Sắp có quy định mới quản lý thị trường vàng?

THÁI PHƯƠNG - THY THƠ |

Doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị sớm sửa Nghị định 24 để giá vàng liên thông với thế giới.

Giá vàng SJC, vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại liên tục biến động mạnh những ngày qua khiến thị trường sôi động hơn. Nhiều người tranh thủ lúc giá cao mang vàng đi bán, những người khác lại mua vào để cất giữ vì lo giá sẽ còn tăng tiếp. Ngoài ra còn có cả những nhà đầu tư lớn tranh thủ "lướt sóng" kiếm lời.

Vàng SJC bị thao túng?

Một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng tại Hà Nội và TP HCM thừa nhận gần đây, thị trường có không ít người lướt sóng vàng nghiệp dư. Họ thường theo dõi thị trường quốc tế, khi thấy giá vàng thế giới đi lên thì gom mạnh vàng miếng SJC với kỳ vọng loại vàng này sẽ tăng giá. Khi đạt mức giá kỳ vọng, họ chủ động bán ra để chốt lời. Từ đó, giá vàng SJC có thời điểm tăng - giảm cả triệu đồng/lượng.

Đáng nói là giá vàng SJC biến động rất thất thường, không cùng chiều với giá thế giới. Một số thời điểm giá vàng SJC bỏ xa giá vàng thế giới tới 14-15 triệu đồng/lượng. Do đó, nhiều nghi vấn đã được đặt ra về bàn tay thao túng với loại vàng này.

Về vấn đề này, một chuyên gia từng làm việc cho một đơn vị làm đầu mối nhập khẩu vàng vào năm 2010 cho biết sau khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ tháng 5-2012, thị trường không có nguồn cung vàng nguyên liệu; nhà nước cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC. Trong khi đó, người dân luôn muốn nắm giữ vàng miếng SJC khiến giá của loại vàng này ngày càng tăng và cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia này, DN hay nhà đầu tư hiện nay giao dịch vàng SJC chủ yếu là để kiếm lời từ việc mua thấp - bán cao. Giả sử có DN nào đó thu gom vàng miếng SJC với số lượng lớn để đầu cơ, thao túng thị trường, họ có thể gặp rủi ro rất lớn nếu chính sách quản lý về vàng thay đổi.

"Điểm cốt lõi của thị trường vàng Việt Nam tại thời điểm này là DN mua vàng nguyên liệu trôi nổi hoặc vàng nhập lậu để sản xuất nữ trang sẽ gặp rủi ro về mặt pháp lý. Thế nên, không ít tiệm vàng phải sử dụng vàng miếng để sản xuất, làm cho vàng miếng SJC ngày càng khan hiếm và thường tăng giá rất mạnh khi sức mua gia tăng" - chuyên gia này nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cũng cho rằng không dễ thao túng giá vàng SJC ở thời điểm hiện tại. Bởi muốn thao túng phải có lượng vàng đủ lớn nhưng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm là điều không dễ.

"Vàng SJC bây giờ nằm trong tay nhà đầu tư nhỏ lẻ nhiều hơn. Còn DN rất ngại nắm giữ vàng miếng số lượng lớn vì nếu không tính toán kỹ lưỡng, bán ra rồi không mua lại được để cân bằng trạng thái sẽ bị lỗ ngược. Thao túng giá vàng SJC thời điểm này có rất nhiều rủi ro" - ông Khánh phân tích.

Ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện các ngân hàng thương mại cũng không còn mặn mà với vàng hoặc kinh doanh vàng miếng SJC như nhiều năm trước. Bằng chứng là doanh số mua bán vàng không còn được thống kê trong báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại từng có thế mạnh về mảng này.

Sắp có quy định mới quản lý thị trường vàng? - Ảnh 1.

