Sân bay thứ 2 tại Hà Nội nằm ở khu vực nào?

Thế Anh |

Nhằm đáp ứng như cầu hàng không, Cục Hàng không Việt Nam tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội và việc triển khai cần thực hiện từ năm 2040.

Đề xuất sân bay thứ 2 tại Hà Nội

Sau khi xem xét, nghiên cứu đánh giá, Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất phát triển một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô công suất đạt 50 triệu khách/năm, khi có nhu cầu trong giai đoạn sau năm 2040.

Bên cạnh đó, để đảm bảo năng lực của sân bay Nội Bài đáp ứng được nhu cầu phát triển hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất phát triển khu bay phía Bắc và phía Nam với quy mô 3 đường cất hạ cánh năm 2030; 4 đường cất hạ cánh năm 2050. Xây dựng các nhà ga T3, T4 và T5 để đưa tổng công suất lên 100 triệu khách năm vào năm 2050.

Sân bay thứ 2 tại Hà Nội nằm ở khu vực nào? - Ảnh 1.

Đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 tại Hà Nội.

Đáng chú ý, việc quy hoạch một sân bay thứ 2 tại Hà Nội chỉ mới dừng lại ở ý tưởng là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai. Hiện tại, CHK quốc tế Nội Bài đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận.

Lý giải về việc đề xuất sân bay thứ 2 tại Hà Nội, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua CHK quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, khi đó dù đã mở rộng CHK này thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển.

"Do đó, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội và việc triển khai cần thực hiện từ năm 2040", lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Mặc dù, là đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 tại Hà Nội, nhưng Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa xác định rõ vị trí cụ thể của sân bay. Theo lãnh đạo Cục Hàng Không Việt Nam, việc xác định vị trí xây dựng sân bay số 2 lúc này là quá sớm, vì đây là câu chuyện của thời điểm sau năm 2040.

Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội giao các sở, ngành liên quan dự thảo văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Ứng Hòa.

Sở này, đã xem xét cần nghiên cứu rất kỹ đề xuất về việc nghiên cứu quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa, bởi vị trí này có nhiều điểm bất lợi như nằm ở đường xuống của máy bay tiếp cận hạ cánh sân bay Nội Bài. 

Tuy nhiên, Sở này cũng đưa ra lưu ý, đề nghị cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại huyện Ứng Hoà vì có nhiều điểm thuận lợi, khoảng cách và thời gian tiếp cận đến trung tâm Hà Nội hợp lý.

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 tại Quyết định 768), có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô, gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.

Sân bay thứ 2 tại Hà Nội nằm ở khu vực nào? - Ảnh 2.

Sân bay thứ 2 Hà Nội đảm bảo các hoạt động bay trong tương lai.

Lo ngại thổi giá đất

Việc quy hoạch sân bay thứ 2 tại Hà Nội cũng khiến cho giới chuyên gia bày tỏ lo ngại, bùng phát cơn sốt thổi giá đất tại khu vực huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội. 

Phân tích về tính cần thiết của việc xây dựng sân bay ở Ứng Hoà, Hà Nội, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, Chuyên gia Hàng không cho biết: "Tôi có đọc thông tin nghiên cứu xây sân bay phía Nam TP Hà Nội tại huyện Ứng Hoà, nhưng lại không thấy có cơ sở khoa học nào đáng thuyết phục để xây sân bay tại đây. 

Trong khi đó, khu vực Ứng Hoà lại là vùng trồng lúa mà lấy đi 1.300 ha đất thì có đảm bảo được vấn đề lương thực, sản xuất nông nghiệp tại đây".

"Xây dựng công trình hạ tầng hàng không, giao thông thì đều phải dựa vào nhu cầu và tính cấp bách, thiết thực. Như vậy, cần phải có những thống kê, nghiên cứu, cơ sở khoa học đầy đủ về lượng khách tăng trưởng trong những năm qua. 

Đặc biệt, là nhu cầu của dân cư và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thì mới có thể lên phương án khả thi được", PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, Hà Nội cần phải nêu rõ hơn sân bay Ứng Hoà phục vụ cho vùng dân cư nào, khu vực kinh tế, hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt,... như nào để đưa ra những con số so sánh nhu cầu hàng không rồi tính toán tới việc xây dựng sân bay Ứng Hoà.

Đặc biệt, chúng ta phải nhìn nhận, hiện nay, chúng ta đang có sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Cát Bi,, Đà Nẵng Vân Đồn vừa xây dựng năng lực khai thác còn rất lớn. Các đường bay được mở đã được phân định rõ nội địa bay từ đâu tới đâu, quốc tế cũng vậy. 

Do đó, không thể nói chung chung là xây sân bay Ứng Hoà để rồi làm người dân địa phương hoang mang, kéo theo đó là các chiêu trò thổi giá đất, bất động sản lên cao gây hỗn loạn.

"Hiện, sân bay Nội Bài vẫn còn quỹ đất để mở rộng và hướng tới phục vụ 100 triệu/khách trên năm. Tôi cho rằng, hiện nay, chưa cần thiết phải xây dựng sân bay Ứng Hoà vì thời điểm này là chưa phù hợp", PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại