Tuy nhiên, giải pháp này chỉ khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện về hai con dê đi qua một chiếc cầu.
1. Trong giai đoạn cuối của lượt đi V-League 2017, không trận đấu nào HLV Lê Huỳnh Đức không than phiền về sự quá tải của Đức Chinh, khiến hàng công SHB Đà Nẵng sa sút. Trong khi đó, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng rất lo lắng về trường hợp các cầu thủ U20 Việt Nam thường xuyên phải trở về CLB mỗi cuối tuần để tham dự V-League.
Trường hợp của Đức Chinh chỉ mang tính đại diện cho việc U20 Việt Nam rơi vào cảnh "tan đàn xẻ nghé" trong quá trình chuẩn bị cho U20 World Cup 2017. Ngoài cầu thủ người Phú Thọ, HLV Hoàng Anh Tuấn còn phải nhả quân cho các CLB ở các trường hợp của Quang Hải, Đình Trọng, Thanh Hậu hay Thái Quý.
Hà Đức Chinh có dấu hiệu quá tải trong thời gian qua. Ảnh: Ảnh: Viết Định
Đã vắng nhiều cầu thủ vì chấn thương và thể lực, HLV Hoàng Anh Tuấn lại không có trong tay nhiều trụ cột trong một nửa quãng thời gian tập luyện. Những xáo trộn này khiến giáo án thể lực của nhà cầm quân người Khánh Hòa thường xuyên bị sửa đổi để phù hợp với thực tế.
Dĩ nhiên, tốc độ chuẩn bị của U20 Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Các cầu thủ khi trở về CLB cũng không đóng góp được nhiều cho đội bóng của họ.
2. Ở bất cứ chiến dịch tập trung đội tuyển quốc gia nào, các huấn luyện viên cũng phải chia quá trình tập luyện làm hai giai đoạn chính.
Đầu tiên là nhồi thể lực. Tùy thuộc vào khả năng của các cầu thủ và yêu cầu của giải đấu, mà những HLV sẽ đầu tư thời gian phù hợp cho việc cải thiện nền tảng thể lực. Thông thường, giai đoạn nhồi thể lực kéo dài lâu hơn cả và thường chiếm tới hơn một nửa quãng thời gian chuẩn bị.
Giai đoạn thứ hai là lắp ráp đội hình và thử nghiệm chiến thuật. Khi đó các bài tập thể lực mới dần được giảm về độ "nặng", sao cho điểm rơi phong độ cũng như thể lực của các cầu thủ trúng vào giải đấu chính thức.
Tất nhiên trong toàn bộ hai giai đoạn này, các HLV vẫn phải sắp xếp những trận đấu tập, giao hữu xen kẽ, nhằm giúp cho các cầu thủ giữ được cảm giác bóng (giai đoạn một), cũng như xem xét sự hiệu quả về mặt chiến thuật (giai đoạn hai).
Từ đó, có thể thấy các đội bóng sẽ chẳng bao giờ có được phong độ tốt nhất, qua những trận đấu ở thời kỳ nhồi thể lực. Đó cũng là lý do mà các HLV luôn chọn những đối thủ yếu cho giai đoạn này, để tránh những trận thua tan tác.
Trong trường hợp của U20 Việt Nam, suốt quá trình nhồi thể lực tại Nha Trang, họ chỉ tham dự hai trận đấu, trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn nhiều. Nhưng họ chỉ có thể cầm hòa đội hạng nhì như Bình Định, sau đó là chiến thắng trước đàn em U19 Việt Nam, đội bóng khi đó cũng đang trong giai đoạn nhồi thể lực.
Thông thường, các cầu thủ sợ nhất những bài tập thể lực như chạy bền, nâng tạ hay những bài tập chạy đổi hướng, tốc độ đột ngột, vì nó mệt hơn cả những trận cầu kéo dài 120 phút. Trong giai đoạn này, rất nhiều cầu thủ sẽ bị đuối sức và dễ dẫn tới chuột rút. Họ chẳng hề muốn nhấc chân lên sút những quả bóng đi, chứ chưa nói gì đến việc phải thi đấu.
Trường hợp của Đức Chinh, Quang Hải hay bất cứ tuyển thủ U20 Việt Nam nào phải trở về thi đấu tại V-League trong thời gian qua cũng tương tự như thế.
Đức Chinh đang sa sút và tịt ngòi, Quang Hải dần đánh mất phong độ, không ghi bàn cũng chẳng kiến tạo, và nhiều cầu thủ khác cũng không mang lại dấu ấn nào đáng kể. Một HLV chắc chắn sẽ dự đoán được khó khăn ấy của các tuyển thủ trẻ, nhưng điều đó vẫn xảy ra.
3. Chuyện kể rằng có hai con dê đều muốn qua một chiếc cầu hẹp, không con nào chịu nhường con nào. Kết quả là cả hai đều bước ra giữa cầu, tranh cãi, xô xát và bị ngã xuống dòng sông.
Câu chuyện về sự quá tải của những cầu thủ U20 Việt Nam cũng vậy, khi CLB lẫn đội tuyển đều không chịu nhường nhau, dẫn đến cảnh "thiệt cả đôi đường".
U20 Việt Nam tới Đức mà thiếu vắng nhạc trưởng Quang Hải.
Khi toàn đội đã có mặt đông đủ, HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn phải chờ Quang Hải vì cầu thủ này lên hội quân muộn do bận tham dự trận đấu tại AFC Cup.
Giải pháp để tránh chuyện "hai con dê qua cầu" trong tương lai cần đến từ cả hai phía. Thứ nhất, các cấp độ đội tuyển cần quen với việc tập trung ngắn ngày thay vì trải dài như hiện tại. Còn các CLB cũng nên tạo điều kiện để cầu thủ của mình lên tuyển một cách thoải mái hơn.
ĐT U20 Việt Nam có mặt tại Đức để tham dự chuyến tập huấn kéo dài 12 ngày. Họ sẽ có ba trận giao hữu gặp U19 Gladbach (19/4), U23 Schalke 04 (24/4) và U19 Fortuna Dusseldorf (26/4).