Săn tàu chiến Mỹ bằng siêu vũ khí Ekranoplan: Iran đã làm được điều mà Liên Xô không thể

Trà Khánh |

Hiện tại Iran là quốc gia duy nhất trên thế giới sử dụng phương tiện bay hiệu ứng bề mặt (GEV) cho mục đích quân sự, điều mà ngay cả các cường như Liên Xô hay Mỹ còn chưa làm được.

Mỹ ngỡ ngàng trước siêu vũ khí của Iran

Trong bài phân tích mới đây trên tờ National Interest, cây bút Sebastien Roblin nhận định, hạm đội xuồng và tàu tấn công cao tốc mang theo tên lửa của Iran nhìn từ bên ngoài trông có vẻ như là vô hại nhưng chúng lại là một trong những "quân át chủ bài" giúp Tehran đạt được những lợi thế lớn về chính trị lẫn quân sự trong khu vực.

Điều này nghe có vẻ khó tin nhưng những gì đang diễn ra ở Vịnh Ba Tư cũng như eo biển Hormuz đã cho thấy nhận định của Roblin hoàn toàn có cơ sở, khi hạm đội "tàu chiến mini" của Hải quân cũng như Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hết lần này đến lần khác khiến Mỹ và đồng minh trong khu vực phải "toát mồ hôi" để chống đỡ.

Săn tàu chiến Mỹ bằng siêu vũ khí Ekranoplan: Iran đã làm được điều mà Liên Xô không thể - Ảnh 1.

Hạm đội tàu chiến "mini" của Hải quân Iran đang tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng cho Hải quân Mỹ và đồng minh trên eo biển Hormuz. Ảnh: isna.ir.

Cũng theo Roblin, bất chấp lệnh cấm vận của phương Tây trong những năm trở lại đây Iran liên tục đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển các loại vũ khí công nghệ cao từ tên lửa, máy bay chiến đấu, xe tăng cho đến cả phương tiện bay hiệu ứng bề mặt (GEV) hay Ekranoplan (theo cách gọi của Nga).

Thật vậy, Iran được xem là một trong số ít các quốc gia chế tạo thành công phương tiện bay GEV. Các nguyên mẫu đầu tiên được giới thiệu vào năm 2006.

Thoạt đầu, các phương tiện này bị nhầm lẫn là một mẫu thủy phi cơ mới của IRGC tuy nhiên sự thật về chúng dần được lộ diện thông qua một đoạn phóng sự ngắn về lực lượng Hải quân của IRGC do kênh truyền hình nhà nước của Iran đăng tải.

Các phương tiện GEV của IRGC được đặt tên là Bavar-1 (với nguyên mẫu thử nghiệm) và Bavar-2 cho phiên bản chính thức. Chỉ 4 năm sau mẫu Bavar đầu tiên được giới thiệu, IRGC tuyên bố đã đưa vào trang bị ít nhất 3 biên đội GEV loại này.

Săn tàu chiến Mỹ bằng siêu vũ khí Ekranoplan: Iran đã làm được điều mà Liên Xô không thể - Ảnh 2.

Bavar-1 phương tiện bay hiệu ứng mặt đất đầu tiên của Iran có thiết kế khá đơn giản và có phần giống một mẫu thủy phi cơ. Ảnh: FARS.

Tuyên bố trên của Iran khi đó khiến các nhà quan sát quân sự lẫn các tướng lính Mỹ cảm thấy ngỡ ngàng vì ở thời điểm đó Iran là quốc gia duy nhất trên thế giới có trong biên chế các phương tiện GEV phục vụ cho mục đích quân sự. Điều mà đến cả "cha đẻ" của Ekranoplan là Liên Xô còn chưa làm được.

Tất nhiên, so với các mẫu Ekranoplan của Hải quân Liên Xô trước đây như lớp Lun thì Bavar-2 của Iran chỉ giống như "một con muỗi", nhưng để thiết kế và chế tạo được một mẫu GEV là điều không hề dễ dàng. Bởi có một thực tế là các kỹ sư của Iran gần như phải bắt đầu từ con số "0" với nền khoa học kỹ thuật họ hiện có.

Phương tiện bay hiệu ứng mặt đất Ekranoplan có thiết kế khá giống một chiếc máy bay thông thường hoặc thủy phi cơ nhưng thay vì bay trên không thì nó lại lướt trên mặt nước với tốc độ di chuyển cực cao có thể lên đến hàng trăm km/h nhanh hơn các loại tàu thuyền thông thường.

