Tháng trước, Nga và Serbia đã tổ chức một cuộc tập trận phòng không chung đầu tiên mang tên Slavic Shield. Trong cuộc tập trận này, các binh sĩ thuộc lực lượng phòng không Serbia đã được học cách vận hành hệ thống tên lửa phòng không S-400, huấn luyện sử dụng thứ vũ khí đỉnh cao này để tấn công vào một loạt mục tiêu, cả mục tiêu giả định và mục tiêu thực.
Trong bối cảnh như vậy, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng Serbia mua các hệ thống S-400 của Nga.
Theo cựu Ngoại trưởng CHLB Nam Tư (FRY) cũ - ông Živadin Jovanović, Nam Tư đã để ý đến hệ thống phòng không S-300 của Nga từ năm 1989. Các cuộc đàm phán mua hệ thống này đang diễn ra thì Nam Tư tan vỡ. Sau khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ bằng thỏa thuận Dayton năm 1995, CHLB Nam Tư mới tiếp tục quan tâm đến việc mua các hệ thống phòng không của Nga.
Tuy nhiên, cuộc chiến Kosovo năm 1998 nổ ra đã lại một lần nữa phá hỏng hợp đồng S-300. Liên Hợp Quốc sau đó đã áp đặt lệnh cấm vận mới lên Nam Tư vào năm 1998.
Với việc lệnh cấm vận trên được dỡ bỏ năm 2001, Cộng hòa Serbia đã được tự do mua vũ khí và có nhiều thông tin về việc Serbia muốn mua S-300 của Nga. Tuy nhiên, cả Moscow và Serbia đều bác bỏ thông tin nói trên.
Nhưng với cuộc tập trận phòng không vừa diễn ra, tình hình có vẻ đang thay đổi. Rất có thể Bộ Quốc phòng Serbia đang chờ đợi được Nga bán cho các hệ thống tên lửa S-400.
Thông tin trên chắc chắn sẽ khiến Mỹ đứng ngồi không yên vì lo lắng.
Với thông tin Serbia có thể đang có ý định mua các hệ thống tên lửa phòng không đình đám S-400 của Nga, danh sách khách hàng quan tâm đến loại vũ khí này của Nga tiếp tục tăng lên. Năng lực đỉnh cao của hệ thống tên lửa S-400 đang hút khách ở những thị trường vốn lâu nay được độc chiếm bởi phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Đến thời điểm này, đã có 6 quốc gia được cho là đang tham gia vào các giai đoạn khác nhau của qua trình đàm phán nhằm có được quyền sở hữu các tên lửa S-400 Triumf hay còn gọi là SA-21 Growler của Nga.
Moscow đã ký hợp đồng bán S-400 cho hai nước là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, Bắc Kinh và Ankara đều đã nhận được các hệ thống S-400. Ấn Độ, Qatar và Ả-rập Xê-út vẫn đang đàm phán với Nga về những chi tiết cụ thể của một hợp đồng mua bán S-400. Trong khi đó, Serbia được cho là đang để ý đến S-400 của Nga.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s.
S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.