Su-35 tiên phong truy sát máy bay Thổ và Israel
Kể từ khi lực lượng viễn chinh Quân đội Nga có mặt tại Syria (tháng 9/2015) tới nay, chưa bao giờ Moscow tỏ ra cứng rắn đến như thế. Bắt đầu từ tháng 8/2019, lệnh trên truyền xuống: Các lực lượng Nga ở Syria được phép bắn hạ bất cứ máy bay "lạ" nào xâm phạm vùng trời Syria.
Quán triệt mệnh lệnh, các máy bay tiêm kích Su-35 của Không quân Nga trong gần 2 tháng qua đã liên tiếp xuất kích từ sân bay Khmeimim đánh chặn các chiến đấu cơ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thống kê ghi nhận được, đã có ít nhất 6 hoặc 7 lần Su-35 thực hiện nhiệm vụ truy cản chiến đấu cơ và máy bay không người lái của đối phương.
Trong lần gần nhất cách đây chừng 1 tuần (19/10), 2 chiếc tiêm kích Su-35 Nga đã được lệnh vút lên đánh chặn 1 F-16 Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng trời miền Bắc Syria khiến phi công Thổ hoảng loạn phải hủy bỏ nhiệm vụ, "chạy té khói" luôn và ngay, chẳng dám ở lại không phận Syria thêm bất kỳ phút nào nữa.
Hành động "bỏ chạy" của phi công tiêm kích F-16 là hoàn toàn có thể hiểu được bởi lẽ:
Thứ nhất là Su-35 của Nga được đánh giá là dòng tiêm kích thế hệ 4++ hiện đại và uy lực nhất trên thế giới hiện nay.
Có lẽ không một loại tiêm kích nào của Mỹ hay phương Tây có đủ khả năng 1 chọi 1 với Su-35 mà có thể giành được phần thắng. Su-35 quá mạnh, từ radar hàng không và hệ thống điện tử tinh vi cho tới các loại tên lửa không đối không tốt nhất thế giới như R-73 tầm ngắn hay R-27 tầm trung xa. Đó là còn chưa kể tới tên lửa không đối không R-77 cực kỳ lợi hại.
Thứ hai, tính năng thua kém thì 1 mình F-16 đã khó chống đỡ được 1 Su-35 chứ chưa nói đằng này lại bị tới 2 chiếc Su-35 truy sát cùng lúc. "1 chọi 2 không chột, cũng què", phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn sáng suốt là "tẩu vi thượng sách" bởi lẽ "tránh voi chả xấu mặt nào".
Tiêm kích Su-35 Không quân Nga.
Thứ ba, F-16 Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm trắng trợn không phận Syria, nên về lý mà nói thì Su-35 Nga hoàn toàn có quyền bắn hạ và nếu có "ăn đạn" thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng khó cãi.
Trước đó không lâu, Su-35 Nga cũng đã bắn hạ 1 máy bay không người lái (có thể là UAV vũ trang) được cho là của Israel khi nó đang âm mưu tập kích hỏa lực vào một mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ miền Nam Syria.
S-400 bọc hậu, bảo vệ Su-35 và sẵn sàng khai hỏa phối hợp
Nhiệm vụ chính của các tổ hợp tên lửa S-400 Nga ở Syria là bảo vệ 2 căn cứ đầu não Khmeimim của Không quân và Tartous của hải quân, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào đe dọa sự an toàn của những địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng này.
Gần đây, tên lửa S-400 Nga ở Syria đã được lệnh bắn hạ bất cứ chiến đấu cơ "lạ" nào xâm phạm vùng trời Syria. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiệm vụ của phòng không Nga tại Syria đã được mở rộng hơn, lập vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Syria, bất kỳ mục tiêu nào xuất hiện đều bị bắn hạ, bất kể nó có đe dọa Khmeimim và Tartous hay không.
Các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và Pantsir-S1 Nga triển khai ở Syria.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác của S-400 cũng như những tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Tor-M2 và các tố hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 là bảo vệ không chỉ Su-35 mà còn tất cả các chiến đấu cơ khác (Su-24, Su-34, Su-30SM) của Không quân Nga hoạt động ở Syria.
Do vậy, một khi đối phương liều lĩnh phản đòn nhằm vào Su-35 thì sẽ bị S-400 "song kiếm hợp bích" tiêu diệt. Hiệu quả diệt mục tiêu của tên lửa S-400 theo một số tài liệu đạt tới hơn 0,95, tức là xác suất bắn hạ mục tiêu đối với mỗi phát bắn của tên lửa S-400 là 95%, do vậy, sẽ chả có phi công Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ nào dám thử một lần "đánh đu với tử thần".
Chính bộ đôi song sát S-400 và Su-35 Nga ở Syria đã khiến Israel và Thổ Nhĩ Kỳ khiếp sợ, không dám đối đầu trực tiếp. Các chiến đấu cơ của họ nhiều lần bị truy sát phải bỏ chạy, hủy bỏ nhiệm vụ.
Đó cũng là nguyên nhân chính khiến hơn 2 tháng qua, các chiến đấu cơ Israel đã không một lần tập kích vào khu vực xung quanh Damascus, Latakia và miền Nam Syria nơi có vành đai hỏa lực dày đặc của phòng không Nga.
Không làm ăn gì được ở khu vực này, các chiến đấu cơ Israel đã phải "đi đánh giậm" ở vùng trời xa xôi, tít tận cực đông Syria giáp biên giới với Iraq, nơi gần như bị phòng không Syria bỏ quên hoặc không đủ lực lượng để triển khai bảo vệ.