sự việc xảy ra nhưng cho đến nay, tức là hơn 2 năm, vụ việc vẫn chưa được phản hồi.

Điều này cũng đã được nêu trong kiến nghị của trang Chống bạo hành y tế nhưng cũng không được cơ quan chức năng nào trả lời.

Như mới đây nhất là vụ ở Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái xảy ra vào mùng 5 Tết vừa rồi, tức 22.2.2018. Chồng của sản phụ sinh mổ mẹ tròn con vuông nhưng đã kéo đến 15 người vây đánh bác sĩ khiến 2 bác sĩ bị thương nặng và 1 bác sĩ phải khâu 20 mũi ở đầu và mặt. Đến hôm nay hơn nửa tháng rồi nhưng chưa có người nào trong nhóm hành hung bác sĩ bị bắt cả.

Như thế, việc đầu tiên của Chống bạo hành y tế là phải lôi kéo được sự quan tâm của xã hội và của các cơ quan chức năng. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng từng phải phát biểu rằng Bộ Y tế rất cô đơn trong việc chống bạo hành y tế.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 7.

BS Nguyễn Thu Hà đầu cầu miền Nam

Hỏi: Một nền y tế phải hứng chịu tình trạng bạo hành tràn lan như VN chắc chắn để lại rất nhiều hậu quả. Đề nghị bác sĩ hãy chỉ rõ những hậu quả cho người dân được biết, có thể như vậy họ mới sợ mà không bạo hành bác sĩ nữa chăng? ( [email protected] )

BS Võ Xuân Sơn: Thứ nhất, Bạo hành y tế khiến cho thầy thuốc cảm thấy không an toàn ngay chính trong môi trường làm việc hàng ngày của họ. Do vậy, họ bị phân tâm và không còn tâm trí để thực hành chuyên môn, từ đó có thể dẫn tới các sai sót y khoa và người hứng chịu lại chính là người bệnh.

Hậu quả thứ 2 là các bệnh viện, các thầy thuốc sẽ phải đầu tư nhiều cho việc chống bạo hành y tế như lắp đặt camera và hệ thống bảo vệ. Điều này sẽ giảm đầu tư vào chuyên môn y khoa.

Hậu quả thứ 3 là đã có những nhân viên y tế tự tử hoặc không còn muốn tiếp tục hành nghề. Rất nhiều người, trong đó có cả tôi không muốn cho con cái mình đi theo ngành y nữa. Tất cả những điều đó khiến cho nền y tế không được phát triển lành mạnh.

Thêm nữa, có những bệnh nhân rất tôn trọng thầy thuốc nhưng việc bạo hành y tế khiến người thầy thuốc cảm thấy bất an và luôn có tâm trạng đề phòng với bất cứ bệnh nhân nào. Điều này khiến cho quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân bị méo mó.

Hỏi: Xin hỏi BS Nguyễn Lân Hiếu, với vai trò là đại biểu Quốc hội, ông sẽ đại diện cho tiếng nói của người dân hay của ngành y tế? Trong những sự vụ như thế này ông đưa ra quan điểm của mình thế nào? ( [email protected] )

BS. Nguyễn Lân Hiếu: Tôi luôn lên tiếng ở trong các diễn đàn của Quốc hội cũng như các phương tiên thông tin đại chúng một cách rất kiên quyết, cực lực phản đối hành vi rất vô đạo đức này.

Ngay từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mà tôi được tham dự với tư cách đại biểu, tôi đã có tham luận phân tích về vấn đề này. Tôi cũng đã chính thức đề nghị với Quốc hội có lộ trình để xây dựng Luật chống bạo hành y tế như một số nước đã có. Tuy nhiên, cần có nhiều hơn nữa sự ủng hộ của các vị đại biểu quốc hội.

Tháng 6/2017, khi thông qua Bộ luật Hình sự, chúng tôi đã đấu tranh đưa thêm vào Điều 134, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 điều khoản tăng nặng cho các đối tượng hành hung nhân viên y tế. Đây là một bằng chứng cho thấy Quốc hội khóa XVI đã rất quan tâm và lắng nghe vấn đề này.

Hỏi: Thưa bác sĩ, nói là khi người nhà đánh bác sĩ thì sẽ thiệt hại cho bệnh nhân không được bác sĩ cứu chữa hết mình, nhưng thật ra tôi thấy các ca đánh chửi doạ bác sĩ, các bác sĩ đều sợ hãi mà vẫn cứu chữa cho bệnh nhân bình thường. Có phải vì không thấy bị thiệt hại gì nên họ cứ vô tư đánh bác sĩ không? Bác sĩ nên có thái độ cứng rắn, từ chối điều trị để người nhà và bệnh nhân e ngại mà không dám bạo hành bác sĩ. (FB Hồ Hoàng Hương gửi BS Võ Xuân Sơn)

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn, nhưng hiện tại Luật Khám chữa bệnh không cho phép nhân viên y tế từ chối khám chữa bệnh khi bị hành hung. Đây là một vấn đề rất bất hợp lý trong luật, làm cho nhân viên y tế hoàn toàn bị yếu thế trước những vụ bạo hành. Thủ phạm hành hung bác sĩ không bị gánh chịu hậu quả nào, điều này vô hình chung khuyến khích họ và những người khác tiếp tục thực hiện những vụ bạo hành khác. Theo tôi, nhân viên y tế phải được phép từ chối khám chữa bệnh khi môi trường và khu vực làm việc không bảo đảm an toàn. Ở Mỹ, các bệnh viện phải thực hiện việc ghi nhận, đánh dấu khu vực nguy cơ/ những cá nhân có nguy cơ gây bạo hành y tế và thông báo cho các cơ sở y tế khác về những trường hợp đó. Từ đó, các nhân viên y tế nhận biết nguy cơ và tiến hành các biện pháp bảo vệ mình khi thăm khám cho các bệnh nhân như vậy.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 8.

BS Võ Xuân Sơn

Hỏi: Tôi muốn hỏi BS Nguyễn Trung Cấp, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến người dân coi thường ngành y là chế độ đãi ngộ thấp, dẫn đến những tiêu cực trong ngành, từ đó dẫn đến những sự việc đáng tiếc, bởi ngành y trong mắt người dân bị xấu đi nhiều. 

Ông cho rằng nhận xét này là đúng hay sai? Chúng ta có nên giải quyết vấn đề này từ gốc, là tăng mức thu nhập cho những người hoạt động trong ngành?  (FB Thạch Tín...)

BS Nguyễn Trung Cấp: Vấn đề này tôi xin trả lời bạn mấy ý như sau:

- Thực tế, trong xã hội hiện nay, ngành nghề nào cũng có tiêu cực. Tuy nhiên, tiêu cực của ngành y ảnh hưởng trực tiếp đến con người trong điều kiện ốm đau, bệnh tật nên dễ bức xúc hơn so với các tiêu cực của ngành nghề khác.

- Về đề xuất tăng mức thu nhập cho những người hoạt động trong ngành quả thật giải quyết được từ gốc nhưng không dễ dàng bởi lẽ ngân sách dành cho ngành y tế chỉ có thể chiếm 1 tỷ lệ nhất định trong nguồn thu của xã hội chứ không thể tăng vô hạn. Trong khi, nếu tăng thu từ bệnh nhân thì lại gây bức xúc theo 1 hướng khác. Vì vậy, vấn đề này cần có sự phối hợp từ 3 phía:

- Từ nhà nước tăng ngân sách cho ngành y tế trong phạm vi có thể,

- Từ phía người bệnh: Chấp nhận giá dịch vụ y tế tăng ở mức độ chấp nhận được,

- Từ ngành y tế: Cần có những đổi mới, để tăng năng suất lao động, quản lý tài chính hợp lý để sử dụng hợp lý nguồn kinh phí cho việc nâng cao đời sống cho cán y tế và thiết lập các cơ chế để cán bộ y tế không thể dễ dàng tiêu cực. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ ra khỏi ngành những cá nhân thoái hóa biến chất.

Hỏi: Phân tuyến kỹ thuật hiện tại hạn chế sự phát triển của các bệnh viện nhỏ, tuyến trước và tư nhân bằng cách tạo ra các giới hạn trần kỹ thuật cho mỗi tuyến. Việc này làm trầm trọng thêm tình trạng phân bố không đều bệnh nhân giữa các bệnh viện, bệnh nhân và bác sỹ có xu hướng bỏ bệnh viện nhỏ tuyến trước đề về các bệnh viện lớn tuyến sau. 

Các bệnh viện lớn tuyến sau quá tải thêm quá tải, làm giảm chất lượng khám chữa bệnh, các bệnh viện nhỏ tuyến trước thiếu vắng bệnh nhân gây lãng phí, và tiếp tục không có kinh nghiệm và động lực để phát triển. 

Chính quá tải và giảm chất lượng khám chữa bệnh là nguyên nhân của bao lực! Ông có đồng ý với ý kiến này không? Nếu ông đồng ý thì hướng khắc phục? (Độc giả Bui Nghia Thinh...)

BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi đồng ý với ý kiến của độc giả Thịnh. Chính vì vậy tôi nghĩ cần phải có điều chỉnh rõ ràng về quy hoạch phát triển của y tế Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta không thể phát triển y tế theo hình "quả chôm chôm", có nghĩa là bệnh viện nào cũng phát triển tất cả các mũi nhọn, cần phát triển hệ thống y tế cơ sở với nền tảng vững chắc, trong một khu vực không có quá nhiều các bệnh viện cùng phát triển các kỹ thuật cao tương tự như nhau.

Về lâu dài, tôi nghĩ cần xoá bỏ các tuyến, phát triển các bệnh viện khu vực có trình độ đồng đều. Hiện nay theo tôi, nỗi lo lớn nhất của ngành y tế không phải là thiếu phương tiện thuốc men mà là thiếu yếu tố con người.

Sự tôn trọng các chỉ định điều trị cũng như sự an toàn của người bệnh đang bị rất nhiều các bác sĩ bỏ qua vì chạy theo số lượng cũng như danh tiếng của các bệnh viện mình.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 9.

BS Wynn Huynh Tran từ Mỹ

Hỏi: Ở Nhật, một đất nước văn minh và có nhiều bài học về cách sống, tình trạng hành hung bác sĩ liệu có xảy ra và nếu có thì nó được giải quyết ra sao? (trung_nguyen_hoang.ncr@gmail.com )

BS Phạm Nguyên Quý: Tôi chỉ mới đi làm có 5 năm, kinh nghiệm chưa nhiều và chỉ mới gặp duy nhất 1 ca là bệnh nhân nghiện rượu lớn tiếng cãi cọ về phương pháp điều trị làm y tá hoảng sợ.

Chỉ mới đó thôi mà người ta đã báo động và tổ chức họp bàn để xử lý. Trong mỗi bệnh viện đều có manual (hay hướng dẫn) chi tiết về cách xử lý các tình huống bạo ngôn, bạo hành theo từng cấp độ nguy hiểm.

Bác sĩ ở Nhật là một trong những ngành được quý trọng nên việc bạo hành gây thương tích là chuyện cực kỳ lớn, và hiếm. Nếu xảy ra thì tivi, đài, báo chí sẽ có thể đưa tin cả tuần không dứt.

Bác sĩ là nguồn nhân lực quý của xã hội nên các bệnh viện và cả thành phố tìm đủ cách để những chuyện không hay đó xảy ra, làm sao để giữ chân bác sĩ lại chỗ của mình.

Để chấm dứt tình trạng bạo hành y tế thì có nhiều phương pháp và quy định nhưng tôi thấy chung nhất là 3 ý chính:

1. Cần giải thích cho bệnh nhân hiểu vài điều cơ bản

 a. Bệnh viện cũng là nơi công cộng và ai cũng cần hành xử lịch sự tối thiểu. Khạc nhổ, văng tục đã là tối kỵ. Đe dọa hay gây hấn là hành vi phạm pháp.

Trên máy bay hành khách mới đe dọa nhân viên hàng không đã bị xử lý nghiêm, cấm bay thì ở bệnh viện càng phải nghiêm hơn. Bệnh viện có thể gọi cảnh sát tống tiến người gây hấn đi ngay lập tức nếu hành động của người đó có khả năng đe dọa tới sức khỏe nhân viên y tế và ảnh hưởng tới hoạt động y tế của bệnh viện.

b. Quyền con người là quan trọng và phải được ưu tiên trên hết, trước quyền và nghĩa vụ khám bệnh. Có nghĩa là bác sĩ cũng có quyền con người và nếu bị xâm phạm quyền đó, bác sĩ có quyền từ chối khám chữa bệnh. Không thể có chuyện phải khám bệnh khi bị kề dao đe dọa.

c. Niềm tin lẫn nhau là điều kiện cần tối thiểu để đảm bảo chất lượng y tế và sự an toàn y tế. Có nghĩa là bệnh nhân đe dọa đánh đập bác sĩ đồng nghĩa với sự hủy hoại niềm tin vào bệnh viện và bác sĩ. Bác sĩ cũng ko dám làm việc với bệnh nhân và như vậy bệnh nhân đó không thể được chữa trị tốt. Bệnh viện có quyền từ chối chữa bệnh và đề nghị bệnh nhân nên đi chỗ khác.

Trong luật y tế Nhật ghi rõ bệnh viện có trách nhiệm phải chữa bệnh cho người dân, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi người dân tới bệnh viện phải được điều trị. Bệnh viện có thể từ chối khám chữa bệnh với lý do chính đáng. Lý do "chính đáng" là gì thì không rõ ràng, nhưng về cơ bản nó rơi vào các phạm trù vừa nêu và người ta sẽ dựa vào đó để bàn luận.

Hỏi: Chào bác sĩ Hiếu, giữa năm 2017, các nhân viên y tế vui mừng vì ông đã đề xuất thành công bổ sung tình tiết tăng nặng kẻ hành hung người đang "chăm sóc sức khoẻ cho mình". 

Tuy nhiên, từ đó đến giờ nạn bạo hành y tế vẫn tiếp tục gia tăng theo tần suất ngày càng dày đặc, tính chất ngày càng manh động. Ông đã có dự định làm gì để tiếp tục sự nghiệp chống bạo hành y tế và bảo vệ các nhân viên y tế chưa? ( [email protected] )

BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi sẽ cùng lúc đề xuất thay đổi theo 3 hướng:

Hướng thứ nhất, tiếp tục hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong việc chống bạo hành y tế.

Hướng thứ hai, nâng cao khả năng ứng phó trước các vụ bạo hành của bệnh viện và bản thân các cán bộ nhân viên y tế.

Hướng thứ ba, chuyên nghiệp hoá, tiêu chuẩn hoá lực lượng bảo vệ bệnh viện có phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát.

Hỏi: Là bác sĩ bệnh viện quốc tế, chắc ông chẳng gặp chuyện đánh đấm bác sĩ bao giờ. Vậy ông nói nhiều đến chuyện bạo hành làm gì? Có phải ông muốn xây dựng hình ảnh cá nhân? (FB Nguyễn Bình?)

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Tôi đã có 20 năm làm việc trong bệnh viện công. Trên thực tế, bạo hành y tế không chỉ xảy ra ỏ các bệnh viện công mà còn xảy ra ở các cơ sở y tế tư nhân. Tôi không dưới 1 lần nhấn mạnh rằng việc chống bạo hành y tế là việc thiết thực cho các nhân viên y tế, trong đó có tôi và các nhân viên y tế ở cơ sở y tế của tôi. Việc này nhằm mục đích nào thì hãy để cho những nhân viên y tế và những người dân tâm huyết với công việc chống bạo hành y tế nhận xét.

Hỏi: Tôi có theo dõi facebook của bác sĩ Quý, có lần thấy bác sĩ nói về vấn đề yêu thương bệnh nhân. Theo bác sĩ, nếu yêu thương bệnh nhân có giúp hoá giải những mâu thuẫn giữa nhân viên y tế với bệnh nhân không? Nếu nhân viên y tế VN được đào tạo sâu về kỹ năng giao tiếp và bày tỏ thái độ với bệnh nhân thì có xoá hết được những bức xúc của người dân đối với ngành y tế hay không? ( [email protected] )

BS Phạm Nguyên Quý: Bệnh nhân và người nhà tới bệnh viện, nhất là bệnh viện ở VN thường là khi bệnh đã khá nặng, tâm lý rất bất an và lo lắng.

Trong các tình huống cấp tính (như tai nạn, viêm nhiễm cấp), bệnh viện lại là nơi mới xa lạ với họ. Họ thấy ở đó quá đông đúc và chật chội, quy trình hành chính rườm rà... làm sự lo lắng bực bội tăng nhiều lên. Nhiều người nói rằng ngồi chờ không là đã sốt ruột, đầu óc như muốn nổ tung vì chưa tới phiên khám.

Về nguyên tắc và thực tế là sự yêu thương chia sẻ của nhân viên y tế dành cho bệnh nhân và gia đình sẽ có thể hóa giải phần nào sự bực bội bất an và thống khổ đó. Tuy nhiên, điều này cần có thời gian và sự đào tạo chuyên nghiệp.

Ở Việt Nam thời gian, tôi thấy môi trường đào tạo kỹ năng giao tiếp và chăm sóc bệnh nhân còn ít và thiếu thốn. Khi ra "thực địa", môi trường lại quá nhiều bệnh nhân, bệnh nhân lại có nhiều yếu tố gây bực bội nên việc xoa dịu tinh thần là rất khó.

Đối với bệnh nhân thì bác sĩ, điều dưỡng là người "đại diện" cho bệnh viện nên bao nhiêu bực dọc hầu hết họ trút hết vào hai nhóm này nhưng họ đâu biết rằng thực ra nguyên nhân có thể nằm (và có thể được giải quyết) ở những khâu khác như hành chính, bảo hiểm... nói chung là nguyên nhân có tính hệ thống hơn.

Tôi làm việc ở Nhật thì thấy bác sĩ được "đỡ đần" một phần vì trước khi gặp bác sĩ, bệnh nhân đã gặp nhân viên tiếp tân, gặp y tá để thảo luận về điều họ quan tâm lo lắng nhất. Họ có cái cảm giác được "toàn nhóm chăm sóc" lắng nghe và dịu lửa trước khi gặp bác sĩ.

Khi đã biết họ muốn và lo lắng điều gì nhất rồi thì bác sĩ sẽ tập trung vào đó và nhiệm vụ hòa giải yêu thương sẽ đỡ vất vả hơn.

Trước khi khám bệnh, tôi có thể nhận được tin nhắn hay điện thoại từ y tá nói là bệnh nhân sắp tới nên chú ý hơn tới cái gì, hoặc thậm chí "mới cự cãi với quầy tiếp tân" gì đó... để chuẩn bị kế sách.

Theo tôi, tất cả những bức xúc trên đời này là do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thiếu sự cảm thông lẫn nhau.

Để giảm bức xúc của bệnh nhân, ngoài các "kế sách" hạ nhiệt trong giao tiếp nói trên, việc giảm tải cho bệnh viện bằng cách phân loại, giới thiệu bệnh nhân tới bệnh viện khác cũng có ích cho cả hai. Vì khi bị quá tải, bệnh viện không thể khám chữa bệnh an toàn và có chất lượng được.

Bệnh nhân cần hiểu điều này để biết và chấp nhận sang/hoặc được giới thiệu sang bệnh viện khác cho sự an toàn và lợi ích của chính mình. Điểm này cần sự can thiệp từ ban giám đốc, từ Sở y tế hoặc Bộ Y tế.

Đó là nhiệm vụ điều tiết trận địa, cũng như khi ra trận không thể để vỡ trận rồi mà vẫn tiếp tục đề nghị chiến đấu tiếp tới người lính cuối cùng. 

Nếu có đào tạo bài bản thì nhân viên y tế sẽ có thể "cảm nhận" nỗi đau tốt hơn, biết cách đối thoại xoa dịu chuyên nghiệp hơn. Qua đó, người ta sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Chỉ trong 1 phút nhưng có bác sĩ có thể làm bệnh nhân khóc và chia sẻ; cũng có người mãi 10 phút mà vẫn không hiểu bệnh nhân thật sự muốn gì.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 10.

BS Võ Xuân Sơn

Hỏi: Tôi có 1 bé gái. Đầu năm 2017 bé cấp cứu do sốt cao 42 độ, khi đó là 11h đêm ngày mùng 2 Tết. Khi vào bệnh viện địa phương, các bác sĩ khám, yêu cầu xét nghiệm máu, nước tiểu - có ghi chú sau 6 tiếng sau sẽ có các kết quả.

8h sáng ngày mùng 3 Tết, bé lên cơn co giật. Bác sĩ khám dự đoán bé có thể bị: Viêm họng, sốt virut. Y tá truyền cho bé một ống thuốc (người nhà có hỏi thuốc gì nhưng không được trả lời), sau 10 phút bé tím và lịm dần.

Gia đình tức tốc gọi trường khoa đến và bị mắng: "Thuốc có an thần để bé không co giật, làm gì mà phải ẩm ĩ lên?" trong khi không trao đổi trước với người nhà bệnh nhân về thành phần và tác dụng của thuốc.

9h sáng, các ống xét nghiệm thậm chí còn chưa được đưa đến phòng phân tích. Tôi có yêu cầu sớm nhận được kết quả xét nghiệm của bé, nhưng các bác sĩ, trưởng khoa, y tá, nhân viên phòng xét nghiệm cáo bận vì còn xếp hàng chờ giám đốc bệnh viện đến chúc mừng năm mới.

Khi gia đình yêu cầu được chuyển viện gấp, các bác sĩ đều gây khó khăn, buộc chúng tôi làm rắn (dọa sẽ gọi điện lên bộ y tế, truyền thông) và sau cùng gia đình phải rời viện trên xe taxi thay vì xe cấp cứu do bệnh viện nói "không sắp xếp vì bệnh nhân tự ý đòi chuyển viện". Trong trường hợp này, tôi xin hỏi bác sĩ lần lượt các câu hỏi sau:

1. Có lỗi thuộc về bác sĩ không?

2. Có cách giải quyết nào khác thay vì phải dọa nạt, thậm chí sử dụng vũ lực với cán bộ y tế không?

3. Có điều luật nào bảo vệ bệnh nhân trong trường hợp bị gây khó dễ như trên không?

4. Bác sĩ có quyền từ chối bệnh nhân trong trường hợp nào?

5. Có quy định nào về việc bác sĩ cần trao đổi về thuốc với bệnh nhân, cho phép kiểm tra thành phần, tác dụng với bệnh nhân trước khi sử dụng không?

Tôi tiếp nhận thông tin từ phía bạn trong khi chưa có thông tin từ phía bệnh viện nên tôi không kết luận được có lỗi thuộc về bác sĩ hay không.

6. Sự ban ơn của các bác sĩ có phải xuất phát từ nguyên nhân nhiều bệnh nhân, ít bác sĩ ở các bệnh viện không? (Độc giả Quách Thị Quỳnh Anh)

BS Nguyễn Trung Cấp: Tôi xin trả lời từng ý của bạn như sau: Bạn đã lựa chọn việc gọi điện lên đường dây nóng của Bộ Y tế là một lựa chọn đúng chứ không phải sự dọa nạt với bác sĩ. Trong trường hợp bạn thấy không thỏa đáng, bạn có quyền gọi điện lên đường dây nóng và chúng tôi ủng hộ cách giải quyết này.

Trong bất kỳ hoạt động nào của bệnh viện, bệnh viện vẫn phải duy trì lực lượng trực để giải quyết vấn đề của bệnh nhân, nên các nhân viên y tế dù xếp hàng chờ giám đốc chúc mừng thì vẫn phải có nhân viên trực để làm xét nghiệm cho bệnh nhân.

Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu người trực giải quyết cho bạn hoặc gặp trực tiếp giám đốc đề nghị được giải quyết.

BS có quyền từ chối bệnh nhân chỉ khi không trong tình huống cấp cứu và trong các trường hợp sau:

- Vượt quá khả năng chuyên môn

- Không đủ điều kiện làm việc

- Khi yêu cầu của người bệnh không phù hợp với chuyên môn (ví dụ bệnh nhân tay lành nhưng yêu cầu bác sĩ tháo khớp) hoặc vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.

- Trong tình huống bị đe dọa tính mạng, bác sĩ có quyền tạm lánh mặt

BS cần giải thích, cung cấp thông tin về bệnh tật và quá trình điều trị cho bệnh nhân hoặc người đại diện hợp pháp của bệnh nhân. Việc cung cấp thông tin này tùy thuộc vào mức độ cần thiết để phối hợp chứ không bắt buộc đến mức phải cung cấp cụ thể thành phần, tác dụng của từng thuốc.

Trong bất kỳ một dịch vụ nào, đều có mối tương quan giữa thụ hưởng và chi trả. Nếu người thụ hưởng được thụ hưởng một mức độ cao hơn giá trị phải chi trả, thì người thụ hưởng sẽ hàm ơn. Ngược lại, nếu họ chi trả mức cao hơn so với những gì họ thụ hưởng thì người cung cấp dịch vụ phải hàm ơn khách hàng.

Vậy, không nhất thiết trong mối quan hệ bác sĩ và bệnh nhân, bác sĩ là người ban ơn. Việc người bệnh có hàm ơn hay không phụ thuộc vào những gì họ nhận được từ bác sĩ có cao hơn chi phí họ chi trả hay không.

Hỏi: Tôi có trao đổi với một số bác sĩ thì được biết, thực chất mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ chỉ là mối quan hệ chuyên môn. Còn vấn đề chi phí chữa bệnh là do bảo hiểm xã hội quyết định. Nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân bức xúc với về chuyện chưa chữa bệnh đã đòi tiền (tạm ứng). Bảo hiểm xã hội đóng vai trò gì mà lại bắt bác sĩ đi thu tiền trong khi lẽ ra họ chỉ phải làm việc chuyên môn thôi dẫn đến bệnh nhân bức xúc oan cho bác sĩ? ([email protected] )

BS Nguyễn Thu Hà: Tôi phản đối sự độc quyền của bảo hiểm y tế trong quy định trần đơn thuốc, các dịch vụ cận lâm sàng. Bảo hiểm y tế không liên quan đến ngành y, nhưng vì có chữ y tế phía sau nên người bệnh hiểu sai. Tưởng bảo hiểm y tế là của y tế ban ra.

Tôi đề xuất cán bộ bảo hiểm tự thanh toán quyền lợi với người bệnh (người tham gia bảo hiểm). Nhân viên y tế chỉ là cầu nối trong việc chỉ định, điều trị, theo dõi, chăm sóc và kê đơn. Bảo hiểm không có quyền khống chế, bắt bác sĩ thay thuốc theo danh mục do trần bảo hiểm y tế quy định.

Không cho nhân viên bảo hiểm mặc áo blouse giống như nhân viên bệnh viện. Đổi tên bảo hiểm y tế là bảo hiểm ốm đau (hoặc tên khác) nhưng không nên 2 chữ "y tế" phía sau chữ "bảo hiểm" gây hiểu lầm cho người dân. Bảo hiểm tự ứng tiền để điều trị cho bệnh nhân.

Hiện tại, bệnh viện đang bỏ tiền túi điều trị trước cho bệnh nhân, nhưng trong quá trình quyết toán mà vô tình sai phạm từ lỗi chính tả đơn thuốc, chỉ định không đúng, không sát bệnh… thì sẽ bị dừng lại. Không xuất toán. Có những bệnh viện không xuất toán đến cả chục tỷ. Tình trạng bây giờ khiến các bệnh viện đang tự bỏ tiền túi ra, làm việc không công cho bảo hiểm y tế.

Hỏi: Xin hỏi bác sĩ, khâu nào trong 1 bệnh viện (dù công hay tư) gây bức xúc nhiều nhất cho người dân - vì sao: 

- Cửa viện: Tiếp nhận bệnh nhân đến khám (ghi sổ, ghi tên, thu tiền...) 

- Thái độ và chất lượng chữa bệnh của bác sĩ điều trị 

- Thái độ và chất lượng phục vụ của y tá, điều dưỡng 

- Chi phí chữa bệnh 

Và từ đó, theo bác sĩ, giả sử chỉ có thể giải quyết 1 trong 4 vấn đề trên để giảm thiểu ác cảm xã hội với ngành (có vẻ đang rất lớn), thì cần cải thiện khâu nào trước tiên, giải quyết thế nào? (Độc giả Đức Giang S...)

BS Nguyễn Trung Cấp: Tôi xin trả lời bạn như sau:

- Theo thống kê chung, thì 2 khu vực hay xảy ra bạo hành nhất là khu vực cấp cứu và khu vực cấp cứu chấn thương. Tuy nhiên, đa số các bức xúc xuất phát đầu tiên từ thủ tục hành chính tại khu vực tiếp đón (không liên quan đến chuyên môn), sau đó, vào khu vực chuyên môn mới bùng nổ.

- Nếu chỉ giải quyết được 1 trong 4 vấn đề, chúng tôi sẽ ưu tiên giải quyết ở khâu tiếp đón. Bởi vì, đây là khâu giải quyết dễ dàng và ít chi phí nhất. Để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh của 1 bác sĩ đôi khi phải mất thời gian đào tạo hàng chục năm, mà với nhiều bệnh viện, bác sĩ sau khi được đào tạo lại chuyển công tác đến bệnh viện khác.

-  Để giảm thiểu ác cảm xã hội với ngành: Đòi hỏi truyền thông (cả báo chí và mạng xã hội) cần đúng mực.

Đặc trưng của truyền thông, những sự kiện bất thường sẽ gây thu hút, nên 1 trường hợp đến bệnh viện gặp chuyện không hài lòng rất dễ được chia sẻ, còn hàng vạn trường hợp đến bệnh viện thấy bình thường hay hài lòng lại ít được chia sẻ. Điều này đòi hỏi cần 1 chế tài của nhà nước để định hướng, điều chỉnh hoạt động truyền thông.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 11.

BS Phạm Nguyên Quý từ đầu cầu Nhật Bản

Hỏi: Thưa bác sĩ, ở Nhật có thống kê về nạn bạo hành y tế không? Nếu có thống kê xin cho tôi biết những đối tượng nào hay bị bạo hành nhất: Bác sĩ, y tá, hay điều dưỡng... ([email protected] )

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Hiện tại, tôi không có số liệu cụ thể (xin trả lời cuối buổi hoặc trả lời sau)

Có điều, bạo hành cũng nhiều dạng ở từng đối tượng. Như y tá thì hay bị sàm sỡ tình dục. http://www.icn.ch/images/stories/documents/publications/guidelines/guideline_violence.pdf

Theo các báo cáo, 56% y tá được phỏng vấn ở Nhật trả lời rằng đã từng bị sàm sỡ ít nhất 1 lần trong khi làm việc. Nhưng cần lưu ý, Nhật là quốc gia có nhiều người già, bị lú lẫn nên việc định nghĩa thế nào là sàm sỡ cũng tùy đối tượng.

https://www.ajha.or.jp/voice/pdf/other/080422.pdf

Số liệu cũng thay đổi tùy theo cách tính bạo hành về tinh thần hoặc về thể xác. Theo số liệu hiện có ở đây, trên 50% bệnh viện ở Nhật đã kinh qua bạo hành y tế và có 6% báo cảnh sát. Trong đó, bạo hành thể xác thì độ 4 vụ/bệnh viện/năm, bạo hành tinh thần thì 6 vụ/năm, sàm sỡ y tế thì độ 1.5 vụ/bệnh viện/năm.

Hỏi: Các cụ có câu "lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền". Tôi xin hỏi cả 6 chuyên gia ở đây, bác sĩ ở Việt Nam hiện nay đã làm được điều đó chưa? Đến viện thấy bác sĩ mặt lạnh lùng vô cảm, khám bệnh thì qua loa 2,3 phút đã xong. Tôi chắc chắn nếu lương y như từ mẫu sẽ không có chuyện đánh bác sĩ bao giờ (Độc giả Huệ Vân.... từ Canada)

BS Nguyễn Trung Cấp: 

- Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, từ 8 - 38% số nhân viên y tế trên thế giới đã từng bị bạo hành. Đây là vấn đề đặc trưng nghề nghiệp.

- Câu "Lương y như từ mẫu" là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ y tế trong bức thư gửi ngành y tế 27/2/1956. Đây là kỳ vọng cần phấn đấu, còn việc đạt được "từ mẫu" hay không, tùy thuộc vào mức độ đánh giá.

Với 1 nghề nghiệp bình thường, bạn không thể thuê 1 ông giáo sư, 1 Tổng giám đốc đi ngửi phân hay kiểm tra nước tiểu cho bạn, nhưng với ngành y tế, 1 giáo sư, 1 giám đốc bệnh viện vẫn có thể làm việc đó hàng ngày.

Vậy không hiểu tiêu chuẩn "từ mẫu" bạn đặt ra là gì và phải làm thế nào mới được gọi là "từ mẫu"?

Nếu đòi hỏi bác sĩ phục vụ hết mình mà không nhận được cái gì thì tôi tin trên cả thế giới không có bác sĩ nào đạt được. Ở những nước phát triển, năng suất lao động cao, người dân đóng thuế nhiều nên chỉ vài trăm công dân đã đủ khả năng nuôi 1 bác sĩ. Nên các bác sĩ 1 ngày chỉ khám 10-15 bệnh nhân, thời gian dành cho bệnh nhân được nhiều.

Ở Việt Nam, năng suất lao động rất thấp, khả năng nộp thuế chưa cao, nhiều đối tượng khó khăn cần hỗ trợ (ví dụ: Chương trình 135 cho đồng bào miền núi) nên chi phí cho y tế và tỉ lệ bác sĩ/dân số chưa đạt được cao.

Một bác sĩ 1 ngày phải khám hàng trăm bệnh nhân, nên mỗi bệnh nhân chỉ có 5-7 phút không phải là chuyện lạ. Trong thời gian ấy, nếu dành 4-5 phút cho giao tiếp, chỉ 1-2 phút cho chuyên môn thì bệnh nhân sẽ chết. Còn nếu dành 5-6 phút cho chuyên môn, 1 phút cho giao tiếp thì bệnh nhân có cơ hội khỏi nhưng bác sĩ bị đánh giá là lạnh lùng vô cảm.

Điều bạn chắc chắn nếu lương y như từ mẫu sẽ không có chuyện đánh bác sĩ bao giờ thì tôi không chắc chắn. Mỗi ngày, khám 100 bệnh nhân, ít nhất, tôi phải gặp 4-5 người say rượu, 1-2 người lạm dụng ma túy, vài đối tượng bất hảo. Với các trường hợp này, nguy cơ xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 12.

BS Nguyễn Trung Cấp đang trả lời câu hỏi trực tuyến

Hỏi: Bác sĩ nghĩ sao về tình trạng xảy ra ở Việt Nam là mỗi lần đi khám bệnh, bệnh nhân đều livestream hoặc quay video ghi lại toàn bộ buổi khám? (FB Nguyễn Văn Hương)

BS Phạm Nguyên Quý: Ở Nhật, việc này hầu hết bị cấm. Cấm quay video lại. Vì như nói ở trên, bệnh viện là một môi trường công cộng và việc quay video có thể ảnh hưởng người khác.

Chỉ trong một số trường hợp như bệnh nhân có vấn đề về trí nhớ, lo lắng không hiểu muốn nghe lại về sau... thì phải nói với bác sĩ. Được sự chấp nhận của bác sĩ, họ mới được tiến hành. Cái này không phải là luật mà là cách hành xử, theo đạo lý cơ bản của xã hội Nhật.

Việc lén ghi/quay lại câu chuyện giữa hai người mà ko có sự đồng ý của người kia về cơ bản ám chỉ việc "KHÔNG TIN TƯỞNG" người kia. Khi đó, việc phối hợp khám chữa bệnh sẽ không tốt, và bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân đi chỗ khác khám. Điều này cũng để bảo vệ nhân quyền của bác sĩ.

Hỏi: Theo tôi, tình trạng hành hung bác sĩ là do từ cả 2 phía, do bác sĩ Việt Nam quá áp lực vì số lượng bệnh nhân nhiều, còn người nhà bệnh nhân lại quá cầu thị vào bác sĩ, coi bác sĩ là "thánh nhân". 

Vậy xin hỏi bác sĩ Lân Hiếu, có giải pháp nào để trung hòa được 2 phía người nhà và bác sĩ? Có cần thiết phải thành lập phía trung gian hoà giải giữa người nhà và BS để giảm thiểu tình trạng bạo lực y tế như hiện nay hay không? (FB Linh Đỗ)

BS Nguyễn Lân Hiếu: Theo tôi, hiện nay áp lực không chỉ dành cho bác sĩ mà dành cho tất cả các cán bộ nhân viên y tế, những người mặc áo choàng trắng. Chính vì vậy, ý kiến cần có một phía trung gian là rất hợp lý.

Các bệnh viện nên xây dựng đơn vị tiếp đón độc lập được huấn luyện, không cần là các nhân viên y tế, có đồng phục riêng. Từ cuối năm 2017, bệnh viện Đaị học Y Hà Nội chúng tôi đã thành lập đơn vị như vậy và thu được những hiệu quả nhất định.

Hỏi: Thưa bác sĩ, thẳng thắn mà nói, bác sĩ đã bao giờ chứng kiến trường hợp người thầy thuốc quấy nhiễu, "hành" bệnh nhân chưa? Theo bác sĩ, những trường hợp như vậy có phổ biến không và có phải nguyên nhân chính gây ra sự bức xúc, mất cảm tình của bệnh nhân với nhân viên y tế? Trong trường hợp như vậy bệnh nhân nên xử sự ra sao để tránh sự nổi nóng dẫn đến bạo hành? ( [email protected] )

BS Nguyễn Thu Hà: Có đôi lần tôi chứng kiến đồng nghiệp nhận phong bì bệnh nhân. Và khi không được đáp ứng nhu cầu, bệnh nhân lại nổi nóng, làm loạn lên. Lúc đó tôi phải nhờ một bạn bên chăm sóc tư vấn y tế mời bệnh nhân đó vào phòng riêng để hỏi thăm và dịu cơn giận. Nếu để người ta phản ứng trong khu vực khám bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý đến những bệnh nhân khác.

Song song đó, tôi cũng gọi điện cho đồng nghiệp vào phòng để nói chuyện với bệnh nhân. Tôi đã làm trung gian để giải quyết khúc mắc của đôi bên. Sau đó sự việc đã được giải quyết.

Nói chung tùy trường hợp chúng ta sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Riêng trường hợp trên, tôi cũng nói với hai người là nếu cả hai không giải quyết, tôi sẽ báo cáo cho cấp lãnh đạo của bệnh viện để xử lý. Bản thân chỗ tôi làm việc cũng đã có một bác sĩ phải nghỉ việc do gợi ý thu thêm tiền của bệnh nhân để bỏ túi.

Hỏi: Nhân viên y tế làm thế nào để nhận dạng những tình huống dễ có bạo hành diễn ra? Phải kiểm soát nguy cơ bạo hành như thế nào? (độc giả Trung Tự Nguyễn...)

BS Nguyễn Trung Cấp: Thống kê chung cho thấy bạo hành thường diễn ra ở 2 nơi là cấp cứu nội và cấp cứu chấn thương.

Những nghiên cứu về bạo hành trên thế giới cho thấy, có sự khác biệt với bạo hành ở Việt Nam. Trên thế giới, bạo hành chủ yếu do các bệnh nhân mãn tính nằm viện lâu và đối tượng bị bạo hành chủ yếu là điều dưỡng. Ở Việt Nam thì ngược lại, bạo hành chủ yếu nhắm vào bác sĩ, và ở các đối tượng bệnh nhân vừa vào nhập viện.

- Những đối tượng có tiềm năng gây bạo hành gồm: Người say rượu, lạm dụng ma túy...

- Những người thường xuyên có đặc lợi hoặc quyền lợi thông qua hành vi tranh giành: Đầu gấu, một số quan chức cấp thấp - khi vào bệnh viện, họ có tâm lý mặc nhiên giành được ưu đãi hoặc dùng bạo lực để giành đặc lợi hơn người khác;

- Những người chăm sóc bệnh nhân từ khi bắt đầu ốm thường ít khi gây xung đột bạo lực. Trái lại, trong gia đình, những người không quan tâm đến người bệnh, chỉ đến viện khi người bệnh đã diễn biến nặng thường thúc ép bác sĩ mọi thứ ngay và luôn.

- Những đối tượng kỳ vọng vào bác sĩ quá đáng (mong muốn thầy thuốc như mẹ hiền) khi không được đáp ứng mọi việc như kỳ vọng của họ dễ thất vọng và gây xung đột.

- Những đối tượng ít liên quan trực tiếp (bạn bè, họ hàng xa) đôi khi thích thể hiện sự quan tâm bằng cách xúc phạm thầy thuốc, bắt ép phải phục vụ tốt hơn.

Để kiểm soát nguy cơ bạo hành: 

- Cần nhận diện các đối tượng tiềm năng gây bạo hành để sắp xếp lực lượng an ninh phù hợp, thậm chí, né tránh xung đột khi cần thiết.

- Bởi lẽ, hành vi bạo hành đến thầy thuốc mà còn ảnh hưởng đến những người bệnh đang điều trị nên cần có chế tài, xử lý nghiêm khắc những đối tượng gây bạo hành để đảm bảo an toàn cho thầy thuốc và cả bệnh nhân đang điều trị.

Hỏi: Khi trả lời phỏng vấn, BS Võ Xuân Sơn cho rằng: Trước mắt, các bác sĩ cần phải tự biết bảo vệ mình. Vậy theo anh, các bác sĩ cần làm gì để thực hiện điều đó? Luật khám chữa bệnh nên có điều khoản ghi rõ nếu người bệnh, người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế sẽ bị xử lý thế nào không? (FB Hoang Ha Bui)

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Thứ nhất, các bác sĩ hay các thầy thuốc nói chung phải tự trang bị kiến thức nhận biết nguy cơ khi bước vào môi trường làm việc. Đặc biệt là những khu vực có thể xảy ra bạo hành y tế thì họ cần tự tìm và dự kiến lối thoát hiểm cho bản thân.

Tại Mỹ, các cơ quan chức năng bắt buộc các bệnh viện phải thiết kế lối thoát hiểm tại các khu vực có thể xảy ra bạo hành y tế. Còn ở Việt Nam thì chưa có quy định này.

Khi có nguy cơ bị bạo hành, bác sĩ phải tạo cho mình lợi thế số đông bằng sự hiện diện của các đồng nghiệp và thân nhân bệnh nhân khác ủng hộ mình bằng cách la lớn liên tục, bấm chuông báo động….

Cuối cùng là nếu vẫn không thoát hiểm được, không có sự hỗ trợ và bảo vệ của đồng nghiệp, của thân nhân người bệnh khác và lực lượng bảo vệ, bác sĩ phải tự chống trả.

Nhân viên tại phòng khám của tôi được huấn luyện các kỹ năng như giật màn cửa tung về phía kẻ bạo hành để trùm họ lại hoặc ném các vật dụng có tại chỗ để làm chùn bước kẻ hành hung.

Hỏi: Bác sĩ Quý có thể so sánh điểm giống và khác nhau giữa nạn bạo hành trong y tế Nhật và Việt nam không? Các bệnh viện ở Nhật làm gì để giúp các nhân viên y tế phòng tránh nạn bạo hành? Biện pháp nào giúp giải quyết nạn bạo hành hiệu quả nhất? Xin ông nói thêm những kinh nghiệm có thể áp dụng được ở Việt Nam. ( nguyen_nam_trung1984@gmail.com )

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Điểm khác nhau là bệnh viện ở Nhật không có quá tải như ở Việt Nam.

Người Nhật đa số có cách hành xử công cộng lịch thiệp hơn vì đã được giáo dục từ nhỏ nên ít khi to tiếng. Người Nhật cũng lý trí hơn nên bình tĩnh nói chuyện hơn. Bệnh viện Nhật có nhiều nhân viên y tế ngành khác hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng trong việc xử lý vấn đề rất chuyên nghiệp.

Điểm giống nhau là chúng ta đều là con người, đều có cảm xúc thất vọng, chán nản, lo lắng, bực bội như nhau nên mâu thuẫn hay hiểu lầm là điều luôn xảy ra.

Bệnh nhân nào thì cũng có sự thống khổ riêng cần được lắng nghe chia sẻ và nâng đỡ.

Về việc phòng tránh nạn bạo hành ở bệnh viện Nhật Bản, tôi không rành hết tất cả sự tình nhưng hầu hết các bệnh viện đều có bảng hướng dẫn hành động, tùy theo mức độ nguy hiểm của bạo ngôn/bạo hành để ngăn chặn xử lý kịp thời.

Ví dụ khi đang nhập viện mà bệnh nhân không chấp hành nội quy, tùy mức độ mà sẽ có tình huống.

Bác sĩ, điều dưỡng cảnh báo lần đầu, họp bàn toàn khoa, Giám đốc bệnh viện ra lệnh trục xuất hoặc gọi cảnh sát trục xuất.

Phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là phòng ngừa. Hãy nắm bắt nguy cơ xảy ra mâu thuẫn từ sớm bằng việc lắng nghe thăm dò và đưa ra đối sách từ đầu. Mà ở Nhật, họ rất chú trọng tới việc xử lý giảm tải cho bệnh viện và bác sĩ.

Cái này như nói ở trên là cần sự liên thông với các bệnh viện khác, các bác sĩ khác trong toàn thành phố để chuyển đi những ca bệnh thích hợp nhằm giảm tải.

Việt nam cần phải bổ trí cảnh sát thường trực để can thiệp ngay vì tôi nghe các đồng nghiệp nói họ có gọi điện thoại vào đường dây nóng Hotline nhưng mãi chẳng thấy ai tới.

Bệnh viện nào cũng có bảng hành động ghi rõ khi nào nên làm gì nhưng nhìn chung bước gọi cảnh sát thì mãi không có mặt.

Ngoài việc giảm tải, tăng thời gian khám bệnh thì việc tổ chức các khóa đào tạo nhân viên y tế cách giao tiếp chia sẻ với bệnh nhân sâu& chuyên nghiệp hơn, các khóa hướng dẫn bệnh nhân về bản chất căn bệnh, quy trình khám chữa bệnh (những thứ sẽ xảy ra) cũng giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện sự thấu hiểu của hai bên.

Bổ sung thêm là ở Nhật vẫn có những đối tượng tâm thần, nghiện rượu, học vấn thấp hơn mặt bằng chung dẫn đến hiểu nhầm hoặc không biết cách ứng xử.

Hỏi: Xin hỏi bác sĩ Hiếu, với cương vị của ông, chắc chắn ông rất thấu hiểu nguyên nhân của bạo lực y tế. Xin hỏi ông, nguyên nhân bạo lực y tế có phải như người ta nói là do thái độ của nhân viên y tế chưa tốt với người dân không? Còn nguyên nhân gì nữa không? (Phúc Khánh..., Nam Định)

BS. Nguyễn Lân Hiếu: Có rất nhiều trường hợp nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo hành y tế là các sự hiểu nhầm về mặt chuyên môn của người dân với hệ thống y tế.

Sự phân loại các trường hợp cấp cứu tối cấp và cấp cứu thông thường thuộc về chuyên môn của các bác sĩ và nhân viên y tế. Chính vì không biết được điều này nên chúng ta thường bức xúc với sự không ưu tiên trong phòng cấp cứu.

