Ngày 11/10/1939, Alexander Sachs - Chuyên gia kinh tế Phố Wall, bạn lâu năm đồng thời là cố vấn không chính thức của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt - có cuộc gặp với tổng thống Mỹ để thảo luận về bức thư của Albert Einstein.
Sau khi đọc xong bức thư, Alexander Sachs tóm lược những nội dung chính mà Albert Einstein muốn truyền tải đến Tổng thống Roosevelt. Tổng thống Mỹ nhanh chóng bị thuyết phục bởi dự án phát triển năng lượng nguyên tử.
Trước đó, nhà bác học người Đức Albert Einstein đã soạn thảo lá thư nổi tiếng của mình với sự giúp đỡ của nhà vật lý người Hungary Leo Szilárd, một trong số những nhà khoa học châu Âu đã chạy sang Mỹ vào những năm 1930 để thoát khỏi sự đàn áp của Đức Quốc xã. Đó cũng là lý do, bức thư nổi tiếng mà Einstein gửi cho Tổng thống Roosevelt còn có tên "Bức thư Einstein–Szilárd".
Bức thư được viết vào ngày 2/8/1939.
Bức thư Albert Einstein gửi cho Tổng thống Roosevelt còn có tên "Bức thư Einstein–Szilárd".
Leo Szilard nằm trong số những người ủng hộ chương trình phát triển bom dựa trên những phát hiện mới nhất thời kỳ đó về vật lý hạt nhân và hóa học. Các nhà vật lý người Đức tị nạn sang Mỹ (có Albert Einstein, Leo Szilard, Edward Teller, Eugene Wigner...) coi đó là trách nhiệm của họ để cảnh báo người Mỹ về khả năng các nhà khoa học Đức có thể chế tạo thành công bom nguyên tử; và rằng trùm phát-xít Adolf Hitler rất quyết tâm sở hữu thứ vũ khí như vậy.
Nhưng Tổng thống Roosevelt, người đang bận tâm với các sự kiện ở châu Âu lúc bấy giờ, mất hơn hai tháng để gặp Alexander Sachs cũng như đọc lá thư của Albert Einstein. Tuy nhiên, Leo Szilárd và cộng sự ngầm hiểu rằng, hai tháng không hồi âm lá thư của tổng thống Mỹ cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng không xem trọng mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân.
Thực tế không phải vậy. Sau khi thảo luận về bức thư của nhà bác học người Đức, Tổng thống Roosevelt đã hồi âm cho Einstein vào ngày 19/10/1939 với thông báo rằng, đích thân tổng thống đã thành lập một Ủy ban Tư vấn về Uranium, bao gồm các nhà khoa học và quan chức quân sự đảm nhận trọng trách tìm hiểu vai trò của uranium trong sản xuất vũ khí hủy diệt.
Việc làm này hết sức có ý nghĩa đối với Einstein và những nhà khoa học Đức tị nạn ở Mỹ. Mặt khác, Tổng thống Roosevelt không thể gánh rủi ro khi Hitler đơn phương sở hữu bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.
Cùng với lá thư hồi âm và cuộc gặp trực tiếp với Einstein, Mỹ bắt đầu bước vào cuộc đua phát triển bom nguyên tử thông qua dự án tiêu tốn rất nhiều tiền của mang tên Dự án Manhattan ngày 28//12/1942 với mục tiêu vũ khí hóa năng lượng hạt nhân.
Chưa đầy 3 năm sau, ngày 16/7/1945, Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu bom nguyên tử, đồng thời mở ra kỷ nguyên nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại, sau khoảnh khắc quả bom mật danh "The Gadget" được thử thành công tại một địa điểm trên sa mạc ở bang New Mexico.
Đối với nhà bác học tài năng người Đức Albert Einstein, chiến tranh là một căn bệnh. Ông luôn kêu gọi chống lại chiến tranh. Đó là một trong những lý do, ông ký vào bức thư gửi cho tổng thống Mỹ, khẩn thiết kêu gọi các nước phương Tây chống lại sự tàn bạo của Đức Quốc xã.
Tuy nhiên, khoảnh khắc ông đặt bút ký vào bức thư lại là một trong những khoảnh khắc khiến ông hối hận nhất đời.
