Nếu như ba mùa phim trước, Xuân không màu lấy đi nhiều nước mắt của chị em thì Xuân không màu 4: Một lần làm vợ lại khiến nhiều người vỗ đùi hả hê nhưng cũng cười ra nước mắt.
Bộ phim Tết xây dựng bối cảnh tất cả đàn ông "hóa thân" thành phụ nữ, phải mặc váy vóc, đi chợ sắm Tết, dọn nhà hùng hục, thậm chí, năm lần bảy lượt xin vợ về nhà nội ăn Tết nhưng phải ngậm ngùi trước câu nói: "Đàn ông lấy vợ rồi như bát nước hắt đi, đừng có đòi về nội đón Tết".
Xuân không màu 4 mang tới thông điệp sâu sắc, đó là "hãy đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu rõ hoàn cảnh của họ".
Bộ phim có sự tham gia của đạo diễn nổi tiếng Diệp Tiên, diễn viên hài Quốc Khánh - Quán quân "Cười xuyên Việt".
Xuân không màu 4 sau khi ra mắt đã nhận được phản ứng hết sức tích cực từ dàn diễn viên phim Hoa hồng trên ngực trái như Diệu Hương, Trọng Nhân và Ngọc Quỳnh.
Phim Tết Xuân không màu 4
Diễn viên Diệu Hương (vai San): Xem xong phim, thấy San ngoài đời thật may mắn
Ông Khang (diễn viên Trọng Nhân) vừa "thủ thỉ" trên face: "Sẽ không để San sống chung với mẹ chồng, năm nào cũng được về ngoại đón Tết", nhưng San đừng vội tin, đàn ông thường quên những gì họ đã hứa sau khi kết hôn. Lúc cầu hôn thì ngọt nhạt đủ đường, mà lấy về rồi quên luôn.
Xem xong phim, thấy San ngoài đời thật may mắn, vì lấy được người chồng tâm lý. Chồng thương và hiểu vợ, bố mẹ chồng tâm lý, nên câu chuyện đón Tết nội hay Tết ngoại chưa bao giờ khiến gia đình mâu thuẫn, bất đồng, hai bên nội ngoại luôn được sắp xếp hài hòa.
Thế nhưng, năm nay Hương đã sang Mỹ định cư cùng với nhà nội, nên câu hát "đường về nhà xa quá mẹ ơi" giờ chỉ cần vang lên là cũng đủ khiến Hương rơi nước mắt, nói gì đến khoảnh khắc đêm giao thừa, mới nghĩ đến thôi mà đã thấy nhớ nhà quay quắt.
Từ giờ, số lần về ngoại có lẽ sẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, Hương lại càng thấy thấm thía và đồng cảm hơn với những chị em phụ nữ mà đã rất nhiều năm rồi không được về ngoại đón tết, dù vì bất cứ lý do gì.
Không dám khuyên đâu, nhưng nếu có một thông điệp muốn nhắn gửi, thì chỉ muốn nói với chị em rằng: Dù mọi người đang ở đâu, từ Hà Nội đến Sài Gòn, hay vô Nghệ An, Hà Tĩnh… thì chắc chắn cũng chưa thể xa bằng khoảng cách tới "xứ sở cờ hoa" như Hương bây giờ, vì vậy khi có điều kiện hãy cố gắng sắp xếp để về bên ba mẹ.
Đặc biệt là mỗi dịp Tết đến xuân về, bởi đây là khoảnh khắc ý nghĩa, sum vầy mà ba mẹ đón mong mình nhất. Chỉ sợ rằng quỹ thời gian của ba mẹ không còn lâu nữa, sợ rằng khi mình đủ điều kiện thì ba mẹ đã không còn.
Diễn viên Trọng Nhân (vai Khang): Đâu phải người phụ nữ nào cũng sẽ dám bày tỏ mong muốn
Mặc dù chưa có gia đình, nhưng câu chuyện về Tết nội – Tết ngoại thì Nhân cũng khá "thấm", vì trộm vía Nhân cũng "có chị có em". Hồi bà chị chưa lấy chồng thì ba má lo sốt vó vì nhà có 2 "quả bom" nổ chậm.
Tết nào cũng nghe ba má ca miết vì chưa có ai tới "gỡ bom". Đến lúc có người gỡ, cả nhà mừng rớt nước mắt. Ai dè…. từ đó trở đi, Tết nào cũng nghe 2 má con gọi điện thoại cho nhau mà khóc lóc sụt sùi, sốt hết cả ruột gan.
Không phải nói đùa đâu nha, thực sự Nhân nghĩ chúng ta nên quan tâm và ủng hộ mong muốn về ngoại đón Tết của các chị em phụ nữ, vì cùng là gia đình, cùng là ba mẹ, ai mà không mong ngày Tết được quây quần bên nhau.
Nhiều người nói, như vậy là cổ súy cho nữ quyền, trời đất, phụ nữ cho dù có bao nhiêu quyền, xét đến cùng họ vẫn là phái yếu thôi mà. Với Nhân, thì phụ nữ sẽ luôn được bao bọc, che chở, và đàn ông, phải là chỗ dựa vững chắc để họ yên tâm dựa vào.
Đâu phải người phụ nữ nào cũng sẽ dám bày tỏ mong muốn của mình, vậy tiếng nói và hành động của đàn ông chúng ta, chính là chìa khóa.
Diễn viên Ngọc Quỳnh (vai Thái): Tết nào 2 vợ chồng cũng tranh cãi về việc đón Tết ở đâu
Mấy hôm nay thấy chị em "hả hê" like, share, tag chồng xem clip "Xuân không màu 4: Một lần làm vợ", rồi trách móc đàn ông không cho vợ về ngoại đón Tết là gia trưởng, áp đặt, khiến Quỳnh nhớ tới một anh bạn của mình.
Tết nào 2 vợ chồng cũng tranh cãi về việc đón Tết ở đâu, vì anh chồng là con trưởng, Tết là phải về quê lo cúng bái, lễ lạt, tảo mộ… Áp lực không chỉ từ bố mẹ, gia đình mà cả họ hàng, làng xóm cũng nói ra nói vào.
Cũng có năm, cậu ấy nhất quyết cho vợ về nhà ngoại đón Tết, bất chấp nhà nội phản đối, nhưng kết quả là từ sau năm ấy, cô vợ luôn phải chịu điều tiếng ì xèo từ họ hàng nhà chồng, đến nỗi nhiều khi cô ấy ước gì giá như cô ấy chưa từng về nhà ngoại đón Tết.
Nhiều người sẽ nói, gia đình chồng như vậy thì bỏ quách cho rảnh nợ, thế nhưng các chị có đủ mạnh mẽ để làm như vậy thật không? Hay cũng chỉ là ức lên thì mình nói thế, rồi vẫn cam chịu hoàn cảnh, nuốt nước mắt cho êm cửa êm nhà?
Bản thân Quỳnh cực kỳ ủng hộ việc phụ nữ nên được về nhà ngoại đón Tết, cứ 2 -3 năm nên đưa vợ về ngoại đón tết một lần, cũng là để người phụ nữ thỏa nỗi lòng được sum vầy với bố mẹ mình ngày Tết, bởi gia đình ruột thịt của mình, ai mà không thương, ai mà không nhớ. Khi kết hôn, thực ra nhà nội hay nhà ngoại cũng là gia đình của mình cả.
Nhưng, không phải gia đình nào ở ngoài kia cũng như vậy, không phải người phụ nữ nào cũng là nữ hoàng may mắn, và không phải người đàn ông nào cũng là anh hùng chống lại định kiến, bởi chúng ta không phải ai cũng giỏi "vận động hành lang" để có thể thay đổi nếp nghĩ cũ, dù là lạc hậu.