"Cả một đời ân oán": Xa lạ thực tế, phim Việt mà cứ ngỡ phim Đài Loan lai Hàn Quốc!

Tú Anh |

Được làm lại từ bộ phim truyền hình Đài Loan gây sốt một thời, Cả một đời ân oán vẫn đầy rẫy những chi tiết khiên cưỡng khiến người xem chán nản.

Bộ phim truyền hình Đài Loan Cô dâu bạc triệu sản xuất năm 2006 từng là tác phẩm gây bão tại Châu Á, trong đó có cả Việt Nam.

Thuận theo trào lưu mua bản quyền kịch bản nước ngoài thời gian gần đây, phim Cô dâu bạc triệu được làm lại với phiên bản Việt mang tên Cả một đời ân oán đã thu hút sự chú ý của không ít người xem truyền hình.

Tuy có được kịch bản hấp dẫn nhưng Cả một đời ân oán vẫn không làm tốt được công việc Việt hóa, khiến khán giả đôi khi tưởng mình đang theo dõi một bộ phim xuất xứ Đài Loan cũ rích.

Phim Đài Loan lai Hàn quốc...

Bên cạnh việc thừa hưởng cốt truyện khá gay cấn của kịch bản gốc Cô dâu bạc triệu, Cả một đời ân oán cũng tiện thể bê luôn cả phong cách “sến đặc” của phim bộ Đài Loan. Đồng thời, phim pha trộn với kiểu thoại lãng mạn thái quá của phim truyền hình Hàn Quốc, tạo nên một tác phẩm xa lạ và lệch lạc với thực tế.

Cả một đời ân oán: Xa lạ thực tế, phim Việt mà cứ ngỡ phim Đài Loan lai Hàn Quốc! - Ảnh 1.

Những câu thoại "sến" quá đà của Đăng và Dung làm người xem khó chấp nhận.

Hình tượng các soái ca, trạch nữ có tính cách thụ động và nửa mùa mà Cả một đời ân oán sao chép từ phim Đài Loan thời kỳ trước không hề phù hợp với xã hội Việt Nam hiện đại.

Tiêu biểu nhất phải kể đến nhân vật Phong do Hồng Đăng thủ vai - nhân vật luôn gây ra mâu thuẫn và khó hiểu nhất.

Được xây dựng hình tượng người đàn ông giỏi giang, thông minh nhưng hễ cứ đụng đến chuyện tình cảm là anh này lại ngô nghê đến khó tả.

Sống cùng một nhà với người yêu cũ - nay là em dâu mình mà mọi kỉ vật đều để hớ hênh như muốn thông báo với cả thiên hạ về mối quan hệ phức tạp này.

Nhưng vì sao Phong không tự giải thoát cho mình mà cứ mãi luẩn quẩn trong cuộc hôn nhân bất hạnh? Kỳ thực khi xem hết bộ phim thì vẫn không ai hiểu nổi.

Cả một đời ân oán: Xa lạ thực tế, phim Việt mà cứ ngỡ phim Đài Loan lai Hàn Quốc! - Ảnh 2.

Tính cách của nhân vật Phong trong phim đôi khi khiến khán giả phát cáu.

Hay chỉ một mâu thuẫn nhỏ cũng bị phim làm "lố", phi thực tế, đúng kiểu phim truyền hình Đài Loan 10 năm trước. Điển hình là câu chuyện ghen bị kéo dài lê thê kể từ tập 23.

Khi một bức ảnh chụp từ hồi sinh viên cách đây 10 năm của Phong trong máy ảnh cũ bị vợ phát hiện, một cơn ghen tuông linh đình xảy ra, dẫn đến tranh cãi, đổ máu mà giải quyết hết 3 tập phim mãi không xong.

Cả một đời ân oán: Xa lạ thực tế, phim Việt mà cứ ngỡ phim Đài Loan lai Hàn Quốc! - Ảnh 3.

Nhiều ghen tuông, mâu thuẫn xuất phát chỉ từ bức ảnh của Phong với tình cũ.

Nội dung không sát với văn hóa Việt

Không thể phủ nhận những câu chuyện hôn nhân, gia đình luôn là đề tài không bao giờ hết hot. Điều quan trọng để thu hút khán giả phải là cách khai thác mới lạ với vấn đề đã quen thuộc này, chứ không phải là cố tình tạo ra những mối quan hệ tréo ngoe, hiếm gặp trong đời sống thực tế.