Vàng miếng SJC duy trì mức chênh lệch hàng chục triệu đồng so với giá vàng thế giới trong thời gian dài. Ảnh: TẤN THẠNH

Cần thiết phải sửa Nghị định 24

Dù vậy, trong bối cảnh giá vàng SJC biến động thất thường, chênh lệch hàng chục triệu đồng so với các loại vàng khác và cả vàng thế giới, các chuyên gia và DN vàng đều kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 cho phù hợp với thực tế thị trường để góp phần kích thích ngành sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phát triển và bảo đảm nhu cầu nắm giữ vàng như một tài sản an toàn.

Các DN vàng cho rằng nhà nước chưa cần thiết nhập khẩu một lượng lớn vàng nguyên liệu mỗi năm mà chỉ cần tuyên bố có lộ trình thực hiện tăng nguồn cung vàng miếng, kéo giảm mức độ chênh lệch giá vàng trong nước với giá thế giới. Khi đó, giá vàng SJC có thể giảm mạnh hàng triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia và DN, việc nhập khẩu vàng hằng năm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tỉ giá vì số ngoại tệ bỏ ra không nhiều so với việc nhập khẩu ô tô, điện thoại. Đồng thời, nhà nước mở rộng thêm 4 - 5 thương hiệu vàng miếng nhằm cạnh tranh với vàng miếng SJC.

Như thế, giá vàng SJC sẽ từng bước lùi về sát với giá thế giới, giảm bớt thiệt thòi cho người mua. "Nhà nước có thể mở rộng đối tượng được phép kinh doanh vàng miếng để phù hợp với giao dịch thực tế trên thị trường.

Hiện nay, trong số 38 DN được cấp phép và các ngân hàng thương mại gần như đóng cửa mảng kinh doanh vàng miếng. Ngược lại, người dân muốn mua vàng miếng SJC ở bất cứ tiệm vàng nào đều mua được, cho thấy cần sửa đổi quy định pháp lý để phù hợp" - lãnh đạo một DN kinh doanh vàng ở TP HCM kiến nghị.

Ông Huỳnh Trung Khánh dẫn chứng ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, các hoạt động sản xuất - kinh doanh vàng vật chất (gồm vàng nữ trang, vàng miếng, vàng nguyên liệu 99,99%...) đều do các bộ Thương mại và Kinh tế quản lý.

Các giao dịch vàng phi vật chất như vàng tài khoản, hợp đồng vàng tương lai và hợp đồng vàng phái sinh sẽ do ngân hàng thương mại các nước kiểm soát dưới sự quản lý của ngân hàng trung ương hoặc được giao dịch trên các sàn chứng khoán quốc gia dưới sự quản lý của Bộ Tài chính.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam từng kiến nghị sớm sửa Nghị định 24 theo hướng xem vàng nữ trang là mặt hàng kinh doanh bình thường, thay vì mặt hàng kinh doanh có điều kiện như hiện nay.

"Về lâu dài, tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng SJC và có thể cho một số DN lớn có điều kiện sản xuất vàng miếng để tăng nguồn cung, thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới. Riêng xuất nhập khẩu vàng cũng nên tạo điều kiện cho DN và kiểm soát bằng hạn ngạch" - ông Khánh kiến nghị.

Trong một diễn biến khác, đã có những động thái mới trên thị trường vàng khi Ngân hàng Nhà nước có báo cáo cập nhật về Nghị định 24 quản lý thị trường, hé lộ về chính sách quản lý vàng mới phù hợp trong trường hợp cần thiết.

Tại báo cáo của Chính phủ về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng, trong đó về thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp, nếu cần thiết.

Giá vàng giảm mạnh

Cuối ngày 16-10, giá vàng SJC được các DN niêm yết mua vào 69,6 triệu đồng/lượng, bán ra 70,3 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 700.000 đồng/lượng so với hôm trước. Nếu so với mức đỉnh, giá vàng SJC đã giảm khoảng 1,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại cũng lao dốc về 56,8 triệu đồng/lượng mua vào; 57,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm khoảng 300.000 đồng/lượng so với hôm trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại