Vào mùa hè nắng nóng, dưa hấu là thức quà không thể thiếu để mọi người giải khát.
Bất kể ở thời xa xưa hay hiện đại, ai cũng đều yêu thích dưa hấu. Mùa hạ sẽ không đúng nghĩa nếu không có miếng dưa hấu mát lạnh, ngọt thanh, mọng nước.
Ăn dưa hấu, ngồi dưới mái hiên bên chiếc quạt gió, nghe tiếng côn trùng kêu râm ran. Như vậy mới đúng là tận hưởng tháng hè trong năm.
Thế nhưng loại trái cây này khi mọc ở sa mạc thuộc địa phận của Trung Quốc lại không ai quan tâm. Dưa mọc đầy ruộng, mặc dù trời nắng đổ lửa, họng khát đến bỏng rát nhưng vẫn không có ai dám hái. Vì sao lại như vậy?
Sa Pha Đầu - nơi có những ngọn đồi cát nắng nóng
Loại dưa hấu “bị xa lánh” này mọc ở Sa Pha Đầu (một quận thuộc địa cấp thị Trung Vệ, Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, Trung Quốc).
Sa Pha Đầu nằm ở rìa phía Đông Nam của sa mạc Tengger (hay còn gọi là sa mạc Đằng Cách Lý) ở khu tự trị Ninh Hạ.
Cảnh quan độc đáo và tráng lệ của nơi đây đã thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm. Lượng hành khách khổng lồ và cảnh quan độc lạ, kỳ vĩ đã giúp Sa Pha Đầu trở thành khu thắng cảnh cấp 5A của Trung Quốc.
Năm 2008, Sa Pha Đầu được đánh giá là 1 trong "50 cảnh quan độc đáo nhất sông Hoàng Hà" tại Hội nghị du lịch Hoàng Hà.
Nhờ đó, Sa Pha Đầu đủ tự tin để khẳng định vị thế trong nhóm những địa điểm du lịch đáng đi nhất của Trung Quốc.
Mặc dù gọi là Sa Pha Đầu, một cái tên nghe thôi cũng đủ biết chỉ toàn là cát. Nhưng ngoài sa mạc, nơi đây còn tập hợp những con sông, núi và ốc đảo.
Sở hữu cảnh quan sa mạc nắng nóng, Sa Pha Đầu nổi tiếng với những đồi cát chập chùng, rộng lớn. Nếu may mắn, bạn còn có chiêm ngưỡng được ảo ảnh lộng lẫy và thần bí. Ở khu vực sông nước, bạn sẽ nhìn thấy bờ sông có những chiếc bè da cừu, là phương tiện di chuyển chở người và hàng hóa trên sông cổ xưa nhất ở Hoàng Hà. Ở khu vực có núi và ốc đảo, một số nơi được chỉ định là khu bảo tồn với các loài động vật quý hiếm, nằm trong danh sách cần được bảo vệ cấp quốc gia…
Ở nơi đầy nắng và gió như Sa Pha Đầu, trồng đủ loại dưa hấu là chuyện không có gì kỳ lạ. Chỉ là những cánh đồng đầy ắp quả dưa hấu căng mọng này lại để bảng hiệu cấm, nhắc nhở du khách không được hái và ăn.
Nhiều du khách hoang mang không hiểu, nhưng sau khi biết được nguyên nhân thì cho dù có khát nước đến mấy cũng không dám ăn dưa hấu mọc trên sa mạc ở Sa Pha Đầu.
Dưa hấu "bị xa lánh" trên sa mạc
Loại dưa hấu trên cánh đồng sa mạc ở Sa Pha Đầu không thực sự là dưa hấu chính hiệu.
Dưa hấu mà chúng ta ăn có vỏ mỏng, phần thịt quả bên trong thường có màu đỏ, mọng nước và ngọt, có thể ăn trực tiếp sau khi gọt vỏ. Song, loại dưa hấu này không thể ăn trực tiếp như dưa hấu thông thường. Ngộ nhỡ ăn vào bụng, nếu không được cấp cứu kịp thời, người ăn phải sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Chính vì thế, người dân địa phương gọi loại dưa hấu này là “dưa hấu thuốc”. Điều này giải thích tại sao khu thắng cảnh Sa Pha Đầu cấm khách du lịch hái và ăn dưa hấu mọc trên sa mạc.
Ăn vào trúng độc
Theo nghiên cứu, các nhà thực vật học đã phát hiện ra dưa hấu thuốc có chứa 4 loại saponin, 3 loại hợp chất sắt và 2 loại ancaloit, khi trộn lẫn với nhau sẽ tạo thành chất độc cực mạnh.
Mặc dù trong thịt quả dưa hấu thuốc không có nhiều nước nhưng trong dây leo và thân rễ của chúng vẫn còn nước, nước ép này có tính ăn mòn rất cao, khi tiếp xúc với da sẽ tạo ra cảm giác bỏng rát, cảm giác đau đớn khiến người ta ám ảnh cả đời.
Hơn nữa, vỏ của dưa hấu thuốc còn có rất nhiều lông tơ. Loại lông mịn này có chứa hàm lượng kiềm cao, nếu bạn vô tình chạm vào sẽ vô cùng ngứa ngáy.
Điều quan trọng nhất chính là, không được ăn phần thịt quả, vì ăn vào sẽ ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể con người, trường hợp nặng có thể gây suy thận, nguy hiểm đến tính mạng.
Điều đáng nói là do nguồn nước của sa mạc vô cùng khan hiếm, một số động vật sẽ liều lĩnh ăn dưa hấu thuốc, kết quả là nhiều động vật chết trước cây dưa hấu thuốc, vì vậy nhìn thấy dưa hấu thuốc trên sa mạc. Nghĩa là có thể nhìn thấy nhiều xác động vật.
Thịt quả đắng chát, không ngon miệng
Tò mò là bản tính của con người! Nên để nghiên cứu dưa hấu thuốc, nhiều nhà thực vật học đã liều ăn thử, tất nhiên ăn một lượng rất ít nên không gây tử vong.
Theo các chuyên gia này, thịt quả dưa hấu thuốc rất xốp, ăn như bầu hồ lô già.
Hơn nữa, vị rất đắng, do phần thịt quả chứa nhiều kiềm, nên có vị đắng như khổ qua (mướp đắng). Động vật tò mò ăn dưa hấu thuốc, cuối cùng vừa trúng độc vừa chán chường bởi vị đắng chát.
Không phải là loại trái cây giải khát
Hình dạng của dưa hấu thuốc rất giống với dưa hấu chúng ta thường ăn, nhưng có những điểm khác biệt cơ bản.
Dưa hấu bình thường cần rất nhiều nước để sinh trưởng và phát triển, trong khi dưa hấu thuốc cần rất ít nước, vì vậy loại dưa hấu này sẽ không mọng nước cho dù đã chín, không dùng để giải khát.
Hơn nữa, phần thịt quả của dưa hấu thuốc rất rỗng và xốp, màu trắng, còn có rất nhiều hạt, cứng hơn hạt dưa hấu thông thường, khó tiêu hóa.
Hình dáng bên ngoài của dưa hấu thuốc rất giống dưa hấu thường, cũng có hình tròn giống như quả bóng căng phồng, phần vỏ màu xanh ngả vàng, có những đường vân dễ thấy. Nhưng dưa hấu thuốc chỉ có một hình dạng tròn lẳng, chứ không phải có loại dài hình bầu dục như dưa hấu đỏ.
Dưa hấu thuốc - loài cây thần kỳ của sa mạc
Loại dưa hấu thuốc có độc, không mấy “thân thiện” với con người này làm sao có thể sinh trưởng trên sa mạc?
Tiến hóa có độc để sinh tồn
Ngoại trừ Sa Pha Đầu, dưa hấu thuốc cũng mọc ở rất nhiều nơi. Môi trường tự nhiên của Sa Pha Đầu tương đối thích hợp cho sự sinh trưởng của dưa hấu thuốc.
Tuy nhiên, dưa hấu thuốc được thấy mọc nhiều nhất trên sa mạc khô cằn, nơi mưa cũng là điều xa xỉ.
Để tồn tại trong sa mạc, dưa hấu thuốc cần tích trữ rất nhiều nước. Ngoài ra, các loài động thực vật sống trên sa mạc cũng cần bảo vệ phần nước tích trữ này, nếu không sẽ dễ dàng bị bốc hơi dưới trời nắng nóng đổ lửa hoặc bị động vật khác tranh giành. Đương nhiên, dưa hấu thuốc cũng có cách riêng.
Các loài xương rồng sống trong sa mạc dự trữ nước trong thân của chúng để duy trì sự sống. Xương rồng mọc gai để ngăn chặn những loài động vật lăm le phần nước quý giá này. Gai nhọn là một kiểu tự vệ, cũng là biện pháp giúp xương rồng giảm thiểu quá trình thoát hơi nước.
Tuy nhiên, dưa hấu thuốc không mọc gai, chỉ có thể tự tiến hóa thành loài “dưa hấu” cực độc. Một con vật ăn dưa hấu thuốc hòng giải khát nhưng sau đó bị giày vò bởi cơn quặng thắt dạ dày, cơ thể bỏng rát khắp nơi. Kể từ đó, không có một loài động vật nào còn dám “thưởng thức” dưa hấu thuốc nữa.
Không chỉ có mỗi độc tính
Loài chất độc như đã nói ở trên, dưa hấu thuốc cũng có tính dược liệu như tên gọi của nó. Ở một số nơi, dưa hấu thuốc được dùng làm thuốc chữa bệnh dạ dày và tiêu chảy.
Tuy nhiên, sau khi khoa học công nghệ hiện đại nghiên cứu, chuyên gia nhận thấy thành phần của loại dưa hấu này thích hợp dùng làm thuốc trừ sâu hơn, từ đó đã được nông dân địa phương tin dùng và làm theo, vừa tiết kiệm vừa hiệu quả, quan trọng hơn là bảo vệ môi trường.
Dưa hấu thuốc có giá trị nhất là ở phần hạt. Sau khi phơi khô và ngâm dược liệu, phần hạt có thể dùng làm thuốc nhuận tràng, được sử dụng rộng rãi từ xa xưa.
Vỏ dưa hấu phơi khô còn có tác dụng chữa bệnh dạ dày. Chỉ là dưa hấu thuốc không được trồng phổ biến nên sản lượng rất thấp.
Ngoài giá trị kinh tế và công dụng làm thuốc, dưa hấu thuốc còn có vai trò cản gió, chắn cát rất hiệu quả. Vì dưa hấu thuốc chỉ sống được ở sa mạc nên thân rễ phát triển tốt, chịu hạn tốt, lại không sợ thiếu nước.
Là một loài thực vật có quả sống trong tự nhiên, dưa hấu thuốc là một loài cây thần kỳ. Nó có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, đánh lừa con người và động vật khác bởi vẻ ngoài “ngon miệng”, trông như thức quà giải khát nơi sa mạc nắng nóng, nhưng sau đó phải trả giá đắt.