Sai lầm tai hại khiến Tổng thống Trump 'trắng tay' trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, Iran, Triều Tiên

Song Hy |

Các tiếng nói diều hâu trong chính quyền đã lấn át và làm lu mờ các sáng kiến ngoại giao tham vọng mà Tổng thống Trump vạch ra.

Tổng thống Trump từng chia sẻ rằng ông thích đàm phán về các thỏa thuận, nhất là các thỏa thuận lớn vì đó là cách làm ông thấy vui vẻ. Ông cũng tự tin rằng bản thân là một nhà đàm phán tài năng. Nhưng, nhìn vào thực tế hiện nay, Mỹ phải gồng mình trong các cuộc đối đầu với Trung Quốc, Triều Tiên và Iran thì có vẻ không hoàn toàn là vậy.

Trước khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng, ông Trump từng nhiều lần cam kết sẽ mang lại những kết quả lớn lao trong các cuộc chạm trán với cả 3 quốc gia này.

Tương lai mà nhà lãnh đạo Mỹ vạch ra là một thỏa thuận hạt nhân tốt hơn với Iran so với thỏa thuận lịch sử mà người tiền nhiệm Obama đạt được, một nền hòa bình chưa từng có nhờ nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và một chính sách thương mại công bằng hơn với Trung Quốc.

Nhưng chỉ riêng tuần trước, cả 3 quốc gia trên đều tỏ thái độ cứng rắn với Mỹ, khác xa với những gì mà cử tri tin rằng ông Trump có thể làm được khi bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2016.

"Tổng thống Trump dường như không giỏi đàm phán như ông ấy tự nhận. Điều đó có thể thấy rõ nếu nhìn vào quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Ông ấy kêu gọi Trung Quốc tham gia vào đàm phán một hiệp ước hạt nhân mới nhưng Bắc Kinh tỏ thái độ không hứng thú.

Ông ấy muốn một thỏa thuận với Triều Tiên nhưng lại không biết cách đạt được nó. Và giờ thì ông ấy đang đứng trên bờ vực phát động một cuộc chiến tranh ở Trung Đông với Iran, điều mà ông ấy nói là ông ấy không muốn", Tom Collina, Giám đốc chính sách Quỹ Ploughshares phân tích.

Iran

Hơn 1 năm sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump hiện thực hóa lời đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà người tiền nhiệm Obama đã phải tốn rất nhiều công sức mới đạt được.

Trước đó, ông từng nhiều lần nhấn mạnh rằng đây là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử" bởi nó chẳng thể ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Thậm chí thông qua nó, Iran được dỡ bỏ hàng loạt lệnh trừng phạt, kiếm về hàng tỷ USD, trích một phần trong đó hỗ trợ các nhóm phiến quân và nuôi chương trình hạt nhân theo thỏa thuận sẽ tạm ngưng trong 10 năm.

Điều đáng nói là quyết định rời đi của Tổng thống được đưa ra 1 tháng sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, người nổi tiếng với những quan điểm hiếu chiến, được bổ nhiệm.

Sai lầm tai hại khiến Tổng thống Trump trắng tay trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, Iran, Triều Tiên - Ảnh 1.

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. (Ảnh: Getty)

Sau khi tiếp nhận vị trí mới, ông Bolton cùng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo góp những tiếng nói quan trọng trong việc định hình chính sách với Iran của chính quyền Trump, đề xuất các biện pháp trừng phạt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Tehran.

Hôm 5/5, ông Bolton thông báo việc Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay và phi đội máy bay ném bom tới Vùng Vịnh. 2 ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa cụ thể từ hành động của Iran tại Iraq.

Hôm 8/5, tròn một năm ngày Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran tuyên bố sẽ chấm dứt thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận.

"Ông Trump chịu rất nhiều ảnh hưởng từ ông Bolton. Ông Bolton muốn chiến tranh và đụng độ ở tất cả các khu vực này trong khi Tổng thống Trump nói rằng ông không muốn. Nhưng giờ đây, có vẻ như Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã vượt mặt Tổng thống Trump", Collina, Giám đốc chính sách Quỹ Ploughshares cho hay.

Triều Tiên

Khác với Iran luôn duy trì thái cực đối lập, Tổng thống Trump không ngần ngại cho thấy ông sẵn sàng tiến tới thỏa thuận với Triều Tiên, điều mà hầu hết những người tiền nhiệm của ông đều né tránh.

Tháng 6/2018, 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều có cuộc gặp lịch sử tại Singapore. Cuộc gặp kết thúc với kết quả lạc quan khi Mỹ đồng ý thu nhỏ và đình chỉ vài cuộc tập trận với Hàn Quốc trong khi Triều Tiên cam kết ngừng các vụ thử hạt nhân, tên lửa, thả công dân Mỹ, hồi hương hài cốt binh sỹ Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên.

Điều đó khiến giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng vào thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội. Tuy nhiên, những gì diễn ra cách đây hơn 2 tháng lại không suôn sẻ như vậy. Ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un rời bàn đám phán với những tuyên bố khác biệt và không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Mọi sự chú ý bất ngờ đổ dồn vào Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, người không có tên trong danh sách phái đoàn Mỹ tới Việt Nam nhưng lại bất ngờ xuất hiện tại Hà Nội chỉ vài ngày trước khi thượng đỉnh Mỹ-Triều bắt đầu.

Không rõ tiếng nói của ông Bolton đã ảnh hưởng thế nào tới bức tranh toàn cuộc hội nghị ở Hà Nội, nhưng nhiều chuyên gia Mỹ tin rằng các diễn biến bất ngờ như lịch trình thượng đỉnh bị cắt ngắn, lễ ký kết thỏa thuận chung bị hủy bỏ có liên quan tới vị cố vấn từ lâu đã nổi tiếng với quan điểm cứng rắn với Triều Tiên.

Kể từ sau hội nghị ở Hà Nội, đàm phán Mỹ-Triều lại rơi vào tình trạng đình trệ. Washington buông lời cảnh báo, Bình Nhưỡng cũng không vừa khi phóng liên tiếp tên lửa đáp trả.

"Chiến thuật đàm phán của Tổng thống làm ông thất bại và khiến chúng ta trở nên kém an toàn hơn. Cố gắng cho một bước đi lớn tại Hà Nội nhưng thực tế lại không đạt tới bất cứ thỏa thuận nào", bà Erica Fein thuộc tổ chức Win Without War (Chiến thắng không cần chiến tranh) phân tích.

Trung Quốc

Dù rất muốn nhờ Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, tạo cầu nối giữa Washington và Bình Nhưỡng, Mỹ vẫn không hề nương tay với Trung Quốc trong các tranh chấp thương mại.

Ngay từ khi tranh cử, Tổng thống Trump luôn coi Bắc Kinh là một trong các vấn đề trọng tâm, khẳng định rằng sẽ "chơi rắn" với Trung Quốc.

Đầu năm 2018, nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu "nổ" những phát súng đầu tiên, khơi mào cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài hơn một năm qua.

Xung đột kinh tế gây thiệt hại hàng tỷ USD cho mỗi bên. Washington và Bắc Kinh đã trải qua hơn chục cuộc đàm phán nhưng tất cả chỉ dừng lại ở dự thảo tiềm năng chưa biết khi nào mới được ký kết.

Vòng đàm phán mới nhất giữa 2 nước đã không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng. 2 bên mới đây lại tiếp tục gia tăng căng thẳng khi đánh thuế đáp trả lẫn nhau.

Bà Fein cho rằng, lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump với Trung Quốc chỉ đang làm thương tổn nền kinh tế Mỹ, khiến Mỹ khó "cựa mình" hơn trên sân khấu toàn cầu và ảnh hưởng tới danh tiếng xứ cờ hoa.

Ông Philip Yun, Giám đốc điều hành của Quỹ Plowshares cho rằng rất khó để ông Trump, một người thiếu kinh nghiệm chính trị trước khi lên nằm quyền, tiến tới những thỏa thuận lớn sau hơn 2 năm cầm quyền. Theo ông Yu, cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng vẫn mang dáng dấp của một nhà kinh doanh và ông trùm truyền thông chứ không phải của một nhà đàm phán thực thụ như ông vẫn từng nhận.

Harry Kazianis, Giám đốc Nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm vì Lợi ích Mỹ nhận định, những bế tắc ngoại giao chồng chéo này sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho Tổng thống Trump trong chiến dịch tái tranh cử tới.

"Chính sách đối ngoại của ông Trump giống như "nghệ thuật vô tội vạ" hơn là "nghệ thuật đàm phán thỏa thuận". Ông ấy đưa ra hàng loạt các vấn đề về Iran, Venezuela, Cuba và những nơi khác trên thế giới nhưng rồi chẳng làm được gì hơn ngoài những lời hoa mỹ cứng rắn. Nó sẽ chỉ khiến Mỹ trông yếu đuối hơn khi chúng ta bị nhìn nhận họ chỉ biết hùng biện mà không hành động. Đó là điều sai lầm", ông này nói thêm.

Theo ông Kazianis, việc Tổng thống Trump cần làm hiện nay là tránh xa khỏi các cuộc chiến gây thiệt hại hàng tỷ USD, tập trung vào các thách thức tới từ Trung Quốc, giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và đặc biệt tìm kiếm những cố vấn phù hợp hơn thay vì tiếp tục trọng dụng các cá nhân theo quan điểm diều hâu không bao giờ đồng ý với các mục tiêu trên, như ông Bolton.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại