S-300, S-400 Nga "tê liệt" trên toàn lãnh thổ Syria?
DEBKAfile - chuyên trang tin tức an ninh và tình báo của Israel dẫn các nguồn tin quân sự Nga giấu tên cho biết, các hệ thống tên lửa phòng không S-300, S-400 tiên tiến đang được Quân đội Nga triển khai tại căn cứ sân bay Khmeimim ở Syria đều không trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Nguồn tin của DEBKAfile cũng khẳng định, "không có bất cứ hệ thống S-400 đơn lẻ nào còn hoạt động ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Syria".
Cách đây 3 tháng, DEBKAfile cũng đã từng dẫn các nguồn tin quân sự nói rằng các đơn vị tên lửa S-400 được Nga triển khai tại căn cứ Masyaf, ở tỉnh Hama, Syria đều đã tắt hết các hệ thống radar cảnh giới và không có dấu hiệu cho thấy chúng đang hoạt động.
Theo các nguồn tin quân sự của DEBKAfile, các hệ thống S-400 của Nga ở Syria đều trong tình trạng "đắp chiếu". Ảnh: RT.
Mặc dù tuyên bố của DEBKAfile vẫn chưa được các bên liên quan xác nhận, thế nhưng khi thông tin này được tiết lộ đã nhanh chóng bị các nhà quan sát tình hình chiến sự Syria bác bỏ bởi những bằng chứng cho thấy hệ thống S-400 hay ít nhất một phần của nó ở Khmeimim vẫn "hoạt động bình thường".
Cơ sở cho nhận định trên chính là hình ảnh về chuyến thăm mới đây của các phóng viên phương Tây đến căn cứ Khmeimim. Trong đó nổi bật nhất là hình ảnh đài radar cảnh giới nhìn vòng 91N6, thành phần chiến đấu quan trọng của S-400, vẫn đang hoạt động.
Radar cảnh giới nhìn vòng 91N6 hoạt động ở căn cứ Khmeimim vào đầu tháng 10 vừa qua. Ảnh: AP.
Không chỉ có radar 91N6 mà nhiều khí tài phòng không khác ở Khmeimim như radar cảnh giới 48YA6-K1 "Podlet-K1", hệ thống radar trinh sát 1L122-1E "Harmon", các hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S, Tor cho đến khí cầu thám không vẫn đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Như vậy, về mặt tổng thể các hệ thống radar cảnh giới xung quanh Khmeimim vẫn hoạt động bình thường. Tất nhiên,điều này không có nghĩa rằng các hệ thống S-300 hay S-400 ở Khmeimim đang trong trạng thái chiến đấu, bởi các hệ thống radar cảnh giới vẫn có thể tác chiến độc lập.
Thông tin tối mật đâu dễ dàng bị tiết lộ đến thế!
Các hệ thống S-300, S-400 hoạt động như thế nào tại Syria chắc chắn thuộc dạng thông tin tối mật bởi nó liên quan đến khả năng phòng thủ của Quân đội Nga, không chỉ ở Khmeimim mà còn nhiều căn cứ khác.
Do vậy, khó có thể xảy ra việc thông tin về tình trạng chiến đấu của các tổ hợp phòng không này lại bị lộ lọt ra ngoài một cách dễ dàng đến thế!
Những câu hỏi hoài nghi về năng lực chiến đấu của S-300, S-400 tại chiến trường Syria đa phần xuất phát từ "sự im lặng" đến khó hiểu của chúng trong thời gian gần đây trước các cuộc không kích bằng tên lửa của Mỹ, Israel vào Quân đội Syria (SAA) hoặc các lực lượng bán vũ trang thân Iran.
Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác dựa trên lợi ích của các bên liên quan tại Syria cho phép chúng ta phỏng đoán rằng, "sự im lặng" trên có thể xuất phát sự "thỏa hiệp" có chủ đích của Moscow. Điều này thể hiện rõ qua việc cả Mỹ và Israel đều thiết lập các đường dây liên lạc quân sự khẩn cấp với Nga ở Syria nhằm tránh các xung đột không đáng có.
Dù chưa từng khai hỏa nhưng các hệ thống S-300 và S-400 vẫn mang đến cho Quân đội Nga những lợi thế chiến lược không hề nhỏ trên chiến trường Syria. Ảnh: Sputnik.
Thông qua các kênh liên lạc khẩn cấp, Moscow hoặc chỉ huy lực lượng viễn chinh Nga ở Syria có thể xem xét đưa ra các quyết định hành động phù hợp theo đề xuất của Mỹ hoặc Israel, trong đó có cả việc "làm ngơ" cho các cuộc không kích hay hoạt động quân sự bí mật bên trong lãnh thổ Syria.
Cũng cần phải lưu ý rằng, trong suốt 4 năm tham chiến tại Syria, các hệ thống S-300 và S-400 đã gần như phải hoạt động liên tục để đối phó với các mối đe dọa từ trên không, nhất là sau sự kiện tiêm kích-bom Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào tháng 11/2015. Việc phải hoạt động liên tục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tác chiến của khí tài.
Với cường độ chiến trường ở Syria hiện tại, các căn cứ của Nga gần như không còn bị đe dọa bởi các cuộc không kích tầm xa nữa. Vì vậy, rất có thể đây là cơ hội tốt để Nga tập trung sửa chữa, đại tu hoặc thay thế các hệ thống phòng không hiện có ở Syria. Còn để đối phó các mục tiêu tầm thấp họ hoàn toàn có thể sử dụng các tổ hợp như Pantsir-S hay Tor.
Hơn nữa, nếu thực sự phát sinh tình huống khẩn cấp, Quân đội Nga chỉ cần mất vài giờ để đưa S-300, S-400 vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất với cơ sở hậu cần hiện có ở Syria.
Thông tin S-300 hay S-400 tại căn cứ Khmeimim đều không trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu như DEBKAfile đưa ra cũng có thể chỉ chính xác trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Đây không phải là cơ sở để đánh giá các hệ thống phòng không này có hoạt động hiệu quả thực sự hay không.
Trong khi đó, các hệ thống radar cảnh giới "xương sống" trong hệ thống phòng không đa tầng của Nga ở Syria vẫn hoạt động rất hiệu quả khi đưa ra các cảnh báo sớm và chính xác về các mối đe dọa từ trên không thời gian gần đây.
Có lẽ, các hệ thống radar cảnh giới mới là lực lượng "vất vả" nhất khi Quân đội Nga tham chiến ở Syria, bởi chúng đã phải hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt 4 năm qua. Điều này một phần cũng xuất phát từ năng lực phòng không yếu kém của SAA nên trọng trách bảo vệ không phận Syria từ lâu đã được Damascus giao phó hết cho người Nga.
Quân đội Nga thử nghiệm các hệ thống tên lửa phòng không S-400 mới