Con chung, con riêng, vợ cả, vợ lẽ, anh chồng - em dâu…, hàng loạt mối quan hệ lằng nhằng được miễn cưỡng sinh ra khiến kịch bản thêm phần phức tạp.

Cùng với đó là phong cách nói chuyện, cư xử của các nhân vật trong phim tạo cảm giác như một bộ phim về những con người và đất nước công nghiệp siêu giàu nào đó, chứ không phải là bối cảnh từ đất nước Việt Nam gần gũi.

Cả một đời ân oán: Xa lạ thực tế, phim Việt mà cứ ngỡ phim Đài Loan lai Hàn Quốc! - Ảnh 4.

Nhiều khán giả nhận xét trên trang facebook của phim rằng ngay từ cái tên Tập đoàn Vũ gia và phong thái làm việc của Tập đoàn tài phiệt theo dòng máu gia đình đã tạo cảm giác "đặc sệt chất Tàu".

Vẫn một đề tài mẹ chồng nàng dâu cũ mòn

Dư chấn từ Sống chung với mẹ chồng đã chứng minh sức hút của đề tài muôn thuở này đối với khán giả xem truyền hình.

Nhưng Cả một đời ân oán lại không thể gây sốt như người tiền nhiệm một phần là do các tuyến nhân vật quá nhiều gây ra chồng chéo.

Tính ra trong bộ phim sẽ có đến hai bà mẹ chồng và hai cô con dâu, nhưng mỗi cặp trong đó lại có mâu thuẫn với nhau như tình địch, vô cùng rắc rối.

Trong khi đó, bản gốc Cô dâu bạc triệu chỉ xây dựng một chuỗi đơn giản Mẹ chồng - Dâu cả - Dâu thứ; hay với Sống chung mẹ chồng là Mẹ chồng - Dâu cũ - Dâu mới, nhờ đó mà làm nổi bật lên được những xung đột rất chân thực và mâu thuẫn đời thường.

Cả một đời ân oán: Xa lạ thực tế, phim Việt mà cứ ngỡ phim Đài Loan lai Hàn Quốc! - Ảnh 6.

Các mối quan hệ trong Cả một đời ân oán quá chồng chéo nhưng lại thiếu chiều sâu

Mối quan hệ mẹ chồng- con dâu trong phim cũng không khai thác được khía cạnh nào mới lạ. Tính cách các nhân vật luôn một chiều đến vô lý.

Hình tượng “cô dâu bạc triệu” của Hồng Diễm rất đẹp - và chỉ có vậy. Tạo hình nhân vật của cô quá cũ và lỗi thời đến mức nhạt nhẽo.

Còn nhân vật bà mẹ chồng của bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) được xây dựng rất mâu thuẫn. Khi cư xử chung trong gia đình, ta thấy bà luôn có cốt cách của người chủ gia đình hiểu chuyện. Tuy nhiên cứ trước mặt con dâu là lại trở nên quá quắt vô lý đến mức khó hiểu.

Trong đó, không thể không nhắc đến chi tiết: Dung liều mình nhảy xuống hồ cứu con riêng của chồng, những vẫn bị bà Lan trách mắng là không biết trông con.

Cả một đời ân oán: Xa lạ thực tế, phim Việt mà cứ ngỡ phim Đài Loan lai Hàn Quốc! - Ảnh 7.

Sao cứ mẹ chồng là phải quá quắt vô lý.

Cả một đời ân oán được thực hiện dưới bàn tay 2 đạo diễn “có nghề” với phim truyền hình, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng từ cả hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, đã đi hết phần một nhưng bộ phim chưa tạo được hiệu ứng như ý.

Có lẽ, đây là minh chứng rõ nhất cho một bộ phim Việt chỉ được đầu tư về hình ảnh thôi là chưa đủ.

Hi vọng, qua việc lắng nghe ý kiến khán giả phần hai của bộ phim sẽ được hoàn thiện hơn, mang đến cho khán giả tác phẩm giờ Vàng hấp dẫn đúng nghĩa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại