"Con đường tơ lụa đến và xuyên Bắc Cực"
Với việc công bố "Sách trắng về chính sách đối với Bắc Cực", Trung Quốc tạo tiền lệ mới cả về chính trị thế giới lẫn pháp lý quốc tế.
Nước này ở cách xa Bắc Cực nhưng lại đã chính thức xác lập quyền và lợi ích ở khu vực Bắc Cực trong khuôn khổ ý tưởng về "Con đường tơ lụa đến và xuyên Bắc Cực". Sách trắng này đánh dấu sự chuyển biến của Trung Quốc từ thầm lặng tiếp cận đến công khai chinh phục khu vực Bắc Cực.
Sách trắng này chỉ mỏng có 20 trang nhưng đủ dày để ẩn chứa ý đồ chiến lược của Trung Quốc và mọi luận điểm được Trung Quốc sử dụng để hợp pháp hoá ý đồ ấy. Theo đó, có 3 lý do chính biện minh cho lợi ích của Trung Quốc ở khu vực ấy.
Thứ nhất, Trung Quốc tuy không giáp ranh với khu vực Bắc Cực nhưng ở gần nên không thể không có lợi ích ở đó.
Thứ hai, Trung Quốc là quốc gia bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trái đất nên không thể không quan tâm tới khu vực Bắc Cực.
Thứ ba, Trung Quốc cho tới nay đã có những hoạt động ở Bắc Cực và có liên quan đến Bắc Cực như tổ chức đoàn thám hiểm, tham gia các đoàn thám hiểm và đầu tư vào nghiên cứu Bắc Cực ở những đối tác giáp ranh với khu vực Bắc Cực.
Trung Quốc đã từ lâu đầu tư vào khu vực này để chen chân vào khu vực. Theo Trung tâm Phân tích Hàng hải (Center for Naval Analysis) ở Washington (Mỹ), trong thời gian từ 2005 đến 2017, Trung Quốc đã đầu tư 89 tỷ USD vào 8 thành viên của Hội đồng Bắc Cực để tham gia nghiên cứu, khảo sát Bắc Cực.
Ngoại trưởng các nước thuộc Hội đồng Bắc cực, quan sát viên và các quan chức quốc tế họp vào tháng 4/2015 tại Nunavut, Canada. Ảnh: Radio Canada International
Hội đồng này được thành lập năm 1996 ở Ottawa (Canada) bao gồm 8 thành viên là Mỹ, Nga, Canada, Phần Lan, Na uy, Iceland, Đan Mạch và Thuỵ Điển.
Năm 2013, Trung Quốc tham gia hội đồng này với tư cách là quan sát viên (hiện là một trong số 6 quan sát viên) không có quyền biểu quyết. Khoản đầu tư này rất đáng nể so với mức độ đầu tư của chính 8 thành viên nói trên.
Theo tờ nhật báo Thế giới của Đức, trong thời gian từ 2012 đến 2017, mức độ đầu tư của một số thành viên hội đồng vào các hoạt động liên quan đến khu vực này như sau: Nga 194,4 tỷ USD, Mỹ 189,7 tỷ USD, Canada 47,3 tỷ USD, Na uy 2,5 tỷ USD, Đan Mạch 2 tỷ USD và Iceland 1,2 tỷ USD.
Vươn xa, với cao
Khu vực Bắc Cực bao gồm lục địa Bắc Cực rộng khoảng 8 triệu km2 và biển Bắc Cực rộng khoảng 12 triệu km2. Trung Quốc không giáp ranh với lục địa Bắc Cực nên không thể và không dám tranh chấp gì với những bên giáp ranh. Nhưng Trung Quốc cho rằng mình có quyền tiếp cận, sử dụng và khai thác khu vực biển Bắc Cực.
So với khu vực Biển Đông, bản chất ý đồ chiến lược của Trung Quốc ở đây không khác mà chỉ có cách tiếp cận khác.
Trung Quốc nhằm vào nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực Bắc Cực, vào những tuyến đường vận tải biển trước viễn cảnh băng giá ở khu vực Bắc Cực không còn vĩnh cửu nữa và vào vị thế chính trị thế giới, cũng như địa chiến lược của quốc gia vừa có đủ khả năng chinh phục Bắc Cực vừa cắm chân bám rễ ở khu vực Bắc Cực.
Con đường tơ lụa nào thì cũng đều nhằm giúp Trung Quốc vươn ra xa hơn và với tới cao hơn, đều giúp Trung Quốc gây dựng khu vực lợi ích và ảnh hưởng như những sân chơi mà Trung Quốc vừa là cầu thủ chính, vừa là trọng tài.
Trong Sách trắng này, Trung Quốc khích lệ các doanh nghiệp của Trung Quốc đầu tư vào khu vực Bắc Cực và tham gia vào những hoạt động thám hiểm, nghiên cứu Bắc Cực. Thông điệp ẩn hiện ở phía sau đấy là Trung Quốc sẽ hiện diện nhiều hơn và hoạt động mạnh mẽ hơn ở khu vực này cũng như thế giới phải quen dần và chấp nhận Trung Quốc ở khu vực.
Trung Quốc chủ ý để ngỏ những câu hỏi như Trung Quốc chủ định hợp tác như thế nào với các đối tác khác ở khu vực này, đặc biệt với đối tác chiến lược của Trung Quốc là Nga, cũng như mục tiêu về quân sự và an ninh trong mọi hoạt động liên quan đến khu vực Bắc Cực.
Cũng vì thế mà Sách trắng này của Trung Quốc khiến không ít đối tác nói trên và cả ở thế giới bên ngoài không thể không nghi ngại. Con đường tơ lụa Bắc Cực không dễ khả thi và khó sớm thành công đối với Trung Quốc như chương trình Một vành đai, một con đường.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.