Sán lợn: Có nên hoảng loạn vì một nửa sự thật?

TS Trần Bắc Hải |

Đa số người dân không biết rằng bệnh sán lợn khá phổ biến tại Việt Nam, và rất có thể chính họ cũng đang mang sán và các ký sinh trùng khác trong người do các thói quen sinh hoạt.

Chuyện sán lợn - một cuộc khủng hoảng thực sự

Những ngày gần đây cái tin "sán lợn" tràn ngập báo chí Việt Nam. Bắt đầu từ thông tin nghi ngờ thịt lợn bẩn, thậm chí "thịt lợn gạo" có hạch trắng tại bếp ăn của Trường Mầm Non Thuận Thành ở Bắc Ninh, hàng nghìn phụ huynh lo lắng đưa con ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn khiến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương bị quá tải. 

Đến cuối ngày 17/3, trong số hàng nghìn ấy, đã có 209 trẻ được phát hiện nhiễm sán (VNExpress 18/3/2019). Phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học và tập trung ở cổng trường đòi kết quả điều tra. Bếp ăn bán trú bị tạm đóng cửa, hiệu trưởng bị tạm dừng công tác. Thủ tướng Chính phủ cũng phải "chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc" (VTV24, 18/3/2019). 

Cũng trong ngày 18/3, Cục Y tế dự phòng chính thức lên tiếng về sự việc, xác định xét nghiệm Elisa kháng thể dương tính không thể đủ để khẳng định trẻ mắc bệnh. GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tỉ lệ trẻ dương tính với sán lợn trên tổng số trẻ đi xét nghiệm đang chiếm khoảng 10-12%, đây là con số không quá bất thường, tương đương với tỉ lệ BV từng khảo sát ở một số địa phương khác, từ 7-10%.

Sán lợn: Có nên hoảng loạn vì một nửa sự thật? - Ảnh 1.

Thông tin nhiều trẻ ở Bắc Ninh dương tính với xét nghiệm Elisa tìm sán lợn gây ra một cuộc khủng hoảng thật sự

Bầu không khí trộn lẫn nỗi hoang mang lo sợ và lòng tức giận lan tràn. Đến mức bất cứ ai, dù là bí thư tỉnh ủy hay bộ trưởng y tế mà có lời trấn an trên mặt báo thì cũng có nguy cơ bị chụp cả đống thịt bẩn vào mặt cá nhân và gia đình họ. … 

Trước hết cần khẳng định là việc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm tối cao của mỗi gia đình và toàn xã hội. Các gia đình và cả xã hội có quyền, và cần thiết phải lên án hành động đưa thực phẩm bẩn vào bếp ăn cho trẻ. … 

Thế nhưng dường như báo chí trong vụ việc này đã vô tình hay hữu ý thổi bùng lên một cơn hoảng loạn không đáng có bằng các thông tin một chiều được lặp đi lặp lại tương tự trên nhiều tờ báo khác nhau. 

Các chuyên gia y tế dường như đã không được hỏi ý kiến mà chỉ được thuê làm các xét nghiệm. Và tôi đồ rằng nếu có được hỏi ý kiến đi nữa, nhiều người trong số họ cũng vì sợ sự tức giận của đám đông mà chưa chắc đã dám nói ra sự thật đầy đủ. … 

Sự thật là gì?

Sán lợn (Taenia solium), như tên gọi đã nói lên, là ký sinh trùng có vật chủ chính là lợn. Bệnh sán lợn có nguồn nhiễm chủ yếu là nước và rau sống (Tổ chức Y Tế Thế giới, WHO, Taeniasis/Cysticercosis Fact sheet N376, 2/2013). Các nguồn khác là thịt không đươc nấu chín (tiết canh, gỏi, nem thịt ủ chua…). 

Khi một người trong gia đình bị nhiễm sán thì nguy cơ cho người sống cùng nhà tăng lên. Tập quán dùng phân bắc và phân chuồng, cùng với việc chưa phổ biến các hố xí tự hoại khiến cho nguồn nước ở vùng nông thôn dễ bị nhiễm các ký sinh trùng, kể cả ấu trùng sán. 

Vì vậy mà cùng với khu vực Đông Nam Á, nước ta có tỷ lệ người nhiễm giun sán kể cả sán lợn vào loại hàng đầu thế giới. 

Sán lợn: Có nên hoảng loạn vì một nửa sự thật? - Ảnh 2.

Những bản xét nghiệm chỉ chứa đựng 1 nửa sự thật nếu không có sự giải thích về mặt chuyên môn

Theo một tài liệu tổng quan đăng năm 2014 trên tạp chí Ký Sinh Trùng Học của Hàn Quốc (Van Le N et al. Korean J Parasitol 2014;52:125-129), tỷ lệ người nhiễm sán lợn ở Việt Nam là từ 0,5% đến 12%, dao động tùy theo khu vực. 

Một nghiên cứu vừa công bố năm ngoái tại 3 huyện Buôn Đôn, Krong Năng và M’Drak ở Tây Nguyên cho thấy 4 trên số 190 hộ gia đình được điều tra (2,1%) có người đang mang sán, số hộ có người có kháng thể với sán (tức là đã từng bị nhiễm) là 17/190 (8,9%). 

Tỷ lệ nhiễm cao có lẽ liên quan đến tập quán đi vệ sinh ngoài bờ bụi và ăn thịt ủ chua không nấu chín (Dinh Ng-Nguyen et al, PLoS Negl Trop Dis 2018;12(9):e0006810). 

Nhìn sang các nước láng giềng, Thái Lan có tỷ lệ nhiễm sán lợn vào khoảng <2%, cá biệt cao đến 5,9% tại miền Bắc nước này (Waikagul et al Parasitol Int 2006;55:S175-180; Anantaphruti et al Parasitol Int 2010;59:326-330). 

 Tại Lào, một nghiên cứu toàn quốc gần đây có trên 55000 người tham gia cho thấy tỷ lệ mẫu phân nhiễm trứng sán là 1,5%. Các nghiên cứu trước đó cho kết quả dao động từ 0 đến 14%. Cá biệt ở môt số vùng nông thôn phía Bắc Lào, kết quả thử kháng thể trong máu dương tính lên tới 46,7%, thử phân dương tính là 26,1%. 

Với đích tìm là kháng thể, tức là phân tử miễn dịch có cả ở những người đang nhiễm lẫn người đã phơi nhiễm nhưng hiện không còn sán trong người, thì xét nghiệm thử máu thường cho ra kết quả cao tìm ký sinh trùng trong phân. Tỷ lệ người có xét nghiệm dương tính với kháng thể sán lơn trên toàn châu Á được cho là vào khoảng 15,7% (Aung & Spelman. Am J Trop Meg Hyg 2016;94(5):947-954). … 

Trở lại vụ trẻ nhiễm sán ở Bắc Ninh, người dân chỉ biết tại nhà bếp của nhà trẻ đã phát hiện thấy thịt ôi thiu bị nghi ngờ nhiễm sán, và có một số trẻ bị xét nghiệm dương tính với sán (quan trọng nhất nếu lại rơi phải đúng trẻ nhà mình!). Nhưng cho đến giờ này, họ không được cho biết kết quả chính thức xét nghiệm những mẫu thịt lợn lấy từ bếp nhà trẻ nói trên có nhiễm sán hay không. 

Đa số người dân không biết rằng bệnh sán lợn khá phổ biến tại Việt Nam, và rằng rất có thể chính họ cũng đang mang sán và các ký sinh trùng khác trong người do các thói quen sinh hoạt… từ ngàn đời để lại. 

Chả có cơ quan nào đứng ra đánh giá tỷ lệ dương tính (mấy trăm trên tổng số mấy nghìn) trong mấy ngày qua có khác biệt gì với ý nghĩa thống kê so với tỷ lệ 0,5%-12% nhiễm sán trong dân Việt Nam. . Báo chí đồng loạt đưa thông tin một chiều chính là tác nhân chính làm lan tràn nỗi hoảng sợ và sự tức giận để kết án nhà trẻ đã gây ra bệnh nhiễm sán.

Tóm lại, việc cho trẻ ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm là rất đáng lên án. Nhưng chuyện nhiễm sán thì cần phải minh bạch về nguồn lây nhiễm, tỷ lệ lây nhiễm có gì bất thường, mức độ nghiêm trọng của vấn đề... để có sự đánh giá đúng mức, tránh đặt xã hội vào một cơn khủng hoảng không đáng có chỉ vì một nửa sự thật!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại