Thêm nhiều cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng; phát triển hệ thống phòng thủ tiểu hành tinh; và dọn dẹp mảnh vỡ không gian là ba trong số những mục tiêu chính của Trung Quốc trong thời gian tới khi nước này đẩy mạnh tham vọng trở thành cường quốc không gian số 1 thế giới, tờ South China Morning Post thông tin trong bài báo tựa đề "To the moon and back: China sets new targets in race to be No 1 space power" (tạm dịch: Lên Mặt trăng rồi trở về: Trung Quốc đặt những mục tiêu mới trong cuộc đua trở thành cường quốc không gian số 1).
MỤC TIÊU CỦA TRUNG QUỐC: CƯỜNG QUỐC VŨ TRỤ SỐ 1 TG
Ngày 28/1/2022, Trung Quốc phát hành sách trắng thứ năm về chương trình không gian của mình, phác thảo các dự án quan trọng và mục tiêu phát triển công nghệ trong 5 năm tới trong bối cảnh cuộc chạy đua với Mỹ đang diễn ra nhanh chóng, Tân Hoa Xã cho hay.
Với tiêu đề "Chương trình Không gian của Trung Quốc: Triển vọng năm 2021", sách trắng giới thiệu các mục đích, nguyên tắc, chính sách và biện pháp của Trung Quốc cũng như tư duy hợp tác trong việc khám phá không gian của họ. Nó tóm tắt những thành tựu của Trung Quốc trong khoa học vũ trụ, công nghệ vũ trụ và ứng dụng vũ trụ.
Ảnh chụp ngày 28 tháng 1 năm 2022 cho thấy phiên bản tiếng Trung và tiếng Anh của sách trắng về chương trình vũ trụ của Trung Quốc trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc. Anh: Tân Hoa Xã / Jin Liangkuai
Nội dung sách trắng có đoạn: "Ngành công nghiệp vũ trụ là một yếu tố quan trọng trong chiến lược quốc gia tổng thể và Trung Quốc duy trì nguyên tắc thăm dò và sử dụng không gian bên ngoài cho các mục đích hòa bình".
1. Thành tựu từ 2016-2021
Những thành tựu chính trong ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc kể từ năm 2016 đến nay bao gồm: Sự cải thiện ổn định về cơ sở hạ tầng không gian; Hoàn thành và vận hành Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou (BDS); Hoàn thành hệ thống quan sát Trái đất có độ phân giải cao; Cải thiện ổn định khả năng phục vụ của vệ tinh thông tin liên lạc và phát sóng;
Kết thúc bước cuối cùng của chương trình khám phá Mặt trăng ba bước; Hoàn thành các giai đoạn đầu tiên trong việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung; Thực hiện thành công chuyến hạ cánh và thăm dò sao Hỏa của Thiên Vấn 1.
2. Mục tiêu trong 5 năm tới
Sách trắng nêu ra các lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc có kế hoạch tập trung vào trong 5 năm tới để đạt được vị trí số 1 thế giới về không gian, bao gồm:
Hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc và hệ thống quan sát Trái đất có độ phân giải cao; Thực hiện nhiều cuộc đổ bộ lên Mặt trăng để tạo nền tảng cho một trạm nghiên cứu và khoa học ở đó; Xây dựng một hệ thống phòng thủ gần Trái đất chống lại các tiểu hành tinh; Mở rộng hành trình thám hiểm không gian sâu và sự phát triển của tên lửa hạng nặng.
Ngoài ra, còn phát triển hệ thống vận tải không gian, cơ sở hạ tầng không gian; máy bay không gian có người lái; thám hiểm không gian sâu; xây dựng các bãi phóng không gian; các thí nghiệm về công nghệ mới; và quản trị môi trường không gian.
Nhiều dự án trong số này hiện cũng đang được Mỹ và châu Âu theo đuổi.
Không lâu sau khi thiết bị lấy mẫu Mặt trăng Chang'e-5 của Trung Quốc được phóng lên vũ trụ, một quan chức làm việc tại chương trình vũ trụ của Trung Quốc đã đề cập lại kế hoạch về một căn cứ nghiên cứu Mặt trăng. Ảnh: CGTN
Trung Quốc đã sẵn sàng khám phá các vùng cực của Mặt trăng và đang nghiên cứu về một cuộc đổ bộ lên Mặt trăng có người lái. Nước này cũng cam kết cải thiện việc giám sát các mảnh vỡ không gian (rác vũ trụ) và mở rộng hệ thống quản lý môi trường không gian với hệ thống phòng thủ vật thể gần Trái đất và hệ thống giám sát khí hậu không gian mặt đất đã được lên kế hoạch.
Bắc Kinh cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ công với vệ tinh và mở rộng ngành công nghiệp ứng dụng vũ trụ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục với các nghiên cứu về khoa học vũ trụ, bao gồm nghiên cứu và phát triển vệ tinh phát hiện sóng hấp dẫn trong không gian, vệ tinh thăm dò Einstein và đài quan sát năng lượng Mặt trời trên không gian tiên tiến.
Sách trắng nhấn mạnh kế hoạch của Trung Quốc nhằm tăng tốc sự tham gia của các công ty/tập đoàn tư nhân vào không gian vũ trụ.
Cục trưởng Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc sẽ chuyển giao nhiều công nghệ hàng không vũ trụ hơn cho các công ty kinh doanh liên lạc, điều hướng và viễn thám, nhằm phát triển "các hình thức kinh tế vũ trụ mới", Phó Cục trưởng Wu Yanhua cho biết.
Sách trắng nhấn mạnh rằng Trung Quốc kêu gọi tất cả các nước thực hiện trao đổi và hợp tác sâu rộng trong không gian vũ trụ trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tận dụng hòa bình và phát triển bao trùm.
Các nước cùng nhau hợp tác nhiều hơn trong việc tuyển chọn và đào tạo phi hành gia, các chuyến bay chung và các lĩnh vực khác sẽ diễn ra giữa Trung Quốc và nước ngoài. Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác trong dự án Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS).
"Trung Quốc và Nga đang cùng khởi động kế hoạch xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) - đây là một dự án hợp tác khoa học quốc tế dài hạn lớn. Chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của tất cả các quốc gia quan tâm, các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học và kỹ sư" - Wu Yanhua nói.
Dòng tên lửa Trường Chinh là 'xương sống' của chương trình vũ trụ Trung Quốc. Ảnh: REUTERS/Tingshu Wang/File Photo
Dự kiến các vụ phóng tới Trung Quốc vào năm tới bao gồm các mô-đun phòng thí nghiệm vũ trụ Wentian và Mengtian (thuộc trạm vũ trụ Thiên Cung); Kính viễn vọng Trạm Không gian Trung Quốc (CSST); một tàu vũ trụ Thần Châu có người lái và một tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu.
Trạm vũ trụ Thiên Cung cũng được thiết lập để hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh vào cuối năm 2022 - đầu năm 2023.
Ngoài ra, Trung Quốc lên kế hoạch phát triển hệ thống tên lửa vũ trụ mạnh mẽ gồm Trường Chinh 8 và Trường Chinh 9 với lực đẩy mạnh mẽ và khả năng chịu tải lớn.
Sách trắng do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc xuất bản. Đây là sách trắng thứ năm của nước này về các hoạt động không gian. Trung Quốc đã ban hành sách trắng về các hoạt động không gian vào các năm 2000, 2006, 2011 và 2016.
Nguồn: South China Morning Post, Xinhuanet