Sáng kiến xây đường xe lửa với các nước vùng Vịnh: Món lợi kinh tế có chấm dứt mối thù truyền kiếp Ả rập-Do thái?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Israel, mạng lưới xe lửa này có ý nghĩa kinh tế, chiến lược hết sức to lớn và sẽ mở ra chương trình chính trị tiếp theo về một giải pháp hoà bình.

Ý nghĩa chính trị

Ngày 7/11/2018, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Israel Yisrael Katz tham dự hội nghị Liên đoàn vận tải đường bộ quốc tế tại Muscat (Oman) đã đưa ra dự án lấy tên "Con đường hoà bình" nhằm xây dựng một đường xe lửa nối cảng Haifa lớn nhất của Israel nằm trên bờ Địa Trung Hải với mạng lưới đường sắt sẵn có hiện nay của các nước vùng Vịnh chạy qua Jordan. 

Về kinh tế, dự án này sẽ đem lại nguồn lợi to lớn cho cả Israel và các nước vùng Vịnh. Dự án này nếu được thực hiện sẽ rút ngắn được khoảng cách từ các nước vùng Vịnh đến Địa Trung Hải hơn 600 km, không phải đi đường vòng qua eo Hormuz và Bab Al-Mandeb ra Biển Đỏ, việc trao đổi hàng hoá giữa các nước vùng Vịnh và châu Âu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Đây không chỉ đơn thuần là một dự án kinh tế mà là một kế hoạch chứa đựng nhiều ý nghĩa chính trị. Nếu mục tiêu chỉ là lợi ích kinh tế thì các nước Ả rập hoàn toàn có thể tự mình xây dựng được một hệ thống đường sắt nối các nước vùng Vịnh với cảng Beirut của Lebanon hoặc Latakia và Banias của Syria cũng nằm bên bờ Địa Trung Hải.

Đề nghị xây đường xe lửa với các nước Ả rập vùng Vịnh: Israel dùng kinh tế đổi hòa bình? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Israel Yisrael Katz giới thiệu về dự án Con đường hòa bình. Ảnh:alaraby.co.uk

Dự án này được chính thức nêu ra chỉ một tuần sau chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng B. Netanyahu tới Oman. Các nước Ả rập vùng Vịnh tỏ ra rất quan tâm tới đề xuất này. Các nhà phân tích tình hình Trung Đông nhận xét đây là một phần nằm trong chiến dịch của Israel nhằm bình thường hoá quan hệ với các nước Ả rập sau 70 năm thù địch để tập hợp lực lượng trong một mặt trận chống Iran.

Nỗ lực bình thường hoá quan hệ Israel-Ả rập dồn dập chưa từng có

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua các đoàn Israel đã dồn dập đến thăm một số nước Ả rập vùng Vịnh. Đây là những hoạt động chưa từng có từ trước tới nay giữa Israel và các nước Ả rập vốn không có quan hệ ngoại giao.

Sau chuyến thăm Vương quốc Oman của ông Netanyahu được Quốc vương Sultan  Qaboos bin Said đón tiếp nồng nhiệt (28/10/2018), Bộ trưởng Văn hoá và Thể thao Israel Miri Regev đến thăm nhà thờ Hồi giáo mang tên Sheikh Zayed ở Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (29/10/2018) và dự lễ trao Huân chương vàng cho đoàn võ sỹ Judo Israel. Cùng thời điểm này, bà Miri Regev cũng đã thăm Qatar và dự lễ trao giải vô địch cho đoàn thể dục dụng cụ của Israel tại Doha. Lần đầu tiên quốc ca và quốc kỳ của Israel được cử lên tại thủ đô Muscat, Abu Dhabi và Doha.

Tiếp theo đó, ngày 30/10/2018, Bộ trưởng Viễn thông Ayoub Kara của Israel đã tham dự Hôi nghị thường niên của Liên đoàn viễn thông quốc tế (ITUPP) tại Dubai. 

Ông đã kêu gọi "lập lại hoà bình, an ninh" ở khu vực Trung Đông và cho rằng việc bình thường hoá quan hệ giữa Israel và các nước Ả rập sẽ đem lại hoà bình cho người Palestine. Ngoải ra, còn nhiều cuộc tiếp xúc không được công bố giữa giữa các quan chức của Israel với một số nước Ả rập khác.

Thủ tướng Israel B. Netanyahu tuyên bố: "Quá trình bình thường hoá quan hệ giữa Israel và một loạt nước Ả rập đang diễn ra với quy mô mà trong quá khứ không ai có thể tưởng tượng được. Quá trình này cho chúng ta hy vọng, cuối cùng rồi thì chúng ta sẽ có thể đạt được một nền hoà bình."

Mục tiêu chủ yếu của bình thường hoá quan hệ Israel-vùng Vịnh là tạo môi trường để thực hiện "Thỏa thuận thế kỷ" giải quyết vấn đề Palestine.

