Sập bẫy lừa tình, lừa tiền vì “yêu” qua mạng

Nguyễn Khánh |

Mặc dù thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, whatsapp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nhiều lần được cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao cảnh giác cho nhân dân, tuy nhiên do nhẹ dạ và hám lợi nên một số người vẫn bị mắc bẫy các đối tượng này...

Mất tiền tỷ vì tin người yêu… trên mạng

Ngày 15-2-2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Trọng H, trú tại TP Hạ Long bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung trình báo, qua một trang web "tìm người yêu" trên mạng, anh H quen biết với một người phụ nữ tự giới thiệu tên là "Thương", SN 1989, nhà ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Người này tâm sự với anh H là đã ly dị, trước đó có thời gian đi làm tại Singapore, hiện đã về Việt Nam sinh sống và mở cửa hàng thời trang nhưng do dịch bệnh nên đang ở nhà.

Sau một thời gian nói chuyện, Thương nói có nảy sinh tình cảm với anh H và giới thiệu đang tham gia thị trường ngoại hối trên một sàn Forex có tên là "usdcgloballimited.com", muốn rủ anh tham gia đầu tư chung một tài khoản, sau này nếu hợp nhau có thể tiến tới hôn nhân.

Anh H đồng ý và được Thương giới thiệu tài khoản Telegram của một nhân viên chăm sóc khách hàng của sàn Forex này để giúp anh mở tài khoản và đầu tư.

Nghe theo lời của nhân viên chăm sóc khách hàng, anh H cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cùng địa chỉ gmail và số điện thoại cho người này để lập tài khoản. Sau đó, theo lời dụ dỗ của Thương và nhân viên chăm sóc khách hàng sàn Forex, từ ngày 28-12-2021 đến ngày 7-2-2022, anh H đã nhiều lần chuyển khoản đến các số tài khoản khác nhau để tham gia đầu tư và nộp các loại thuế, phí do các đối tượng này yêu cầu với tổng số tiền là 307.900.000 đồng.

Ngoài ra, một vài lần Thương lấy lý do khác nhau như: mẹ ốm nằm viện cần đóng viện phí và mua sim điện thoại…, yêu cầu chuyển tiền và anh H đã chuyển 2 lần với tổng số tiền là 39.000.000 đồng.

Những ngày tiếp theo, Thương và các đối tượng tiếp tục yêu cầu anh H phải chuyển khoản để nộp các loại thuế phí thì mới có thể rút được tiền đầu tư. Nghi ngờ bị lừa đảo, anh này đã yêu cầu Thương phải gửi thông tin, hình ảnh CCCD và địa chỉ nơi ở để xác minh, tuy nhiên kết quả không ai có thông tin, lai lịch như Thương cung cấp, chỗ ở của Thương cho anh H biết để hẹn gặp thì đều là địa chỉ giả mạo.

Sập bẫy lừa tình, lừa tiền vì “yêu” qua mạng - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng điều tra hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.

Sau khi biết mình bị lừa, anh H đã yêu cầu Thương trả lại tiền nhưng đối tượng này đã khóa Facebook, Zalo… chặn liên lạc và chỉ có thể liên lạc trên ứng dụng Telegram. Tuy nhiên, qua ứng dụng Telegram, đối tượng còn dọa anh H nếu không kiếm tiền nộp cho các đối tượng thì sẽ bị tung các hình ảnh nóng, khoả thân của anh lên mạng xã hội. Sau đó, anh H đã đến cơ quan Công an để trình báo sự việc.

Trung tá Nguyễn Trọng Hà, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội – Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cách đây vài năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh liên tiếp xảy ra 4 vụ các đối tượng sử dụng tài khoản Facebook lừa đảo chiếm đoạt gần 3 tỉ đồng của 4 phụ nữ tại TP Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên và huyện Vân Đồn.

Tại thời điểm đó, một tài khoản tên "James Jerry" kết bạn, làm quen với chị Trần Thị Nhung (tên nạn nhân đã được thay đổi), trú tại TP Cẩm Phả qua mạng xã hội Facebook. Đối tượng này cho biết mình sinh năm 1970, hiện đang sống tại Vương quốc Anh và làm việc tại công ty dầu khí Victoria. Một tháng sau, James Jerry nói muốn tặng chị Nhung trang sức và 500.000 USD.

Sau đó, có một người tự xưng là nhân viên công ty chuyển hàng gọi điện thông báo về món hàng gửi qua đường hàng không từ nước Anh, nếu muốn nhận thì chị Nhung phải nộp nhiều khoản phí khác nhau. Do tin tưởng James Jerry, chị Nhung đã 3 lần chuyển tổng số 517 triệu đồng vào tài khoản khác nhau của các chi nhánh ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh cho đối tượng trên. Sau khi nhận được tiền, bọn chúng tắt máy, khóa tài khoản Facebook.

Cũng với phương thức, thủ đoạn tương tự như trên, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của chị Trần Thị Quỳnh Hương (tên nạn nhân đã được thay đổi), trú tại huyện Vân Đồn số tiền 716 triệu đồng. Theo đơn trình báo của nạn nhân có quen 1 người có tên tài khoản là Jonhson Alexan Dre Chizitere qua Facebook.

Sau đó Jonhson nói gửi đồ quần áo, huy chương, vàng, đồng hồ về Việt Nam nhờ chị Hương giữ hộ, vài ngày hàng sẽ về đến nơi.

Đúng hẹn, sáng hôm đó một người đàn ông giới thiệu tên Đinh Lê Hoàng Khương gọi điện thoại di động nói hàng đã chuyển về TP Hồ Chí Minh yêu cầu chị Hương chuyển 17,5 triệu đồng để thanh toán tiền cước.

