Đó là yêu cầu vừa được Chính phủ đưa ra với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020.
Theo đó, tại nghị quyết trên, đề cập đến giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP.Hà Nội và TP.HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.
Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đề xuất với Bộ Xây dựng, Chính phủ cần có thêm gói vay ưu đãi dành cho người mua nhà xã hội do thị trường gặp khó sau khi gói vay mua nhà 30.000 tỷ đồng kết thúc.
Mới đây nhất, ngày 7/4 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) có Văn bản số 24/2020/VNREA gửi Chủ tịch Quốc hội, nhằm kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua nhà ở xã hội.
Tại văn bản trên, VNREA kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến để tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh: Ngân hàng Chính sách Xã hội và ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối.
Theo VNREA, sở dĩ đơn vị này đưa ra kiến nghị trên vì trong giai đoạn 2017 - 2019, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động song nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước, ngày càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong nền kinh tế, và là động lực phát triển cho nhiều ngành, nghề và thị trường khác.
Tuy nhiên, bước sang nửa cuối 2019 và đầu năm 2020, thị trường bất động sản gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác, khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.
Đơn vị này cho biết, đã thu thập thông tin, dữ liệu từ nhiều kênh khác nhau trong giới doanh nghiệp hội viên bất động sản, so sánh với diễn biến thị trường bất động sản 2017, 2018, 2019 và dự báo cho 2020 - 2021 tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng để đưa vào báo cáo chung gửi Chủ tịch Quốc hội và có một số đề xuất, kiến nghị cấp bách liên quan đến chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề trọng tâm được VNREA đề xuất tại kiến nghị lần này là vấn đề nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Theo quy định của pháp luật (Luật Nhà ở), hàng năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội tuy nhiên thực tế 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
“Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn”, VNREA cho biết.