Cơ hội thành công mong manh của Ukraine
Khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công vào mùa Xuân năm nay, nhiều nước phương Tây hy vọng Kiev có thể lặp lại thành công vào năm 2022 và đẩy lùi Nga. Nhưng nỗ lực ban đầu sử dụng xe tăng và xe bọc thép để chọc thủng phòng tuyến kiên cố của Nga đã thất bại. Kể từ đó, Ukraine phải thay đổi chiến thuật , tìm cách tiến từng bước chậm chạp trên chiến trường. Một cú hích mới vẫn có thể diễn ra, nhưng các chuyên gia đang đặt câu hỏi Kiev có thể đạt được gì trong một vài tháng tới và họ sẽ phải làm thế nào để chuẩn bị cho kịch bản giao tranh kéo dài.
Binh sỹ Ukraine chuẩn bị bắn súng máy trong một hầm trú ẩn ở tiền tuyến tại vùng Donetsk. Nguồn: AP
Mối lo ngại hiện hữu tại Kiev và nhiều nước phương Tây là các chính trị gia hoặc cử tri có thể coi cuộc chiến như một “vũng lầy”, đồng thời giảm bớt sự ủng hộ cho Ukraine, ngay cả khi chính phủ Mỹ và châu Âu cam kết hỗ trợ đến cùng cho Kiev.
Mục tiêu hiện tại của Ukraine là tạo ra những bước tiến cần thiết để các nước phương Tây thấy rằng sự ủng hộ của họ không đặt nhầm chỗ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ vẫn giữ lập trường kiên định trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine. Washington đã cùng các đồng minh trong NATO và Nhật Bản vạch ra kế hoạch an ninh dài hạn cho Kiev.
Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí tiên tiến và có tính sát thương cao như bom chùm hay tên lửa hành trình phóng từ trên không. Nhưng các quan chức quân đội cấp cao của Washington cảnh báo Kiev sẽ không dễ dàng lặp lại thành công nhanh chóng như cuộc phản công năm 2022.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nhiều lần “dội gáo nước lạnh” vào dự đoán cho rằng Ukraine có thể nhanh chóng cắt đứt hành lang đất liền mà Nga nắm giữ dọc phía Đông Nam Ukraine hoặc cô lập bán đảo Crimea.
Mỹ và các quan chức phương Tây từng hy vọng Ukraine sẽ đạt được thắng lợi quan trọng, đủ để gây sức ép buộc Tổng thống Putin ngồi vào bán đàm phán trong mùa Đông và phải nhất trí về những điều khoản có lợi cho Kiev. Song các nhà ngoại giao cho biết, cơ hội đối với Ukraine rất mong manh trong bối cảnh Nga đang tăng cường củng cố tuyến phòng thủ vững chãi của nước này, bổ sung thêm binh sỹ, tăng cường sản xuất đạn dược, vũ khí.
Ukraine đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ hơn so với những gì họ dự đoán. Trên thực tế, không có bất cứ một định nghĩa hay quy chuẩn nào về sự thành công của Ukraine. Nếu thắng lợi là giành lại lãnh thổ? Vậy Ukraine sẽ phải giành lại bao nhiêu lãnh thổ từ tay Nga để đủ điều kiện thành công? Còn nếu thắng lợi là khả năng cầm cự trong một cuộc chiến tiêu hao thì điều này cần phải đo lường bằng thời gian.
Các chính trị gia phương Tây muốn thấy Ukraine đạt được tiến bộ trên chiến trường để đảm bảo sự ủng hộ lâu dài của cử tri. Việc tiếp tục cung cấp vũ khí và viện trợ quân sự cho một quốc gia đang đạt được tiến bộ bao giờ cũng dễ dàng hơn. Trong khi đó, nếu cuộc phản công bị đình trệ, khả năng duy trì các gói viện trợ quy mô lớn sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là về mặt chính trị. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi giao tranh tiếp diễn và khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 ở Mỹ đang đến gần.
Sai lầm của phương Tây
Theo giới phân tích, sai lầm của phương Tây trong việc đánh giá cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể là một trong những lý do khiến cuộc phản công của Ukraine bị đình trệ. Mỹ và châu Âu dường như đã bỏ qua những nguyên tắc cơ bản của cuộc chiến. Tấn công một đối thủ trong phòng tuyến kiên cố luôn là hoạt động khó khăn nhất. Khi Ukraine học cách sử dụng vũ khí phương Tây và huấn luyện binh sỹ để chuẩn bị cho cuộc phản công, Nga đã xây dựng các chiến hào, công sự và boong ke kiên cố. Khi phương Tây tranh luận có nên cung cấp xe tăng cho Kiev hay không và cung cấp vào thời điểm nào thì Nga đã thiết lập những bãi mìn dày đặc.
Rõ ràng, Moscow đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc phản công của Ukraine. Việc các chính trị gia phương Tây không đánh giá đúng thực tế là Nga đang thay đổi chiến thuật và đang thích nghi với tình hình là thiếu sót lớn, cây bút Daniel Michaels của Wall Street Journal nhận định.
Chưa kể, những đánh giá sơ bộ của phương Tây dường như đã đánh đồng hoạt động thăm dò với hoạt động phản công của Ukraine. Những nỗ lực ban đầu của Ukraine nhằm thăm dò tuyến phòng thủ của Nga chỉ là màn dạo đầu cho nỗ lực tìm kiếm lỗ hổng của đối phương. Nhưng phương Tây lại cho rằng, các hoạt động nhằm định hình, mồi nhử và nhiều hoạt động khác trên chiến trường chính là giai đoạn đầu của cuộc phản công, khiến nhiều người ngay lập tức đặt câu hỏi về tiến bộ mà Ukraine đạt được.
Theo nhà phân tích Daniel Michaels, nếu Mỹ và châu Âu muốn Kiev sớm giành được thắng lợi, họ cần phải trang bị những vũ khí hiện đại cho Ukraine với số lượng lớn. Hiện Ukraine vẫn chưa được tiếp nhận nhiều vũ khí mà Mỹ và châu Âu cam kết gửi tới, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1. Chưa kể việc huấn luyện phi công Ukraine lái tiêm kích F-16 vẫn trong giai đoạn trứng nước.
Việc các chính trị gia nhìn nhận cuộc xung đột như thế nào vào năm 2024 vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm đặc biệt là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần. Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã đề xuất cắt giảm viện trợ cho Ukraine. Nhưng nhiều thành viên khác trong đảng này tiếp tục tán thành các gói viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Kiev, song cho biết cần phải giám sát chặt chẽ hơn.
Trong cuộc bỏ phiếu về phân bổ ngân sách quốc phòng hồi tháng 7 vừa qua, một số thành viên Cộng hòa thân cận với ông Trump tại Hạ viện đã đưa ra 5 sửa đổi cần thiết, nhưng đề xuất của họ ngay lập tức bác bỏ. Ông Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO cho rằng: “Đây là tín hiệu tốt cho sự hỗ trợ Ukraine”. Nhưng sự ủng hộ này có thể suy giảm nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp với và kịch bản đó sẽ làm gia tăng áp lực đối với Ukraine cũng như những người ủng hộ Kiev.