Cụ thể, vương quốc Ả Rập này, cùng với Qatar, Bahrain, Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ - tất cả đều là những nước từng nằm trong vùng ảnh hưởng của phương Tây thời kỳ chiến tranh Lạnh, đang đẩy mạnh quá trình đàm phán với Nga về thời gian tiếp nhận S-400, một hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến mà theo nhiều chuyên gia quân sự, thế giới hiện không có đối thủ xứng tầm.
Bị "hút hồn" bởi S-400 Nga, đồng minh quay lưng với Mỹ?
Xét trong bối cảnh các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo liên tục ghi nhận "những kết quả hoạt động tồi tệ", thậm chí ngay cả với việc đánh trả những tên lửa đạn đạo tự chế sơ đẳng của Yemen thì việc Saudi Arabia có được S-400 chắc chắn sẽ là một công cụ hữu hiệu nhất bảo vệ không phận của đất nước.
Bên cạnh đó, do Riyadh cũng đang phải đối diện với nguy cơ cao bị tấn công từ Iran - đối thủ lâu đời trong khu vực sở hữu những vũ khí vừa tiên tiến hơn, lại vừa áp đảo về số lượng nên S-400 được kỳ vọng sẽ trở thành phương tiện răn đe hiệu quả cho Saudi Arabia.
Mặc dầu vậy, cho dù hợp đồng mua bán S-400 giữa Saudi Arabia và Nga đã được ký kết từ năm 2017 nhưng các thông tin chi tiết liên quan cũng như thời gian chuyển giao cụ thể vẫn đang được đàm phán.
Liệu các biến thể xuất khẩu S-400 mà Riyadh tiếp nhận có được trang bị tên lửa siêu thanh 40N6 với tầm tấn công vượt đường chân trời và khả năng tiêu diệt mục tiêu ở vận tốc gấp 15 lần vận tốc âm thanh hay không vẫn đang là câu hỏi còn để ngỏ.
"Các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn và chưa kết thúc", Đại sứ Saudi Arabia tại Nga, ông Raid bin Khalid Krimli, đã cho biết như vậy khi đề cập tới thương vụ S-400 với Moscow.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 tham gia một lễ duyệt binh tại Moscow. Ảnh: Vladimir Karnozov
Về phần mình, Mỹ từng mạnh mẽ đe dọa tất cả các khách hành tiềm năng của S-400 bằng đòn đánh kinh tế theo Đạo luật Chống các Đối thủ của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA).
Tuy nhiên, liệu Mỹ có mạo hiểm đánh đổi những lợi ích thiết thực trong quan hệ với Riyadh, nhất là những hợp đồng vũ khí "béo bở" để thực thi lệnh trừng phạt hay không thì cũng vẫn phải chờ xét.
Thế nhưng, hồ sơ tác chiến của Patriot rõ ràng là một điều rất đáng nghi ngờ, thậm chí đã có thời điểm nó còn quay đầu phản chủ!
Lịch sử đánh chặn của Patriot từng khiến Mỹ "mất mặt"
Theo Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, kết quả phân tích đoạn video ghi lại vụ tập kích hôm 25/3/2018 cho thấy, hệ thống này đã không thể đánh chặn được tên lửa của Houthi khi chiếc thứ hai quay ngược hình chữ "U" rồi phát nổ trên chính bầu trời Thủ đô Riyadh.
Nhưng chuyên gia Jeffrey Lewis lại đặc biệt nghi ngờ khả năng Patriot đã từng đánh chặn được bất cứ tên lửa đạn đạo tầm xa nào trong thực chiến. Vì thực tế, chưa có bất cứ một bằng chứng công khai nào đủ thuyết phục để chứng minh về một vụ đánh chặn thành công của Patriot.
Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, công chúng đã bị "dắt mũi" khi phải tin rằng Patriot đã có màn trình diễn hoàn hảo khi đánh chặn được 45/47 quả tên lửa Scud. Đánh giá sau đó của Lục quân Mỹ đã rút con số ước tính xuống còn 50%, thậm chí chỉ là 1/4.
Tổ hợp phòng không Patriot của Mỹ khai hỏa. Ảnh: AP
Một nhân viên của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ khẳng định, nếu lực lượng Lục quân nước này áp dụng phương pháp đánh giá một cách trung thực con số có thể còn thấp hơn.
Theo điều tra của Ủy ban Các chiến dịch của Chính phủ thuộc Hạ viện Mỹ, không có đủ bằng chứng để đi đến kết luận về bất cứ vụ đánh chặn thành công nào.
"Có rất ít bằng chứng chứng tỏ Patriot đã bắn trúng nhiều hơn vài quả tên lửa Scud của Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh", tóm tắt báo cáo của Ủy ban trên kết luận. "Vẫn còn có những nghi ngờ về những vụ đánh chặn này".
Trong khi đó, S-400 có khả năng cùng lúc tấn công tới 80 máy bay, tên lửa hành trình/đạn đạo bằng 160 quả tên lửa đánh chặn. Các cảm biến của hệ thống được cho là có khả năng phát hiện được cả những máy bay tàng hình tiên tiến nhất như F-22 Raptor của Mỹ.
Tổ hợp phòng không này cũng được trang bị nhiều loại tên lửa với các tầm tấn công khác nhau như 40N6 (380 km), 48N6E2 (200 km) hay 48N6DM/48N6E3 (250 km).
Bên cạnh đó, với tầm phát hiện mục tiêu 600 km, S-400 hoàn toàn có thể giúp Saudi Arabia bao quát phần lớn không phận Iran và có thể tấn công ở hầu hết các độ cao từ 5 m trở lên, cho phép hệ thống cũng có thể đóng vai trò như một trực thăng "sát thủ" đối với bất cứ mục tiêu có giá trị cao nào.
S-400 khai hỏa tại trường bắn Ashuluk trong cuộc tập trận chiến thuật của Lực lượng phòng thủ Vũ trụ Nga.