Vào hồi 4h hôm nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách Móng Cái 210km, cách Thái Bình 320km, cách Vinh 450km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão. Đ
ây là cơn bão có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp các khu vực có nhiều trung tâm kinh tế lớn của đất nước, có nhiều hoạt động vận tải biển, du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản...
Trao đổi với Tiền Phong, đại tá Nguyễn Việt Hùng, Chính uỷ Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết: Tại 2 sân bay Vinh (Nghệ An) và Thọ Xuân (Thanh Hoá), công tác đảm bảo cho máy bay và phương tiện khí tài không bị hư hỏng và gia cố doanh trại đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc.
Nếu có diễn biến xấu, bộ đội sẽ được chuyển sang các địa điểm kiên cố để đảm bảo an toàn.
Ngoài 2 sân bay trên, các sân bay ở khu vực phía bắc nằm trong vùng ảnh hưởng hoàn lưu bão cũng được lệnh chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo an toàn về nhà cửa và các trang thiết bị, đặc biệt là máy bay, kho vũ khí, kho xăng dầu.
“Ngoài ra, đơn vị còn duy trì một bộ phận ứng trực để sẵn sàng giúp địa phương phòng chống bão.
Khi có tình huống cứu hộ cứu nạn thì trực thăng ứng trực sẵn sàng đợi lệnh cất cánh thực hiện nhiệm vụ của cấp trên giao phó”, đại tá Hùng nói.
Huy động hơn nửa triệu cán bộ, chiến sĩ chống bão
Để ứng phó hiệu quả, bảo đảm an toàn cho các đơn vị quân đội và tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp với các địa phương tổ chức chuẩn bị tốt việc phòng chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã có điện chỉ đạo các đơn vị của quân đội nằm trong vùng ảnh hưởng của bão.
Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân đang khẩn trương triển khai phòng chống bão số 4
Theo điện chỉ đạo, các đơn vị chủ động theo dõi nắm chắc diễn biến của bão, duy trì nghiêm chế độ trực, bảo đảm an toàn cho lực lượng, trang bị, kho tàng; sẵn sàng lực lượng phương tiện chủ động ứng phó với ảnh hưởng của bão; phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm tra những khu vực đê, kè, hồ đập xung yếu, các khu vực có nguy cơ ngập lụt chia cắt, sạt lở đất...
Sẵn sàng giúp địa phương di dời Nhân dân đến nơi an toàn để tránh trú bão và hoàn lưu sau bão.
Cũng theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến 6 giờ ngày 16/8, Quân đội đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó tại các trọng điểm.
Tổng số đã có hơn 528 nghìn cán bộ, chiến sĩ (Bộ đội: 54.732, Dân quân: 362.576, Dự bị động viên: 111.059) cùng 2.728 phương tiện các loại gồm tàu, xuồng, ô tô, xe đặc chủng được huy động.
Các đơn vị đã thành lập kíp trực, tổ chức kiểm tra các khâu chuẩn bị cuối cùng sẵn sàng ứng phó hiệu quả với bão số 4.
Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 36.314 phương tiện/137.774 người; 13.420 lồng bè, lều, chòi canh/17.036 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển, vòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm bảo đảm an toàn.
Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão số 4.
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, tính đến 10 giờ ngày 16/8, trên vùng biển Quảng Ninh có 512 phương tiện/2.754 ngư dân/272.106 tấn hàng hóa các loại đang hoạt động gần bờ.
Số phương tiện đã vào khu neo đậu là 7.753 chiếc/29.750 thuyền viên, hành khách, ngư dân, lao động. Hiện không có tàu thuyền nào của tỉnh Quảng Ninh đang đánh bắt trong vùng nguy hiểm.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị điều động 45 lượt xuồng, 12 lượt phương tiện ô tô, xe máy/152 lượt cán bộ, chiến sĩ thông báo, hướng dẫn phương tiện; chủ ô lồng bè, chòi canh biết hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó, vào nơi tránh trú, neo đậu an toàn.
Tổ chức bắn 32 phát pháo hiệu báo bão theo quy định tại 3 điểm: Cô Tô, Ngọc Vừng, Vạn Gia.