Airvisual, hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới sáng nay ghi nhận Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Jakarta của Indonensia với chỉ số chất lượng không khí AQI lên ngưỡng 204.
Theo bảng xếp hạng AQI của Việt Nam, chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu- rất có hại cho sức khỏe.
Nhóm người nhạy cảm như bệnh nhân hô hấp, tim mạch nên tránh ra ngoài, những người khác nên hạn chế thời gian ở ngoài. Theo cảnh báo của Mỹ, chỉ số AQI lên trên 200 thuộc ngưỡng cực kỳ không tốt cho sức khỏe mọi người.
Hệ thống quan trắc PAMAir của Việt Nam cũng ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sáng nay với chỉ số AQI ở hầu khắp các điểm đo lúc 7h sáng nay từ 150-200, ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người.
Tối qua, hệ thống PAMAir ghi nhận chất lượng không khí có điểm lên tới 228 như ở Đông Anh (Hà Nội).
Hệ thống quan trắc của thành phố Hà Nội cũng ghi nhận nhiều điểm ô nhiễm nghiêm trọng như Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) vào sáng nay. Lưu ý, hệ thống quan trắc của Hà Nội chỉ có 12 điểm đo trong nội thành.
Tại TPHCM, sau 3 ngày chất lượng không khí được cải thiện một phần, nay tình trạng ô nhiễm lại tái diễn. Airsual ghi nhận TP.HCM ô nhiễm thứ ba thế giới trong sáng nay, sau Hà Nội và Jakarta với chỉ số AQI trung bình là 173.
Hệ thống PAMAir cũng ghi nhận thành phố Hồ Chí Minh hôm nay ô nhiễm nghiêm trọng với nhiều điểm có chỉ số AQI lên trên 150 trong sáng nay.
Ô nhiễm không khí vào 7h sáng nay theo quan trắc của hệ thống PAMAir.
Cùng với Hà Nội và TP.HCM, ô nhiễm không khí nghiêm trọng tiếp tục diễn ra vào buổi sáng và buổi tối tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ô nhiễm nhất là Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định. Cá biệt có nơi như ở Vinh (Nghệ An) cũng có thời điểm chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200.
Nguyên nhân ô nhiễm ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục được xác định là do hoạt động đốt rơm rạ.
Điều này phù hợp với chu kỳ ô nhiễm vào tối, đêm và sáng trong khi buổi chiều chất lượng không khí được cải thiện. Những điểm ô nhiễm nhất ở ven đô và đông bằng Bắc Bộ chứ không phải khu vực nội đô.
Tại TPHCM, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường nhận định ô nhiễm không khí là do hoạt động khí tượng dẫn đến hình thành lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường bác thông tin ô nhiễm do cháy rừng ở Indonensia.
Tuy nhiên các nhà khoa học tại của Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên của Đại học Quốc gia TPHCM đã chạy mô hình truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí theo 2 chiều và cho kết quả, nguyên nhân ô nhiễm những ngày qua (18-20/9) là do cháy rừng ở Indonensia.
Ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5- loại bụi được coi là sát thủ trong không khí Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí.
PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch.
Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.
Theo báo cáo chất lượng không khí 2018 của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, năm 2018 ô nhiễm bụi mịn là vấn đề nổi cộm của Hà Nội. Nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội ở mức trung bình 40,1 microgam/m3, vượt quy chuẩn Việt Nam là 25 microgam/m3. Tuy nhiên, ô nhiễm nghiêm trọng thường bắt đầu vào tháng 9 hàng năm, kéo dài đến khoảng tháng 3 năm sau do hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra.
Vào tháng 6 và tháng 9 hàng năm, ô nhiễm nghiêm trọng cũng xảy ra do tình trạng đốt rơm rạ.