Sản vật 5.000 năm của Việt Nam là "ông vua" ở Đông Nam Á: Giữ một chỉ số vượt cả Nhật Bản, Trung Quốc

An An |

Việt Nam hiện là một trong sáu nước sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và thứ sáu thế giới.

Sản vật 5.000 năm của Việt Nam

Chuyện kể rằng, đời Hùng Vương thứ 6, có nàng Mỵ Nương Thiều Hoa có biệt tài, đó là mỗi lần vào rừng chơi, nàng có thể nói chuyện với loài chim và bướm. Một lần, khi nàng đang nói chuyện với loài bướm thì phát hiện bướm nâu đẻ trứng và tạo kén sâu. Sâu này ăn một loại lá (lá dâu) và nhả ra những sợi tơ vàng. Sau khi trở về, nàng liền nghĩ ra cách dệt tơ thành từng mảnh, sau đó gọi những mảnh này là lụa, gọi bướm là bướm tằm, gọi loại sâu ăn lá cây là tằm. Cách gọi này đã được truyền lại cho đến ngày nay.

Theo thần tích làng Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội), nàng Thiều Hoa sau đó từ thành Phong Châu sang Cổ Đô dạy dân nghề dệt lụa. Cứ thế phát triển, lụa làng Cổ Đô trở thành sản vật tiến vua trong suốt các triều đại phong kiến và đã đi vào ca dao Việt Nam:

"Lụa này thật lụa Cổ Đô

Chính tông lụa cống các cô ưa dùng".

Sách cổ Trung Quốc ghi lại: Vào đầu Công nguyên, khi Trung Quốc một năm chỉ nuôi được ba vụ tằm thì các vùng như Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm Ấp có thể nuôi tằm tám vụ một năm. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất trong ngành trồng dâu nuôi tằm lấy tơ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Sách Hán Thư (Trung Quốc)
Người Lạc Việt giỏi trồng dâu nuôi tằm. Trong một năm có hai mùa gieo lúa và tám mùa nuôi tằm.

Theo báo Quân đội Nhân dân, về bằng chứng cụ thể, khi nghiên cứu di chỉ Bàu Tró (Quảng Bình), các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của vải có dọi xe chỉ bằng đất nung có niên đại cách đây khoảng 5.000 năm.

Ở miền Bắc, ngày nay, nghề lụa ở Cổ Đô đã không còn được lưu truyền. Thay vào đó, nổi lên rất nhiều làng nghề dệt lụa nổi tiếng với hàng nghìn năm lịch sử như Vạn Phúc (Hà Nội), Cổ Chất (Nam Định), Nha Xá (Hà Nam) v.v...

Ngành lụa Việt Nam cũng từng xuất hiện với câu ca dao nổi tiếng rằng:

"Gốm Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông".

Sản vật 5.000 năm của Việt Nam là "ông vua" ở Đông Nam Á: Giữ một chỉ số vượt cả Nhật Bản, Trung Quốc- Ảnh 1.

Nghệ nhân Việt Nam quay tơ bằng phương pháp truyền thống. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thời Pháp thuộc, lụa Vạn Phúc được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất Đông Dương, vào các năm 1931 và 1932 từng được chọn tham dự tại các hội chợ lớn ở Marseille và Paris (Pháp).

Ở miền Trung, nghề tơ lụa từng phát triển rất mạnh. Theo báo Lao động, vào thời kì hưng thịnh, từ khoảng thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX, Hội An là nơi có nhiều thuyền buôn nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp... đến giao thương mua bán, chủ yếu là mặt hàng gốm sứ và lụa tơ tằm.

Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn viết rằng: "Người phủ Thăng, phủ Điện (tức phủ Thăng Hoa và phủ Điện Bàn của Quảng Nam) dệt được các thứ the đoạn, lụa là hoa hòe tinh xảo chẳng kém gì Quảng Đông".

Năm 1631, nhà truyền giáo người Italia Cristoforo Borri đã viết trong cuốn khảo cứu “Relation de la Nouvelle mission dis Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine (tạm dịch: Tường thuật về sứ mạng mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong) của mình rằng: "Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ và mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc".

Năm 1653, trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes cũng từng viết rằng: "Ở Đàng Trong... tơ lụa nhiều đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền".

Đến thời điểm hiện tại, song song với các làng nghề dệt lụa phía Bắc, Bảo Lộc (Lâm Đồng) trở thành thủ phủ mới của nghề tơ tằm Việt Nam dù ra đời muộn vào khoảng những năm 70 của thế kỉ trước, với sản lượng tơ khoảng 1.000 tấn/năm và mỗi năm sản xuất khoảng 5 triệu mét vải lụa, tiêu thụ ở những thị trường lớn như Ấn Độ, Ý, Pháp..., thậm chí có cả những thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc - theo báo Nông nghiệp Việt Nam tháng 5/2023.

Nền tảng tốt nhất Đông Nam Á

Thông tấn xã Việt Nam năm 2020 dẫn lời ông Fei Jianming, Tổng thư kí Hiệp hội Tơ lụa Thế giới từng nhận xét, tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất Đông Nam Á.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan.
Tổng thư kí Hiệp hội Tơ lụa Thế giới Fei Jianming

Thống kê của Hiệp hội Tơ lụa Thế giới cho thấy, Việt Nam hiện là một trong sáu nước sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và thứ sáu thế giới.

Tơ lụa Việt Nam cũng đã khẳng định được vị thế trong nhóm sản phẩm lụa tơ tằm có chất lượng hàng đầu thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm.

Diện tích trồng dâu năm 2023 khoảng 13.200ha, sản lượng kén đạt hơn 16.800 tấn/năm, sản lượng tơ đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Giá trị xuất khẩu tơ lụa năm 2022 đạt 70 triệu USD. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, chiếm tỷ trọng hơn 90%.

Theo đánh giá, mặc dù chất lượng tơ lụa được đáng giá cao nhưng Việt Nam lại chưa thể trở thành một quốc gia có thương hiệu mạnh trên thị trường tơ lụa thế giới.

Về vấn đề này, ông Fei Jianming cho rằng, đó là do lâu nay Việt Nam quá chú trọng về xuất khẩu tơ sợi, tức chỉ dừng lại ở mức gia công với giá trị lợi nhuận thấp, trong khi chỉ có sản phẩm lụa hoàn chỉnh đạt phẩm cấp cao mới có thể giúp định danh được thương hiệu lụa của một quốc gia.

"Việt Nam là quốc gia có truyền thống dệt lụa lâu đời, vùng nguyên liệu mênh mông, lượng tơ tằm chất lượng cao hiếm có. Vì thế chúng ta nên gìn giữ để sản xuất lụa ngay trong nước.Và đó mới chính là hướng đi đúng để đến với con đường tơ lụa thế giới", ông này nói.

Sản vật 5.000 năm của Việt Nam là "ông vua" ở Đông Nam Á: Giữ một chỉ số vượt cả Nhật Bản, Trung Quốc- Ảnh 2.

Phu nhân Thủ tướng Việt Nam và Phu nhân Thủ tướng Lào trải nghiệm việc dệt đũi tại làng nghề. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, theo Trung tâm Nghiên cứu ngành nghề Tư duy mới (Newsijie - Trung Quốc), ngành tơ lụa Việt Nam có triển vọng phát triển tốt.

Ở góc độ chuỗi công nghiệp, thượng nguồn của ngành tơ lụa là trồng dâu nuôi tằm, về mặt này, nhờ vị trí địa lý thuận lợi và đặc điểm khí hậu, nhiệt độ ưu việt nên Việt Nam có lợi thế tự nhiên trong việc phát triển nghề trồng dâu tằm. Hết năm 2022, Việt Nam có 32 địa phương phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích khoảng 13.210 ha, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành tơ lụa.

Hạ nguồn của ngành tơ lụa là ngành dệt may hoặc bán trực tiếp ra thị trường, một mặt nhờ các yếu tố như lợi tức dân số và các chính sách ưu đãi đầu tư, kết hợp với việc nâng cấp toàn diện công nghiệp, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng cho đầu tư của doanh nghiệp dệt may toàn cầu, thu hút nhiều công ty dệt may nước ngoài đến đầu tư, xây dựng nhà máy, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành tơ lụa.

Mặt khác, khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và nhiều quốc gia, khu vực ký kết lần lượt có hiệu lực, cũng như sự phát triển không ngừng của công nghệ sản xuất và chủng loại sản phẩm ngày càng phong phú, tơ lụa Việt Nam nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế và được ưa chuộng, được nhiều thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng tin dùng.

Có doanh nghiệp từng bán tơ lụa Trung Quốc "núp bóng" tơ lụa Việt Nam

Vào năm 2018, ngành lụa Việt Nam từng xuất hiện vụ việc nổi cộm: Doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lụa Trung Quốc để lừa dối người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu lụa Trung Quốc sang nước ngoài nhưng lại ghi xuất xứ Việt Nam để hưởng mức thuế suất thấp.

Theo báo Tuổi Trẻ, lụa Việt Nam nhập vào Ấn Độ nếu có chứng nhận xuất xứ thì sẽ chịu mức thuế nhập khẩu 5%, lụa Trung Quốc phải chịu mức thuế 20%. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tơ lụa Việt Nam.

Hiện nay, trước sự đa dạng hóa mặt hàng tơ lụa trên thị trường Việt Nam, chia sẻ với Dân trí, bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc một hãng lụa có tiếng đã chia sẻ ba đặc điểm để phân biệt lụa Việt Nam với lụa Trung Quốc.

Thứ nhất, về màu sắc, tơ lụa Trung Quốc sẽ sắc sảo hơn, còn lụa Việt Nam thì sẽ không đều màu như của Trung Quốc.

Thứ 2, về họa tiết, tơ lụa Trung Quốc có nhiều họa tiết cầu kì và thường in trực tiếp lên sản phẩm. Lụa Việt Nam thường có họa tiết trơn, hoặc khi nhuộm chỉ có thể ra những hình đơn giản như ô vuông, ô tròn.

Thứ 3, cảm nhận thô ráp. Lụa Việt Nam dệt hoàn toàn thủ công nên có phần thô ráp, nhăn, phải là ở chế độ lụa mới đỡ phần nào.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, sự thô ráp đó vô tình lại trở thành điểm cộng trong mắt bạn bè quốc tế.

Được làm thủ công nên sự thô ráp ấy chính là thứ bạn bè quốc tế rất yêu thích. Họ thích những món quà mộc mạc giản dị và được chính con người Việt Nam làm ra bằng chính đôi bàn tay hơn là máy móc.
Giám đốc Lương Thanh Hạnh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại