Chiều 19/11, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn dẫn số liệu dự báo cho biết, nhiều khả năng cuối tuần này, cơn bão số 9 sẽ hình thành và đổ bộ vào đúng khu vực tỉnh Khánh Hòa.
Theo dự báo quốc tế, cơn bão mới sẽ còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với cơn bão số 8 và sẽ mang theo mưa rất lớn.
“Công tác chuẩn bị phòng ngừa phải được tiến hành từ ngay bây giờ, nếu không thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự kiến trong ngày mai (20/11), sẽ phát bản tin sớm về cơn bão số 9 này.
Căn cứ vào bản tin chính thức của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ có chỉ đạo cụ thể”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, để ứng phó với cơn bão mới, công tác đầu tiên là trên biển.
Theo đó, các hoạt động kinh tế trên biển, đặc biệt là khu vực nuôi trồng thủy hải sản rất phát triển tại Phú Yên, Khánh Hòa phải có những biện pháp bảo vệ quyết liệt, không để cho hậu quả lặp lại như cơn bão Damrey năm 2017.
“Cần có cảnh báo sớm để người dân di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, hoặc tiến hành thu hoạch sớm, hướng dẫn người dân cách neo lồng bè, bảo vệ lồng bè khi bão đổ bộ”, ông Sơn khuyến cáo.
Đặc biệt, để tránh thảm họa sạt lở, lũ quét như vừa qua, tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác phải tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn.
Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa. Khi có bản tin cảnh báo chính thức và đường đi của bão được xác định, công tác sơ tán người dân phải được triển khai ngay.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết nguy hiểm, sớm phát hành các bản tin dự báo và cảnh báo để chủ động có các biện pháp ứng phó.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai công bố 14 người chết và 4 người mất tích tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Sáng 19/11, Thứ trưởng - Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đã dẫn đầu các đoàn công tác tới tỉnh Khánh Hòa để nắm bắt tình hình và ứng phó với diễn biến thiên tai.
Chiều cùng ngày, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cũng đã chủ trì cuộc họp báo để thông tin mới nhất về diễn biến và hoạt động khắc phục hậu quả của đợt thiên tai nghiêm trọng vừa xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa.
Theo số liệu mới nhất, 14 người đã được xác định thiệt mạng và 4 người mất tích tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.
Trước diễn biến thiệt hại vô cùng lớn do hoàn lưu cơn bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây ra tại cho Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có Công điện số 57/CĐ-TW ngày 18/11/2018 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Nam đến Bà Rịa-Vũng Tàu và các Bộ, ngành yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Tỉnh Khánh Hòa đã huy động 600 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm người bị vùi lấp, mất tích, đưa người bị thương đi cấp cứu, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. TP Nha Trang cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 19/11.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã di dời 481 hộ/1.896 người, chủ yếu tại TP Nha Trang, TP Cam Ranh đến nơi an toàn.
Trong khi đó, tỉnh Ninh Thuận đã di dời 100 hộ dân tại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Tại Phú Yên, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thăm hỏi động viên những gia đình có người bị thương, cũng như khách du lịch bị ảnh hưởng, khẩn trương tổ chức đánh giá thiệt hại; các sở ngành phối hợp cùng với các địa phương bố trí lực lượng, trực canh, rào chắn, cắm biển báo hiệu, cấm các phương tiện, người dân đi lại tại các vùng nguy hiểm, khu vực bị ngập lụt để đảm bảo an toàn và người và tài sản.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn, trong chiều nay (19/11) sẽ có một văn bản của Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai gửi cho tất cả các địa phương, các bộ rút ra bài học sau thiệt hại vô cùng nghiêm trọng tại thành phố Nha Trang./.