Từ những thông tin "bịa đặt" về việc lực lượng Nga và Iran xung đột
Hôm 20/4, kênh truyền thông nhà nước Syria (SANA) dẫn nguồn tin của Syria Quân đội Ả Rập Syria (SAA) bác bỏ tất cả các nguồn tin đưa tin về việc có các cuộc đụng độ giữa các lực lượng thân Nga và Iran đang diễn ra tại các Tỉnh của Aleppo và Deir Ezzor.
"Bộ tư lệnh chỉ huy quân đội và các lực lượng vũ trang Syria bác bỏ hoàn toàn những thông tin về việc lực lượng thân Nga và Iran tấn công lẫn nhau và khẳng định rằng những tin tức này là vô căn cứ và sai sự thật.".
Nguồn tin cũng kêu gọi tất cả các cơ quan truyền thông cần xác minh chính xác và chịu trách nhiệm trước khi đưa thông tin. SAA cũng khẳng định sẽ không xác nhận bất kỳ tin tức quân sự nào trừ khi nó được đưa ra bởi một nguồn quân sự.
Những thông tin nói trên dường như là một phần của một hoạt động "tâm lý chiến" được phối hợp và chỉ đạo nhằm mục đích phá hoại liên minh giữa ba nước Syria, Iran và Nga.
Những nỗ lực này cho đến nay đều không hiệu quả, việc này phản ánh rằng những kẻ địch của Syria hiểu rằng họ đã đánh mất lợi thế trong cuộc xung đột.
Quân đội Syria khai hỏa BM-21 Grad vào vị trí đối phương tại Al-Furayj và Sukayk ở phía nam Idlib ngày 21/4.
Mâu thuẫn giữa Nga và Iran quá trình cải tổ SAA
Tuy gần như toàn bộ các thông tin về việc các lực lượng thân Nga và Iran giao tranh tại Syria là bịa đặt, nhưng Syria thời hậu chiến vẫn có những mâu thuẫn âm ỉ cũng như cơ hội hợp tác của những đồng minh hiện tại nhưng lại là đối thủ cũ.
Quan hệ giữa Iran và Nga (trước đó là Liên Xô) không phải lúc nào cũng "cơm lành canh ngọt". Iran đã từng hỗ trợ các bên đối địch tham chiến trực tiếp chống lại Hồng quân và quân đội Nga trong quá khứ.
Điển hình là Iran đã hỗ trợ Mujahiddin Afghanistan trong "Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan" từ 1979-1989.
Tuy nhiên, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Iran đã có những động thái xích lại gần nước Nga của Yelsin và sau này là Putin vì những lợi ích quân sự.
Iran từ việc dần từ bỏ hỗ trợ lực lượng ly khai Ichkeria trong "Chiến tranh Chechnya lần 1" từ 1994-1996 cho tới thay đổi gần như hoàn toàn quan điểm và ủng hộ Nga "giải quyết công việc nội bộ" trong "Chiến tranh Chechnya lần 2" từ 1999 tới 2009.
Tuy nhiên Syria khác hẳn với Chechnya, Chechnya là một phần lãnh thổ Nga còn Syria đã là một quốc gia Hồi giáo thế tục từ lâu. Vị trí địa chính trị của Syria với Iran quan trọng hơn nhiều so với Nga.
Trong khi đó, những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong các vị trí chỉ huy chủ chốt của các lực lượng vũ trang Syria.
Có vẻ như Quân đoàn 2 , từng là lực lượng chiếm đóng Lebanon theo lệnh của cố Tổng thống Hafez al-Assad, và Lực lượng Vệ binh Cộng hòa, một trong những đơn vị trung thành với chính phủ của Đảng Baath, sẽ là tâm điểm được chú ý vào năm 2019.
Theo một sắc lệnh của Tổng thống Bashar al-Assad các lực lượng vũ trang nước này sẽ phải cải tổ. Trên thực tế, SAA và nước bảo trợ, Liên bang Nga, đang gặp rắc rối lớn với Iran.
Trong cuộc chiến vẫn tiếp diễn, vai trò phòng thủ bị thay thế bởi những nhóm bán vũ trang đảng phái cánh tả và hữu, dân quân tôn giáo, bộ lạc và những nhóm địa phương trục lợi hay thậm chí là các đội quân đánh thuê do các tài phiệt Syria chi phối.
Còn vai trò tấn công lại phụ thuộc vào các chiến binh Hồi giáo Shia người Lebanon, Iraq, Afghanistan hay Palestine do lực lượng IRGC Iran xây dựng.
Chiến binh người Afghanistan chụp ảnh trước khi tham chiến tại miền nam Syria dưới sự chỉ huy của IRGC Iran.
Cả hai lực lượng đã vượt xa về quân số nếu so với các đơn vị chính quy tuân theo các mệnh lệnh quân sự và an ninh từ Damascus.
Iran không che giấu kế hoạch tương lai ở Syria là xây dựng một mô hình tương tự Hezbollah ở Lebanon. Cụ thể là họ tiếp tục xây dựng các đội quân bán vũ trang ủy nhiệm được thể chế hóa để tạo ra một trạng thái vĩnh viễn trong các lực lượng vũ trang Syria.
Bên cạnh đó, Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã bắt đầu có một số ảnh hưởng đối với các cấp chỉ huy Lực lượng vũ trang Syria vốn đã được định hình theo lịch sử với phương pháp chỉ huy của Liên Xô và Nga.
Nhìn chung, trong bối cảnh cạnh tranh Nga-Iran ở Syria, cải cách khu vực an ninh vẫn là một mục chương trình nghị sự quan trọng.
Đối với Moscow, ưu tiên của họ là phải đảm bảo sự thống nhất và tập trung của SAA để chuyển các thành tựu quân sự hiện tại thành những lợi ích địa chính trị lâu dài cho họ ở Syria
Đồng thời với việc thành lập hai quân đoàn 4 và 5 với trang bị do Nga viện trợ toàn bộ, các chuyên gia Nga đã đề nghị hồi sinh ba quân đoàn chính quy của Syria trước chiến tranh (cả ba quân đoàn này đã vỡ vụn chỉ còn lại các lữ đoàn trung thành trong các sự kiện đảo ngũ hàng loạt sang phía phiến quân giai đoạn đầu nội chiến).
Mục tiêu của người Nga là biến 5 quân đoàn nói trên trở thành các lực lượng cơ động theo khu vực lãnh thổ (tương tự như việc phân chia các quân khu theo tư duy quân sự Liên Xô và Nga), mục đích cuối cùng là sát nhập hoặc chí ít kiểm soát các nhóm bán vũ trang trong các khu vực họ có trách nhiệm.
Ở hiện tại, hai đồng minh hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn chưa có xung đột tại Syria, nhưng theo thời gian những mâu thuẫn âm ỉ theo mục đích khác nhau sẽ có thể bùng phát.
Hiện tại câu hỏi quan trọng nhất là: Chính phủ Syria sẽ có vai trò ra sao để giải quyết mâu thuẫn giữa hai đồng minh đã giúp họ giành chiến thắng trong cuộc nội chiến vừa qua?
Lực lượng bán vũ trang "Quân đội giải phóng Palestine" được Iran hậu thuẫn trong một video ngày 21/3.
Syria đang đứng giữa ngã ba đường, chọn Nga - Arab Saudi hay Thổ Nhĩ Kỳ - Iran
Hôm 21/4, al-Masdar News dẫn nguồn tin chính phủ giấu tên tại Damascus rằng hai liên minh mới đã xuất hiện ở miền bắc Syria, với một là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ và còn lại là Arab Saudi và Nga với những mục tiêu khác hẳn nhau.
Theo nguồn tin này, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã hình thành một thỏa thuận không chỉ thực hiện một số hoạt động quân sự chung nhằm vào người Kurd ở miền bắc Iraq, mà còn ở miền bắc Syria.
Ngược lại, Nga và Arab Saudi đang cố gắng giúp chính phủ Syria và Lực lượng SDF do người Kurd lãnh đạo đạt được một giải pháp hòa bình.
Arab Saudi duy trì mối quan hệ chặt chẽ với một số bộ lạc Arab nằm trong SDF, bao gồm Bộ lạc Shammar, được cho là bộ lạc quyền lực nhất ở miền bắc Syria.
Chính phủ Syria cần các quỹ tái thiết và họ cần ảnh hưởng của Arab Saudi để có thể môi giới một thỏa thuận chấm dứt các biện pháp trừng phạt của Mỹ
Syria là đồng minh thân cận với Iran, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar là hai nhà tài trợ lớn nhất cho phiến quân, kẻ địch của chính phủ Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Qatar có liên minh riêng của họ ở Trung Đông, chủ yếu tập trung vào các hoạt động hỗ trợ các phong trào Palestine.
Syria đã được hưởng lợi rất ít từ liên minh này, và với cuộc khủng hoảng nhiên liệu đang diễn ra và thiếu kinh phí để tái thiết, họ có thể sẽ chọn con đường do người Nga đề ra để xích lại với Riyadh.
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo trong Mùa xuân Ả Rập và sau này đã trở thành nòng cốt của phe đối lập Syria trong cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra.
Arab Saudi và các đồng minh vùng Vịnh của họ thì ngược lại, coi Huynh đệ Hồi giáo là một tổ chức khủng bố, cũng như Ai Cập hay đồng minh của họ là Tướng Khalifar Haftar tại Libya.
Theo nguồn tin tại Damascus, chính phủ nhận thấy triển vọng của mối quan hệ hợp tác với Arab Saudi sẽ hấp dẫn hơn so với việc gia nhập Iran trong một liên minh các quốc gia có thiện cảm với phong trào Huynh đệ Hồi giáo.