Cụ già 84 lên sàn catwalk có 1-0-2 ở Hà Nội và lời khuyên bất ngờ của Lê Hoàng cho phụ nữ

Thu Hường - Ảnh: Phạm Khánh Huy, Từ Thiện Thật |

Trên sàn diễn đặc biệt, cụ Thìn, 84 tuổi, lẫm chẫm bước đi, cố sức để không cần người dìu, vì hôm nay là lần đầu tiên cụ được mặc áo dài, được trang điểm và tin rằng mình vẫn đẹp.

Trong một show truyền hình, vị đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng được hỏi quan điểm về việc: Nếu có 1,5 tỷ nhưng ngoại hình rất xấu thì các cô gái nên dành tiền ấy đi du học, bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn hay là đi phẫu thuật thẩm mỹ? Lê Hoàng không ngần ngại đưa ra lời khuyên bất ngờ rằng: nếu điều đó là thật, cô gái ấy nên đi phẫu thuật để đẹp hơn về hình thức.

"Sắc đẹp hôm nay không còn là một thứ bản năng mà phải rèn luyện và phải khám phá rất nhiều thứ. Nói cách khác, sắc đẹp cũng đã là một khoa học, có thể đôi khi cũng ngang hàng với nhiều thứ khoa học khác", đạo diễn Lê Hoàng nói.

Chỉ cần đẹp hơn, đối với phụ nữ, đó đã là một niềm hạnh phúc không gì sánh bằng, bất kể lứa tuổi nào, bất kể giàu hay nghèo, bất kể người sống trong sung sướng hay có cuộc đời khốn khổ.

Và điều đó thật đúng với câu chuyện của cụ Thìn mà tôi biết được sau buổi đồng hành với Nhóm Từ Thiện Thật tổ chức sự kiện mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 dành cho người cao tuổi nghèo ở xóm nghèo ve chai gần chợ Long Biên, Hà Nội. 

Trong sự kiện này, các cụ bà sẽ được nhóm thiện nguyện trang điểm, mặc áo dài và... "đi catwalk trình diễn thời trang" để mang lại niềm vui chung cho cả xóm. 

Hãy để phụ nữ được trang điểm vì với họ, đó là một niềm hạnh phúc!

Trong ánh nắng mùa Thu vàng rực rỡ nơi vùng ven sông Hồng, cụ Thìn (84 tuổi) đang mân mê vạt áo dài, mỉm cười khi nhìn ngắm gương mặt đầy vết chân chim, đồi mồi của mình được phủ một lớp phấn bóng mịn. Đây là lần đầu tiên trong đời, cụ được trang điểm mà như cụ vẫn nói, đó là ngày đẹp nhất - một ngày trùng đúng vào dịp lễ 20/10.

Nụ cười rạng rỡ của những người phụ nữ nghèo lần đầu được trang điểm và mặc đẹp.


Sàn catwalk có một không hai ở Hà Nội: Thông điệp sâu sắc cho ngày Phụ nữ Việt Nam - Ảnh 2.

Cụ Thìn khi vừa được trang điểm nhẹ.

Cụ Thìn ngỡ ngàng vì sự thay đổi của chính mình. Lớp da xạm đen, nhăn nheo ngày nào biến đi đâu mất. Một cụ bà với mái tóc trắng phau, nước da trắng trẻo hiện lên trong gương. Người phụ nữ suốt đời nhặt ve chai, mỗi sáng phải thức dậy từ 3-4h lao động cực nhọc, có lẽ không thể ngờ rẵng, cũng có lúc, mình lại đẹp tới như vậy. 

Vẻ đẹp ấy làm cụ rất mãn nguyện, vui sướng. Đến nỗi khi bước đi trên sàn catwalk trình diễn áo dài cho người dân nghèo cùng xóm theo dõi, cụ Thìn lê từng bước lẫm chẫm nhưng vẫn không để ai dìu mình. Cụ nói: "Tất cả phụ nữ đều muốn cho thế giới biết về vẻ đẹp của họ. Những cụ bà già nua, nghèo khó như tôi cũng rất đẹp, chỉ là vì ngày thường, gánh nặng cơm áo đã che lấp nên không ai nhận ra".

Cụ Thìn đi không vững, phải có một bạn nữ dìu nhưng cụ thường cố gắng gạt ra để vẫy tay và đi một mình.

Khi còn trẻ, người phụ nữ có vẻ đẹp rực rỡ, lúc trung niên, họ hướng tới vẻ đẹp viên mãn và khi về già lại ao ước nét đẹp phúc hậu. Ở mỗi độ tuổi, mỗi giai đoạn, người phụ nữ lại có những tiêu chuẩn riêng về nhan sắc để theo đuổi. Và nhu cầu làm đẹp là một bản năng bất biến theo thời gian.

Có lẽ sẽ không ít người phủ nhận quan điểm ấy. Họ cho rằng, sắc đẹp bên ngoài chỉ là phù du và sẽ lụi tàn dần khi về già. Nhưng tôi cũng đã thấy, chính những người luôn nói vẻ đẹp tâm hồn mới quan trọng lại không tự tin bước chân ra đường khi chưa kịp tô son. 

Biết bao người đã dành cả thanh xuân đi làm đẹp, dưỡng da, đã tiêu hết số tiền kiếm được cho những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ với ước ao mình trở nên đẹp hơn? Không thể phủ nhận, nhu cầu làm đẹp ẩn chứa một sức mạnh to lớn, có khả năng vượt biên giới, tuổi tác, địa vị tầng lớp xã hội. 

Sàn catwalk có một không hai ở Hà Nội: Thông điệp sâu sắc cho ngày Phụ nữ Việt Nam - Ảnh 4.

Cụ Thìn đi xin ăn và nhặt ve chai trên phố.

Cho nên món quà dành tặng cho những cụ bà suốt đời nghèo khó, sống cô đơn ở gần chợ Long Biên của nhóm từ thiện có tên là Từ Thiện Thật không gì khác lại là một buổi trang điểm, khiến ai cũng tin rằng, họ có nhan sắc xứng đáng được người khác tôn vinh! Đó hẳn là một ước mơ rất sâu kín nhưng vì cuộc sống nghèo khó, họ chưa từng một lần dám thực hiện.

Sàn diễn mà cụ Thìn đang đi rất đặc biệt. Nó được thiết kế bởi nhóm từ thiện đã gắn bó với cụ 10 năm. Khán giả của cụ là những vị khách nghèo cùng xóm. Hôm nay, cụ Thìn bận một chiếc áo dài hồng vì muốn được khen ngợi là trẻ trung, duyên dáng.

Người ta thường nói, sắc đẹp vốn là món quà mà Thượng Đế đã ban tặng dành riêng cho người phụ nữ. Đối với họ, đẹp chính là một giá trị. Cho nên dù người phụ nữ có giàu sang - nghèo hèn, cá tính mạnh - yếu ra sao, tất cả đều có nhu cầu trở nên đẹp đẽ và được mọi người đón nhận, tán dương vẻ đẹp riêng biệt ấy.

Có một thực tế dù muốn cũng không thể phủ nhận là chúng ta đang sống trong một thế giới bị mê hoặc bởi sắc đẹp. Những hình ảnh về phụ nữ đẹp bao vây chúng ta và nhiều phụ nữ đã chi cả gia tài để khiến mình đẹp hơn! Cho nên, giúp người phụ nữ bạn yêu thương được trang điểm, để họ thấy mình đẹp hơn qua từng ngày có lẽ sẽ là một món quà rất quý mà bất cứ người phụ nữ nào cũng trân trọng!

Sàn catwalk có một không hai ở Hà Nội: Thông điệp sâu sắc cho ngày Phụ nữ Việt Nam - Ảnh 5.

Các bạn tình nguyện viên trang điểm cho những người già nghèo khổ ở gần chợ Long Biên.

Phụ nữ muốn đẹp hơn để làm gì?

Cụ Thìn có một cuộc đời đầy bất hạnh. Con trai cụ nghiện ma túy và chết vì bệnh AIDS năm vừa tròn 21 tuổi. Ngày đưa tang chỉ còn có 2 mẹ con đơn độc đi đến đài hỏa thiêu. Chồng cụ mất sớm vì tai nạn giao thông. 2 người con gái đã từ mặt mẹ vì lo phải chịu đựng gánh nặng kinh tế.

Trọ một mình trong một gian nhà cấp 4 rộng chưa đầy 10m2, cụ Thìn ăn ngủ cùng rác thải. Mỗi ngày sau khi đi lượm ve chai về, cụ phơi chúng ngay trong phòng. Cảnh sống ngột ngạt ấy cộng thêm bệnh tật hành hạ, một bên mắt trái đã mù khiến cụ Thìn nhiều lần chỉ muốn nhảy sông Hồng tự tự.

Sàn catwalk có một không hai ở Hà Nội: Thông điệp sâu sắc cho ngày Phụ nữ Việt Nam - Ảnh 6.

Nhà trọ của cụ Thìn.

Nhưng có một mầm sống khác đã giữ cụ ở lại. Ấy là tình yêu thương của những người tốt bụng ngoài xã hội. Có những người cho cụ miếng ăn, bộ quần áo, có nhóm Từ Thiện Thật 10 năm qua vẫn đến đây trao tặng nhu yếu phẩm và giúp cụ có đời sống tinh thần vui vẻ hơn. Mỗi lần nghĩ tới cái chết, cụ lại nghĩ về những con người như thế và muốn kiên cường hơn để đi hết phần đời còn lại.

"Đến một giai đoạn nào đó của nỗi buồn, ta sẽ phải chạm đáy và tìm cách ngoi lên mặt nước. Trong chính cái khoảnh khắc sực tỉnh ấy, ta chợt hiểu ra mình vẫn còn có người thương yêu và phải cố không thể chết đuối vì họ", cụ Thìn chiêm nghiệm thế.

Trong buổi catwalk đặc biệt, những cụ bà suốt đời nghèo khổ, bất hạnh như cụ Thìn tự tin bước đi đầy duyên dáng trước những tràng pháo tay của mọi người. Ai cũng đẹp đẽ, dịu dàng trong tà áo dài thướt tha. Có lẽ, khi được đẹp hơn, khi được yêu thương, được tán dương, người phụ nữ sẽ có cơ hội tỏa sáng. Họ không phải là họ của ngày hôm qua. Trên sàn diễn, họ là những con người mới, lấp lánh, kiêu sa hơn và rất đáng trân trọng.

Sàn catwalk có một không hai ở Hà Nội: Thông điệp sâu sắc cho ngày Phụ nữ Việt Nam - Ảnh 7.

Cụ Thìn trình diễn catwalk.

Trong cuộc sống này, tình yêu thương là điều ai cũng cần nhưng phụ nữ vốn là sinh vật yếu đuối lại càng cần có nó hơn rất nhiều. Như các nhà văn thường ví von, người phụ nữ hạnh phúc nhất khi được sống trong sự quan tâm, chia sẻ và ngợi khen của những người xung quanh. 

Cho nên sắc đẹp sẽ trở nên vô nghĩa nếu nó không được tán dương. Những người phụ nữ đã tiêu tán cả gia tài đi làm đẹp, hẳn là họ đã không trông mong gì hơn rằng nhan sắc đẹp đẽ ấy sẽ khiến người xung quanh thấy dễ chịu, yêu thương và ngợi khen họ nhiều hơn.

Buổi trình diễn, màn trang điểm kỳ công của các cụ bà ở xóm nghèo ven sông Hồng hẳn cũng sẽ thật vô nghĩa nếu mọi thứ diễn ra trong im lặng. Chính những lời ngợi khen, tràng vỗ tay, động viên rằng họ rất đẹp đã giúp các cụ bà dù mệt mỏi, bước đi không vững vẫn cố trình diễn hết phần của mình.

Sàn catwalk có một không hai ở Hà Nội: Thông điệp sâu sắc cho ngày Phụ nữ Việt Nam - Ảnh 9.

Những nụ cười hạnh phúc của các cụ bà khi được mọi người cổ vũ, ngợi khen.

Sắc đẹp làm người phụ nữ tự tin hơn khi xuất hiện trước mọi người và khi sự tự tin ấy được củng cố bằng tình yêu thương, ngợi khen, nó dường như đã chuyển hóa thành sức mạnh nâng tầm người phụ nữ. Đó có lẽ cúng chính là lý do khiến nhan sắc đóng góp phần lớn vào việc tạo ra hạnh phúc cho phái yếu. 

Bạn có biết, 14% dân số trên thế giới này ít cười hơn 5 lần/ ngày (đó là 1 tỷ người)? Chỉ có 1/3 dân số thế giới cười hơn 20 lần/ ngày, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, nụ cười được chứng minh giảm stress, giải phóng edorphin (hooc-môn mang lại cảm giác tích cực), tăng cường hệ thống miễn dịch cũng như khiến bạn trở nên đáng tin, cuốn hút hơn?

Vậy thì vì sao bạn còn chần chừ trong việc giúp người phụ nữ mình yêu thương trở nên đẹp hơn, tán dương họ, để họ thấy được yêu thương và mỉm cười hạnh phúc?

Chỉ cần một công việc đơn giản là làm cho người phụ nữ bạn trân quý trở nên đẹp hơn thôi nhưng vì cuộc sống bận rộn ngoài kia, biết bao lần chúng ta đã xem nhẹ bỏ qua? Đã bao lâu rồi bạn không đưa vợ mình đi mua sắm? Bao nhiêu lâu rồi chúng ta chưa từng trang điểm, cài tóc cho mẹ và khen bà vẫn còn rất đẹp?... Chắc chắn, không ít người đã lãng quên những đầu việc như thế!

Nhân ngày 20/10, hãy tặng người phụ nữ của bạn những lời khen, giúp họ đẹp hơn cả trong ngoại hình lẫn tâm hồn nhờ những hành động đơn giản nhất xuất phát từ tình yêu thương. Đó có lẽ sẽ là món quà giản dị nhưng đủ khiến tất cả phụ nữ trên thế gian cảm thấy hạnh phục đến tột cùng. 

Thế thôi, phụ nữ đơn giản là thế đó, họ muốn đẹp và luôn được khen ngợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại