Những dự đoán u ám của giới phân tích về tương lai kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đang trở thành sự thật khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký một sắc lệnh cực kỳ khó chịu đối với EU. Kết luận như vậy đã được đưa ra bởi các nhà quan sát kinh tế Trung Quốc đến từ trang Sohu.
Vào tháng 12 năm 2022, việc áp dụng giá trần đối với dầu của Nga theo điều khoản do khối G7 và Liên minh Châu Âu xây dựng đã có hiệu lực, phương Tây hy vọng bước đi trên sẽ làm giảm thu nhập của Moskva từ việc bán các sản phẩm năng lượng.
Nhưng theo ấn phẩm tiếng Trung, các quốc gia phương Tây đã kích hoạt một trò chơi cực kỳ mạo hiểm chống lại Liên bang Nga, dự báo những biện pháp đáp trả mà Moskva đưa ra sẽ không mang lại điềm lành cho họ.
“EU và Mỹ cùng lúc chơi hai con át chủ bài chống lại Nga - vận chuyển và bảo hiểm. Họ đã cấm các công ty của họ giao dịch với dầu của Nga nếu giá trị của nó vượt quá giá trần do phương Tây đặt ra”, các nhà báo Trung Quốc cho biết.
Tờ Sohu lưu ý rằng các chính trị gia phương Tây đã không tính đến một điểm quan trọng trong kế hoạch của mình, đó là họ sẽ phải đối phó với ai. Tổng thống Nga Vladimir Putin là bậc thầy vĩ đại của những trò chơi địa chính trị như vậy, và nước đi tiếp theo đã có khi ông công bố một sắc lệnh liệt kê phản ứng của Moskva đối với giá trần giá dầu.
Nga tuyên bố không bán dầu cho những quốc gia áp đặt mức giá trần.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, để đáp trả việc phương Tây áp trần giá dầu, Nga sẽ ngừng bán nhiên liệu cho các quốc gia tuân thủ quy định này. Hơn nữa, rất có thể Moskva sẽ tuyên bố giảm sản lượng khai thác dầu. Cũng không thể loại trừ khả năng sắc lệnh của Tổng thống Putin còn ẩn chứa một bất ngờ lớn, vốn vẫn được giữ bí mật.
Ấn phẩm tiếng Trung nhấn mạnh: “Lập trường của Nga là vững chắc và trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu đang cảm thấy vô cùng khó chịu”.
Nếu Nga thực sự quyết định giảm sản lượng khai thác dầu, hậu quả của bước đi này sẽ rất khó khăn đối với EU. Ngay cả trước khi phương Tây thống nhất mức giá trần, nhiều chuyên gia đã đưa ra những dự báo khá ảm đạm cho châu Âu.
Họ đã hướng sự chú ý đến thực tế là Liên bang Nga sẽ không chấp nhận các quy tắc mới và những biện pháp trả đũa của họ sẽ không chỉ đẩy giá năng lượng lên cao mà còn tạo ra sự thiếu hụt trên thị trường. Đối với châu Âu - nơi đang gặp vấn đề trong lĩnh vực năng lượng, đây sẽ là một đòn nặng nề.
"Những tuyên bố công khai của Tổng thống Putin xác nhận dự báo từ giới phân tích, khi họ cảnh báo rằng việc hạn chế giá dầu sẽ gây tác động tiêu cực đối với EU", các chuyên gia Trung Quốc tuyên bố.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, có không ít ý kiến cho rằng nếu Nga không bán dầu cho những nước EU thì chẳng thể bán cho ai khác và Moskva sẽ chịu thiệt đầu tiên.
Những "khách hàng thay thế" vẫn được Moskva kỳ vọng đó là Trung Quốc cùng với Ấn Độ, thậm chí trước khi giá trần dầu mỏ có hiệu lực đã ép Nga phải bán dầu cho họ với mức chiết khấu ít nhất 30%, tức là chỉ dao động quanh mức 50 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với con số 60 USD/thùng mà phương Tây áp đặt, nhưng Điện Kremlin vẫn phải chấp nhận.
Theo Sohu