Trọng lượng mỗi con lên đến cả chục, thậm chí cả trăm cân, hình thù kỳ dị, chuyên ăn xác động vật khiến câu chuyện về "thủy quái" càng trở nên rùng rợn.
Với lời đổn thổi, ăn thịt "thủy quái" sông Đà có thể trường thọ khiến chúng ngày càng khan hiếm. Và, chỉ vài năm nữa, những câu chuyện về "thủy quái" sông Đà của các lão ngư chỉ còn trong truyền thuyết.
Trả giá bằng tính mạng
Trước khi ngăn nước làm thủy điện, dòng sông Đà được ví như con ngựa bất kham, nước quanh năm chảy sôi ùng ục và trùng lớp ghềnh thác. Vượt được sông không phải là điều dễ dàng. Việc đánh bắt cá, đặc biệt là cá lớn như cá lăng, cá chiên, cá măng ở đây lại càng khó khăn gấp bội.
Ngồi trên thuyền chạy dọc dòng sông Đà yên ả, ông Giang nhớ thời còn vùng vẫy săn "thủy quái".
Câu chuyện săn cá mà cánh ngư phủ sông Đà từ Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La), Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc (Hòa Bình) kể đi, kể lại hệt như những truyền thuyết rùng rợn. Đặc biệt là những lần giáp mặt với loài cá chiên khổng lồ.
Ông Bùi Văn Giang (xã Ba Kha, Mai châu, Hòa Bình), người có thâm niên cả chục năm săn tìm "thủy quái" dọc sông Đà, người được dân ngư phủ khắp nơi gọi với cái tên "Giang cá kình".
Ông Giang có thể dễ dàng vượt qua dòng sông Đà kể cả khi nước chảy xiết nhất, ông có những kỳ tích săn cá chiên khổng lồ mà ai cũng phải nể phục.
Ông "Giang cá kình" nhớ lại lần mình giáp mặt với con chiên khổng lồ như một trận đánh lịch sử trong quãng đời đi săn "thủy quái" của mình. Hôm đó một mình ông ngược dòng lên mạn Mường La, Sơn La đánh cá.
Dòng Nam Chang nổi danh có nhiều cá lớn nhưng nước thì chảy xiết, địa hình lại hiểm trở. Đang ngồi trên bè, ông giật mình nhìn thấy một con cá chiên khổng lồ, đen trũi nổi lên mặt nước, lừ lừ lao về phía bè của ông.
Ông Giang dùng chiếc lao bằng đồng có ba ngạnh nối với sợ dây thừng buộc một đầu vào khúc gỗ lớn. Khi con "quái vật'" lao tới, ông Giang lấy hết sức phi chiếc lao vào đầu cá.
Biết bị tấn công, con cá chiên hoảng loạn lao đi vun vút, lôi cả thân gỗ lớn trên mặt sông. Với kinh nghiệm săn cá nhiều năm, ông Giang biết mình phải làm gì để quần cho con "quái vật" đuối sức.
Gần 4 tiếng đồng hồ, "Giang cá kình" cũng đã mệt lả, con cá chiên bị thương cũng đuối dần. Cuối cùng nó cũng được ông Giang dắt vào bờ an toàn.
"Mãi đến khi bắt được con cá đó, anh em bạn chài mới xuất hiện và hỗ trợ. Gần 10 người mới lôi được lên bờ, cái miệng nó há ra có khi người mình còn chui vừa.
Chúng tôi mang đi cân, ai cũng ngạc nhiên vì con cá nặng tới 105 kg, dài gần 4m. Khi mang đi làm thịt, mọi người phải rùng mình vì trong dạ dày cá có 1 mẩu xương, không biết của người hay của động vật nữa"- ông Giang kể lại.
Do nhu cầu của người tiêu dùng, các loại cá lớn ở sông Đà bây giờ đều được nuôi trong bè nổi.
Việc đi săn "thủy quái" không phải ai cũng thành công, có những người phải trả giá bằng cả tính mạng. Nói đến đây, ông Giang rơm rớm nước mắt, nhớ lại những người bạn từng gặp nạn trên đường đi đánh bắt.
"Thực ra chúng tôi cũng chỉ là những người dân bình thường, mưu sinh trên dòng sông Đà thôi. Hằng ngày đánh bắt cá để nuôi gia đình.
Còn việc đi săn "thủy quái" như một thú vui, niềm đam mê của các anh em. Đôi khi vì đam mê mà nhiều anh em phải bỏ mạng dưới dòng nước xiết".
Ông Giang nhớ lại, sau tin đồn khu vực khúc sông thuộc địa phận tỉnh Sơn La xuất hiện một đàn cá chiên rất lớn, ông Giang có rủ người bạn thân cùng lên thử vận may.
Thuyền vừa đến khúc sông, nhận thấy đây là khúc sông quá nguy hiểm, hai người định bụng trở về. Nhưng sau đó họ vẫn quyết tâm lao vào vòng xoáy để tìm kiếm "thủy quái".
Chiếc thuyền của người bạn ông Giang bỗng nhiên bị lật, chỉ trong tích tắc bạn ông bị nước cuốn trôi. "Sau lần đó tôi ân hận lắm, chỉ vì mình rủ mà người bạn mình vĩnh viễn ra đi.
Chuyện bị lật thuyền rồi nước cuốn trôi không phải hiếm với người làm nghề đánh cá chúng tôi", ông nói.
Đối với những người làm nghề "săn thủy quái" thì đánh bắt được những con cá lớn như thể khẳng định được đẳng cấp, được anh em trong giới coi trọng. Bởi để săn được một con cá lớn, họ phải tìm đến nơi có vùng nước xoáy nhất, địa hình hiểm trở nhất.
"Khi ấy săn được cá chiên, cá lăng gần 1 tạ là chuyện không hiếm, thậm chí có người còn bắt được con gần hai tạ. Những chỗ nước xoáy mạnh lại là nơi cá lớn chọn để sinh sống, đơn giản vì ở đó có nhiều mồi, thậm chí xác chết của người hay động vật cũng dạt về khu vực ấy.
Săn được con cá lớn, anh em đồng nghiệp trọng vọng lắm, những người làm nghề "săn thủy quái" được người dân coi như những anh hùng hảo hán" - ông Giang cười đắc chí.
"Thủy quái" bị tận diệt
Nói đến nghề đánh bắt cá trên sông Đà, ông Giang không khỏi buồn lòng, lo lắng. Trước đây, để săn được một con cá lớn ở sông Đà là chuyện không hề đơn giản bởi đa số các thợ săn chỉ sử dụng những phương tiện thô sơ.
Đi đánh bắt chủ yếu dùng chiếc thuyền độc mộc, vài ba mũi lao ba ngạnh làm bằng đồng, có chăng thêm một khẩu súng kíp.
Các ngư phủ phải có sức khỏe, lặn ngụp xuống lòng sông cả chục mét để lùng "thủy quái" trong các khe đá, hang hốc. Họ thực sự là những anh hùng hảo hán, bên cạnh sức khỏe phải có sự tài ba và cả lòng dũng cảm.
Con trắm đen được một chủ bè bắt lên
Bây giờ, khi "thủy quái" trở thành đặc sản của những người "lắm tiền nhiều của" thì người ta dùng mọi cách để đánh bắt.
Các thợ săn được trang bị thiết bị lặn, súng điện, thuyền máy, kíp nổ, mìn tự chế. "Bây giờ làm gì còn "thủy quái" nữa, cá mè, cá chép có khi cũng chẳng còn…" - ông Giang nói.
Người ta chỉ nghe đồn nhau khúc sông nào có "thủy quái" là sẽ có hàng chục thợ săn hiện đại từ các vùng kéo nhau về để truy lùng.
Cách đây không lâu, trên khúc sông thuộc địa phận xã Ba Kha (Mai Châu, Hòa Bình), một lần người dân trông thấy con cá chiên nổi lên mặt nước rất lớn, thế là ca nô, thuyền máy kéo nhau về quần thảo ngày đêm.
Cả khúc sông vài cây số náo loạn như một trận thủy chiến. Nhiều ngày liền người ta ăn chực nằm chờ, hàng tạ thuốc nổ, mìn được thả xuống, quần nát từng mét khối nước sông Đà. "Thủy quái" chẳng thấy, nhưng cơ man nào là cá mè, cá chép, cá trắm nổi lên trắng cả một vùng.
Bà con dân tộc Thái, Mường, Tày mất ăn, mất ngủ cả tháng trời bởi âm thanh gầm xé của thuyền, của mìn nổ, rồi mùi nồng nặc của thuốc súng, mùi cá chết.
"Người dân chúng tôi lành lắm, họ không dám phản ứng gì với những tốp thợ săn đâu. Họ cứ đến đánh bắt, quần thảo chán rồi lại đi.
Mỗi lần như vậy, bà con sống dọc sông Đà lại thất thu, bên cạnh nương rẫy, thu nhập từ đánh bắt cá cũng là không nhỏ.
Khoảng hơn chục năm trước, khúc sông này thỉnh thoảng còn thấy "thủy quái" nổi lên, giờ người ta quần bằng mìn, thuốc nổ dữ vậy thì làm gì còn, đến con cá mè, cá chép còn hiếm nữa là".
Nguyên nhân dẫn đến "thủy quái" ngày càng khan hiếm là vì từ khi sông Đà dược đắp đập, ngăn dòng chảy để làm thủy điện, những khúc sông vốn hung tợn lại trở nên hiền hòa, nước tĩnh lặng.
Cá chiên, cá lăng vốn quen vùng vẫy nơi nước cuộn xoáy thì nay phải sống yên ả như thể trong cái lồng tù túng. Chính điều này chúng càng trở nên yếu ớt và dễ bị đánh bắt. Dần dần "thủy quái" chỉ còn trong những câu chuyện của các lão ngư phủ và sách Đỏ.
Những năm gần đây, người ta lại đồn thổi ăn "thủy quái" sông Đà sẽ có sức mạnh, sống thọ. Chính vì vậy nó đã trở thành đặc sản của những người lắm tiền nhiều của. Và khi ấy, vì lợi nhuận mà rất nhiều người đổ về các khúc sông tìm kiếm loài cá khủng.
"Tôi nghĩ cá sông Đà to và rất ngon bởi vì chúng sống ở môi trường sạch sẽ, nước sâu. Chứ ăn cá sông to ở sông Đà để sống thọ hơn hay khỏe nọ khỏe kia chắc không phải đâu.
Bây giờ quán ăn đặc sản cá sông Đà nhiều nhan nhản, mỗi cân cá chiên, cá lăng có khi lên tới vài triệu đồng.
Nhiều người còn chơi trội, thuê hẳn thợ đánh cá để đi săn "thủy quái". đối với họ, tiền không quan trọng, quan trọng là được thưởng thức món cá khủng, tự nhiên của sông Đà".
Đã lâu lắm rồi các ngư phủ không còn kể cho nhau đâu đó có người bắt được cá nặng vài chục cân. Đã lâu rồi người ta không còn thấy những "anh hùng hảo hán" săn "thủy quái" oai phong trở về bản.
Với tốc độ này, chỉ vài ba năm nữa thôi, loài cá được coi là chúa tể của dòng Đà giang chỉ còn trong truyền thuyết. Câu chuyện của các lão ngư về "thủy quái" sông Đà rồi cũng chỉ còn là câu chuyện huyền thoại không có thật.