Sao chổi xanh sẽ xuất hiện trên trời đêm lần đầu tiên sau 50.000 năm

Hải Yến |

Một sao chổi được phát hiện gần đây sẽ sớm xuất hiện trên bầu trời đêm lần đầu tiên sau 50.000 năm.

Được các nhà thiên văn học phát hiện vào 2/3/2022 bằng camera khảo sát trường rộng của Cơ sở Transient Zwicky tại Đài thiên văn Palomar ở Hạt San Diego, California, Mỹ, sao chổi này sẽ tiếp cận gần Mặt trời nhất vào ngày 12/1, theo NASA.

Được đặt tên là C/2022 E3 (ZTF), sao chổi này bay quanh Mặt trời và đi qua các vùng bên ngoài của hệ Mặt trời. Đó là lý do tại sao nó cần một hành trình và thời gian dài để quay lại Trái đất, theo Hiệp hội Hành tinh.

Theo trang EarthSky, những người quan sát bầu trời ở Bắc bán cầu sử dụng kính viễn vọng và ống nhòm nên nhìn thấp ở đường chân trời phía đông bắc ngay trước nửa đêm để phát hiện ra sao chổi trên vào ngày 12/1.

Sao chổi C/2022 E3 (ZTF), sáng dần lên khi nó đến gần Mặt trời, sau đó sẽ đi qua Trái đất gần nhất trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến ngày 2/2 và cách xa khoảng 42 triệu km, EarthSky cho biết.

Khi sao chổi đến gần Trái đất, những người quan sát có thể phát hiện ra nó gần ngôi sao sáng Polaris, còn được gọi là sao Bắc Đẩu và nó sẽ được nhìn thấy sớm hơn vào buổi tối.

Theo NASA, mọi người có thể nhìn thấy sao chổi này qua ống nhòm trên bầu trời buổi sáng đối với người quan sát bầu trời ở Bắc bán cầu trong hầu hết tháng 1. Trong khi đó, người ở Nam bán cầu nên quan sát vào đầu tháng 2.

Tùy thuộc vào mức độ sáng của nó trong những tuần tới, C/2022 E3 (ZTF) thậm chí có thể được nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời tối vào cuối tháng 1.

Sao chổi có thể được phân biệt với các ngôi sao bằng vệt đuôi bụi và các hạt năng lượng, cũng như đầu màu xanh lá cây phát sáng bao quanh nó. Đây là một lớp bao hình thành xung quanh một sao chổi khi nó đi sát Mặt trời, khiến băng của nó thăng hoa hoặc chuyển thành khí. Điều này khiến sao chổi trông mờ khi quan sát qua kính thiên văn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại