S-400 là "ảo tưởng", Mỹ phải đập vỡ "nam châm Syria" của Nga-Thổ

Trương Mạnh Kiên |

Mỹ đã nhầm khi cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 là lựa chọn trôi vào quỹ đạo Nga. Muốn phá quan hệ này, Mỹ phải tìm đến Syria.

S-400 là ảo tưởng, Mỹ phải đập vỡ nam châm Syria của Nga-Thổ - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gắn kết bởi "chất keo" Syria.

Nam châm Syria

Hợp tác ở Syria đã được chứng minh về tính hiệu quả và cùng có lợi cho cả hai phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, như được minh họa bởi tiến trình ba bên Astana (bao gồm cả Iran) và Sochi.

Rõ ràng tiến trình sẽ không thể nào khởi sắc nếu không có Nga. Nhưng, chính Thổ Nhĩ Kỳ là một bên quan trọng khi giúp cho tiến trình này mang tính hợp pháp và được quốc tế chấp nhận.

Nếu không có Ankara, tiến trình Astana sẽ chỉ là những cuộc tập hợp của các cường quốc ủng hộ cho chính quyền Syria. Không có khả năng Pháp và Đức sẽ tham gia cuộc họp của bộ ba Astana tại Istanbul vào tháng 10/2018, nếu nó không được tổ chức bởi Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO. Do đó, cuộc khủng hoảng Syria đã trở thành chất keo trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga trong những năm gần đây.

Cần phải lưu ý rằng, cuộc khủng hoảng Syria cũng là thử thách khó khăn nhất đối với mối quan hệ, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có các ưu tiên và tầm nhìn khác nhau đối với hồi kết trong cuộc chiến.

Cuộc tấn công gần đây của Nga-Syria vào Idlib, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào các tiền đồn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy bản chất lung lay trong hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ-Nga ở Syria.

Hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang ngày càng chuyển sang các ngành và lĩnh vực tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau. Không còn là xây dựng, du lịch, dệt may và rau quả xác định mối quan hệ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ-Nga.

Thay vào đó, sự hợp tác đã chuyển sang các ngành chiến lược tạo ra mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau lâu dài - từ dự án đường ống TurkStream đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu và mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Vào thời điểm thương vụ S-400 hoàn tất, Nga dự kiến chiếm hơn 13% thị phần nhà cung cấp trên thị trường vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hiện nay là sự phụ thuộc bất đối xứng có lợi cho Nga hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm quyền tự chủ trong chính sách đối ngoại và an ninh trên thực tế có thể dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào Nga.

Cuộc khủng hoảng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ -phương Tây

S-400 là ảo tưởng, Mỹ phải đập vỡ nam châm Syria của Nga-Thổ - Ảnh 2.

S-400 không phải là sự lựa chọn chấm dứt với phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tính chất mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-phương Tây - hiện đang bị khủng hoảng - là yếu tố chính hình thành mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga. Không còn bằng lòng với các mối quan hệ phân cấp trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ muốn được phương Tây công nhận là một cường quốc lớn trong khu vực.

Cả khuôn khổ Chiến tranh Lạnh trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ (Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952 và liên minh Thổ-Mỹ là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh) cũng như khuôn khổ gia nhập EU sẽ không thể giải quyết nỗi lo về vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với phương Tây.

Rõ ràng, chất xúc tác cá nhân giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin, những điểm tương đồng trong phong cách quản trị và những bất bình của họ đối với phương Tây đã giúp cải thiện quan hệ giữa Ankara và Moscow. Nhưng, cuộc khủng hoảng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-phương Tây mang tính cấu trúc. Nó có trước chính quyền Erdogan và sẽ tồn tại lâu hơn nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp những yếu tố này, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang gia nhập quỹ đạo của Nga. Giới tinh hoa Thổ Nhĩ Kỳ luôn cảnh giác với tham vọng địa chính trị của Nga. Từ chối sự hiện diện đáng kể của Nga ở phía Nam biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ là một quan điểm nhất quán kể từ thời Đế chế Ottoman.

Không giống như mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, vốn có truyền thống nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới tinh hoa và các thể chế (đặc biệt là các nhóm chính sách đối ngoại và an ninh) và được củng cố bởi một thế giới quan nhất định, mối quan hệ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga thiếu một khuôn khổ bao quát như vậy.

Các khát vọng cạnh tranh trong khu vực và các mối quan tâm an ninh khác nhau của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga (ở Syria) cũng lột trần mối quan hệ giữa họ. Tuy nhiên, bất chấp cuộc khủng hoảng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-phương Tây, tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong các thể chế lớn của phương Tây, bao gồm cả NATO, sẽ không sớm kết thúc.

Đây là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ không tin rằng, họ đang từ bỏ vị trí của mình trong thế giới phương Tây. Không giống như nhiều nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ không cho rằng mình phải lựa chọn giữa Nga và phương Tây thông qua việc mua S-400 của Nga.

Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang từ bỏ suy nghĩ rằng quan hệ của họ với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng là không thể thiếu.

Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng lợi ích của họ được phục vụ tốt hơn thông qua hành động cân bằng giữa quan hệ truyền thống với phương Tây và gần đây là cải thiện quan hệ với các nước như Nga và Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là thay vì gia nhập quỹ đạo của Nga, giai đoạn tiếp theo của chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang tính đặc biệt, giao dịch, dựa trên vấn đề và thiếu bất kỳ khuôn khổ hoặc định hướng tổng thể nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại