Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng nằm giữa Trái đất và Mặt Trời, che phủ một phần hoặc toàn bộ Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất. Hiện tượng nhật thực ngày 21/6 tới đây là nhật thực hình khuyên, Mặt Trặng không hoàn toàn che khuất Mặt Trời mà chỉ như chiếc đĩa nhỏ đặt lên trên chiếc đĩa lớn hơn là Mặt Trời, tạo một vòng nhật hoa như chiếc nhẫn bao quanh Mặt Trăng.
Lộ trình của nhật thực sẽ bắt đầu ở Trung Phi, đi qua Ả-rập Xê-út, Bắc Ấn và Nam Trung Quốc trước khi kết thúc ở vùng biển Thái Bình Dương. Pha nhật thực một phần có thể quan sát được ở phần lớn Đông Phi, Trung Đông và Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trái với lần nhật thực một phần tháng 12 năm ngoái, lần này người dân phía Bắc nước ta sẽ quan sát được nhật thực một phần với tỉ lệ che phủ cực đại lớn hơn người phía Nam. Cụ thể, tỉ lệ che phủ cao nhất là 79% (Hà Giang) và thấp nhất là 27% (Cà Mau).
Tại Hà Nội, nhật thực một phần bắt đầu vào 13h16 phút, đạt cực đại lúc 14:55 với tỷ lệ che phủ tới 71%, kết thúc vào 16:18. Tại Đà Nẵng, nhật thực một phần bắt đầu lúc 13:30, đạt cực đại lúc 15:04 với tỷ lệ che phủ là 56%. Tại TPHCM bắt đầu từ 13:37, đạt cực đại lúc 15:05 với tỷ lệ che phủ chỉ đạt 36%, kết thúc vào 16:18.
Việt Nam có thể quan sát được nhật thực một phần vào ngày 21/6.
Sau lần nhật thực này, người Việt Nam phải đợi đến năm 2023 mới lại quan sát được hiện tượng thiên văn kỳ thú này. Tuy nhiên, nhật thực ngày 20/4/2023 gần như không đáng kể khi ở nước ta Mặt Trời chỉ bị che khuất tối đa 5%.
Hai lần nhật thực một phần vào năm 2027 và năm 2028 cũng không đáng chú ý vì tỉ lệ che phủ rất thấp, chỉ đạt lần lượt 15% và 30%.
Phải đến năm 2031, chúng ta mới lại thấy một lần nguyệt thực thú vị khi có nơi ở Việt Nam quan sát được tỉ lệ che phủ lên tới 80%.
Vì vậy, đây là cơ hội tuyệt vời cho những người muốn chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị này.
Các chuyên gia khuyến cáo, không thể quan sát nhật thực bằng mắt thường hoặc sử dụng các loại kính râm, kính chống nắng thông thường vì tia cực tím cường độ cao có thể gây hại cho mắt. Cũng không sử dụng các thiết bị quan sát như ống nhòm hoặc kính thiên văn nếu chưa gắn kính lọc phù hợp, vì ánh sáng Mặt Trời hội tụ có thể đốt cháy võng mạc chỉ trong tích tắc.
Có thể quan sát nhật thực gián tiếp bằng nhiều cách khác nhau hoặc mua kính lọc chuyên dụng quan sát nhật thực.