Sau khi gửi tiền, đến trưa hôm đó, Khương nói kiểm tra hàng phát hiện có 1,5 triệu USD nhưng không khai báo nên phải nộp phạt 88 triệu đồng. Chị Hương có hỏi Jonhson về việc này và tin tưởng nên đã chuyển số tiền trên cho Khương qua số tài khoản của một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội.

Liên tiếp trong những ngày sau đó, Khương viện ra nhiều lý do như hàng trốn thuế, đảm bảo vận chuyển an toàn, thanh toán tiền thuế và yêu cầu chị Hương tiếp tục chuyển tiền. Sau khi nhận được 3 lần với tổng số tiền 611 triệu đồng, Khương tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 600 triệu đồng để làm thủ tục thuế qua Hà Nội. Do chị Hương không còn tiền nên đối tượng này nói sẽ làm thủ tục giảm 50% thuế và bảo chị sớm nộp số tiền trên để hoàn thiện thủ tục. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, chị Hương đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.

Ngoài 2 nạn nhân trên, còn có 2 trường hợp là chị Nguyễn Thị T, trú TP Cẩm Phả và Nguyễn Thị N ở thị xã Quảng Yên bị các đối tượng sử dụng mạng Facebook lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,2 tỉ đồng.

Theo kết quả điều tra các vụ án như trên được biết, các đối tượng thường tạo các tài khoản mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Whatsapp v.v., rồi đóng vai người nước ngoài, sống độc thân, có việc làm thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế dư dả để làm quen, kết bạn với bị hại. Sau một thời gian tạo được lòng tin, đối tượng đề nghị tặng, gửi các món quà có giá trị như: laptop, dây chuyền, trang sức, máy tính bảng, ngoại tệ hoặc đề nghị gửi tiền cho bị hại để làm từ thiện.

Khi "con mồi" đồng ý, nhóm đối tượng ở Việt Nam sẽ vào vai cán bộ hàng không, hải quan hoặc nhân viên an ninh sân bay, nhân viên công ty chuyển phát nhanh gọi điện và đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu nạn nhân nộp phí thông quan, nộp phạt vì trong gói quà có nhiều USD, thuê luật sư chứng minh gói hàng là hợp pháp v.v...

Các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định, sau đó nhanh chóng chuyển tiền đi nhiều ngân hàng khác nhau, rút chiếm đoạt tại nước ngoài.

Sập bẫy lừa tình, lừa tiền vì “yêu” qua mạng - Ảnh 2.

Một nạn nhân đến trình báo bị lừa đảo qua facebook.

Đừng cả tin để mất tiền oan

Theo Trung tá Nguyễn Trọng Hà, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội – Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Quảng Ninh, mặc dù thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, whatsapp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nhiều lần được cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao cảnh giác cho nhân dân, tuy nhiên do nhẹ dạ và hám lợi nên một số người vẫn bị mắc bẫy các đối tượng này.

Thượng tá Đinh Ngọc Văn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, so với trước đây, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tinh vi hơn. Chúng thường sử dụng sim "rác" để thực hiện các cuộc gọi, đồng thời thuê sinh viên, những người lao động tự do để mở tài khoản tại nhiều ngân hàng. Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, chúng nhanh chóng chuyển, rút tiền lòng vòng qua nhiều ngân hàng khác nhau, gây khó khăn cho việc phong tỏa tài khoản.

Để ngăn chặn hành vi lừa đảo trên, công tác tuyên truyền vẫn cần được tăng cường trong thời gian tới và ngay từ tổ dân, khu phố. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan chức năng, kịp thời phong tỏa những tài khoản có dấu hiệu khả nghi trước khi chúng tẩu tán, chiếm đoạt.

Sập bẫy lừa tình, lừa tiền vì “yêu” qua mạng - Ảnh 3.

Trần Thị Bích Tuyền - đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng Facebook bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ.

Thượng tá Đinh Ngọc Văn nhấn mạnh, người dân phải hết sức cảnh giác trong việc sử dụng mạng xã hội. Trước khi làm quen, kết bạn cần có sự chọn lọc những tài khoản mạng xã hội có tính chân thực cao (tránh kết bạn đối với các tài khoản ảo do các đối tượng lập ra), xác minh rõ thông tin của những người bạn quen qua mạng trước khi có ý định tiến xa hơn.

Đặc biệt, cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, đề nghị của một ai đó chưa chính xác, nhất là những lời mời gọi có nghi vấn của hoạt động lấy thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hiện nay trên môi trường mạng có muôn vàn kiểu lừa đảo, người dân cần thường xuyên tìm hiểu, cập nhật để tránh mắc vào các bẫy lừa đảo do các đối tượng lập ra).

Thượng tá Đinh Ngọc Văn lưu ý, trong mọi mối quan hệ, cẩn trọng là không thừa, đặc biệt là những mối quan hệ từ thế giới "ảo".

Nhu cầu làm quen, kết bạn và tìm một nửa của bản thân thông qua mạng xã hội là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên để tránh rơi vào bẫy những kẻ lừa đảo, mỗi cá nhân cần tỉnh táo từ chối mọi lời đề nghị khả nghi, trước những món quà tặng "từ trên trời rơi xuống", những lời dụ dỗ "đường mật" và hứa hẹn.

Khi nói chuyện, nhắn tin trên mạng xã hội, tuyệt đối không cung cấp, trao đổi các thông tin, hình ảnh nhạy cảm để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, khống chế, cưỡng đoạt tài sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại