Ngày 15-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo về việc cơ quan này dự kiến tổ chức đấu thầu vàng miếng trong tuần này để tăng cung cho thị trường và thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, NHNN mới tổ chức lại các phiên đấu thầu vàng miếng.
Đấu thầu ra sao?
Mục đích của đợt đấu thầu vàng miếng SJC sắp tới là để đáp ứng như cầu thị trường, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến phiên đấu thầu vàng miếng sẽ diễn ra tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp (DN) sẽ phải xác thực thông tin và đặt cọc trước khi dự thầu. Trong phòng đấu thầu có 2 màn hình lớn, một màn hình cập nhật diễn biến giá vàng thế giới, một màn hình thông tin về giá vàng trong nước theo thời gian thực. Đây sẽ là dữ liệu cơ sở để các đơn vị tham gia tính toán phương án bỏ thầu.
Các đơn vị sẽ có khoảng 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một giờ sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả.
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả NH Thương mại và DN kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, mọi công tác chuẩn bị cho phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau hơn 10 năm đã sẵn sàng.
Trước đó, vào năm 2013, NHNN đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng miếng để ổn định nguồn cung cho thị trường vàng. Kết quả với hơn 1,9 triệu lượng vàng được chào bán, hàng chục DN đã mua được trên 1,8 triệu lượng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 15-4, ông Trần Văn Đang, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC) cho biết AJC là một trong những đơn vị tham gia đấu thầu vàng. Theo ông Đang, thông tin NHNN sắp đấu thầu vàng miếng đã ngay lập tức làm cho giá vàng SJC giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng vào chiều 15-4, thu hẹp đáng kể chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. "Tuy nhiên, không ai biết được sau khi giá giảm vài ngày, người dân sẽ bán ra vàng miếng SJC hay mua vào? Vì thế, xu hướng của giá vàng trong nước thời gian tới rất khó lường" - ông Đang nói.
Chỉ là giải pháp ngắn hạn
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Vàng Đối tác mới NPJ, cho hay ngay trong ngày 15-4, nhu cầu mua vàng miếng SJC vẫn cao khi nhà đầu tư lo ngại xung đột ở Trung Đông leo thang. Điều này khiến giá vàng miếng lập đỉnh mới tới 85,5 triệu đồng/lượng. Phải đến buổi chiều, thông tin NHNN sắp đấu thầu vàng miếng, giá mới giảm 1 triệu đồng về 84,1 triệu đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn 800.000 đồng so với hôm trước.
"Dù vậy, đấu thầu vàng miếng vẫn là giải pháp trong ngắn hạn để tăng cung và thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Còn lộ trình đấu thầu trong bao lâu và sau đấu thầu là gì vẫn chưa thể nói trước được" - ông Trọng nói.
Nói về phiên đấu thầu vàng sắp tới, một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VTGA) cho rằng việc NHNN tăng cung vàng miếng trước mắt sẽ giúp hạ nhiệt thị trường, hạn chế nguồn cung vàng nhập lậu thường làm bất ổn thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt khi chờ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, chứ chưa thể kéo giá vàng SJC về sát với giá thế giới.
Bởi NHNN không thể kéo dài các phiên đấu thầu vàng miếng, cũng không thể chào bán vàng với giá thấp hơn giá thị trường quá nhiều. Ví dụ, giá vàng SJC được các DN bán ra là 84 triệu đồng/lượng, nếu NHNN bán thấp hơn quá nhiều sẽ làm mất vốn nhà nước.
Về lâu dài, lãnh đạo VTGA đề xuất nhà nước cho phép DN nhập khẩu nguyên liệu vàng để sản xuất vàng trang sức, đáp ứng nhu cầu người dân và nếu thuận lợi sẽ xuất khẩu để bù đắp lại số ngoại tệ đã nhập khẩu vàng.
GS-TS TRẦN NGỌC THƠ - Đại học Kinh tế TP HCM:
Chưa có dữ liệu về nhu cầu vàng
Theo tôi hiểu, động thái đấu thầu vàng miếng SJC của NHNN là để can thiệp xử lý "ngay và luôn" chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao theo chỉ đạo của Thủ tướng. "Ngay và luôn" tức chỉ mang tính tức thời để giải tỏa phần nào áp lực của thị trường. Về lâu dài, dứt khoát đó không phải là một chính sách tốt, đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết như chỉ đạo của Thủ tướng khi thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Cung phải chạy theo cầu vàng để đạt trạng thái cân bằng hoặc chí ít thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới ở mức khả dĩ. Thế mà cho đến giờ, chúng ta chưa có bất kỳ dữ liệu đáng tin cậy nào về nhu cầu vàng. Điều mà đáng lý phải đến từ nghiên cứu của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và các tổ chức luôn kêu gọi nhà nước phải can thiệp vào thị trường vàng. Thế thì nguồn cung vàng đến từ NHNN bao nhiêu là đủ cho nhu cầu?
NHNN tổ chức đấu thầu vàng hay cho nhập khẩu vàng trong bối cảnh này không khác gì bơm vật chất vào "lỗ đen". Bao nhiêu vật chất, thậm chí cả ánh sáng, "lỗ đen" cũng nuốt hết, huống hồ đây lại là nguồn vàng giới hạn đến từ NHNN. Nó chắc chắn phải được rút ra từ dự trữ ngoại hối quốc gia. Cần nhớ dự trữ ngoại hối của NHNN hiện chỉ có 100 tỉ USD, chỉ vừa chạm ngưỡng an toàn an ninh tài chính tiền tệ.
Nhiều tiệm vàng trang sức bất ngờ đóng cửa
Cũng liên quan đến thị trường vàng, sau đợt kiểm tra các tiệm vàng của lực lượng quản lý thị trường trên cả nước, vài ngày gần đây nhiều cửa hàng kinh doanh vàng trang sức tại TP HCM bất ngờ treo bảng tạm nghỉ. Ghi nhận ngày 15-4, tiệm vàng N.T, tiệm vàng N.T.L trên phố kim hoàn Nguyễn Duy Dương (quận 5) và trung tâm kim hoàn sát bên đều đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.
Bà Thái, một người dân ở khu vực, cho biết vài ngày nay một số tiệm vàng đột ngột đóng cửa, không kinh doanh như bình thường mà cũng không dán bảng thông báo khiến nhiều người thắc mắc.
Một số tiệm vàng ở khu vực chợ Thiếc (quận 11), chợ An Đông (quận 5) cũng đóng cửa tạm nghỉ. Theo quản lý của một tiệm vàng, do các tiệm ở đây chủ yếu kinh doanh vàng trang sức, kiểu mẫu có thể vi phạm các nhãn hiệu nổi tiếng nên một số tiệm lo bị kiểm tra nên đóng cửa tạm nghỉ.
Trước đó, lực lượng quản lý thị trường TP HCM và nhiều địa phương đã ra quân kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh vàng và phát hiện nhiều sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, một số mặt hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM, cho biết một số DN lo ngại hoạt động kiểm tra liên tục và trên diện rộng nên tạm đóng cửa để "né" đoàn kiểm tra, nhất là trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh nhưng nhu cầu giao dịch chủ yếu đối với vàng miếng SJC, vàng nhẫn trơn. Còn vàng trang sức mỹ nghệ thì sức mua hạn chế, thậm chí ế ẩm.
L.Tỉnh - L.Anh