Samsung Electronics, vào tháng 10 vừa qua đã đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng tại Trung Quốc, nay đang âm thầm đưa dây chuyền sản xuất một số mẫu máy dòng Galaxy A sang cho các nhà thầu như Wingtech, vốn ít có tiếng tăm tại các thị trường nước ngoài.
Samsung khá kín tiếng về số lượng thiết bị họ dự định thuê ngoài để sản xuất, nhưng nhiều nguồn tin cho biết con số smartphone mà gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc dự định sản xuất tại Trung Quốc bởi các nhà sản xuất thiết bị gốc (ODM) trong năm sau có thể lên đến 60 triệu, tức 1/5 trong tổng số khoảng 300 triệu thiết bị họ sẽ tung ra thị trường vào năm 2020.
Wingtech và các ODM khác chuyên sản xuất điện thoại trên quy mô lớn cho nhiều nhãn hiệu khác nhau - bao gồm Huawei, Xiaomi và Oppo - từ đó giúp các hãng này giảm được chi phí, có thể phát triển và sản xuất các mẫu điện thoại giá rẻ mới một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng chiến lược của Samsung có tính rủi ro cao, khiến hãng đứng trước nguy cơ mất kiểm soát về mặt chất lượng sản phẩm và phá hoại danh tiếng của chính mình khi thuê ngoài, thậm chí còn gián tiếp giúp các đối thủ, bởi một khi các nhà thầu đã nhận được số lượng hợp đồng cần thiết, họ có thể giảm chi phí không chỉ cho Samsung mà cả các hãng khác.
Chiến lược của Samsung có thể dẫn đến một cơn khủng hoảng chất lượng khác. Nếu bạn còn nhớ thì hãng này từng phải xóa sổ mẫu flagship Galaxy Note 7 vào năm 2016 sau hàng loạt vụ việc chiếc điện thoại đắt đỏ này phát nổ, và gần đây nhất, họ phải trì hoãn thời gian ra mắt của chiếc điện thoại màn hình gập đầu tiên của mình sau khi phát hiện ra màn hình máy cực kỳ dễ hỏng hóc.
Nhưng với mức lợi nhuận biên siêu mỏng khi bán các mẫu smartphone giá rẻ, hãng không có nhiều lựa chọn ngoại trừ việc theo chân các đối thủ và nhờ đến các ODM Trung Quốc để cắt giảm chi phí.
"Đây giống một chiến lược không thể tránh khỏi chứ không phải một chiến lược tốt" - một nguồn có liên quan đến hoạt động của Samsung tại Trung Quốc cho biết.
Samsung nói với kênh tin tức Reuters rằng hãng triển khai sản xuất một số dòng smartphone hạn chế bên ngoài các nhà máy của mình để mở rộng danh mục sản phẩm hiện tại và "đảm bảo quản lý hiệu quả trên thị trường này". Hãng từ chối cho biết có bao nhiêu điện thoại Samsung được sản xuất bởi các ODM và nói rằng số lượng trong thời gian đến vẫn chưa được quyết định.
Wingtech - nhà thầu đằng sau sản phẩm của nhiều hãng smartphone nổi tiếng ở Trung Quốc
Linh kiện rẻ hơn
Công ty nghiên cứu Counterpoint cho biết các ODM có thể thâu tóm toàn bộ các linh kiện cần thiết để sản xuất các mẫu smartphone giá từ 100-250 USD với mức giá rẻ hơn từ 10-15% so với các nhãn hiệu lớn có nhà máy riêng tại Trung Quốc.
Một nguồn tin trong chuỗi cung ứng tiết lộ rằng Wingtech có thể mua một số linh kiện với giá rẻ hơn đến 30% so với mức giá mà Samsung Electronics phải bỏ ra ở Việt Nam, nơi hãng này có 3 nhà máy chuyên sản xuất smartphone, TV và các thiết bị gia dụng.
Wingtech bắt đầu gia công tablet và điện thoại cho Samsung vào năm 2017, đảm nhận 3% trong tổng số smartphone của hãng điện tử Hàn Quốc. Năm nay, con số này có thể đạt 8%, tương đương 24 triệu thiết bị.
Kế hoạch thuê ngoài của Samsung tập trung vào dòng Galaxy A tầm thấp và tầm trung, trong đó Wingtech tham gia cả vào khâu thiết kế lẫn sản xuất. A6S, một trong những mẫu máy được thuê ngoài, có giá từ 185 USD ở Trung Quốc.
Các điện thoại do Wintech sản xuất chủ yếu sẽ được bán tại thị trường Đông Nam Á và Nam Mỹ. Thị phần của Samsung tại các khu vực này hiện đang tăng lên, nhờ sự sụt giảm của Huawei - vốn đang bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ, khiến hãng không thể đưa các dịch vụ của Google lên các mẫu điện thoại mới.
Dù Samsung đang lo lắng tìm cách bảo vệ vị trí thống trị thị trường smartphone toàn cầu, một số nhà phân tích quan ngại những nguy cơ mà hãng chấp nhận gánh chịu là không đáng, bởi lợi nhuận đến từ điện thoại giá rẻ là rất thấp.
"Các mẫu điện thoại cấp thấp là một cơn đau đầu đối với Samsung" - CW Chung, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Nomura ở Hàn Quốc cho biết.
Ông Chung nói rằng các mẫu điện thoại này hiện thuộc nhóm sản phẩm đại trà, và tự sản xuất chúng là điều vô nghĩa. Nhưng ông và các chuyên gia khác nhận định rằng nếu Samsung thuê ngoài ODM với số lượng lớn hơn nữa, chi phí của các nhà thầu này sẽ càng được cắt giảm, kinh nghiệm và kiến thức của họ sẽ càng được gia tăng.
"Nếu các công ty ODM trở nên cạnh tranh hơn, các đối thủ cũng sẽ trở nên cạnh tranh hơn" - Tom Kang, một nhà phân tích tại Counterpoint nói, nhấn mạnh thêm rằng một khi công ty đánh mất ưu thế của họ trong việc sản xuất điện thoại tầm thấp bằng cách thuê ngoài, việc tìm đường quay lại là rất khó.
Cuộc chơi sinh tồn
Chung cho biết sự chuyển dịch trong chiến lược của Samsung báo hiệu sự suy giảm năng lực sản xuất của công ty này, vốn một thời là một nhà sản xuất điện thoại giá rẻ hàng đầu tại châu Á, và nay là nhà sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng cao cấp hàng đầu thế giới.
Đối thủ của Samsung tại Mỹ là Apple cũng thuê Foxconn Technology (Đài Loan), vốn có nhà máy tại Trung Quốc, để sản xuất iPhone, tuy nhiên Táo khuyết vẫn tự mình thiết kế điện thoại ở California.
Samsung phản hồi rằng hãng sẽ tham gia vào quá trình giám sát thiết kế và phát triển của các smartphone do ODM sản xuất.
Một người có mối liên hệ với Samsung và các ODM Trung Quốc cho biết các nhà thầu tiết kiệm tiền bằng cách cắt bớt một số bước trong quá trình sản xuất, khiến nguy cơ xuất hiện các vấn đề về chất lượng tăng cao.
Nắm được điều đó, Samsung đã kết hợp các nhà cung ứng linh kiện Hàn Quốc với các nhà thầu Trung Quốc để nắm chắc quy trình kiểm tra chất lượng.
"Chúng tôi hiểu việc tăng số lượng sản phẩm do các nhà thầu Trung Quốc sản xuất là một quyết định kinh doanh chiến lược, nhưng không có nghĩa tất cả chúng tôi đều vui vẻ với điều đó" - một lãnh đạo của một nhà cung ứng linh kiện Hàn Quốc nói.
Samsung cho biết hãng đã áp dụng các bước kiểm tra chất lượng và các tiêu chuẩn của mình với mọi sản phẩm, cam kết mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao.
Trước đây, Samsung đã tự mình thiết kế và sản xuất hầu hết mọi điện thoại tại các nhà máy lớn ở Việt Nam, và gần đây là Ấn Độ, đồng thời giảm bớt quá trình sản xuất tại Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi giá nhân công cao hơn.
Nhưng Roh Tae-moon, lãnh đạo trẻ nhất sắp trở thành chủ tịch Samsung Electronics, lại đề cao chiến lược ODM mới dưới vai trò là người nắm quyền hành lớn thứ nhì trong mảng di động của hãng.
"Việc cắt giảm chi phí để duy trì thế cạnh tranh với Huawei và các nhà sản xuất thiết bị khác ở Trung Quốc là tối quan trọng" - một nhân vật giấu tên trong Samsung cho biết.
Các công ty Hàn Quốc khác cũng ủng hộ việc thuê ngoài. LG Electronics, dù trong vài năm qua hứng chịu thua lỗ nặng ở lĩnh vực smartphone, cho biết đã có kế hoạch mở rộng các sản phẩm do ODM đảm nhận từ các mẫu tầm thấp sang các mẫu tầm trung.
"Smartphone nay là cuộc chiến về giá. Đó là một cuộc chơi sinh tồn" - Kim Yong-serk, một cựu lãnh đạo mảng di động của Samsung, nay là giáo sư tại Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc, cho biết.
Tham khảo: Reuters