PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ có hai thể khác nhau.
Một là, đột quỵ thiếu máu cục bộ não - chiếm khoảng 85%, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch. Hai là, đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 15%, xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.
Khi đó, An Cung chỉ có tác dụng đối với thể đầu tiên - thể nhồi máu. Riêng thể chảy máu não tuyệt đối không được dùng sản phẩm này, bởi chúng sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn. Trong thực tế quá trình điều trị, các bác sĩ đã gặp nhiều bệnh nhân đã hôn mê, xuất huyết nặng sau khi người nhà cho uống An Cung.
Theo PGS. Chi, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đột quỵ được đưa vào Khoa Cấp cứu tại BV Bạch Mai có xu hướng gia tăng, khoảng 30-40 bệnh nhân mỗi ngày. Thời tiết nắng nóng được cảnh báo là yếu tố làm gia tăng căn bệnh nguy hiểm này. Đặc biệt, nguy cơ đột quỵ có thể gặp ở cả những người trẻ tuổi.
Các chuyên gia nhấn mạnh, yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, những tác nhân của cuộc sống hiện đại đã góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Điều đáng sợ là triệu chứng đột quỵ ở những người ở độ tuổi 20 có thể hơi khác so với người lớn tuổi nên người nhà thường chủ quan không đưa đi cấp cứu sớm.
GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Quân đội 108 cũng cảnh báo, tuyệt đối không tự ý cho người đột quỵ uống An cung ngưu hoàng hoàn hoặc uống loại thuốc này để dự phòng đột quỵ. Trong quá trình điều trị, GS. Thông cho biết đã từng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi uống An cung ngưu hoàng hoàn.
Các bác sĩ cho biết, những biểu hiện thường gặp ở người đột quỵ là méo miệng, tê bì, yếu liệt chân tay, nói khó… Do đó, khi thấy một người các dấu hiệu như trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
“Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian, chính vì vậy, phải nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín có đủ trang thiết bị máy móc hiện đại để được khám tư vấn và điều trị kịp thời, tận dụng "thời gian vàng" của não, tránh đột quỵ não gây di chứng nặng nề”- GS. Thông đặc biệt nhấn mạnh.
Để phòng bệnh đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.
Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị đái tháo đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol.
Khi gặp người đột quỵ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay… làm mất “thời gian vàng” điều trị mà cần đưa đi cấp cứu ngay giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế.