PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM), trả lời: Từ "sán chó" là từ người dân dùng chung để chỉ bệnh lây từ chó mèo sang người. Thật ra, tác nhân gây lây nhiễm từ chó sang người rất phổ biến ở nước ta và các nước vùng nhiệt đới là ấu trùng giun đũa chó (Toxocara canis).
Giun đũa chó (Toxocara canis), mèo (Toxocara cati) sống trong ruột non của chó, mèo; trứng theo phân chó, mèo ra ngoài, dính lên lông. Khi người vuốt ve chó, mèo, trứng giun dính lên tay, sau đó nếu dùng tay bốc thức ăn cho vào miệng, trứng giun sẽ theo thức ăn vào đường tiêu hóa. Tại ruột non, trứng sẽ nở thành phôi, đi xuyên qua thành ruột vào máu, theo hệ tuần hoàn đi chu du khắp cơ thể; thường lên não, mắt, gan, cơ tim… gây nên hội chứng ấu trùng lạc chủ, di chuyển nội tạng.
Bệnh nhiễm Toxocara ở người hay gặp các thể bệnh sau:
Thể ở đường tiêu hóa: Gây buồn nôn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.
Thể ở mắt: Hay gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, gây giảm thị lực từ từ, mù.
Thể ở não: Hay gặp ở bệnh nhân trưởng thành, gây khối u ở não, tăng áp lực nội sọ, thường bị nhầm với u não.
Thể nội tạng: Ấu trùng có thể cư ngụ ở gan, thận, cơ tim…gây hội chứng chèn ép tại chỗ nếu nang ấu trùng lớn.
Thể bệnh ở não hay gây động kinh, nếu ấu trùng xâm nhập vùng chất trắng sẽ gây rối loạn hệ thần kinh thực vật: mất ngủ, nhịp tim nhanh, hồi hộp…
Thể này phải chụp MRI mới có thể phát hiện các tổn thương đầy đủ. Việc phát hiện giun đũa chó, xét nghiệm máu chỉ là yếu tố tham khảo, cần khám bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra toàn diện và có hướng điều trị phù hợp.
* Đọc thêm bài của BS Trần Phủ Mạnh Siêu