Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Sa Pa
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1621/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa (tỉnh Lào Cai) theo phương thức đối tác công tư.
Về dự kiến thời gian thực hiện dự án, theo chủ trương đầu tư ban đầu dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến: 4 năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn: 46 năm).
Quyết định số 1621 điều chỉnh như sau:
Dự kiến thời gian thực hiện dự án: Dự án thành phần 1 (Giải phóng mặt bằng và tái định cư) là 5 năm. Dự án thành phần 2 (Xây dựng Cảng hàng không): Thời hạn hợp đồng 47 năm.
Dự kiến tiến độ thực hiện Dự án: Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021; giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2028.
Về dự kiến nhu cầu sử dụng đất: vẫn giữ nguyên dự kiến nhu cầu sử dụng đất là 371 ha, tuy nhiên Quyết định số 1621 nêu rõ sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ 371 ha ngay trong giai đoạn 1, hoàn thành trong năm 2025.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án vẫn giữ nguyên là 6.948,845 tỷ đồng, tuy nhiên có điều chỉnh mức đầu tư ở từng giai đoạn.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.295,289 tỷ đồng (tăng hơn 111 tỷ đồng so với chủ trương ban đầu), trong đó Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng và tái định cư: 555 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không: 3.740,289 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 2: 2.653,556 tỷ đồng (giảm hơn 111 tỷ đồng so với chủ trương ban đầu) để thực hiện Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không.
Cơ cấu nguồn vốn cũng có sự điều chỉnh. Theo Quyết định số 1621, giai đoạn 1: Vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là 2.192,918 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia trong dự án là 2.102,370 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2: Vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là 1.339,845 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia trong dự án do địa phương tự cân đối trong giai đoạn 2026 - 2030: 1.313,711 tỷ đồng.
Dự án cảng hàng không Sa Pa chưa hẹn ngày khởi công
Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai cho biết, lý do khiến dự án sân bay Sa Pa chưa thể khởi công xây dựng theo dự kiến là vì các nhà đầu tư gặp khó trong dòng vốn đầu tư dự án.
Trước đó, dự án sân bay Sa Pa đã được "rậm rịch" từ tháng 3/2022, đến nay cơ bản hoàn thành công tác đền bù, tái định cư, giải phóng, san tạo mặt bằng giai đoạn 1.
Trong thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Lào Cai đã thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để khởi công dự án. Tuy nhiên, qua 2 lần mời thầu, thậm chí phải gia hạn thời gian 2 lần, vẫn không có nhà đầu tư dự thầu.
Ông Nguyễn Quốc Huy (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai) cho biết trên VOV rằng sân bay Sa Pa là một trong những dự án lớn nhất trong nhiệm kỳ ở địa phương, gắn với ý nghĩa là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Nhằm giúp Sa Pa sớm trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế, Lào Cai quyết tâm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công sân bay Sa Pa và các tuyến đường kết nối như mở rộng cao tốc Hà Nội - Lào Cai,.. song việc tìm kiếm nhà đầu tư vẫn khó khăn.
Do đó, Lào Cai đang nỗ lực tập trung, linh hoạt các giải pháp, phấn đấu sang quý II hoặc chậm nhất là đầu quý III có thể khởi công dự án để kịp hoàn thành vào giữa năm 2025.
Sân bay Sa Pa nằm trên địa bàn xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên với diện tích 370 ha, được quy hoạch trở thành cảng hàng không lưỡng dụng, vừa phục vụ quân sự, vừa chở khách. Sân bay sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại cho 1,5 triệu hành khách/năm vào năm 2026.
Sân bay này sẽ có khả năng khai thác các loại máy bay như Airbus A320, A321 và tương đương trở xuống với 9 vị trí đỗ máy bay.
Kết quả bình chọn của Tạp chí du lịch Times Out với các điểm đến hấp dẫn năm 2024 công bố thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) là một trong 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới. Nơi đây là thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng từ những năm 1920.
Sau này, thị xã Sa Pa được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích 681km2 và dân số 66.600 người của huyện Sa Pa (Lào Cai). Nằm trên dãy núi Hoàng Liên với độ cao trung bình 1500-1800m so với mực nước biển, đây là thị xã cao nhất Việt Nam.
Trong những năm qua, kinh tế Sa Pa có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, ngành du lịch của Sa Pa trở nên bùng nổ khi liên tục phá vỡ kỷ lục, trở thành "điểm du lịch vàng" của Lào Cai. Các cơ sở lưu trú liên tục kín phòng với tỷ lệ đặt tới đạt 97% công suất.