Dù vậy, Iran vẫn làm được điều tưởng chừng như không thể với các biên đội GEV trong biên chế IRGC.

Theo như hình ảnh được các hãng thông tấn nhà nước của Iran đăng tải, các phương tiện bay hiệu ứng mặt đất của IRGC có thiết kế khá giống một thủy phi cơ cỡ nhỏ với phần cánh ngược và có thể nổi trên mặt nước. Mẫu phương tiện này vừa có thể bay trên không (trần bay 300m), vừa có thể lướt trên mặt nước với tốc độ cao khoảng 130km/h.

Săn tàu chiến Mỹ bằng siêu vũ khí Ekranoplan: Iran đã làm được điều mà Liên Xô không thể - Ảnh 4.

Phương tiện bay hiệu ứng mặt đất Bavar của Iran trong một lần trình diễn khả năng hoạt động trên biển. Ảnh: CNN.

Bậc thầy tác chiến phi đối xứng Iran và cách sử dụng Ekranoplan không tưởng

Quay lại những năm 1970, Liên Xô là quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc phát triển các loại phương tiện bay hiệu ứng mặt đất, trong đó nổi bật nhất là mẫu GEV khổng lồ lớp Lun hay còn được gọi là "Quái vật biển Caspi". Phương tiện GEV này có tải trọng lên đến 300 tấn và có thể mang theo 6 tên lửa chống hạm siêu thanh P-270 Moskit.

Về tổng thể lớp Lun sở hữu sức mạnh không hề thua kém các mẫu tàu chiến cùng thời của Hải quân Liên Xô nếu không muốn nói có phần vượt trội hơn, bởi GEV này có thể "bay" trên mặt nước với tốc độ lên tới 550km/h điều mà mọi tàu chiến khi đó kể cả của phương Tây đều không làm được.

Tuy nhiên, khác với Hải quân Liên Xô, IRGC không cần tới một siêu vũ khí như Lun. Thứ mà người Iran cần là một mẫu GEV dành cho nhiệm vụ trinh sát hơn là chiến đấu.

Cơ bản vì Tehran hiểu rõ họ không có lợi thế khi đối đầu trực diện với các tàu khu trục hay tuần dương hạm của Mỹ, kể cả khi IRGC có trong tay một mẫu GEV vũ trang. Chính thiết kế của Bavar-2 cũng đã nói lên được điều này khi nó không được vũ trang quá mạnh.

Như đã nói ở trên Bavar-2 có thiết kế như một mẫu thủy phi cơ với cánh ngược có khả năng bay ở tầm thấp và lướt trên mặt nước với vận tốc hơn 130km/h, việc sử dụng động cơ cánh quạt cùng với lớp sơn ngụy trang màu xanh da trời cũng giúp Bavar-2 trở nên khó phát hiện hơn nhất là trong đêm tối.

Săn tàu chiến Mỹ bằng siêu vũ khí Ekranoplan: Iran đã làm được điều mà Liên Xô không thể - Ảnh 5.

Thay vì phát triển các mẫu GEV vũ trang như Liên Xô, Iran lại chọn cho mình một lối đi khác giúp họ phát huy tối đa chiến lược chiến tranh phi đối xứng trên biển. Ảnh: FARS.

Ngoài ra, với phi hành đoàn 2 hai người kíp chiến đấu của Bavar-2 có thể dễ dàng thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên biển hoặc ven biển với các trang thiết bị mà họ được trang bị như kính nhìn đêm, hệ thống camera giám sát ngày/đêm và cả hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến có khả năng truyền dữ liệu theo thời gian thực.

Về vũ khí mẫu GEV này chỉ được trang bị súng máy hạng nhẹ 7.62mm. Tất nhiên, Iran hoàn toàn có thể gắn lên Bavar-2 các mẫu rocket hay tên lửa như họ đang làm trên hạm đội tàu chiến "mini" của mình nhưng điều này được cho là không cần thiết.

Sở dĩ nói như vậy là bởi các dữ liệu, thông tin tình báo về mục tiêu mà Bavar-2 trinh sát được sẽ được gửi về cho một trung tâm điều hành tác chiến trên đất liền từ đó các tướng lính IRGC sẽ đưa ra phương án tác chiến cụ thể bằng các phương tiện chiến đấu khác như xuồng, tàu tấn công cao tốc hay các tàu ngầm tấn công mini.

Với phạm vi hoạt động cũng không quá lớn, một biên đội vài chục chiếc Bavar-2 có thể giúp IRGC giám sát toàn bộ Vịnh Ba Tư hay eo biển Hormuz, bên cạnh việc sử dụng các hệ thống radar cảnh giới trên bờ. Như vậy, kể cả khi các hệ thống radar của Iran bị đối phương đánh sập thì về cơ bản họ vẫn có cách nắm được tình hình ở các vùng biển trên.

Như vậy, trong một kịch bản xung đột trên Vịnh Ba Tư trong tương lai, biên đội Bavar-2 đóng quân ở căn cứ hải quân Bandar Abbas chắn ngang eo biển Hormuz sẽ được IRGC tung ra làm nhiệm vụ trinh sát ở hai đầu eo biển.

Khi Bavar-2 xác định được tàu chiến hay tàu hàng của đối phương, dữ liệu về mục tiêu sẽ được chuyển đến các tàu tấn công cao tốc được trang bị tên lửa chống hạm. Khi các tàu này di chuyển tới cách mục tiêu khoảng 50km, chúng hoàn toàn có thể hạ gục tàu đối phương bằng hai tên lửa chống hạm Nasr-1, sau đó quay đầu bỏ chạy để tránh bị đánh trả.

Săn tàu chiến Mỹ bằng siêu vũ khí Ekranoplan: Iran đã làm được điều mà Liên Xô không thể - Ảnh 6.

Thông qua các phương tiện GEV làm nhiệm vụ trinh sát, tàu tấn công nhanh của Iran có thể âm thầm áp sát tấn công tàu chiến của đối phương sau đó nhanh chóng rút đi trong "màn đêm". Ảnh: FARS.

Hiện tại, các tàu tấn công cao tốc của Iran có thể sử dụng chiến thuật tấn công kiểu này có thể nhắc đến là Peykaap và Chinese Cat-14 (Azarakhsh). Các tàu này thường được trang bị hai tên lửa Nasr-1 (biến thể nội địa của tên lửa chống hạm C-704 Trung Quốc). Chúng có tầm bắn hiệu quả chỉ 35km và được trang bị một đầu đạn nặng 350kg.

Với chiến thuật "tìm và diệt" như trên IRGC hoặc Hải quân Iran có thể xây dựng cho mình các biên đội tàu tấn công tên lửa "mini" có khả năng tác chiến cơ động đủ sức khống chế toàn bộ eo biển Hormuz cũng như chặn lối vào và ra Vịnh Ba Tư

Thành công của Bavar-2 trên eo biển Hormuz đã khiến các cường quốc quân sự như Nga và Trung Quốc phải xem xét lại kế hoạch phát triển các mẫu GEV mới vốn bị bỏ xó trong nhiều năm. Về phía Iran, họ cũng không "ngủ quên trên chiến thắng" với các mẫu GEV hiện có mà tiếp tục phát triển các thế hệ tiếp theo của dòng phương tiện đặc biệt này.

Thậm chí có nhiều thông tin cho thấy, Tehran đang phát triển một mẫu GEV không người lái vừa có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát lẫn tấn công. Đây được xem là bước đi phù hợp trong bối cảnh các mẫu GEV có người lái dễ trở thành "mồi ngon" cho các hệ thống phòng không tầm thấp.

Dù không thể so sánh với các đối thủ từ phương Tây, nhưng Hải quân Iran cũng như IRGC lại có lợi thế khá lớn từ chiến lược chiến tranh phi đối xứng trên biển, cho phép họ ứng phó hiệu quả với những đối thủ vượt trội.

Vì vậy, ngay cả các chiến hạm hiện đại cũng khó có thể tự bảo vệ trước cuộc vây hãm của một hạm đội tàu tấn công cao tốc đông đảo được trang bị tên lửa chống hạm, và càng khó hơn khi hạm đội này nhận được sự yểm trợ từ các tàu ngầm mini trang bị ngư lôi.

Truyền hình nhà nước Iran công khai hình ảnh về phương tiện GEV "Bavar 2" vào cuối năm 2010.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại