Sai lầm ăn "để chết" của người bệnh đái tháo đường

Khánh Ngọc |

Người bị đái tháo đường cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia.

Sai lầm ăn để chết của người bệnh đái tháo đường - Ảnh 1.

Đái tháo đường điều trị bằng ăn uống nhưng không phải kiêng khem quá mức.

Gánh nặng đái tháo đường

Theo PGS Tạ Văn Bình – nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương Việt Nam, đái tháo đường ở Việt Nam đang trở thành đại dịch và sau 10 năm từ 2002 đến 2012, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ 2,7% lên 5,4% và ước tính hiện tại Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường, đặc biệt trong số đó có tới trên 60% chưa được phát hiện bệnh.

Gánh nặng tử vong và tàn phế do căn bệnh này cũng rất lớn. Đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.

Bệnh đái tháo đường có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bia có ¼ uống ở mức nguy hại, khoảng 2/3 số người dân ăn thiếu rau và trái cây và có tới gần 30% thiếu hoạt động thể lực. Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh - chuyển hóa như thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh.

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, với sự tăng đường máu quá mức do thiếu hụt Insulin gây ra. Chế độ dinh dưỡng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị và duy trì đường huyết ổn định. Song PGS Bình cho rằng hàng triệu người mắc đái tháo đường đang sai lầm nghĩ về bệnh của mình. Bệnh nhân đái tháo đường không phải nhịn ăn, kiêng khem là tốt với bệnh nhân tiểu đường.

Hiện nay, việc điều trị tiểu đường là quá trình lâu dài, khổ cực, trong đó chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng. Chế độ ăn uống của người đái tháo đường phải vừa duy trì sức khỏe, tránh bị thiểu dưỡng do ăn uống kiêng khem.

Sai lầm kiêng khem quá

PGS Bình cho biết nhiều bệnh nhân khi bị tiểu đường rất sợ ăn, nên kiêng khem nhiều, không dám ăn nhiều loại thực phẩm, vừa làm cho cơ thể thiếu dinh dưỡng vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà hiệu quả điều trị không cao.

Người bệnh không biết chọn thực phẩm, ăn cơm ít nhưng lại ăn nhiều miến, khoai củ... thì mức đường huyết vẫn không thể giảm. Tất cả là do người bệnh thiếu kiến thức về lượng dinh dưỡng trong từng loại thực phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị bệnh.

Khi điều trị đái tháo đường, bác sĩ Bình cho biết chế độ dinh dưỡng đúng sẽ giúp điều chỉnh glucose máu không tăng thêm, cũng hạn chế phải dùng thêm thuốc hoặc có thể không phải dùng thuốc và hạn chế các biến chứng gây ra.

Người bệnh cần có chế độ ăn hạn chế glucose góp phần hạn chế xảy ra các biến chứng nguy hiểm bởi lượng glucose máu quá cao rất dễ gây các biến chứng cấp tính.

Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân tiểu đường: Chế độ dinh dưỡng, ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo nguyên tắc đủ 4 thành phần đó là đủ chất đạm, chất béo, chất bột, vitamin và các chất khoáng. Uống đủ nước mỗi ngày, cần duy trì hoạt động thể lực bình thường hàng ngày, duy trì cân nặng lý tưởng, không làm tăng rối loạn lipid máu, huyết áp, tổn thương thận...

Người mắc bệnh tiểu đường nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp: Cụ thể nên giảm thực phẩm cung cấp glucid: gạo, ngô, mì, khoai; không ăn miến. Thực phẩm cung cấp protein: thịt nạc, cá, đậu đỗ, sữa không đường, lạc, vừng. Thực phẩm cung cấp lipid: nên dùng dầu, không ăn thực phẩm nhiều cholesterol như các loại phủ tạng (320 - 5000mg%). Thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng: rau, củ, quả tươi, hạn chế ăn quả quá ngọt như: mít, na, chuối (glucid từ 11,4 - 22,4%).

Những thực phẩm đồ uống, bánh kẹo... sử dụng chất tạo ngọt, nghĩa là những chất tạo vị ngọt cao nhưng không hoặc ít cung cấp năng lượng rất tốt thay thế cho thực phẩm ngọt khác với người tiểu đường. Một số chất tạo vị ngọt được dùng thông dụng hiện nay như: Saccharin, Cyclamat, Aspartam...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại