“Tầm nhìn Vientiane ": Mũi tên 2 đích
Tại cuộc họp thứ hai cấp Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và Nhật Bản được tổ chức tại thủ đô của Lào, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã thúc đẩy “Tầm nhìn Vientiane” (Vientiane Vision) – một sáng kiến mới về hợp tác an ninh cho khu vực Đông Nam Á.
Chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nga là ông Anton Tsvetov đã bình luận rằng, các lĩnh vực tương tác được ưu tiên hàng đầu giữa Nhật Bản và ASEAN đều có liên quan tới mục tiêu củng cố tính pháp quyền và an ninh hàng hải trong khu vực.
Ngoài ra, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, một trong những hướng hợp tác quan trọng giữa hai bên sẽ là thúc đẩy “Sáng kiến phòng thủ ASEAN”, tăng cường tiềm lực của Đông Nam Á để "đối phó với những thách thức khác nhau”.
Vào năm 1977, ngay sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần đầu tiên, Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda đã đề xướng chủ trương Nhật Bản phát triển quan hệ tích cực với các nước Đông Nam Á; sau đó, quan điểm này được thừa kế dưới thời Thủ tướng Yoshihiko Noda.
Tuy nhiên, vai trò đối tác an ninh của Tokyo với các nước ASEAN chỉ đặc biệt tăng vào những năm gần đây, nhất là khi ông Shinzo Abe trở lại nắm quyền năm 2012. Thủ tướng Nhật Bản đã đẩy mạnh khái niệm "gìn giữ hòa bình chủ động", hàm ý một chính sách an ninh độc lập và quyết đoán hơn ở châu Á.
Về kinh tế, Nhật Bản liên tục là một trong những nhà đầu tư quan trọng vào các nền kinh tế của ASEAN theo xu hướng càng ngày càng gia tăng. Ví dụ như 2015 là năm thứ ba liên tiếp luồng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Đông Nam Á cao hơn của Trung Quốc.
Trong thời gian này, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai của ASEAN, chỉ xếp sau Liên minh châu Âu. Ngoài ra, Đông Nam Á cũng là một khu vực quan trọng tham gia đề xuất "viện trợ phát triển" theo chính sách ưu đãi của Nhật Bản.
Nhật Bản và ASEAN đã thảo luận phương hướng hợp tác về vấn đề thương mại và nhiều lĩnh vực khác như: đầu tư nước ngoài, giao thông, công nghiệp, điện lực, y tế, giáo dục, tư pháp, thể thao, văn hóa… giữa hai bên.
Đặc biệt là Tokyo đã hành động kiên quyết với chiến lược chuyển dịch đầu tư quy mô lớn vào các nước ASEAN; thoái vốn đầu tư, di chuyển các cơ sở kinh tế Nhật Bản từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Người Nhật đã lấy “gậy ông đập lưng ông”, vận dụng tuyệt vời kế “Nhất tiễn song điêu” trong binh pháp Tôn Tử của chính Trung Quốc, một mặt phá hoại nền kinh tế đối thủ, mặt khác giúp phát triển kinh tế các quốc gia ASEAN, hình thành vòng vây cô lập Bắc Kinh.
Nhật Bản viện trợ tàu tuần tiễu cho Philippines và Việt Nam để đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông
“Sáng kiến phòng thủ ASEAN”: Con bài kiềm chế Trung Quốc
Ngoài mục đích mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác thân thiết giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, trên thực tế, Nhật Bản còn có có mối quan tâm riêng của mình về hợp tác phòng thủ quy mô lớn với các nước ASEAN, với mục đích “một mũi tên trúng hai đích”.
Và Nhật Bản cũng không hề giấu diếm điều này. Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Inada đã thẳng thắn nói rằng, hợp tác với các nước ASEAN sẽ góp phần bảo đảm hòa bình trong khu vực, sự tăng cường an ninh ở Biển Đông sẽ kéo theo sự ổn định an ninh ở Biển Hoa Đông.
Các đề nghị của Nhật Bản ban đầu chủ yếu xuất phát từ nhu cầu từ các nước trong khu vực, dựa trên luận thuyết "vai trò trung tâm của ASEAN" và nhấn mạnh rằng, các nước trong khối sẽ chủ động đặt ra chương trình nghị sự, từ luật biển đến phá hủy các vật liệu nổ còn sót lại.
Chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hiện nay là duy trì ở Đông Nam Á sự cân đối giữa các lực lượng, trong đó tiếng nói và uy tín của các nước ASEAN sẽ có trọng lượng đáng kể và đủ sức tự mình đảm đương sự bảo vệ ổn định của khu vực.
Lẽ dĩ nhiên, các nguy cơ bất ổn ở khu vực này là vấn đề nghiêm trọng lớn cho Nhật Bản nhiều hơn là cho Mỹ. Do đó, với Tokyo việc xây dựng thế cân bằng quân sự-chính trị ở Đông Nam Á cũng là vấn đề an ninh của chính họ, đồng thời là một cách để bảo vệ vốn đầu tư.
“Tầm nhìn Vientiane” đã đẩy lên hàng đầu sự hợp tác của Nhật Bản và ASEAN trong lĩnh vực an ninh. Các động thái kích hoạt xu hướng này đã trở nên rõ nét kể từ năm 2014, khi Nhật Bản đồng ý cung cấp 10 tàu tuần tra cho Philippines và 6 tàu cho Việt Nam.
Ngoài ra, Nhật còn đang tích cực hướng các quốc gia khác trong khối ASEAN vào vòng ảnh hưởng của khối liên minh đối phó với Trung Quốc, trong tương lai các hội nghị ASEAN mở rộng 10+3 (thêm Trung, Nhật, Hàn) sẽ là các “diễn đàn chống” Trung Quốc.
Một khi Nhật Bản tạo lập được thế đứng chân vững chắc ở Đông Nam Á, điều kiện địa-chính trị xung quanh Trung Quốc sẽ xấu đi nghiêm trọng, một khi tình hình tranh chấp Trung - Nhật trở nên căng thẳng, rõ ràng là các quốc gia Đông Nam Á sẽ cất tiếng ủng hộ Tokyo chứ không phải Bắc Kinh.
Trong tình hình hiện nay, các hoạt động tích cực của Nhật Bản đối với ASEAN đang được Bắc Kinh quan sát kỹ lưỡng sự biến động trong quan hệ giữa Tokyo với các nước Đông Nam Á và thận trọng tiếp nhận như là “một mối đe dọa mới về an ninh” đối với nước này.
Chuyên gia Nga Anton Tsvetov nhận định rằng, hiện Nhật Bản được coi như “người kế tục” các chính sách của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Sáng kiến phòng thủ mới với ASEAN của Tokyo chắc chắn sẽ làm cho giới chức lãnh đạo Bắc Kinh vô cùng khó chịu.