Sút phạt penalty luôn được coi là loạt "đấu súng" nghẹt thở trên sân cỏ và trên thực tế thì không phải cầu thủ nào cũng có thể thành công ghi bàn. Hệ quả của áp lực thực sự có ảnh hưởng ghê gớm và nó có tác động rất lớn tới người phải lãnh xướng trách nhiệm khó khăn này.
Thời khắc sút penalty rất căng thẳng, đó là cuộc chiến cân não giữa người sút và thủ môn của đối phương trong không khí cả sân vận động bỗng im bặt và sự mong đợi của toàn bộ các cầu thủ, cổ động viên đều đổ dồn về một điểm.
Theo các nhà nghiên cứu tại ĐH Bangor (Anh), các cầu thủ luôn bỏ lỡ những cú sút phạt quan trọng bởi vì họ đã tạo ra lỗi mà chính bản thân đang cố gắng tránh mắc phải.
Messi thực hiện không thành công quả đá phạt penalty trong trận đấu gặp Iceland. Ảnh: Reuters
Recep Gorgulu, một nhà nghiên cứu về tâm lý học trong thể thao và Tim Woodman, giáo sư tại ĐH Bangor, giải thích:
"Một cầu thủ đặt quả bóng trên chấm phạt đền trong một giải đấu tầm cỡ như Euro hay World Cup thường luôn tự nhủ với chính mình, chẳng hạn "nhắm vào phía trái của khung thành, chỉ cần không trúng cột trái". Và điều kỳ lạ là trong lúc tập luyện hoặc trận đấu ít quan trọng thì họ lại dễ dàng tìm được hướng sút để ghi bàn thành công hơn".
Tuy nhiên, đối mặt với một trận đấu áp lực cao với sân vận động ngập tràn người hâm mộ la hét và hàng trăm triệu người xem trên khắp thế giới thì việc sút penalty lại trở nên khó khăn hơn. Mặc dù không hề có chủ đích, nhưng cầu thủ đá phạt lại đá quả bóng vào vị trí ngược lại so với mục tiêu định hình bóng ban đầu của mình và phạm ngay vào sai lầm được đặt ra để né tránh.
Các nhà nghiên cứu tâm lý thể thao gọi đó là "sai lầm trớ trêu".
Mắc lỗi "trớ trêu": Sai lầm khi sút phạt penalty
Hai chuyên gia Recep Gorgulu và Tim Woodman giải thích thêm rằng, khi bộ não tìm kiếm cách thức để làm cho cơ thể hoạt động theo một cách cụ thể, nó thường dựa vào hai quy trình: một là quá trình điều hành và cái còn lại là quá trình giám sát.
Tương tự như Messi, Christian Cueva cũng đá hỏng quả penalty, bỏ lõ cơ hội làm nên lịch sử cho người Peru trong trận đấu gặp Đan Mạch. Ảnh: Sports Mole
Sự thất vọng và nuối tiếc của cầu thủ Christian Cueva khi bỏ lỡ cơ hội ghi bàn hiếm có cho Peru. Ảnh: Public News Grid
Trong đó, quá trình điều hành có trách nhiệm xác định tất cả những bước, thao tác cho phép chúng ta có thể đạt được kết quả như mong muốn. Ví dụ, nếu bạn muốn thực hiện cú đá phạt thành công, bộ não của bạn sẽ hướng đến lập trình các việc như vị trí bạn muốn đá vào khung thành, số bước chân di chuyển, tốc độ và hướng bóng di chuyển,...
Đồng thời cùng thời gian đó, một quá trình giám sát cũng vô thức hoạt động. Nó giống như một cái máy quét radar để tìm kiếm thông tin về những sai lầm có thể mắc phải. Một khi đã xác định được những rủi ro, hệ thống này sẽ thông báo nhanh chóng cho quá trình điều hành kia để cố gắng tìm kiếm thông tin, giải pháp giúp người sút có kế hoạch, phương án để ghi bàn thành công.
Hệ thống này thường mang lại thành công và giúp người chơi có thể kiểm soát tinh thần trước những gì sắp phải đối mặt. Tuy nhiên, trong những tình huống áp lực cao thì quá trình điều hành của não bộ lại rơi vào tình làm làm việc "quá tải".
Theo các nhà nghiên cứu, quá trình điều hành trở nên quá tải khi phải cạnh tranh với áp lực từ tinh thần như "Tôi biết phải làm gì?", "Tôi lo lắng" và điều này làm cho khả năng ra quyết định trở nên kém hiệu quả.
Mặt khác, quá trình giám sát lại phần lớn không bị ảnh hưởng dưới những áp lực bởi vì chúng không chiếm bất kỳ không gian nhận thức nào. Kết quả cuối cùng là khi chúng ta chịu quá nhiều áp lực, quá trình giám sát trở nên "bành trướng" và phổ biến hơn.
Áp lực quá lớn khiến Messi bỏ lỡ cơ hội ghi bàn quan trọng. Ảnh: WWOS
Nói một cách đơn giản thì khi một người chịu quá nhiều áp lực, họ lại có xu hướng "trớ trêu" là làm đúng theo những gì mà bản thân cho rằng cần phải tránh mắc phải.
Điều này cho thấy trong những tình huống quan trọng và căng thẳng, sức mạnh của tinh thần, tâm lý cũng có vai trò không kém thể chất.
Áp lực khi thực hiện sút penalty trong những trận đấu quan trọng là rất lớn. Ảnh: TheSun
Theo các nhà nghiên cứu tại ĐH Bangor, cách đơn giản nhất để tránh mắc phải "lỗi trớ trêu" khi sút phạt penalty là người chơi phải thường xuyên thực hành các bài tập kiểm soát lo âu khi chịu áp lực, với các chiến lược thư giãn.
Cụ thể, cầu thủ bóng đá có thể sử dụng cách thức "chế ngự" lo âu bằng cách kiểm soát hơi thở, thư giãn cơ bằng cách kéo căng cơ bắp càng chặt càng tốt trong khoảng vài giây. Sau khi các cơ bắp đó dần được giãn ra và kết quả là họ cảm thấy ít lo lắng hơn.
Một cách khác khá hiệu quả là thay đổi suy nghĩ tiêu cực thành tích cực. Theo đó, thay vì cầu thủ đá penalty tự nhủ và luẩn quẩn trong đầu suy nghĩ "đừng sút góc trái" thì người này nên xác định chọn điểm sút chính xác mà bản thân muốn nhắm tới.
Điều này sẽ giúp cầu thủ sút bóng tốt hơn và hạn chế được những rào cản sai lầm trước áp lực khủng khiếp của trận đấu.
Tham khảo nguồn: Wired, Newsweek