1. Tạm gác câu trả lời, để nhìn lại một chút về tình huống Sầm Ngọc Đức tiễn Anh Hùng ra sân theo hướng song song với mặt đất. Cùng đặt tình huống Sầm Ngọc Đức phóng cả 2 chân "ăn" ống đồng của Anh Hùng dưới hệ quy chiếu là cú phóng chân của Đình Đồng làm gãy chân Anh Hùng, cùng pha bóng Quế Ngọc Hải tiễn Anh Khoa giã từ đời cầu thủ, ta thấy gì?
Hơn 3 năm trước, Anh Hùng - nạn nhân của Sầm Ngọc Đức mới đây chính là người đã giúp Đình Đồng vang danh trên báo chí nước ngoài. Từ Daily Mail, Reuters, BBC, Yahoo!, Eurosports hay Soccer News đều nhắc đến tên anh. Tờ báo Anh Daily Mail giật tít "Kỷ lục cấm thi đấu 28 trận cho cầu thủ làm gãy chân đối phương trong một trận đấu tại Việt Nam".
Cú ra chân của Sầm Ngọc Đức đã làm Anh Hùng mất ngủ cả đêm, không chỉ vì đau, mà còn vì nó giống hệt với cú ra chân năm xưa của Đình Đồng, và là nỗi ám ảnh khi nghĩ đến ống chân gãy, đến những ngày vật vã trên giường bệnh, đến nguy cơ giải nghệ. Án phạt 8 trận của Sầm Ngọc Đức xem ra là quá nhẹ, nếu so với Đình Đồng năm nào.
Pha vào bóng khiến Anh Hùng gãy chân của Đình Đồng.
Gần 2 năm trước, một lần nữa bóng đá Việt Nam lại được giương danh trên báo chí nước ngoài. Một lần nữa Daily Mail và hàng loạt các báo quốc tế nhắc đến cái tên Quế Ngọc Hải sau pha bóng tàn bạo với Anh Khoa. Cú ra chân này dĩ nhiên là nặng hơn so với pha phạm lỗi của Đình Đồng hơn một năm về trước, bởi Anh Hùng vẫn còn đá bóng được, còn Anh Khoa thì hết cơ hội.
Ngạc nhiên chưa, án phạt mà Quế Ngọc Hải phải lĩnh chỉ là 6 trận treo giò, được giảm án còn 5 trận và ngay lập tức được HLV Hữu Thắng triệu tập làm nhiệm vụ ở ĐTQG Việt Nam.
2. Sự khác nhau "một trời một vực" giữa hai án phạt ấy là gì?
Nên nhớ, đứng sau cả hai cầu thủ phải nhận án phạt ấy đều là HLV Hữu Thắng. Tháng 3/2014, Daily Mail trích lời HLV sinh ra tại Nghệ An này phản ứng với án phạt dành cho Đình Đồng: "Tôi sẽ phạt nếu cậu ấy sai. Tôi nghĩ VFF đưa ra án phạt này dựa trên áp lực của dư luận, chứ không phải thực tế. Chúng tôi sẽ kháng án".
Pha triệt hạ của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa.Một năm rưỡi sau, tháng 9/2015, HLV Hữu Thắng lại lên tiếng bênh vực Quế Ngọc Hải: "Tôi mong rằng chúng ta hãy nhìn vấn đề trên góc độ nghề nghiệp và khách quan, đừng vội ác ý hay chụp mũ thô bạo rằng Ngọc Hải cố tình vào bóng để đồng nghiệp chấn thương. Không hay. Em ấy có lối chơi mạnh mẽ nhưng không phải đá ác, đá triệt hạ".
Cùng thời gian ấy, bầu Đức lên tiếng mạnh mẽ đòi sa thải HLV trưởng ĐTQG người Nhật Miura, và như đã biết, người thay thế ông Miura sau đó chính là Hữu Thắng. Sự khác biệt giữa hai bản án "phạt cho chết" và "phạt cho có" là gì, chắc không khó để đoán ra.
Án phạt cấm thi đấu 8 trận mà Sầm Ngọc Đức phải nhận là quá nhẹ so với Đình Đồng 3 năm trước, nhưng lại "nặng như búa tạ" nếu đem so với án phạt mà Quế Ngọc Hải phải nhận - cái án phạt mà ngay sau khi vừa hết án, được gọi lên ĐTQG, cầu thủ Nghệ An này đã gần như ngay lập tức đưa thêm một cầu thủ đi viện với pha triệt hạ cầu thủ người Nhật trong trận giao hữu.
Rõ ràng, người hâm mộ có quyền đặt câu hỏi VFF nhìn vào đâu để ra án "phạt cho chết" với Đình Đồng, cũng như nhìn vào đâu để ra án "phạt cho có" với Quế Ngọc Hải. Câu chuyện bạo lực bóng đá không phải đến mùa giải này mới được đặt ra, nên án phạt dành cho Sầm Ngọc Đức, nếu đặt cạnh án của Quế Ngọc Hải chẳng hề có giá trị răn đe, mà mang hơi hướng một trò cười hơn.
Sầm Ngọc Đức phạm lỗi với Anh Hùng
Hơn thế, nó lại làm dấy lên câu hỏi liệu HLV Hữu Thắng có nhu cầu gọi Sầm Ngọc Đức lên tập trung đội tuyển, thì cầu thủ này có được giảm án như Quế Ngọc Hải hay không.
Ngay sau trận đấu lĩnh cú ra chân của Sầm Ngọc Đức, Anh Hùng đã đưa lên tài khoản mạng xã hội của mình hình ảnh ống đồng rớm máu, cùng lời cảm ơn chiếc lót ống đồng của Nike giúp anh giảm được đáng kể chấn thương. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị bảo hộ thể thao chào hàng tới các cầu thủ Việt Nam các thiết bị xịn.
Sau tất cả, sau 3 bản án dành cho Đình Đồng, Quế Ngọc Hải và Sầm Ngọc Đức, có lẽ các cầu thủ V-League lại tiếp tục phải "nhìn trước nhìn sau" khi có bóng trong chân, cũng như cầu trời cho mình không phải là nạn nhân tiếp theo của lối đá bạo lực, thay vào việc trông chờ sự thức tỉnh từ các "đao phủ" như Quế Ngọc Hải.