Ngoài ra, nếu nhìn vào toàn xã hội chúng ta đều thấy bức xúc đang trở thành một xu thế ở khắp mọi nơi chính vì vậy môi trường bệnh viện là nơi thuận lợi nhất để các bức xúc đó bùng nổ.

Hỏi: Bác sĩ nghĩ sao khi có luồng dư luận cho rằng, sự việc hành hung bác sĩ là do "tại anh, tại ả, tại cả hai bên". Ngoài sự thiếu kiềm chế của người nhà bệnh nhân thì cũng có một phần nguyên nhân không nhỏ từ phía bác sĩ? ( [email protected] )

BS Nguyễn Trung Cấp: Thực tế đúng là từ cả 2 bên, do điều kiện tại Việt Nam nên ngành y tế không đáp ứng được kỳ vọng như bệnh nhân mong muốn. Ngược lại, về phía bệnh nhân và xã hội cũng không đảm bảo được điều kiện làm việc và thu nhập như kỳ vọng của bác sĩ. Bởi vậy, chúng ta cần điều chỉnh cả từ 2 phía.

Về phía thầy thuốc: Cần rèn luyện các kỹ năng giao tiếp phù hợp, hiệu quả để có thể khiến bệnh nhân hiểu được các vấn đề một cách không tốn quá nhiều thời gian.

Ngược lại, người bệnh cần nhận thức được nếu đòi hỏi bác sĩ giành quá nhiều thời gian cho giao tiếp, thái độ thì sẽ làm mất thời gian cho hoạt động chuyên môn của bác sĩ. Điều này thỏa mãn được nhu cầu của người nhà bệnh nhân nhưng lại làm tổn hại đến quyền lợi của bệnh nhân.

Hỏi: Theo bác sĩ, khái niệm bạo hành nhân viên y tế, ngoài đánh bằng chân tay, hung khí ra, việc dùng lời lẽ miệt thị, ghi hình tung lên mạng xã hội để kích động có nghiêm trọng bằng không? ( [email protected])

BS Wynn Huynh Tran: Cảm ơn bạn!

Khái niệm bạo hành nhân viên y tế cần phải hiểu đúng là bao gồm cả bạo hành cả thể xác và tinh thần, Do vậy, việc dùng lời lẽ kích động, miệt thị, ghi hình tung lên mạng xã hội để kích động gây hậu quả nghiêm trọng như hành hung thể xác.

Về lâu dài, những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần của nhân viên y tế trong vụ bạo hành là như nhau cho dù là bạo hành bằng thể xác hay tinh thần.

Hỏi: Tôi có theo dõi chuyện đôi co giữa bảo hiểm và y tế về chuyện chụp X-quang cái chân. Chụp phim nhiều lần thì hình như phía bảo hiểm không quyết định chuyên môn nhưng lại được quyết định chi phí, dẫn đến "trói chân trói tay" bác sĩ khi chỉ định chuyên môn?

Chuyện này có phổ biến không? Quyền lợi của người bệnh có bị ảnh hưởng không khi 2 bên bảo hiểm và y tế không có tiếng nói chung? (Phụng Hà Phi)

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Thẳng thắn một điều là các bác sĩ đang bị "trói chân trói tay". Bảo hiểm y tế gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân như bạn nói. 

Một cán bộ của bảo hiểm y tế đã nói: "Cái cổ chân và bàn chân có cách nhau bao xa mà các bác sĩ chụp tận 2 phim".

Câu trả lời đó đã làm cho các bác sĩ bị "trói chân trói tay". Vì cổ chân, bàn chân chụp ở 2 tư thế khác nhau. Cổ chân thì chụp thẳng nghiêng, còn bàn chân chụp thẳng chếch. Ngoài ra, xương gót dù ở bàn chân nhưng cũng chụp bằng tư thế khác. Bảo hiểm y tế nói vậy khác nào nói bác sĩ vẽ ra để ăn tiền. Điều này vô tình làm ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, thậm chí cản trở, không chẩn đoán được đúng tổn thương.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 13.

Hỏi: Khi trả lời phỏng vấn, BS Võ Xuân Sơn cho rằng: Trước mắt, các bác sĩ cần phải tự biết bảo vệ mình. Vậy theo anh, các bác sĩ cần làm gì để thực hiện điều đó? Luật khám chữa bệnh nên có điều khoản ghi rõ nếu người bệnh, người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế sẽ bị xử lý thế nào không? (FB Hoang Ha Bui)

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Thứ nhất, các bác sĩ hay các thầy thuốc nói chung phải tự trang bị kiến thức nhận biết nguy cơ khi bước vào môi trường làm việc. Đặc biệt là những khu vực có thể xảy ra bạo hành y tế thì họ cần tự tìm và dự kiến lối thoát hiểm cho bản thân.

Tại Mỹ, các cơ quan chức năng bắt buộc các bệnh viện phải thiết kế lối thoát hiểm tại các khu vực có thể xảy ra bạo hành y tế. Còn ở Việt Nam thì chưa có quy định này.

Khi có nguy cơ bị bạo hành, bác sĩ phải tạo cho mình lợi thế số đông bằng sự hiện diện của các đồng nghiệp và thân nhân bệnh nhân khác ủng hộ mình bằng cách la lớn liên tục, bấm chuông báo động….

Cuối cùng là nếu vẫn không thoát hiểm được, không có sự hỗ trợ và bảo vệ của đồng nghiệp, của thân nhân người bệnh khác và lực lượng bảo vệ, bác sĩ phải tự chống trả.

Nhân viên tại phòng khám của tôi được huấn luyện các kỹ năng như giật màn cửa tung về phía kẻ bạo hành để trùm họ lại hoặc ném các vật dụng có tại chỗ để làm chùn bước kẻ hành hung.

Hỏi: Lâu nay tôi có nghe nói đến khám niệm sự hài lòng của bệnh nhân. Theo BS, chỉ số hài lòng của bệnh nhân có phải là thước đo sự phát triển của một nền y tế không? Người bệnh hài lòng tức là cơ sở y tế hoặc nhân viên y tế đã làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình? Nếu vậy, 1 nền y tế có nhiều vụ bạo hành như ở VN có nghĩa là một nền y tế không làm tốt nhiệm vụ của mình? ([email protected])

BS Wynn Huynh Tran: Cảm ơn bạn!

Theo tôi, chỉ số hài lòng của BN chỉ là một phần của thước đo sự phát triển 1 nền y tế. Những thước đo khác bao gồm tỷ lệ sống sót, tỷ lệ chữa bệnh, tỷ lệ cải thiện chất lượng cuộc sống...

Nếu nhìn ở góc độ đó, 1 nền y tế có nhiều bạo hành như ở VN chưa có nghĩa là họ không làm tốt nhiệm vụ của mình. Thực tế, theo quan sát của tôi, các BS và nhân viên y tế VN làm việc rất cật lực, có thể nói là nhiều giờ hơn nhiều so với các nhân viên y tế khác trên thế giới.

Bạo hành y tế VN không phải chỉ là 1 vấn đề của nền y tế mà là vấn đề của toàn xã hội.

Hỏi: Ngành y cứ đòi tăng viện phí, mà viện phí bây giờ đã bị người dân kêu là quá cao rồi. Nếu tăng nữa tôi e rằng mâu thuẫn giữa ngành y và người dân còn tăng cao hơn nữa. Tại sao lại tăng viện phí trong khi chất lượng khám chữa bệnh thì lại giữ nguyên? (Độc giả Tuấn Hoài...)

BS Nguyễn Trung Cấp: Thu nhập bình quân đầu người VN năm 1995 là 288 USD/năm. Năm 2017 là 2400USD/năm.

Lương cơ bản năm 1995 ở VN là 120.000 đ/tháng, năm 2015 là 1.250.000 đ/tháng. Tức là, trong vòng 10 năm qua, thu nhập trung của mọi người dân tăng gấp 10 lần. Giá các mặt hàng cơ bản cũng tăng gấp nhiều lần, nhưng viện phí chỉ tăng 1 lần và tăng trung bình khoảng 30% nên không thể nói ngành y tế mà chỉ là đang cố điều chỉnh viện phí theo kịp giá cả và thu nhập chung của xã hội.

Trong khi, thực tế 20 năm qua, chất lượng khám, chữa bệnh tăng vượt bậc: Các kỹ thuật mới được triển khai, áp dụng ở tất cả các tuyến. Tỉ lệ tử vong nhiều mặt bệnh giảm rõ rệt so với trước đây, ví dụ: Bệnh uốn ván trước 1995 tử vong khoảng 30-40%, hiện nay là dưới 6%; tỉ lệ tử vong sơ sinh giảm.

Những vật dụng phục vụ bệnh nhân như quạt, đèn sưởi, thậm chí điều hòa là điều giai đoạn trước chưa từng có ở bệnh viện, thì bây giờ đã có ở hầu hết các tuyến. Rõ ràng quan điểm viện phí tăng quá cao và chất lượng khám chữa bệnh giữ nguyên của bạn là không đúng.

Hỏi: Thưa BS, những ngày này tôi tin rằng BS hẳn rất đau lòng khi nghe những thông tin như: - Bác sĩ cấp cứu bị đánh chấn thương sọ não, rách giác mạc - Bác sĩ đang cấp cứu bị người nhà bệnh nhân đánh gãy mũi - Chồng sản phụ đánh bác sĩ rách đầu Ở Mỹ, giả sử hiện tượng này xảy ra, đối tượng hành hung có phải chịu án hình sự không? Còn trong ngành y, có biện pháp gì (chẳng hạn hội nghề nghiệp, cơ quan công tác...) bảo vệ bác sĩ sau các sự cố tương tự không? (FB Uyên Phương)

BS Wynn Huynh Tran: Đúng như bạn nói, tôi cảm giác rất đau khi những thông tin về đồng nghiệp của mình ở VN liên tục bị bạo hành. Tại Mỹ, hiện tượng bạo hành trong y tế thỉnh thoảng vẫn xảy ra, đối tượng hành hung phải chịu án hình sự.

Trong ngành Y, các BV và hội đoàn đều có các quy trình để tập huấn và ứng phó với bạo hành và bạo lực như tôi đã trả lời. Cảm ơn bạn!

Hỏi: Thưa bác sĩ Lân Hiếu, gia đình tôi có người từng điều trị dài ngày tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, có bác sĩ nhiều lần chủ động vòi vĩnh, nhờ vả người nhà bệnh nhân "mua đồ" giúp, dù bác sĩ biết rõ điều kiện kinh tế của từng bệnh nhân lâu năm của khoa mình. 

Là một người thầy thuốc, ông đánh giá như thế nào về y đức của những người như vậy? Phải chăng, đó là nguyên nhân khiến người nhà bệnh nhân bức xúc và bạo hành bác sĩ? (FB Nga Bui...)

BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi đồng ý nếu chuyện đó thực sự xảy ra với gia đình bạn thì đó chính là một hình ảnh hết sức phản cảm của ngành y chúng tôi. Trong quá khứ, những hiện tượng như thế không phải hiếm gặp, tuy nhiên phải khẳng định điều này đã giảm đi rất nhiều do sự cố gắng của toàn bộ ngành y tế cũng như sự phát triển của xã hội.

Rất mong bạn sẽ thẳng thắn phản ánh đến Ban Giám đốc bệnh viện hoặc đơn giản hơn là đưa lên facebook cá nhân của mình với tinh thần xây dựng cho một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi không nghĩ có sự bao che hay gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị của người nhà bạn nếu bạn phản ánh sự thật này.

Hỏi: Từng đưa người thân điều trị bệnh cả tuyến tỉnh và tuyến trung ương, tôi có nhận xét thế này: Ở tuyến tỉnh, nhân viên y tế có thái độ khó khăn hơn, tức là bệnh nhân hỏi thăm về tình hình bệnh tật của mình rất khó, thường không rõ bệnh tình của mình ra sao, điều trị thế nào.

Cũng bệnh đấy lên tuyến trung ương được giải thích rõ ràng ngay, phác đồ điều trị công khai, ngay cả chi phí thuốc hàng ngày hết bao nhiêu cũng được biết rõ nên biết được bảo hiểm đã chi trả cho mình bao nhiêu, mình phải bỏ tiền túi ra bao nhiêu. Tôi nghĩ, thông tin về tình hình bệnh tật không được nói rõ, chi phí y tế không rõ ràng chính là nguồn cơn gây ra những bức xúc của bệnh nhân và người nhà. Chuyên gia có đồng ý với tôi không? ( [email protected] )

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Đồng ý nó là nguyên nhân gây ra bức xúc cho bệnh nhân và người nhà, nhưng tôi không đồng ý nếu nói rằng bức xúc này là nguyên nhân gây ra bạo hành. Vì thực tế là càng ngày các vụ bạo hành y tế không bắt nguồn từ bức xúc của bệnh nhân.

Hỏi: Có người cho rằng: Sự thấu hiểu và thông cảm là điều hiếm thấy ở bệnh viện công. Điều này có đúng không? Và liệu có phải đây là một trong những lý do khiến bác sĩ bị hành hung không thưa bác sĩ? ( [email protected] )

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Hoàn toàn không phải vậy. Y đức trong mỗi cán bộ y tế không phụ thuộc đơn vị làm việc, phụ thuộc vào nhận thức của các y bác sĩ. Cụ thể, trong ngành Y những sự việc như nhận phong bì, gợi ý bồi dưỡng… là góc khuất, mặt tối. Hi vọng các đồng nghiệp phải thay đổi bởi những việc làm như vậy là đã không tôn trọng chính bản thân và làm "bẩn" áo y đức của ngành y.

Hỏi: Ở Mỹ, mối quan hệ giữa người bệnh – bác sĩ và bảo hiểm y tế thế nào? BS khám xong bệnh có phải đi đòi tiền bệnh nhân không? Bảo hiểm y tế có thò tay chi phối chỉ định chuyên môn của quý vị không? (Vĩnh Long, Hà Nội)

BS Wynn Huynh Tran: Cảm ơn bạn!

Tại Mỹ, mối quan hệ giữa người bệnh, BS và Bảo hiểm y tế là một mối quan hệ thú vị, tay ba, BN đến khám bệnh nhưng BS sẽ đòi tiền bảo hiểm trước. Khi nào, bảo hiểm tù chối thì BS mới đòi tiền BN. Hệ thống bảo hiểm tại Mỹ rất phức tạp, lẫn lộn cả bảo hiểm công và bảo hiểm tư, đa số các hãng bảo hiểm đều có quyền từ chối chi trả nếu BS đòi tiền không hợp lý.

Thậm chí Medicare – Tổ chức bảo hiểm Liên bang còn có quyền lấy tiền khám bệnh lại 1 vài năm sau khi đã trả tiền BS. Thỉnh thoảng, bảo hiểm y tế cũng có thò tay chi phối, chỉ định chuyên môn của BS. Tuy nhiên, BS có quyền đòi hỏi 1 bên thứ 3 để xem xét case của mình trong việc yêu cầu trị liệu hoặc điều trị đặc biệt.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 14.

BS Nguyễn Lân Hiếu

Hỏi: Xin hỏi Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Bác sĩ có giải pháp đặc biệt nào để giảm bớt tình trạng xung đột hiện nay đang diễn ra giữa đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân, gia đình bệnh nhân? (FB Nhung Lụa)

BS Nguyễn Trung Cấp: Tôi nghĩ rằng có một số giải pháp cơ bản như sau:

- Các ngôn ngữ chuyên ngành trong ngành y tế rất khó hiểu đối với bệnh nhân, đôi khi bác sĩ giải thích nhiều nhưng bệnh nhân không hiểu. BS cần học cách chuyển ngữ ngôn ngữ chuyên ngành thành ngôn ngữ bình dân, thì việc giải thích cho người nhà bệnh nhân sẽ hiệu quả hơn, giúp đôi bên thấu hiểu và dễ phối hợp hơn.

- Thực tế, do điều kiện, quá tải bệnh viện, nên bác sĩ có rất ít thời gian cho bệnh nhân. Ví dụ, một ngày, bác sĩ khám 80 bệnh nhân thì mỗi bệnh nhân sẽ chỉ có 6 phút. Nếu dành 5 phút cho giao tiếp và 1 phút cho chuyên môn thì bệnh nhân sẽ chết trong sự hài lòng. Nếu dành 1 phút cho giao tiếp, 5 phút cho chuyên môn thì bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong bức xúc.

Để giảm bớt tình trạng xung đột và đảm bảo đc vấn đề chuyên môn, cần phải giải quyết được vấn đề quá tải bệnh viện.

- Do đặc thù nghề nghiệp, nguy cơ thầy thuốc phải đối mặt với đối tượng "bất hảo" (say rượu, ma túy, ngáo đá) cao hơn nhiều so với những ngành nghề khác, nên việc phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan công an, bảo vệ với bệnh viện là vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa bạo hành ở bệnh viện.

- Một bác sĩ phải chăm sóc, điều trị cho cho hàng chục, hàng trăm bệnh nhân, nên khi bác sĩ bị bạo hành sẽ làm gián đoạn quá trình cấp cứu, điều trị đó và ảnh hưởng đến sinh mạng, sức khỏe của những người bệnh này. Vì vậy với mỗi người nhà bệnh nhân, cần hiểu, bảo vệ an toàn cho bác sĩ chính là bảo vệ sức khỏe, sinh mạng cho người thân của mình.

Hỏi: Thưa bác sĩ Hiếu, gần đây, tôi có đọc một bài báo nói về việc có một thứ "máu lạnh" chảy trong bệnh viện và xảy ra các vụ bạo hành là do người dân mất niềm tin vào y tế, tôi xin ý kiến của PGS. Nguyễn Lân Hiếu về việc này. Xin cảm ơn anh! (Độc giả Phương T...)

BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi khẳng định không có dòng "máu lạnh" nào trong cán bộ nhân viên y tế mà ngược lại càng ngày dòng máu chảy trong chúng tôi càng ấm hơn.

Chúng tôi vẫn ngày đêm cống hiến sức khoẻ và trí tuệ của mình trong việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Không có một nhân viên y tế nào mong muốn bệnh nhân của mình không khỏi bệnh. Rất mong bạn và gia đình mình tin tưởng vào hệ thống y tế ngày càng phát triển của chúng tôi.

Hỏi: Có một độc giả khi đọc chuyện BS cấp cứu bị đánh chấn thương sọ não, rách giác mạc trên một trong những tờ báo lớn nhất VN bình luận "Thầy thuốc và thầy giáo đang là nghề nguy hiểm" theo một cách thật sự chua xót. Vậy xin hỏi BS, ở Mỹ, nghề y có thật sự "nguy hiểm" không và nếu có, những sự nguy hiểm với nghề này đó đến từ đâu? Con mắt của người dân Mỹ với người trong nghề y là gì: coi nó đơn giản là 1 loại dịch vụ, hay coi họ là "lương y như từ mẫu"? (FB Nguyễn Trung Kiên)

BS Wynn Huỳnh Tran: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi!

Tại Mỹ, nghề BS được bình chọn là nghề tốt nhất trong vòng mấy chục năm nay. Mỗi năm, các tạp chí uy tín như Time đều bình chọn nghề BS là nghề tốt nhất, vì vậy tôi không nghĩ rằng nghề BS là thật sự nguy hiểm theo như cách nghĩ của bạn.

Trở lại VN, tôi đồng ý với bạn, nghề thầy thuốc và nghề thầy giáo đang là nghề nguy hiểm nhất. Theo tôi, sự nguy hiểm của nghề BS tại VN đến từ nhiều lý do.

Một trong những lý do cơ bản nhất là chất xám và tài năng của các BS VN không được trả lương và không được xã hội nhìn nhận đúng.

Dưới con mắt của người dân Mỹ, nghề BS chỉ đơn giản là 1 nghề cung cấp dịch vụ, sức khoẻ, những người làm nghề này đều rất yêu nghề của mình. 

Quá trình học và đào tạo để trở thành BS ở Mỹ đều rất lâu, thường phải trên 11 năm, nên những người theo ngành này phải có đam mê.

Cuối cùng, BS tại Mỹ không phải là từ mẫu. BS tại Mỹ chỉ là người tư vấn, kết nối và chăm sóc sức khoẻ của người bệnh.

Hỏi: Nhiều người cho rằng trong nhiều năm qua, truyền thông là một nguyên nhân khiến người dân hiểu sai lệch về ngành y tế, dẫn đến thái độ căm ghét, kỳ thị nhân viên y tế. Ông có đồng quan điểm với nhận định trên không? Nếu đồng quan điểm, xin ông dẫn chứng cụ thể. ([email protected] )

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Trên thực tế có nhiều bài báo, sản phẩm truyền thông nói chưa chính xác về ngành y. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ có các tờ báo, bài báo đưa tin một cách ác ý, nhưng khi đi sâu vào các sản phẩm truyền thông này thì thấy bản thân ngành y tế rất đặc thù nên không phải ai cũng hiểu được.

Ví dụ là trường hợp bệnh nhân gãy xương đùi ở Đà Nẵng tử vong. Rất nhiều cơ quan truyền thông cho rằng gãy xương đùi không thể dẫn đến tử vong nhưng thực tế tỷ lệ gãy xương đùi dẫn đến tử vong rất cao. Khi thông tin chuyên môn này được nhiều BS đưa lên thì những vụ sau đó đã được báo chí đưa tin đúng với chuyên môn hơn.

Gần đây, hệ thống truyền thông nói chung đã nhận thức khá rõ về những nguy cơ của bạo hành y tế và phần lớn tờ báo, đài truyền hình đã tham gia chống bạo hành y tế tích cực. Khi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình VTV trong tuần vừa rồi, tôi cũng đã nhận xét đây là một thành công của việc chống bạo hành y tế cho đến giờ. Tất nhiên với gần 1.000 tờ báo thì không thể đòi hỏi 100% đều ủng hộ ngành y tế và ủng hộ việc chống bạo hành y tế.

Hỏi: Nếu gặp lại người đã hành hung mình, ví dụ anh ta đang bị cấp cứu, bác sĩ có tâm trạng, cảm nghĩ như thế nào và sẽ xử sự ra sao? (độc giả TM...)

BS Nguyễn Trung Cấp:  Nếu gặp lại đối tượng hành hung mình trong điều kiện cấp cứu. Tôi vẫn cấp cứu như người bệnh bình thường. Tuy nhiên, hoạt động khám, chữa bệnh của người thầy thuốc vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật khi làm việc với một đối tượng gây ức chế, lại phải cảnh giác nguy cơ bị tấn công lại thì chắc chắn hiệu quả sẽ không tốt như bình thường.

Hỏi: Thưa BS Hiếu, bác sĩ có thể vận động để có chính sách bác sĩ được tránh mặt trong các trường hợp bị bạo hành được ko ạ? Vì sau khi bị bạo hành, thậm chí bị đánh các nhân viên y tế vẫn phải tiếp tục công việc trong cay đắng và tủi nhục, vừa làm tiếp vừa bị chửi bới... trong 1 tâm trạng vô cùng khó chịu và rối bời, như vậy có khi chất lượng khám và chăm sóc còn tệ hơn (độc giả Hoàng Nguyễn Xuân...)

BS. Nguyễn Lân Hiếu: Tôi nghĩ đây không phải cần một chính sách mà điều đương nhiên khi bị tấn công chúng ta hoàn toàn có quyền rút lui, thậm chí chống trả nếu nguy hại đến tính mạng.

Vấn đề đặt ra cần phải có một quy trình xử lý khi có bạo hành y tế như một hướng dẫn có hiệu lực pháp lý mà ngành y tế đề ra. Rất mong Bộ Y tế sớm tập hợp các chuyên gia để biên soạn quy trình này một cách rõ ràng, chi tiết.

Hỏi: Một chuyên gia đã cho rằng có 2 nguyên nhân khiến bác sĩ bị đánh: Trước hết là từ bệnh nhân/người nhà bệnh nhân. Họ mệt mỏi, bệnh tật hoặc phải chăm sóc người bị bệnh tật, lại thiếu kiên nhẫn do tác động của bệnh tật. Do đó, khi đến bệnh viện luôn muốn được chăm sóc, điều trị trước trong khi khả năng của cơ sở y tế chưa thể đáp ứng dịch vụ cho bệnh nhân cụ thể đó.

Thứ hai là do thiếu nhân lực. Nên mỗi bác sĩ phải khám, điều trị cho nhiều bệnh nhân/ngày. Do thiếu nhân lực nên cán bộ y tế chỉ tập trung vào chuyên môn mà chưa tư vấn, chia sẻ, động viên người bệnh.

Ngoài ra, thủ tục rườm rà cũng khiến người bệnh phải chờ đợi kéo dài.

Từ sự quan sát của mình về tình hình y tế VN, bác sĩ cho rằng ý kiến này có đúng không và có thể bổ sung thêm điều gì không ạ? (độc giả Minh Thanh, Hải Dương)

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Xin cảm ơn ý kiến của bạn. Ý kiến nhận xét này hoàn toàn đúng. Xin bổ sung thêm ý là xử lý sao để đảm bảo tính "Công bằng" trong y tế đã và luôn là một vấn đề khó.

Như trong khoa cấp cứu, bác sĩ và điều dưỡng sẽ phân bệnh theo mức độ nặng nhẹ để ưu tiên xử lý theo trình tự. Nhưng bệnh nhân bao giờ cũng nghĩ mình nặng hơn, hoặc mình có chức tước, tiền bạc quan hệ nên mình phải "bình đẳng hơn" người khác. Đó là một mâu thuẫn chưa có lời kết thấu đáo nhưng dù sao ý thức giữ sự công bình trong y tế là rất quan trọng.

Xin bổ sung thêm ý về thiếu nhân lực. Không chỉ thiếu nhân lực mà còn là nhân lực kiệt sức. Với tần suất làm việc như hiện nay, tôi có thể tưởng tượng một bộ phận lớn đồng nghiệp/nhân viên y tế đang kiệt sức.

Bên Nhật Và Mỹ cũng hay có tranh luận "Liệu bạn có muốn khám với 1 bác sĩ đã kiệt sức sau đêm trực, với khả năng quyết định suy giảm có thể dẫn tới sai sót y tế cao hơn không?" Bệnh viện và bệnh nhân cần hiểu và hợp tác điều phối để giảm tải.

Hỏi: Thưa BS Wynn Trần, ở một nước có nền văn hoá và y tế phát triển như Mỹ có hiện tượng BS bị đánh không? Nếu có thì đặc điểm, phạm vi, mức độ như thế nào? Thường xảy ra ở BV công hay BV tư? Mỹ giải quyết vấn đề này như thế nào? ( [email protected])

BS Wynn Huỳnh Trần: Các ơn bạn Bích Châu Nguyễn!

Hiện tượng bác sĩ hay nhân viên y tế bị bạo hành xảy ra trên toàn thế giới, kể cả Mỹ. Tuy nhiên, số lượng nhân viên y tế Mỹ bị bạo hành đã giảm trog những năm gần đây, vì các BV Mỹ luôn có kế hoạch ứng phó với bệnh nhân bạo hành.

Tôi đã trả lời chi tiết hơn trong một câu trả lời khác của bạn đọc. Tôi chỉ nhấn mạnh 1 ý là, chúng ta nên có một nhóm ứng phó luôn sẵn sàng với các vụ việc xảy ra để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho các bác sĩ

Thường bạo hành ở mỹ xảy ra ở BV công nhiều hơn bệnh viện tư.

[Giao lưu trực tuyến] BÁC SĨ BỊ ĐÁNH: NGUYÊN NHÂN TẠI ĐÂU? - Ảnh 15.

Đội ngũ biên tập viên đang tác nghiệp

Hỏi: Ở Ấn Độ, có trường hợp, sau khi bị người nhà bệnh nhân hành hung, 1 bác sĩ đã khóa mình trong phòng và nhất quyết không quay lại làm việc cũng như tham gia phong trào "nghỉ phép vô thời hạn". 

Vậy ông/bà có biết những bác sĩ bị đánh hoặc những bác sĩ chứng kiến đồng nghiệp bị đánh ở Việt Nam có trường hợp nào bị ảnh hưởng tâm lý hay không còn nhiệt huyết với nghề không? (độc giả [email protected] )

BS Nguyễn Trung Cấp: Như tôi đã trả lời trong một câu hỏi khác, trong 1 nghiên cứu ở Anh tôi đọc được cho thấy, khi các bác sĩ bị bạo hành 25% bị bạo hành stress trong 2 tuần, 21% stress trong 3 tuần, 17% stress kéo dài hơn.

Nếu các bác sĩ này vẫn phải làm việc thì giai đoạn này chắc chắn chất lượng khám, chữa bệnh,... sẽ không hiệu quả như bình thường. Và bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong thời gian này sẽ phải chịu hậu quả của việc bạo hành trước đó.

Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào như vậy, nhưng tôi tin rằng, sau khi bị bạo hành, chắc chắn nhiệt huyết phục vụ bệnh nhân của bác sĩ sẽ bị suy giảm khá nhiều.

Hỏi: Tôi có đọc một bài viết của anh nói rằng ở Mỹ rất đề cao chuyện BS giao tiếp với bệnh nhân nên nạn bạo hành y tế ít xảy ra. Trong tình trạng bệnh viện luôn quá tải như ở việt nam, liệu có thể áp dụng như ở Mỹ đẩy cao văn hoá giao tiếp để làm giảm sự bức xúc của người dân với ngành y tế hay không? (FB Hiền Nguyễn)

BS Wynn Huynh Tran: Xin cảm ơn bạn!

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra 1 trong những nguyên nhân chính của bạo hành xuất phát từ khâu giao tiếp. Chính vì vậy, trong thời gian qua, hơn 30 năm các BV tại Mỹ đã đẩy cao văn hoá giao tiếp để làm giảm sự bức xúc của người dân.

Trong tình trạng BV luôn quá tải như ở VN, chúng ta không thể áp dụng hoàn toàn các phương pháp như ở Mỹ, nhưng có thể lấy 1 vài ý, ví dụ:

Cười khi gặp BN và để BN nói hết câu trước khi ngắt lời.

Nhiều BS cho rằng, đợi BN nói hết câu sẽ quá lâu nên nhiều lần muốn ngắt lời, thực tế cũng có 1 số nghiên cứu cho thấy rằng, để BN nói hết câu cuộc nói chuyện ngắn hơn và cuộc nói chuyện hài lòng hơn, tôi nghĩ đây là 1 số ý các BV tại VN có thể áp dụng.

Hỏi: Nhiều người nói về vấn đề thái độ của bác sĩ Việt Nam khiến cho bệnh nhân và người nhà bức xúc. Bác sĩ có cho rằng đây là nguyên nhân gây ra bạo hành không? Bệnh viện gần như lúc nào cũng quá tải đó có phải nguyên nhân dẫn đến thái độ không thân thiện của bác sĩ không? Yêu cầu cải thiện thái độ trong tình trạng như vậy có khả thi không? ([email protected])

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Quá tải là nguyên nhân chính. Không có thời gian thì không thể nói chuyện (chứ đừng nói khám bệnh) và không thể chia sẻ được nhiều.

Hỏi: Xin hỏi vui nhưng có lẽ cũng rất thực tế, ở Mỹ, có một cái nào kiểu như "cẩm nang chống bạo hành" hoặc "hướng dẫn tránh bạo hành" (hoặc cái gì đó tương tự) mà bác sĩ được đào tạo không? Nếu có, xin bác sĩ chia sẻ thông tin đó kỹ hơn cho cán bộ nhân viên y tế ở VN tham khảo? Theo BS, ở VN có cần lập một quy trình, tài liệu như vậy không - bất kể các vấn đề chính sách, cơ chế sẽ được giải quyết? ([email protected])

BS Wynn Huynh Tran: Cảm ơn bạn!

Tại Mỹ, các bác sĩ và nhân viên y tế đều được khuyến cáo trong trườn hợp BN đang muốn gây rối hoặc có hành vi hung hăng, họ sẽ bật nút "mã quậy" lên và rút lui, đợi team ứng phó đến nơi để can thiệp.

Tôi nghĩ, các BV tại BV có thể lập sẵn team ứng phó với bạo lực, và lập sẵn 1 phòng dành cho nhân viên y tế rút vào đó và khoá cửa, chờ team giải quyết bạo lực đến nơi.

Về lâu dài, Bộ Y tế hoặc cơ quan chức năng cần lập ra 1 quy trình hoặc tài liệu để ứng phó với nạn bạo hành vì đây là 1 thực tế sẽ xảy ra tại bệnh viện.

Một điểm khác tôi nghĩ có thể làm thay đổi cách nhìn của BN, là BV và nhân viên y tế tại VN thử tập huấn các tình huống giả định bạo hành. Khi bật mã quậy lên, sẽ có lực lượng chức năng đến, bằng cách này, các bệnh nhân có ý định hành hung nhân viên y tế cũng sẽ đắn đo trước khi ý định hành động thực sự.

Hỏi: Nhật Bản có điều luật nào, hoặc có bộ quy tắc ứng xử nào để xử lý những trường hợp mâu thuẫn phát sinh giữa bệnh nhân và nhân viên y tế? ( [email protected] )

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Có chứ! Nhưng nó ko phải là luật mà là bộ quy tắc do mỗi bệnh viện phát hành. Gần đây có cả Bộ quy tắc do Hiệp Hội Bác sĩ hay Hiệp hội Điều dưỡng, do một số thành phố biên soạn. Về cơ bản giống nhau hết, chứng tỏ tầm quan trọng của sự việc và sự quan tâm chia sẻ của các cấp cao hơn chứ ko phải để cho mỗi nhân viên y tế gánh hết.

Hỏi: Người ta nói nhiều đến thái độ của nhân viên y tế. Vô cảm, không chia sẻ với bệnh nhân, khám bệnh qua loa, giải thích không rõ ràng, ăn tiền bệnh nhân... là những nguyên nhân gây nên bức xúc với người đi khám chữa bệnh. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân chính gây nên sự bức xúc và bạo hành y tế không? Có thể ông sẽ phủ nhận thì xin ông chỉ ra các nguyên nhân khác? ( [email protected] )

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Tôi đồng ý những tiêu cực của ngành y tế là nguyên nhân gây nên những bức xúc của bệnh nhân và thân nhân, nhưng nó không phải là nguyên nhân chính gây ra bạo hành y tế.

Bạo hành y tế được chia ra làm nhiều loại. Loại thứ nhất là những mâu thuẫn ngoài xã hội được giải quyết trong bệnh viện.Ví dụ: Một nhóm côn đồ đánh nhau ngoài đường bị thương tích. Khi được cấp cứu trong bệnh viện, họ tiếp tục kéo nhau vào đánh tiếp và tiện tay đánh luôn cả nhân viên y tế, phá hoại trang thiết bị bệnh viện.

Nhóm thứ 2 và thứ 3 là mâu thuẫn  giữa các nhân viên y tế với nhau và giữa các thành viên trong gia đình của nhân viên y tế.Ví dụ: Đánh ghen nhưng chủ yếu ở nước ngoài. Còn ở VN hiện nay chưa ghi nhận các báo cáo về trường hợp này.

Nhóm thứ 4 là bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân hành hung thầy thuốc. 

Ở Việt Nam, trong khi theo dõi các trường hợp bạo hành y tế trong thời gian gần đây, khoảng 1/3 là thuộc trường hợp thứ 1. 

Các vụ thuộc nhóm thứ 4 lại xuất phát từ các nguyên nhân khác, ví dụ các đòi hỏi quá đáng từ phía người nhà bệnh nhân, ví dụ bệnh nhân đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện nhưng người nhà lại đòi hỏi bác sĩ phải cứu sống.

Như vụ xảy ra ở Bệnh viện huyện Bố Trạch, Quảng Bình vào tối mùng 10 tết vừa qua (25/2/2018). Có 2 người khi đưa vào cấp cứu thì đã ngưng tim ngưng thở. Nhưng khi các bác sĩ đang cấp cứu thì có một nhóm người quay phim lại quá trình cấp cứu và đe dọa là nếu không cứu sống thì sẽ hành hung bác sĩ.

Một ví dụ nữa vào 29 tết (24/2/2018), một tài xế xe 4 chỗ ngăn cản không cho xe cấp cứu vượt trước mặc dù trên xe cấp cứu đang chở một bệnh nhân rất nặng (bệnh nhân này sau đó tử vong). Khi xe cấp cứu vượt qua, tài xế này rượt đuổi theo đến tận Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) và hành hung tài xế xe cấp cứu.

Rõ ràng, những vụ này hoàn toàn không có nguyên nhân từ bức xúc do thái độ làm việc của nhân viên y tế.

Qua theo dõi, tôi nhận thấy những vụ này có những nguyên nhân sau: Họ cho rằng khi hành hung nhân viên y tế thì sẽ nhận được sự quan tâm/ưu tiên dành cho người nhà của họ. Đây gọi là hành hung chủ động, có mục đích.

Nguyên nhân thứ 2 là tính côn đồ trong một số người, có những người giải quyết bất cứ sự khó chịu, mâu thuẫn… đều bằng bạo lực, kể cả những khó chịu vô lý (vụ tài xế xe cấp cứu bị hành hung ở trên chẳng hạn).

Hỏi: Ở Nhật, mối quan hệ giữa người bệnh – bác sĩ và bảo hiểm y tế thế nào? Bác sĩ khám xong bệnh có phải đi đòi tiền bệnh nhân không? Bảo hiểm y tế có thò tay chi phối chỉ định chuyên môn của quý vị không? (Vĩnh Long, Hà Nội)

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Bác sĩ ở Nhật ko bao giờ đi đòi tiền bệnh nhân. Người ta có một quy trình chuyên nghiệp mà bên Bảo hiểm sẽ nói chuyện với đơn vị hành chính ở bệnh viện. Bảo hiểm có thể yêu cầu giải thích sự cần thiết của xét nghiệm hoặc điều trị (thuốc) và cái đó làm việc qua giấy tờ thôi. Cũng có trường hợp quá chỉ định, bệnh viện sẽ thay mặt chịu thiệt chứ ko phải bác sĩ. Đa số thư giải thích của bác sĩ sẽ được công nhận, trừ một số ít quá khắt khe, mà bảo hiểm không chịu chi trả. Vì trong bảo hiểm, hội đồng xét duyệt các đơn thư đó có bác sĩ, và về cơ bản họ đứng trên quan điểm vì bệnh nhân cả.

Hỏi: Có nên xây dựng những phòng làm việc riêng, có hệ thống camera giám sát, lực lượng bảo vệ để là nơi cho các y bác sĩ trao đổi với gia đình bệnh nhân không thưa bác sĩ? Đây cũng sẽ là cách để giảm tình trạng "vòi vĩnh" tiền của người bệnh và gia đình đang diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát. (FB Long Nguyễn)

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Đây là việc rất cần làm nhưng không phải để chống bạo hành y tế mà là để bảo đảm sự trong sạch cho ngành Y. Vì như chúng ta đã nói, số vụ liên quan đến bức xúc không nhiều. Huấn luyện các kỹ năng chống bạo hành là cần thiết và nó là một phần trong giải pháp.

Điều chúng ta có thể làm ngay và hiệu quả nhất là kêu gọi sự quan tâm thiết thực của các lãnh đạo các cơ quan chức năng như Công an, VKSND, các cơ quan công quyền và hoàn thiện hệ thống pháp luật để làm cơ sở cho chống bạo hành y tế.

Cụ thể ở Mỹ, sau vụ bắn chết bác sĩ năm 2015 thì điều luật A2309/S911 được sửa lại. Theo đó, tất cả hành vi tấn công nhân viên y tế đều bị trừng phạt. Cụ thể, các hành vi tấn công gây thương tổn thân thể cho nhân viên y tế được xếp vào tội phạm mức độ 3, bị phạt tù từ 3-5 năm, phạt tiền đến 15.000 USD. Các hành vi tấn công nhân viên y tế khác bị xếp vào tội phạm mưc độ 4, phạt tù đến 18 tháng và phạt tiền đến 10.000 USD. Ngoài ra, những hành vi bạo hành nhân viên y tế đơn lẻ sẽ bị giam giữ đến 6 tháng và phạt tiền đến 1.000 USD.

Ở Trung Quốc, Ấn Độ, khi nạn bạo hành y tế gia tăng, cũng giống như Việt Nam hiện nay, thầy thuốc ở 2 quốc gia này đã có cac cuộc biểu tình rất lớn. Sau đó, các cơ quan chức năng đã quan tâm hơn đến việc chống bạo hành y tế. Năm 2017, nạn bạo hành y tế ở Trung Quốc đã giảm xuống thấy rõ.

Còn ở Việt Nam, các cơ quan chức năng, cơ quan lập pháp hiện nay chưa chú ý đến việc chống bạo hành y tế đầy đủ. Quốc hội vừa qua có sửa đổi một số điều luật liên quan đến bạo hành y tế nhưng việc này chưa được cân nhắc đầy đủ.

Cụ thể việc quy định phạt những hành vi tấn công người chữa bệnh cho mình hoàn toàn không rõ ràng, nhưng thực tế người tấn công thầy thuốc lại không phải người bệnh mà là người nhà của  họ hoặc thậm chí là người chẳng có liên quan gì đến người bệnh, ví dụ vụ tài xế xe cấp cứu bị hành hung tôi vừa nói trên kia, hoặc vụ chủ tịch phường cầm ghế truy đuổi các nhân viên y tế trước kia.

Hỏi: Thưa bác sĩ, anh có đồng tình một điều rằng sự bức xúc của người dân với nghề y hiện tại là có thật và không hề nhỏ - chứ không phải do truyền thông cố tình vẽ nên? Nếu đồng tình, để giải quyết vấn đề đó, theo tôi cần tìm ra khâu nào dễ gây cảm xúc ức chế, bức xúc nhất với người dân, để từ đó tìm hướng giải quyết có trọng tâm.

- Do thủ tục và thái độ của bộ phận hành chính - tiếp nhận tại cửa viện có vấn đề: Chưa thông thoáng, ùn tắc, nhiều nhân viên có thái độ coi thường, mắng mỏ người dân

- Thái độ và chất lượng chữa bệnh của một số bác sĩ điều trị khiến người dân không hài lòng - trong đó đặc biệt là ở phòng cấp cứu

- Thái độ và chất lượng phục vụ của một bộ phận y tá, điều dưỡng

- Chi phí chữa bệnh đắt đỏ

Và từ đó, theo BS, nếu tập trung giải quyết trước 1 trong 4 vấn đề trên để giảm thiểu ác cảm xã hội với ngành (có vẻ đang rất lớn), thì cần cải thiện khâu nào trước tiên, giải quyết thế nào? (độc giả Giang Nguyễn)

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Tôi đồng ý với 3 ý đầu tiên. Ý cuối cùng, chi phí điều trị ở Việt Nam không phải đắt đỏ so với các nước khác. Nhiều mặt bệnh và tình huống ở Việt Nam phí điều trị thấp hơn nhiều, nhất là phí nhân sự còn trả rất rất rẻ.

3 nguyên nhân trên về cơ bản phải được cải thiện đồng thời. Qua đào tạo cá nhân, cải thiện môi trường và cách làm việc của các ban phòng ở bệnh viện. Kết hợp quản lý bằng công nghệ thông tin để bác sĩ nắm bắt thông tin bệnh nhân sớm hơn, kịp thời hơn.

Ngoài ra có kế hoạch chương trình truyền thông để người dân hiểu quy trình hành chính (đã được thay đổi theo hướng dễ hiểu và hiệu quả hơn), cũng như hiểu về triệu chứng, bệnh tật của mình để phối hợp khám chữa bệnh tốt hơn.

Khi bệnh nhân và người nhà được lắng nghe, cho phép tham gia vào quá trình thảo luận ra quyết định điều trị và nói lên suy nghĩ lo lắng của mình, thật sự tham gia vào nhóm chăm sóc y tế thì sự thấu hiểu sẽ cải thiện và mâu thuẫn sẽ ít đi.

Hỏi: Xin hỏi bác sĩ Sơn, tóm lại nếu cần nói nổi bật 5 NGUYÊN NHÂN CHÍNH nhất của bạo hành y tế thì lần lượt nó là gì và giải pháp tương ứng cho từng nguyên nhân ([email protected])

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Theo tôi, biện pháp trước mắt là: 

(1) Tạo ra cơ sở pháp lí cho việc xử lí những kẻ hành hung nhân viên y tế. Hiện nay, chúng ta đang đánh đồng việc một kẻ hành hung một bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ cứu chữa người với việc hai kẻ say rượu đánh nhau ngoài đường phố.

(2) Có những qui định bắt buộc các lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ các bệnh viện và các cơ sở y tế. Phải bố trí công an, cảnh sát túc trực tại các điểm nóng về y tế.

(3) Trang bị cho nhân viên y tế và các cơ sở y tế kĩ năng xử lí khủng hoảng, kĩ năng cô lập và sẵn sàng trấn áp khi có kẻ manh động.

(4) Thiết kế lại tất cả các khu vực "nóng" trong các cơ sở y tế, phải được thiết kế có đường thoát hiểm, cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

(5) Nhận diện nguy cơ, bao gồm cả việc ghi nhận và thông báo trong ngành những người có tiền sử bạo hành nhân viên y tế, có đánh dấu để nhận diện.

(6) Cho quyền các cơ sở y tế từ chối khám chữa bệnh đối với những trường hợp đã hoặc có nguy cơ gây nguy hiểm cho nhân viên y tế (trừ trường hợp cấp cứu khẩn cấp).

(7) Lập phương án khả thi, diễn tập thoát hiểm, song song với việc trấn áp những kẻ manh động. Tất cả nhân viên y tế rời khỏi hiện trường nơi xảy ra bạo hành y tế, cho đến khi an ninh của khu vực đó được lập lại, bảo đảm an toàn tính mạng cho tất cả các nhân nhân viên y tế.

- Đối với tất cả bệnh nhân tại khu vực xảy ra bạo hành: Trừ các trường hợp tối khẩn cấp, có nguy cơ gây tử vong cho người bệnh ngay lập tức, tất cả các hoạt động khác cần được ngưng lại ngay, và chỉ được tiếp tục khi khu vực đó đã thực sự không còn nguy hiểm.

- Đối với bệnh nhân là chính người bạo hành, hoặc người nhà của người bạo hành: Chúng ta cũng chỉ cấp cứu cho những trường hợp tối khẩn cấp, có nguy cơ tử vong ngay lập tức, còn lại, việc cứu chữa sẽ chỉ được tiếp tục khi có sự bảo đảm an toàn cho nhân viên tham gia cứu chữa).

(8) Ban hành chuẩn mực ứng xử trong cơ sở y tế, bao gồm cả nhân viên y tế và người bệnh, thân nhân người bệnh. Trong đó, có những biện pháp chế tài khi không tuân thủ qui định. Đối với bệnh nhân, có thể tạm ngưng phục vụ hoặc từ chối khám chữa bệnh. Đối với thân nhân người bệnh có thể bị buộc phải ra khỏi khu vực, cấm đến gần nhân viên y tế. 

Tích cực điều tra, và xử lí các tiêu cực của nhân viên y tế, làm trong sạch đội ngũ nhân viên y tế. Nhưng tuyệt đối không được xem đây là một nội dung chống bạo hành y tế./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại