Sai lầm trong quản trị và kết cục buồn cho Daewoo Motor

Du Lam |

Sai lầm trong quản trị của Tập đoàn Daewoo đã dẫn đến kết cục buồn cho Daewoo Motor, nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng một thời của Hàn Quốc.

Cuối những năm 1990, nhà sản xuất xe hơi hàng đầu Hàn Quốc – Daewoo Motor – rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng. Trong năm 2000, Daewoo Motor đạt doanh thu 197,8 triệu USD nhưng lỗ ròng sau thuế lên tới 10,43 tỷ USD. Doanh thu công ty giảm 94% kể từ năm 1999, trong khi mức lỗ cao hơn gấp ba lần năm 1999 và là doanh nghiệp Hàn Quốc lỗ nhất trong năm. Không chỉ có vậy, thị phần nội địa giảm 33% từ năm 1998 xuống 23% năm 2000.

Theo các nhà phân tích, việc vay mượn vô tội vạ của Daewoo Motor cho chiến lược mở rộng là nguyên nhân gây lỗ. Khoản nợ trong và ngoài nước của hãng xe lên tới hơn 16,06 tỷ USD năm 1999. Chưa kể, một số thị trường còn chưa ổn định, nhiều rủi ro. Quyết định bán sản phẩm giá rẻ để giành thị phần cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính. Bất ổn lao động là một lý do khác dẫn đến kết cục của Daewoo Motor khi công nhân nhiều nhà máy biểu tình phản đối lương thấp, sa thải và thiếu an toàn lao động. Cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á 1997 – 1998 xoáy sâu vào vấn đề của Daewoo Motor. Chủ nợ bắt đầu đòi lại tiền.

Sai lầm trong quản trị và kết cục buồn cho Daewoo Motor - Ảnh 1.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảm thấy nguyên do chính dẫn đến vấn đề của Daewoo Motor là hoạt động quản trị sai lầm và tham nhũng của ông Kim Woo Choong, nhà sáng lập tập đoàn Daewoo Group.

Từ vinh quang xuống vực sâu

Một người bình luận: “Quản lý yếu kém và sự bất lực của các công ty Daewoo đã dẫn đến phá sản. Ông chủ cũ vô trách nhiệm đang lẩn trốn ở nơi nào đó trên thế giới”. Các chuyên gia cho rằng do ông quản lý tài chính yếu kém nên không chỉ Daewoo Motor, mà cả tập đoàn Daewoo, đều chìm trong nợ nần. Tháng 11/2000, chính phủ Hàn Quốc chính thức tuyên bố Daewoo Group phá sản, rao bán tài sản của tập đoàn. Hãng xe hơi GM đã ký thỏa thuận sơ bộ tháng 9/2001 để mua lại tài sản của Daewoo Motor với giá 1,2 tỷ USD.

Khi còn phồn thịnh, Daewoo Group là một trong năm chaebol lớn của Hàn Quốc, bao gồm Samsung, LG, Sunkyong (nay là SK), Hyundai. Năm 1967, ông Kim thành lập Daewoo Group chuyên về dệt may.

Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là ông Park Chung Hee đã giúp đỡ ông Kim bằng cách giao quyền quản lý các công ty phá sản mà chính phủ dự kiến tá cơ cấu. Ông Park cũng hỗ trợ ông Kim với nguồn lực thiết yếu. Ông Kim còn phát triển quan hệ với các chính trị gia và nhận được tài trợ từ một số ngân hàng. Nhờ các khoản vay được chính phủ xét duyệt, Daewoo Group tăng trưởng mạnh mẽ và mở rộng sang các lĩnh vực khác nhau từ thập niên 70 đến 80, nhanh chóng trở thành tập đoàn lớn thứ 18 thế giới. Daewoo Group đầu tư hơn 400 dự án tại khoảng 85 quốc gia.

Daewoo Group bao gồm 24 công ty con, nổi tiếng nhất là Daewoo Motor, Daewoo Shipbuilding, Daewoo Telecom, Daewoo Engineering & Construction, Daewoo Electronics, Daewoo International, Daewoo Heavy Industries…

Ban lãnh đạo tập đoàn tin rằng mở rộng đồng nghĩa với thành công. Song, họ không mấy để ý đến lợi nhuận của các doanh nghiệp mới. Giữa những năm 1990, Daewoo Group bị buộc tội vì tham nhũng doanh nghiệp. Ông Kim cùng 34 giám đốc, kế toán bỏ túi 20 tỷ USD chính thức và 38 tỷ USD không chính thức dưới hình thức cho vay ngoại hối bất hợp pháp. Họ còn gom tiền từ các công ty con qua tài liệu giả. Tập đoàn cũng được cho là làm giả sổ sách để hiển thị lợi nhuận hư cấu và giảm nợ phải trả, vẽ ra bức tranh hứa hẹn về tình hình tài chính. Tập đoàn dường như che giấu nhiều doanh nghiệp thất bại và cũng hoán đổi tài sản giữa các công ty con.

Daewoo Group gia nhập ngành công nghiệp xe hơi năm 1978 khi mua 50% cổ phần Saehan Motor Company. Ra đời năm 1972, Saehan là liên doanh 50-50 giữa Shinjin Motors và General Motors (GM). Năm 1976, Shinjin Motors đối mặt vấn đề tài chính và bán cổ phần trong Saehan cho Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB). Năm 1978, Daewoo Group mua lại số cổ phần này và quyền quản trị từ KDB. Năm 1983, GM và Daewoo Group quyết định đổi tên liên doanh thành Daewoo Motor Company. Năm 1984, họ xây nhà máy lắp ráp, động cơ tại thành phố Bupyong. Nhà máy hoạt động vào ba năm sau, khoảng 50% xe hơi xuất khẩu sang Mỹ và thị trường nước ngoài.

Rắc rối của Daewoo bắt đầu khi nhà sáng lập Kim dùng số nợ khổng lồ để mở rộng kinh doanh xe hơi. Khoảng 1,3 tỷ USD được chi cho mở rộng Daewoo Motor tại các nước đang phát triển. Họ dùng thêm 1,1 tỷ USD nữa để mua Ssang Yong Motor. Ông Kim còn tăng công suất sản xuất trên toàn cầu một cách vô độ. Ông thành lập các nhà máy tại Ukraine, Romania, Việt Nam, Uzbekistan với vốn đầu tư thấp và cam kết “ảo”. Chẳng hạn, tại Ba Lan, Daewoo mua lại nhà máy sản xuất xe hơi quốc doanh với lời hứa đầu tư 1,1 tỷ USD và tạo ra 20.000 việc làm nhưng không thực hiện lời hứa.

Năm 2001, GM cùng đối tác SAIC và Suzuki “giải cứu” Daewoo Motor, đổi tên thành GM Daewoo. GM thâu tóm Daewoo là một nước cờ cần thiết để thiết lập vị trí dẫn đầu trên thị trường châu Á.

Nếu không có GM, Daewoo sẽ sụp đổ. Hầu hết thiết kế xe hơi Daewoo dựa trên của GM. Trước thương vụ này, GM phụ thuộc hoàn toàn vào chi nhánh Adam Opel để sản xuất xe hơi cỡ nhỏ cho các nước đang phát triển. 

Xe hơi cỡ nhỏ của GM cũng không thực sự thành công nên muốn dùng kinh nghiệm của Daewoo để phát triển những chiếc xe phù hợp. Thời điểm đó, GM dự đoán Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan sẽ là thị trường quan trọng trong 10 năm sau này. Alan Perriton, người phụ trách phát triển kinh doanh GM tại châu Á khi ấy, cho biết mua lại Daewoo mang đến sản phẩm chất lượng cao, chi phí thấp cho phần còn lại của châu Á. Năm 2011, GM quyết định cho Daewoo Motor trở thành dĩ vãng khi đổi tên công ty thành GM Korea. Tất cả xe hơi của công ty đều mang thương hiệu Chevrolet.

Cái chết của Daewoo Motor và sự sụp đổ của tập đoàn Daewoo là cú sốc lớn với nhiều người Hàn Quốc. Họ có niềm tin mãnh liệt rằng các chaebol như Hyundai, Daewoo, Samsung và LG quá lớn để thất bại. Song, nó cũng là minh chứng cho câu nói “chuyện gì cũng có thể xảy ra”.

Công ty con về điện tử của Daewoo Group qua tay nhiều người mua, trong khi công ty đóng tàu và kỹ thuật vận tải được quốc hữu hóa. Những chaebol sống sót qua cuộc khủng hoảng tài chính như LG, Samsung, Hyundai nhờ cắt giảm chi phí và chiến lược hợp lý đã vươn lên thành tên tuổi toàn cầu.

Ông Kim Woo Chung sau một thời gian chạy trốn đã quay lại Hàn Quốc năm 2005. Ông bị kết án 10 năm tù nhưng được ân xá năm 2007. Tháng 12/2019, ông mất ở tuổi 82, khép lại cuộc đời của một người vừa được xem là anh hùng, vừa bị xem là kẻ tội đồ khiến “vũ trụ vĩ đại” Daewoo lâm vào cảnh tan đàn xẻ nghé.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại