Trong văn bản mới đây phản hồi về những kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Bộ Công Thương cho biết, về việc chuyển giao Sabeco sang Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC, theo Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của SCIC, Sabeco không thuộc đối tượng phải chuyển giao sang SCIC sau khi cổ phần hoá.
“Việc chuyển giao này sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tại văn bản số 651/TTg-ĐMDN ngày 8/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cổ phần hoá về SCIC cũng không có Sabeco và Habeco”, văn bản của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký cho biết.
Về việc thoái vốn, Bộ Công Thương cho biết, trong các năm 2012, 2015, 2016, Bộ đã 4 lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các phương án thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc này.
Về việc niêm yết trên sàn chứng khoán, Bộ Công Thương cho biết, do trong các năm qua, Bộ Công Thương tập trung vào việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco với tinh thần là khi thoái vốn sẽ xin phép Chính phủ cho niêm yết ngay trên sàn chứng khoán.
“Vì vậy, tới nay Sabeco vẫn chưa niêm yết trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận thấy việc chậm xin phép Chính phủ cho Sabeco niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.
Thời gian tới, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét cho Sabeco được niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSE”, văn bản của Bộ Công Thương nêu.
Trước đó, liên quan đến vấn đề thoái vốn, cổ phần hoá Sabeco, VAFI đã nhiều lần gửi văn bản đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Tại các văn bản này, VAFI từng cho biết, 9 năm dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước làm ngược so với người tiền nhiệm, điển hình là Sabeco và Habeco sau 9 năm cổ phần hoá vẫn không được chuyển giao về cho SCIC hay như các “ông lớn” khác Vinatex, Petrolimex.
Nhiều đơn vị thành viên đã cổ phần hóa trực thuộc các tập đoàn… không chịu niêm yết.
VAFI cũng dẫn trường hợp Vinamilk và cho biết, cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk nhưng nay, ngược lại lợi nhuận Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco.
“Mục tiêu của việc thành lập SCIC là nhằm chuyên môn hóa công tác quản lý vốn nhà nước, tách biệt vai trò quản lý nhà nước và vai trò quản lý doanh nghiệp của các Bộ để tránh xung đột lợi ích, giúp các Bộ ngành, địa phương có nhiều thời gian cho công tác quản lý nhà nước nhưng tại sao có tình trạng níu kéo, chậm trễ trong việc bàn giao vốn cho SCIC?”, VAFI đặt câu hỏi.
Đưa ra các giả thiết lý giải vì sao có tình trạng cố tình trốn tránh niêm yết và không thực hiện nhiệm vụ mà nhà nước giao phó tại Sabeco và Habeco, theo VAFI do những người quản lý vốn "không thích sự minh bạch, do lợi ích cục bộ".
Liên quan đến thông tin của Bộ Công Thương cho biết, Sabeco không thuộc đối tượng phải chuyển giao sang SCIC sau khi cổ phần hoá trong khi trả lời báo chí mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính từng cho biết SCIC đề nghị bàn giao Sabeco, Habeco cho SCIC như với CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk.
“Trước đây, Thủ tướng từng chỉ đạo tạm thời giao Bộ Công Thương đại diện chủ sở hữu tại 2 doanh nghiệp này nhưng tới đây theo mô hình cải cách hành chính, Sabeco và Habeco là doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ, bia rượu cũng không phải ngành nghề mà Bộ Công Thương phải quản lý.
Chúng ta có thể bàn giao về SCIC, tách quản lý nhà nước để doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ tốt hơn”, ông Tiến từng phân tích.