Rào cản không còn
Thay vì hình thức kiểm tra theo lô như quy định hiện hành, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 116/2017 theo hướng ô tô nhập khẩu được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết như vậy tại cuộc làm việc với các bộ ngành về việc sửa đổi điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành.
“Bộ Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng sửa nghị định theo hình thức rút gọn. Cố gắng đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ ban hành nhanh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Xuất khẩu ô tô của Thái Lan và Indonesia sang Việt Nam ngày càng tăng
Theo các DN, hiện nay do phải kiểm tra khí thải và an toàn với từng lô xe nhập khẩu nên phải mất khoảng 45 ngày mới hoàn tất thủ tục.
Mỗi lô xe nhập về, DN phải lấy ít nhất một chiếc, thuê chạy hơn 3.000 km, sau đó mới mang đi kiểm tra chất lượng, vì vậy rất tốn thời gian. Hơn nữa, đến nay cả nước mới chỉ có một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội có đủ điều kiện để kiểm tra nên tất cả xe nhập khẩu đều dồn về đây.
Điều này đã làm tăng thời gian và chi phí nhập khẩu. Thời gian càng kéo dài thì chi phí lưu kho bãi, lãi vay càng tăng. Các DN nhận xét hiện chi phí này đã tăng gấp đôi so với trước.
Các DN cho hay kiểm tra theo kiểu loại có thể được hiểu là mỗi kiểu loại xe chỉ cần kiểm tra khí thải và an toàn lần đầu. Những lô sau nhập về không cần phải kiểm tra lặp lại nữa mà hoạt động này sẽ chuyển sang hậu kiểm, trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của DN.
Như vậy, nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc sắp tới sẽ rất thông thoáng và xe nhập có cơ hội về nước nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn. Tuy nhiên, đây là lại điều đáng lo ngại với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.
Thời gian qua, cho dù bị kiểm tra theo lô thì xe nhập khẩu vẫn tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2019, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về nước đạt 88.000 chiếc, trong đó trên 80% là xe dưới 9 chỗ, trị giá đạt 1,94 tỷ USD, tăng 365% về lượng và tăng 319% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Còn theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) trong 7 tháng đầu 2019, xe nhập khẩu tiêu thụ 73.934 xe, tăng đến 207% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, xe lắp ráp giảm 14%, đạt 107.006 xe bán ra, so với 124.776 xe 7 tháng đầu 2018.
Giá tiếp tục giảm
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đối mặt với cạnh tranh rất mạnh từ xe nhập khẩu. Xe nhập về nhiều, trong khi xe trong nước cũng tăng sản lượng khiến cung lớn hơn cầu.
Dự báo giá xe sẽ giảm
Các DN ô tô trong nước không chỉ giảm giá , tăng khuyến mãi mà còn chịu tồn kho tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhập khẩu ô tô thông thoáng hơn thì những DN có dự án đầu tư lớn vào sản xuất ô tô có nguy cơ đối mặt với những rủi ro. Trong khi đó, những chính sách ưu đãi để thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước đến nay vẫn chưa thấy đâu.
Điều các DN mong chờ nhất là chính sách ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện ô tô mua trong nước, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp ô tô, tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập đến nay vẫn ở dạng đề xuất.
Dự báo sản lượng ô tô trong nước năm 2019 có thể sụt giảm so với đỉnh cao 250.000 xe/năm đạt được trong giai đoạn 2017 và 2018, như vậy công suất sẽ dư thừa lớn.
Hiện Vinfast đã khánh thành nhà máy ô tô giai đoạn 1 công suất 250.000 xe/năm; Trường Hải có nhà máy ô tô Mazda giai đoạn 1 công suất 50.000 xe/năm; Hyundai Thành Công hơn 40.000 xe/năm; Toyota Việt Nam hơn 50.000 xe/năm...
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, để xe nội có doanh số tốt, cạnh tranh được với xe nhập phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cực mạnh. Nếu không, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ khó mà tồn tại đến sau 2025.
Thống kê cho thấy ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất xe có động cơ nửa đầu năm 2019 tăng thấp, đạt 11,7%, so với 20% trước đó. Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu “tăng tốc” vào Việt Nam đã làm ngành sản xuất xe trong nước suy giảm.
Ngược lại, xuất khẩu ô tô của Thái Lan và Indonesia sang Việt Nam ngày càng tăng. Dự báo năm 2019, xuất khẩu ô tô của Thái Lan sang Việt Nam sẽ đạt kim ngạch khoảng 1,4 tỷ USD, với trên 70.000 xe các loại; Indonesia sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 600 triệu USD với trên 40.000 xe. Như vậy, năm nay, người Việt sẽ chi khoảng 2 tỷ USD để mua xe từ hai quốc gia này.
Công suất của các DN trong nước dư thừa, tồn kho nhiều, trong khi xe nhập tràn vào nhiều với mẫu mã phong phú, giá cả hợp lý, cạnh tranh mạnh mẽ thì giá bán khó tăng, cho dù thời điểm cuối năm nhu cầu về xe có tăng lên.
Ngược lại, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, các DN sẽ phải cùng nhau hạ giá, tăng khuyến mãi để kích cầu thu hút khách hàng. Dự báo, giá xe sẽ tiếp tục giảm.