Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định kích hoạt hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất vào tháng 4 tới đây, bất chấp cảnh báo từ Mỹ về việc nước này sẽ không thể có được hệ thống phòng thủ Patriot.
Cuộc khủng hoảng S-400 kéo dài suốt một năm qua giữa bộ ba Nga-Thổ-Mỹ dường như đã đến hồi kết thúc khi Ankara vẫn kiên định với kế hoạch của mình, bất chấp lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ.
Tuy nhiên, với những diễn biến căng thẳng gần đây ở Syria, giới quan sát tin rằng vẫn còn một cách để Mỹ cứu vãn tình hình và khiến cho S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ không thể kích hoạt trong thời điểm này.
Mỹ vẫn còn khe cửa hẹp để cản trở S-400 hoạt động.
Mỹ vẫn chuẩn bị sẵn đòn trừng phạt
Sau những căng thẳng gần đây với Nga ở Idlib - nơi hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong các cuộc tấn công của quân đội Syria - Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thể hiện sự quan tâm nghiêm túc đến việc mua hệ thống Patriot của Mỹ nhằm củng cố năng lực phòng thủ đất nước.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã khiến Ankara thất vọng khi khẳng định họ sẽ không bán hệ thống Patriot trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ hoãn kế hoạch triển khai S-400 của mình. Tuyên bố này khiến Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa bước vào tình thế khó xử.
Karol Wasilewski, một nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan cho rằng, Tổng thống Erdogan và giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã thực sự nghiêm túc khi nói rằng họ muốn có cả S-400 và Patriot.
"Tầm nhìn của Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện một chính sách đối ngoại đa chiều", ông nói với Arab News. "Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể nhận được Patriot cho đến chừng nào họ vẫn quyết tâm kích hoạt S-400. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt S-400, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt theo đạo luật CAATSA".
Các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ CAATSA có 12 lựa chọn, bao gồm từ chối thị thực đối với quan chức, từ chối hoặc cấm giấy phép xuất khẩu và ngăn chặn mọi giao dịch với hệ thống tài chính Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần yêu cầu người đồng cấp Erdogan từ bỏ hệ thống trị giá 2,5 tỷ USD của Nga, được chuyển giao đến Thổ Nhĩ Kỳ từ năm ngoái và thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông.
Trong diễn biến mới ở Syria, nơi Ankara rất khao khát muốn có Patriot giữa lúc chốt lịch trình kích hoạt S-400, giới phân tích tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ mất cả chì lẫn chài.
"Thổ Nhĩ Kỳ không những không thể vận hành S-400 và mua Patriot đồng thời cùng một lúc mà việc vận hành S-400 có thể sẽ dẫn đến lệnh trừng phạt của Mỹ", ông Ozgur Unluhisarcikli, chuyên gia từ Quỹ Marshall nhận định.
Những biện pháp trừng phạt này không chỉ nằm trong các lựa chọn của CAATSA, mà còn từ dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ khắc nghiệt khác có tên S.2641, đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua.
Cuộc khủng hoảng S-400 sẽ có kết quả vào tháng 4 tới khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức kích hoạt hệ thống của Nga.
Dự luật S.2641 đặt ra các hạn chế bán vũ khí của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ để sử dụng trong bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào ở miền Bắc Syria, cùng với đó Mỹ sẽ phản đối bất kỳ khoản vay nào được cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Nó cũng hạn chế thị thực và đóng băng tài sản Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ. Đồng thời, dự luật kêu gọi thực thi lệnh trừng phạt CAATSA đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù Nhà Trắng lo ngại rằng một động thái như vậy có nguy cơ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn với Nga, Quốc hội Mỹ lại ủng hộ những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Ankara.
Khe cửa hẹp cho Mỹ-Thổ
Về phần mình, chuyên gia Unluhisarcikli tin rằng có một cách để vượt qua bế tắc này.
"Mỹ có thể đề nghị triển khai hệ thống Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng một năm để đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không kích hoạt S-400 trong cùng khoảng thời gian đó", ông nói.
Bằng cách này, các lệnh trừng phạt ít nhất sẽ bị hoãn lại và sẽ có một cơ hội để giải quyết vấn đề S-400 theo cách tích cực hơn, không gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã suy yếu, Unluhisarcikli lập luận
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Ankara có thể sẵn sàng thỏa hiệp như vậy để tránh các lệnh trừng phạt hay không, khi vào năm ngoái, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ rất cần hệ thống của Nga, đồng thời nhận xét: Một món hàng đã mua về thì không nên để mãi trong hộp.
Nói cách khác, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có quyết định rõ ràng trong tâm trí mình về hệ thống S-400.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên có lực lượng quân sự lớn thứ hai NATO - kích hoạt hệ thống do Nga sản xuất như tuyên bố, nhiều khả năng Ankara sẽ đặt quốc gia mình vào một cuộc xung đột với các đồng minh NATO khi những lo ngại về việc hệ thống Nga có thể làm rò rỉ thông tin mật của NATO vẫn còn đó.
Đối với Washington, giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng này là bằng mọi giá không để cho hệ thống S-400 hoạt động, và như thế người Mỹ cũng sẽ không nhượng bộ.