Hiện nay, trong thế giới Ả rập có hai luồng tư tưởng khác nhau về giải pháp cho cuộc xung đột Palestine-Israel. Luồng tư tưởng thứ nhất đòi Israel phải chấm dứt sự chiếm đóng các vùng đất của Palestine và chấp nhận việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên trong đường biên giới năm 1967 với Thủ đô là Đông Jerusalem  để  đổi lấy việc các nước Ả rập công nhận Nhà nước Israel. Luồng tư tưởng thứ hai cho rằng cần phải công nhận và bình thường hoá quan hệ với Israel thì mới giải quyết được cuộc xung đột và mới có an ninh và hoà bình.

Đề nghị xây đường xe lửa với các nước Ả rập vùng Vịnh: Israel dùng kinh tế đổi hòa bình? - Ảnh 3.

Phong trào "Mùa Xuân Ả rập" đã và đang làm suy yếu nghiêm trọng và chia rẽ thế giới Ả rập. Ông D. Trump bước vào Nhà Trắng đã thay đổi toàn bộ chính sách Trung Đông của những người tiền nhiệm, từ vị trí trung gian hoà giải Washington đã nghiêng hẳn về phía Israel. 

Việc chính quyền D. Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô vinh viễn không thể chia cắt được của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về đây, việc Mỹ đóng cửa Văn phòng đại diện của Palestine tại Washington và cắt viện trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc về người tỵ nạn Palestine và chuẩn bị công bố "Thỏa thuận thế kỷ"....thực chất là nằm trong kế hoạch xoá bỏ vấn đề Palestine.

Các cố gắng của Israel nhằm bình thường hoá quan hệ với các nước Ả rập, trước tiên với các nước vùng Vịnh, việc đưa ra dự án xây dựng đường xe lửa nối Israel với các nước vùng Vịnh mục đích chính là đánh lạc hướng khỏi cuộc xung đột Ả rập-Israel mà cốt lõi của nó là vấn đề Palestine.

Kế hoạch này hoàn toàn đi ngược lại các nghị quyết của Liên hợp quốc, sáng kiến "Đất đổi lấy hoà bình" của các nước Ả rập năm 2002 và trái với chính các thỏa thuận giữa Israel và Palestine trước đây. Mục đích chính của Israel là tập hợp lực lượng chống lại "sự bành trướng ảnh hưởng và nguy cơ Iran". Hiện nay, giữa Israel, Mỹ và các nước Ả rập có chung mục tiêu là chống Iran. Ý tưởng thành lập một "NATO Ả rập"có sự tham gia của Israel là nhằm chống Iran.

Nguy cơ đối với hoà bình và an ninh ở Trung Đông chưa được giải quyết

Nguy cơ lớn nhất đối với hoà bình và an ninh khu vực Trung Đông là cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết, Israel vẫn tiếp tục chiếm đóng các lãnh thổ của Palestine và chủ nghĩa khủng bố hoành hành. Nguy cơ Iran chỉ là cái cớ để Israel và các nước Ả rập bình thường hoá và tập hợp lực lượng. Năm 1979, cách mạng Hồi giáo Iran thắng lợi lật đổ chế độ quân chủ của Vua Pahlavi thân Mỹ, lợi dụng Iran gặp nhiều khó khăn, năm 1980 chính Iraq được các nước Ả rập và Mỹ ủng hộ đã phát động cuộc chiến tranh kéo dài tám năm chống Iran, nhưng đã không lật đổ được chính quyền Tehran.

Tình hình khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi. Một cuộc chiến tranh mới chống Iran sẽ không giải quyết được vấn đề gì. 

Nó không những không thể đem lại hoà bình và ổn định cho Trung Đông mà sẽ đẩy toàn bộ khu vực vào tình trạng hỗn loạn không kiểm soát được. Những bất đồng giữa Iran và các nước Ả rập hoàn toàn có thể giải quyết được bằng biện pháp hoà bình. Đàm phán là con đường duy nhất để đảm bảo được lợi ích chính đáng của tất cả các nước trong khu vực, trong đó có các nước vùng Vịnh, Iran và Israel.

Sáng kiến "Đất đổi lấy hoà bình" của các nước Ả rập được cả thế giới ủng hộ đã thất bại, liệu sáng kiến "Kinh tế đổi lấy hoà bình" của Israel liệu có thành công? 

Viết trên tờ "The times of Israel", nhà báo Josefin Dolsten làm việc trong Cơ quan điện tín Do Thái (JTA) đặt câu hỏi "liệu sáng kiến về dự án đường xe lửa này có đem lại hoà bình cho khu vực đang chịu nhiều đau khổ do bạo lực trong hơn nửa thế kỷ qua hay hy vọng sẽ tiêu tan đi như những làn khói của chiếc đầu máy hơi nước?

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại