Cách thức chuyển giá của Sabeco
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho biết, việc sử dụng các công ty con và thực hiện hành vi chuyển giá đã từng được Sabeco thực hiện trong quá khứ. Năm 2015, khi thực hiện kiểm toán Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), KTNN đã phát hiện hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai thiếu thuế TTĐB số tiền 408,8 tỷ đồng.
"Sabeco vừa thực hiện sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm bia. Sabeco sản xuất và bán bia cho công ty con của mình là các công ty thương mại Sabeco. Công ty này không bán bia ngay cho người tiêu dùng mà bán qua công ty con khác do doanh nghiệp này chi phối với giá thấp. Sau đó bia được bán lại cho công ty khu vực, đến đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3, đến nhà hàng… sau đó mới đến người tiêu dùng" – ông Nguyễn Đình Hòa phân tích con đường từ nhà máy đến người tiêu dùng của sản phẩm bia Sabeco.
Cách thức bán bia qua lại giữa các công ty đã gây khó khăn trong xác định giá ở mốc thời điểm nào trong chuỗi bán hàng để tính thuế. Tuy nhiên, KTNN kết luận rằng Sabeco phải nộp thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco chứ không phải giá bán của Sabeco ra Công ty Thương mại Sabeco. Do đó, Sabeco phải nộp thêm ngân sách hơn 408,8 tỷ đồng.
Sabeco đã từng chấp nhận nộp thêm thuế
Ngay sau khi KTNN phát hành báo cáo kiểm toán và kiến nghị truy thu thuế TTĐB số tiền 408,8 tỷ đồng, Sabeco đã đưa ra lời giải thích. Theo Tổng công ty, giá tính thuế TTĐB là giá bán ra tại Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco do Tổng công ty ban hành quyết định và giá bán ra tại Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco không thấp hơn 10% so với giá bán ra tại các Công ty cổ phần Thương mại khu vực (các công ty con do Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco sở hữu trên 90% vốn điều lệ).
Số liệu báo cáo của các đơn vị cho biết, tổng doanh số chưa tính thuế do chênh lệch giữa giá bán ra của các Công ty cổ phần Thương mại khu vực và giá bán ra tại Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco trong năm 2013 là 1.914 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp thương mại là công ty con của Sabeco. Ảnh chụp website Sabeco
Tuy nhiên, KTNN đã không đồng tình với cách giải thích của Sabeco. KTNN khẳng định, Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco và các Công ty cổ phần Thương mại khu vực đều là những đơn vị thuộc hệ thống sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất là Công ty mẹ, không phải là cơ sở thương mại độc lập.
Do đó, Tổng công ty là đơn vị quyết định giá bán ra tại các Công ty cổ phần Thương mại khu vực, và giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của Công ty cổ phần Thương mại khu vực, không phải là giá bán ra tại Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco.
KTNN xác định số thuế TTĐB phải truy thu trên cơ sở 1.914 tỷ đồng chênh lệch nói trên là 408,8 tỷ đồng.
Trước những phân tích của KTNN, các đơn vị của Sabeco đã đồng thuận với kiến nghị truy thu thuế TTĐB năm 2013. Ngày 18/12/2015, 9 đơn vị của Sabeco gồm Công ty mẹ và 8 Công ty con đã thực hiện nộp đủ vào NSNN số thuế TTĐB truy thu năm 2013 là 408,8 tỷ đồng theo kiến nghị của KTNN.
Chuyện không chỉ riêng Sabeco
Không chỉ Sabeco, một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng từng có hành vi chuyển giá. Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) khẳng định, Sabeco và Habeco là ví dụ điển hình của hành vi vi phạm pháp luật về chuyển giá, sử dụng chuyển giá để trốn thuế.
"KTNN xác định Sabeco, Habeco tiêu thụ bia thông qua các công ty con và đại lý các cấp đến nhà hàng trước khi đến tay người tiêu dùng và sử dụng giá bán cho các công ty con thấp hơn so với giá bán đến tay người tiêu dùng để kê khai tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc doanh nghiệp lập ra nhiều tầng nấc trung gian để phân phối, nếu xét về bản chất, có thể coi là dấu hiệu chuyển giá vì giúp giảm số tiền phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt" – đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Sau cuộc kiểm toán năm 2016, KTNN đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB đối với Habeco và các đơn vị thành viên trong giai đoạn 2012 – 2015 số tiền là 920,2 tỷ đồng. Tính chung cả niên độ ngân sách năm 2016, số thuế TTĐB được KTNN đề nghị với Habeco lên đến 1.361 tỷ đồng.
Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng từng có hành vi chuyển giá.
Theo ông Trần Khánh Hòa, nội dung kiểm toán việc quản lý thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết cần phải đưa vào nội dung trọng yếu khi kiểm toán các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thâm chí, cần phải thực hiện kiểm toán đối đối với nhiều đối với nhiều đối tượng có liên quan (ngành Thuế, Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp…) nhằm đối chiếu, kiểm tra các thông tin liên quan đến các giao dịch liên kết trong và ngoài nước.