Bởi, ngày 6/8/1945, nhằm chiếm ưu thế của quân Đồng Minh trước phe Trục, Mỹ ném quả bom nguyên tử mật danh "Little Boy" xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Kết quả, khiến 10.000 người thiệt mạng.
Ba ngày sau, ngày 9/8/1945, quả bom nguyên tử thứ hai mật danh "Fat Man" tiếp tục phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki (Nhật Bản) khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, phần lớn là thường dân.
Hay tin Mỹ ném bom nguyên tử liên tiếp xuống 2 thành phố của Nhật khiến không ít người đau đớn.
J. Robert Oppenheimer, một trong những "cha đẻ của vũ khí nguyên tử", người đứng đầu Dự án Manhattan, phải thốt lên rằng: "Tôi khác gì Thần chết, kẻ gieo rắc sự hủy diệt cho thế giới tươi đẹp này!".
Những nhà khoa học làm việc tại Oak Ridge - căn cứ bí mật của Mỹ, nơi chế tạo quả bom "Little Boy" - cũng hoàn toàn đổ gục. Họ khóc và cảm thấy trống rỗng khi cho rằng chính mình tiếp tay cho Thần chết.
Riêng đối với Albert Einstein. Một năm trước khi qua đời, cụ thể vào tháng 11/1954, ông mang nỗi day dứt suốt 9 năm kể lại cho người bạn già của mình mà rằng: "Tôi đã gây ra một trong những lỗi lầm lớn nhất trong cuộc đời... đó là khi tôi đặt bút ký vào bức thư gửi Tổng thống Mỹ Roosevelt, mong muốn ông ấy chế tạo bom nguyên tử trước khi Đức Quốc xã có được nó..."
Với mong muốn chấm dứt chiến tranh. Với hy vọng về một thế giới không có sự chết chóc, chia lìa... nhà thiên tài vật lý người Đức ấy mới đặt bút ký vào bức thư lịch sử ấy. Ông nào có ngờ, ngày 2/8/1939 mà ông đặt bút ký lại là ngày khởi đầu cho những chết chóc khiến ông day dứt mãi về sau, cho đến tận những giây phút cuối đời...
Atomicarchive đăng lại nội dung bức thư Einstein gửi Tổng thống Mỹ Roosevelt. Sau đây là nội dung tóm lược của bức thư:
Ngày 2/8/1939,
Gửi ngài Tổng thống:
Những phát hiện gần đây của các nhà vật lý Enrico Fermi và Leo Szilárd giúp tôi hiểu rằng nguyên tố uranium có thể trở thành nguồn năng lượng mới và quan trọng trong tương lai.
Trong suốt bốn tháng qua, nhà vật lý học người Pháp Frédéric Joliot-Curie cũng như hai cộng sự của tôi là Enrico Fermi và Leo Szilárd ở Mỹ đã tiến hành những thử nghiệm cho thấy, chúng tôi hoàn toàn có thể thiết lập một phản ứng dây chuyền hạt nhân liên quan đến nguyên tố uranium số lượng lớn để tạo ra loại bom có sức mạnh và sự hủy diệt lớn chưa từng có.
Quả bom loại này có thể vận chuyển bằng tàu thuyền và nếu nó phát nổ, nó có thể phá hủy toàn bộ vùng cảng và những khu vực xung quanh cảng. Theo nghiên cứu của chúng tôi, loại bom này có thể vận chuyển bằng đường hàng không.
Mỹ là quốc gia có nguồn quặng urani nghèo nàn. Tuy vậy, urani chất lượng tốt được tìm thấy nhiều ở Canada, Tiệp Khắc cũ, Congo và Bỉ.
Theo tình hình hiện tại thì ngài Tổng thống nên tin tưởng và giao trọng trách cho một người/nhóm người thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng sau:
a, Tiếp cận nguồn quặng urani trên thế giới, đảm bảo Mỹ sở hữu nguồn quặng này để làm giàu.
b, Đẩy nhanh việc thử nghiệm bằng cách cung cấp kinh phí cũng như tăng cường hợp tác với các phòng thí nghiệm công nghiệp có thiết bị cần thiết.
....
Thân mến,
Albert Einstein
Bài viết sử dụng nguồn: Bộ Năng lượng Mỹ, Atomic Archive