Thông tin bất ngờ
Theo những thông tin được công khai, "Keys to Heaven" là một trong những phần thi quan trọng tại Army Game-2016 đã chính thức diễn ra vào đầu tháng 8/2016 tại vùng Astrakhan của Nga.
Có thể xem "Keys to Heaven" là phần thi đặc biệt tại Army Game năm nay khi nó chỉ dành riêng cho các quốc gia có sỡ hữu tổ hợp tên lửa phòng không S-300.
Theo kịch bản, các đội tham gia "Keys to Heaven" sẽ phải trình diễn khả năng triển khai tổ hợp tên lửa phòng không S-300 tại thao trường ở Astrakhan. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu như quốc gia của họ đang sở hữu hay ít nhất là từng sở hữu tổ hợp phòng không này.
"Keys to Heaven 2016" có sự tham gia của bốn quốc gia gồm Nga, Kazakhstan, Belarus và Trung Quốc, các nước này đều đang sở hữu S-300 với nhiều biến thể khác nhau.
Trong giai đoạn đầu của "Keys to Heaven", các đội thi sẽ tranh tài khả năng triển khai và thu hồi các tổ hợp phòng không S-300 trong thời gian quy định, cùng với đó phần thi hành quân cơ động.
Mọi tình huống trong các phần thi đều được xây dựng dựa trên điều kiện tác chiến thực tế.
Giai đoạn cuối của phần thi này sẽ diễn ra vào ngày 7/8, khán giả theo dõi "Keys to Heaven" sẽ được chứng kiến các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 tác chiến cùng tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S với các mục tiêu giả định là những chiếc Su-25 và Su-24 của Không quân Nga và có bắn đạn thật.
Việt Nam huấn luyện với S-300
Ngoài việc có thể tham gia thi đấu với S-300 trong tương lai, theo Phó Tư lệnh binh chủng biệt động dù của Nga, trung tướng Andrei Kholzakov tiết lộ rằng, hai nước châu Á là Việt Nam và Pakistan đã bày tỏ mong muốn tham gia cuộc thi quốc tế Đội biệt động dù 2016, trong khuôn khổ các cuộc thi đấu được tổ chức ở Nga.
Cuộc thi Đội biệt động dù sẽ được tổ chức trong khuôn khổ các trận thi đấu tiền giải đấu quân sự quốc tế (Army Intenational Games 2016) tại trường bắn quân đội ở gần thị trấn Rajewski, trực thuộc thành phố Novorossisk ở tây nam nước Nga, từ ngày 30/7 đến 10/8 năm nay.
"Việt Nam và Pakistan đã tỏ rõ sự quan tâm về cuộc thi đầy hấp dẫn này và đã lên tiếng muốn được tham gia" - tướng Kholzakov nói với báo giới và cho biết thêm rằng các cuộc thảo luận về nội dung và các loại trang bị đang được tiến hành với hai nước này.
Vì sao Việt Nam không tham dự "Tank biathlon"
Hiện phía Việt Nam vẫn không có thông tin chính thức nào về các cuộc thi này nhưng trong Giải thi đấu quân sự quốc tế Army Intenational Games 2014, Việt Nam đã từng có ý định tham dự cuộc thi đấu ở hạng mục xe tăng (Tank biathlon 2014).
Vào cuối tháng 1/2014, thông tin từ Bộ quốc phòng Nga xác nhận đội tuyển xe tăng Việt Nam sẽ tham gia giải thi đấu xe tăng việt dã - chiến đấu quốc tế “Tank biathlon 2014”, được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 16/8, tại thao trường Alabino ở ngoại ô Moscow.
Ngày 30/01/2014, Cơ quan báo chí thuộc Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, đại diện của 20 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm về việc tham gia vào cuộc thi đấu tăng việt dã “Tank biathlon”, trong đó có cả các thành viên chủ chốt của NATO và kíp xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo Tướng Ivan Buvaltsev - Cục trưởng Cục huấn luyện chiến đấu thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga, có đại diện 14 quốc gia sẽ sử dụng những chiếc tăng Nga. Đó là các kíp xe tăng của Việt Nam, Armenia, Belarus, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan, Slovenia, Serbia, Israel, Mông Cổ, Ấn Độ, Angola, Venezuela và Nicaragua...
Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2014, khi giải đấu chuẩn bị được tổ chức thì giới chức lãnh đạo Bộ quốc phòng Nga thông báo chỉ có 12 quốc gia tham dự, bao gồm Nga, Angola, Armenia, Belarus, Venezuela, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Kuwait, Mông Cổ và Serbia.
Thông báo của Bộ quốc phòng Nga đồng nghĩa với việc đã có 8 đội đã bỏ không tham gia vào giải đấu xe tăng này, trong đó Việt Nam. Trước cuộc thi này, Bộ quốc phòng Nga đã ra thông báo: "Cuộc thi này không chỉ khảo nghiệm thiết kế, tính năng của xe tăng mỗi quốc gia, mà còn là dịp thể hiện trình độ cao của các kíp xe tăng chiến đấu các nước".
Hy vọng, tới đây quân đội ta sẽ cử đội tuyển tham dự một cuộc thi đấu quân sự tầm cỡ thế giới để một mặt nâng cao trình độ của các lực lượng vũ trang, mặt khác, góp phần đưa Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến bước trên con đường hội nhập quốc phòng thế giới.