Ngày 25/5, CNBC dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Nga vừa âm thầm tiến hành một vụ phóng thử tên lửa của hệ thống phòng không S-500 và đã tấn công trúng mục tiêu ở khoảng cách kỷ lục 300 dặm (hơn 480 km), xa hơn 50 dặm (80 km) so với bất kỳ vụ thử nào trước đây.
Cần biết rằng, tầm bắn hiện tại của hệ thống S-400 khi sử dụng tên lửa 40N6 là khoảng 250 dặm (400 km). Trước đây, các hãng truyền thông Nga từng đưa tin, phiên bản chế tạo cuối cùng của S-500 sẽ có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 370 dặm (600 km).
CNBC là hãng truyền thông đầu tiên đưa tin về diễn biến mới nhất này của hệ thống phòng thủ S-500 mặc dù không nói rõ vụ phóng thử diễn ra khi nào.
Một khi được đưa vào hoạt động, tổ hợp S-500 có thể gia tăng đáng kể các khả năng chống tiếp cận - chống xâm nhập của Quân đội Nga ở châu Âu, Đông Á và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Quân đội Nga từng tuyên bố, hệ thống tên lửa đặt trên mặt đất S-500 có khả năng đánh chặn cả tên lửa siêu thanh, máy bay không người lái, máy bay có người lái và các chiến đấu cơ tàng hình như F-22 và F-35. Tổ hợp cũng sẽ giúp Nga gia tăng khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu bằng các đòn tấn công chính xác.
Các hợp phần của hệ thống phòng thủ S-500
Khả năng tiêu diệt tên lửa dạn đạo được đánh giá là ưu thế quan trọng nhất đối với Nga. Nhiều thông tin cho thấy, hệ thống phòng thủ cơ động S-500 sẽ đóng vai trò chính yếu trong việc thay thế hoặc ít nhất cũng bổ sung thêm khả năng cho hệ thống thống phòng thủ tên lửa đạn đạo cố định A-135 của Nga.
S-500 cũng sẽ hỗ trợ cho các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 hiện nay và mang lại cho Quân đội Nga các khả năng phòng thủ tầm xa và chống tên lửa đạn đạo uy lực.
Tổ hợp dự kiến sẽ là sự bổ trợ đắc lực cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo A-235 mà Nga đang phát triển. Đây là một hệ thống cơ động khác nữa của Nga với vai trò chính yếu là vũ khí chống vệ tinh. Ngoài ra, rất có thể trong tương lai Nga sẽ phát triển phiên bản S-500 dành cho hải quân để trang bị cho các tàu chiến.
Hai tên lửa mới sử dụng cho S-500 là 77N6-N và 77N6-N1 có khả năng đánh chặn ngay ở giai đoạn giữa các tên lửa đạn đạo, với các tính năng thậm chí còn vượt trội hơn cả hệ thống Aegis của Hải quân Mỹ trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 biên chế cho các tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
CNBC không cho biết trong vụ thử mới nhất này, S-500 của Nga đã sử dụng chủng loại radar hay cảm biến nào. Hiện tại, các radar 91N6E(M) băng tần S, 96L6-TsP băng tần C, radar đa chế độ 76T6 và radar chuyên dụng dùng cho chống tên lửa đạn đạo 77T6 đều là các hợp phần của S-500.
Với những cảm biến này, hãng chế tạo Almaz-Antey tuyên bố, S-500 khi hoàn thiện sẽ có thể đảm nhận nhiều hơn các chức năng phòng thủ truyền thống ở những tầm tấn công cực xa.
Tiết lộ mới nhất được CNBC đưa ra chỉ một tuần sau khi cũng chính hãng truyền thông này đăng tải các báo cáo tình báo Mỹ nhận định Nga có khả năng sẽ đưa vào biên chế phương tiện phóng lướt siêu vượt âm với tên gọi Avangard vào năm 2020, loại vũ khí hoàn toàn mới được cho là không một hệ thống phòng thủ nào trên thế giới có thể đánh bại.
Hệ thống radar “Yenisei” dự kiến trang bị cho S-500 xuất hiện trên kênh truyền hình Russia-1 TV